TÁC HẠI CỦA MA TÚY DẠNG ĐÊ MÊ (THUỐC PHIỆN – MORPHIN – HEROIN)

17 April, 2019

TÁC HẠI CỦA MA TÚY DẠNG ĐÊ MÊ (THUỐC PHIỆN - MORPHIN - HEROIN)

Bác sĩ Chuyên khoa II - Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Tuấn


I. ĐẶC ĐIỂM DƯỢC LÝ:

1. TÁC ĐỘNG CỦA CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN LÊN NÃO:

  • - Morphine khi vào cơ thể liên kết với proteine huyết tương với tỉ lệ khoảng 30% và được chuyển hóa chủ yếu thành dẫn xuất glucoronocojugues, dẫn xuất này qua chu trình ruột gan.


  • - 6-glucoronide là một chất chuyển hóa mạnh hơn 50 lần so với morphine. Đáp ứng sinh học với đường tiêm dưới da, và chỉ bằng 30% so với đường tiêm tĩnh mạch. Thời gian bán hủy của morphine trong máu khoảng 2-6 giờ.


  • - Các dẫn xuất glucorono cojugues được đào thải chủ yêu qua nước tiểu, thải trừ qua phân dưới 10% (sau 24 giờ 90% morphine bài tiết ra ngoài), chỉ một lượng nhỏ morphine vào hệ thần kinh trung ương và đến các điểm tiếp nhận morphine ở não.


  • - Có nhiều điểm tiếp nhận morphine ở não (µ, ĸ, σ, δ) nhưng các điểm tiếp nhận µ là cơ sở chủ yếu, nằm rải rác ở não, tập trung nhiều nhất ở vừng dưới đồi, có một ít ở hệ thần kinh thực vật.


  • - Tại các điểm tiếm nhận µ có sẵn các peptide nội sinh (endorphine, enkephaline...), các peptide này tác động qua lại với morphine và dẫn truyền morphine qua hệ thần kinh đến các vùng khác nhau của cơ thể gây ra các tác dụng chuyên biệt như: giảm đau, giải lo âu, chống trầm cảm, ức chế hô hấp (giảm ho), tăng trương lực cơ tron dạ dày, ruột (chống tiêu chảy), đặc biệt gây cảm giác sảng khoái.


  • - Tuy nhiên chính cảm giác sảng khoái lợi bất cập hại này đã quyến rũ người sử dụng và sản sinh ra hiện tượng nghiện với ba trạng thái: dung nạp, lệ thuộc cơ thể, lệ thuộc tâm thần.


2. CƠ SỞ SINH HỌC CỦA TRẠNG THÁI DUNG NẠP

  • - Morphine tác động liên tục vào các điểm tiếp nhận µ sẽ ức chế hoạt động của các men adenylcyclase là men kích thích chất ATP (adenosin triphosphate) để sản xuất ra chất AMPc (adenosin monophosphate cyclique), một chất có vai trò thiết yếu trong sản sinh và dẫn truyền các xung động thần kinh, năng lượng cơ bản của hoạt động thần kinh và tâm thần.


  • - Do cơ thể không thể thiếu adenylcyclase được, nên để bù vào lượng adenylcyclase do morphine làm giảm, cơ thể phải liên tục tổng hợp adenylcyclase với nồng độ không ngừng tăng lên.


  • - Muốn làm giảm adenylcyclase để có được cảm giác sảng khoái như lần trước, lượng morphine đưa vào cơ thể lần sau phải cao hơn. Và cứ như thế, cơ thể người nghiện được tập dượt để dần dần dung nạp những liều morphine ngày càng tăng và tăng rất cao.


3. CƠ SỞ SINH HỌC CỦA TRẠNG THÁI LỆ THUỘC VỀ MẶT CƠ THỂ (HAY TRẠNG THÁI CAI):

  • - Trong khi người nghiện ngừng sử dụng các chất dạng thuốc phiện, cơ thể vẫn duy trì phương thức đáp ứng như khi có một lượng lớn chất dạng thuốc phiện đưa vào cơ thể hàng ngày, tức là vẫn liên tục tổng hợp một lượng lớn men adenylcyclase. Các chất morphine nội sinh (endorphine) được cơ thể sản xuất quá ít, không thể ức chế được lượng adenylcyclase quá lớn này.


  • - Do nồng độ AMP vòng trong cơ thể tăng vọt lên, kích thích mãnh liệt hệ thần kinh, gây triệu chứng cơ thể rất khó chịu, báo động gây gắt trạng thái thiếu hụt morphine và nhu cầu cần thiết phải đưa ngay morphine vào cơ thể. Người nghiện không thể cưỡng lại được, phải bằng mọi giá tìm cho kỳ được chất dạng thuốc phiện để đưa vào cơ thể.


4. CƠ SỞ SINH HỌC CỦA TRẠNG THÁI LỆ THUỘC VỀ MẶT TÂM THẦN (HAY THÈM CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN) TRƯỜNG DIỄN:

  • - Theo nhận định thống nhất của hội đồng các chuyên viên về lạm dụng chất của Tổ chức Y Tế thế giới thì sự lệ thuộc vào chất gây nghiện trước hết và chủ yếu là sự lệ thuộc về mặt tâm thần. Còn đối với sự lệ thuộc về mặt cơ thể (trạng thái cai) thì có bản năng sinh tồn, cơ thể phải tự điều chỉnh để sớm chấm dứt các triệu chứng cơ thể gay gắt, khó chịu đựng trong vòng từ 1-2 tuần (trung bình trong vòng 10 ngày).


  • - Tuy nhiên, mất hội chứng cai rồi, người nghiện chất dạng thuốc phiện vẫn tiếp tục nhớ và thèm cái cảm giác khoái và cảm giác bình thản do chất dạng thuốc phiện tạo ra. Đó là nguyên nhân làm cho gần như 100% người nghiện chất dạng thuốc phiện tái nghiện sau khi cắt cơn một thời gian ngắn hoặc nếu không được điều trị duy trì. Đây là một hiện tượng sinh học phức tạp, chưa được sáng tỏ hoàn toàn nên có nhiều cách giải thích khác nhau tùy theo quan điểm của từng học giả.


  • - Đa số các tác giả thừa nhận cảm giác sảng khoái và bình thản do chất dạng thuốc phiện gây ra là cơ sở sinh học của trạng thái thèm nhớ trường diễn chất ma túy. Và môi trường dễ có được chất dạng thuốc phiện nói riêng (và các chất gây nghiện nói chung) là nhân tố kích thích xung động tìm chất ma túy của người nghiện.


  • - Một số nhà điều trị theo liệu pháp tập tính cho rằng trong một thời gian dài, tất cả các phản ứng của não bộ đối với chất dạng thuốc phiện nói riêng (và ma túy nói chung) đã đưa vào hàng ngày, nhất là phản ứng của các điểm tiếp nhận tương ứng, đều được lưu dấu vết bền vững vào bộ nhớ não, hình thành một phản xạ có điều kiện, có cơ sở sinh học kiên cố không dễ dàng xóa được. Do vậy, những người đã cai chất dạng thuốc phiện nhiều năm khi gặp một kích thích có liên quan đến các khâu cung cấp và sử dụng chất dạng thuốc phiện (đi qua nơi bán và nơi tiêm chích trước kia,...), các dâu vết của phản xạ có điều kiện được hoạt hóa, nhớ và thèm chất dạng thuốc phiện trở nên mãnh liệt, từ đó xuất hiện xung động đi tìm chất dạng thuốc phiện và tái nghiện.


  • - Wikler (1972) giải thích sự lệ thuộc chất gây nghiện về mặt tâm thần theo lý thuyết phản xạ có điều kiện thực thi của Skinner nhấn mạnh vào luận điểm sau đây:

    • + Nghiện chất là một tập tính phức tạp, luôn tuân theo một qui luật về hiệu quả của Thorndike: "Mọi cơ thể sống đều nhạy cảm với hiệu quả của hành vi của mình". Một tập tính mang lại lợi ích về vật chất hay tâm thần hoặc mang lại cảm giác thích thú, dễ chịu thường được duy trì. Con chuột thí nghiệm của trường phái Skinner qua quá trình thăm dò và sửa chữa, luôn tránh cái bàn đạp gây cảm giác khó chịu và liên tục đạp vào bàn đạp gây thích thú hay đưa lại thức ăn.


  • + Tiêm heroin gây cảm giác sảng khoái. Wikler gọi đó là một chất kích thích tăng cường dương tính. Cắt heroin gây ra hội chứng cai là một kích thích tăng cường âm tính.


  • + Kích thích tăng cường dương tính và âm tính đều thúc đẩy người nghiện phải tiếp tục sử dụng chất dạng thuốc phiện. Đó là cơ sở phản xạ có điều kiện thực thi của nghiện chất, thèm nhớ và tái nghiện chất.


Theo luận điểm trên, trong liệu pháp tập tính, tác giả dùng phương pháp khử điều kiện để chữa nghiện heroin bằng các kỹ thuật tăng cường dương tính và âm tính (khen thưởng, gây ghét sợ).


Như vậy có thể nhận định nghiện chất dạng thuốc phiện là một trạng thái nghiễm độc chất dạng thuốc phiện mạn tính xuất hiện theo cơ chế phản xạ có điều kiện thực thi, trên một người có khuynh hướng lạm dụng chất. Và các phương pháp khử điều kiện của liệu pháp tập tính có thể đóng góp một phần vào kết quả điều trị trạng thái thèm và nhớ chất dạng thuốc phiện vô cùng dai dẳng này.


II. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG:

1. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG CỦA NHIỄM ĐỘC CẤP:

Chất dạng thuốc phiện (thuốc phiện, morphine, codeine, heroin...) có thể được sử dụng theo đường uống, hút, hít qua mũi, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Chất dạng thuốc phiện gây nghiện, gây khoái cảm nhất là khi sử dụng qua đường tiêm chích. Các triệu chứng kết hợp khác bao gồm: cảm giác người nóng lên, mạnh hơn ở các đầu chi, khô miệng, ngứa ngáy ở mặt (chủ yếu ở mũi), đỏ bừng mặt. Triệu chứng ban đầu biểu hiện bằng một giai đoạn yên dịu, ngủ gật.


Đối với những người sử dụng chất dạng thuốc phiện lần đầu hoặc thỉnh thoảng có thể có loạn khí sắc, buồn nôn và nôn.


Các biểu hiện cơ thể của chất dạng thuốc phiện bao gồm: suy hô hấp, co đồng tử, co các cơ trơn, vòng (co các cơ thắt), giảm huyết áp, giảm nhịp tim, giảm thân nhiệt. Biểu hiện suy hô hấp có ngay lập tức phụ thuộc vào mức độ ở não và phụ thuộc vào mức tương tác thuốc với phenothiazine và các thuốc MAOI (Monoamine oxidase inhibitor).


Các biểu hiện tâm thần: gây lơ ngơ, khoái cảm, ngây ngất, giảm đau, nó còn có tác dụng như một chất giải lo âu mạnh và chống trầm cảm. Điều này lý giải phần nào tính chất đồng bệnh lý giữa rối loạn lo âu và rồi loạn trầm cảm với lạm dụng chất dạng thuốc phiện.


Đặc biệt, để đạt được hiệu quả như trước người bệnh phải tăng liều sử dụng.


2. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG CỦA NHIỄM ĐỘC MÃN TÍNH CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN:

Nghiện chất dạng thuốc phiện thực chất là một trạng thái nhiễm độc mạn tính chất dạng thuốc phiện. Các trạng thái cơ bản của nghiện chất dạng thuốc phiện (dung nạp, lệ thuộc cơ thể, lệ thuộc tâm thần) đã được trình bày chi tiết ở chương I và II. Ở đây xin trình bày thêm những rối loạn cơ thể đi kèm theo trạng thái nhiễm độc mạn tính này:

  • - Các rối loạn tiêu hóa: chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón xen kẽ với đi rửa.

  • - Các rối loạn tiết niệu: đái khó, đái rắt.

  • - Các rối loạn thần kinh: nhức đầu, chóng mặt, run, giật cơ, dị cảm.

  • - Nhiễm khuẩn các loại: ghẻ lở, áp-xe, loét tĩnh mạch, viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng máu, viêm gan B, C, đặc biệt là lây nhiễm HIV do sử dụng chung bơm kim tiêm.


3. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA TRẠNG THÁI CAI HEROIN:

  • - Giai đoạn đầu (6-8 giờ sau lần tiêm heroin cuối cùng): người bệnh bắt đầu ngáp, vã mồ hôi, chảy nước mắt, chảy nước mũi và lo lắng cao độ. Người bệnh cảm thấy thèm heroin, xuất hiện xung động tìm heroin mỗi lúc một tăng. Tiếp đến giãn đồng tử, nổi da gà, trong người cảm thấy lúc nóng, lúc lạnh, co thắt cơ, run, mất ngủ hay giấc ngủ không yên, luôn thức giấc.

  • - Giai đoạn tiếp theo (18-24 giờ sau lần tiêm heroin cuối cùng): xuất hiện buồn nôn hay nôn, mạch huyết áp, nhịp thở đều tăng, có thể có sốt nhẹ.

  • - Sau từ 24-48 giờ: xuất hiện đi rửa và trạng thái mất nước, dị cảm mạnh.

  • - Sau 48-72 giờ: các triệu chứng ở các giai đoạn nói trên tăng đến đỉnh điểm sau đó giảm dần.

  • - Sau 7-10 ngày: mặc dù không điều trị, các triệu chứng nêu trên cũng dần dần biến mất. Một số rối loạn chức năng nhẹ có thể còn tồn tại nhiều tháng ở một số trường hợp.


4. CÁC TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN:

Thường gặp là ngủ gà, lú lẫn, nôn, buồn bôn, táo bón. Cũng có thể thấy yên dịu, trạng thái kích thích, ác mộng (đặc biệt ở người già có thể có ảo giác), suy hô hấp, tăng áp lực nội sọ, bí tiểu nhất là khi bị u xơ tuyến tiền liệt.


Có mối liên quan chặt chẽ giữa các rối loạn liên quan tới lạm dụng chất dạng thuốc phiện với sử dụng chung bơm kim tiêm gây lây truyền viêm gan B, C và HIV/AIDS và đặc biệt là tương tác với thuốc meperidine và các thuốc MAOIs, điều này có thể gây ra rối loạn nặng hệ thần kinh thức vật, kích động, hôn mê, co giật và tử vong.


Phản ứng dị ứng với các chất dạng thuộc phiện cũng có thể xảy ra sốc phản vệ, phù phổi cấp, và tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và thích hợp.


5. QUÁ LIỀU:

Tử vong do sử dụng quá liều các chất dạng thuốc phiện thường gặp là do tác dụng gây ngừng thở của các chất dạng thuốc phiện. Triệu chứng quá liều bao gồm: thờ ơ, hôn mê, thở chậm, giảm thân nhiệt, giảm mạch, giảm huyết áp. Khi có biểu hiện bộ ba triệu chứng hôn mê, co đồng tử, suy hô hấp, thầy thuốc cần phải nghĩ ngay lập tức tới quá liều chất dạng thuốc phiện. Thầy thuốc phải khám tìm dâu vết tiêm chích ở mọi chỗ trên cơ thể mà bệnh nhân có thể tiêm chích kể cả tĩnh mạch dương vật.


Xử trí khi có biểu hiện quá liều:

  • - Tạo thông thoáng đường thở, duy trì các chỉ số sống bình thường.

  • - Tiêm tĩnh mạch Naloxone 0,4 mg, liều này có thể lặp lại 4-5 lần trong 30-45 phút đầu tiên. Bệnh nhân có thể tỉnh trở lại nhưng vì thời gian bán hủy của naloxone ngắn nên bệnh nhân có thể lại quay lại tình trạng ban đầu trong 4-5 giờ, nên cần theo dõi chặt chẽ. Con cơ giật có thể gây ra quá liều meperidine và có thể dự phòng bằng naloxone. Cần thận trọng khi chỉ định naloxone tránh gây ra hội chứng cai sau đó.


III. TÁC HẠI:

Chất dạng thuốc phiên nói chung và heroin nói riêng là một loại gây nghiện mạnh, gây dung nạp nhanh và mạnh, gây lệ thuộc cơ thể cũng như lệ thuộc tâm thần, gây nhiễm độc cấp và mạn. Việc điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn do tỉ lệ tái nghiện cao.

Do các đặc tính vừa nêu trên, người nghiện lúc đầu chủ hút, hít heroin mỗi ngày 1 lần nhưng càng về sau liều lượng ngày càng tăng cao, số lần sử dụng cũng phải tăng thêm. Rồi chuyển sang chích mới có thể đạt được hiệu quả như ban đầu. Vài giờ sau khi sử dụng ngươi nghiện thấy thoải mái dễ chịu và tiếp sau đó lại cảm thấy thiếu thuốc, thèm thuốc và lại đi tìm heroin. Sau khoảng 6-8 giờ nếu không có heroin các triệu chứng cơ thể của hội chứng cai bắt đầu xuất hiện buộc người nghiện bằng mọi giá phải tìm cho kỳ được heroin. Cứ vậy người nghiện không còn thời gian để làm việc khác. Tác hại của nghiện heroin được thể hiện trên nhiều mặt: sức khỏe, công việc, kinh tế, gia đình, xã hội.


1. VỀ SỨC KHỎE:

Người nghiện chán ăn dẫn đến gầy sút, sợ lạnh nên lười vệ sinh thân thể, dễ bị các bệnh da liễu, bệnh lao, các bệnh nhiễm khuẩn do tiêm chích không vô trùng (viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng máu...). Luôn có nguy cơ bị sốc thuốc do tiêm thuốc nhanh và quá liều nhằm tìm lại khoái cảm như trước. Đặc biệt dùng chung bơm kim tiêm và tình dục không an toàn dễ bị lây truyền các bệnh hoa liễu, viêm gan B, C và HIV/AIDS.


Theo nghiên cứu của chúng tôi, ở nhóm bệnh nhân tham gia điều trị thay thế bằng methadone (1997-2002), tỉ lệ viêm gian B và C trước khi vào điều trị là 41,17% (trên 68 bệnh nhân) và ở nhóm bệnh nhân tham gia điều trị duy trì bằng Naltrexone (2003-2007), tỉ lệ viêm gian B và C là 66,19% (trên 482 bệnh nhân).


Về mặt tâm thần nghiện heroin thường gây biến đổi nhân cách theo hướng xấu do ảnh hường của nhóm bạn nghiện: thiếu kiềm chế cảm xúc, thường xuyên xung đột với gia đình, lừa dối mọi người, không quan tâm tới con cái, từ bỏ mọi ham muốn sở thích trước kia, thiếu tinh thần trách nhiệm, thường xuyên ở trong tình trạng nhiễm độc heroin (tâm thần lơ mơ, đi loạng choạng, dễ bị tai nạn hoặc gây tai nạn cho người khác). Ngoài ra còn có thể có các rối loạn tâm thần khác như lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác...


2. VỀ CÔNG VIỆC:

Do phần lớn thời gian dành cho việc tìm kiếm và sử dụng heroin nhằm giải quyết tình trạng đói thuốc, người nghiện luôn chểnh mảng, không tập trung vào công việc và học tập, không tuân thủ giờ giấc, nội qui nên dẫn đến mất việc hoặc phải bỏ học. Nghiên cứu của chúng tôi trên nhóm bệnh nhân được điều trị duy trì bằng methadone (68 bệnh nhân) cho thấy: trước nghiện 78,4% có nghề nghiệp hoặc đi học nhưng bị nghiện, 72,5% không nghề nghiệp hoặc bỏ học. Ở nhóm naltrexone (482 bệnh nhân) trước nghiện 55,81% có nghề nghiệp hoặc đi học, nhưng khi bị nghiện 58,71% không nghề nghiệp hoặc bỏ học. Điều này chứng tỏ rằng có ít nhiều khả năng vì không có việc làm, giao du với bạn xấu rồi dẫn tới nghiện ma túy. Nhưng chắc chắn nghiện ma túy tất yếu sẽ dẫn tới mất việc làm.


3. VỀ KINH TẾ:

Số tiền người nghiện phải chi cho heroin ngày càng nhiều do phải tăng liều và tăng số lần sử dụng trong khi thu nhập từ lao động ngày càng giảm, thậm chí không kiếm ra tiền. Chính sự mâu thuẫn này đã dẫn tới chỗ lừa dối mọi người để có tiền tiêu cho heroin. Tiếp theo đó là bán đồ đạc cá nhân rồi đồ đạc của gia đình. Khi không còn gì để bán nữa thì ăn cắp, ăn trôm ngoài xã hội, cướp giật, giết người, mại dâm, buôn bán ma túy... Cũng theo nghiên cứu của chúng tôi ở 68 bệnh nhân trước điều trị methadone phải chi trung bình 300.000 đồng/ngày cho ma túy so với mức lương tối thiểu vào thời điểm đó là 180.000 đồng/ tháng


4. VỀ GIA ĐÌNH:

Người nghiện thường xuyên nói dối, thức đêm, ngủ ngày, ăn kém, không tôn trọng giờ giấc sinh hoạt trong gia đình, luôn đi đêm về hôm, thay đổi thái độ với người trong gia đình, không hoàn thành trách nhiệm của mình với các thành viên khác trong gia đình. Kết quả một mẫu nghiên cứu của chúng tối trên 68 bệnh nhân: theo báo cáo của gia đình có tới 89% bệnh nhân có hành vi vi phạm trong gia đình ở các mức độ khác nhau như từ nói dối để có tiền, bán đồ dùng cá nhân, lấy tiền của gia đình, bán đồ dùng của gia đình tới cưỡng ép người thân để có tiền mua ma túy. Ở một mẫu nghiên cứu khác trên 482 bệnh nhân, theo báo cáo của gia đình có tới 84,65% bệnh nhân vi phạm ở các mức dộ như đã nói ở trên.


5. VỀ XÃ HỘI:

Một số người nghiện bắt đầu buôn bán chất gây nghiện để có tiền mua heroin. Số khác có thể lao vào từ mại dâm, ăn trộm, ăn cắp, đến tham gia các băng nhóm tội phạm, cướp giật, giết người. Một số người nghiện thuộc gia đình có tài sản, đầu tiên bán đồ dùng, rồi lừa dối người nhân để có tiền, rồi lấy trộm tiền của gia đình, bán đồ đạc của gia đình. Số khác được thừa kế tài sản lớn cũng dần bán đi hết để chi cho heroin và kết cục là sống ngoài lề xã hội.


Theo báo cáo của cục AIDS Bộ Y Tế (2010) hiện cả nước có trên 200.000 người nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ kiểm soát, trong đó trên 60% liên quan tới tiêm chích chất gây nghiện. Đây là con số hết sức báo động, nó không chỉ có vấn đề tội phạm mà còn có nguy cơ bùng phát đại dịch HIV/AIDS ra toàn xã hội.


Những thiệt hại do người nghiện gây ra cho xã hội bao gồm nhiều mặt:

  • - Về kinh tế: giảm sút nguồn lực lao động, gây phí tổn to lớn trong công tác cai nghiện và chống tái nghiện cũng như công tác dự phòng.

  • - Về trật tự an toàn xã hội: bi đe dọa do các hành vi tội phạm rất đa dạng (buôn bán chất gây nghiện, lừa đảo, cướp giật, băng nhóm xã hội đen...).

  • - Về mặt văn hóa: hủy hoại nếp sống lành mạnh trong các gia đình và trong cộng đồng.


Một thí dụ để minh họa: thời gian qua thành phố Hồ Chí Minh đã đưa đi điều trị tập trung khoảng 25.000 người nghiện với thời hạn 5 năm. Vấn đề này có nhiều lý do khác nhau nhưng lý do bức xúc nhất có thể là vấn đề tội phạm liên quan tới sử dụng chất gây nghiện đã ảnh hưởng lớn tới trật tự an toàn của thành phố cũng như tới đầu tư nước ngoài vào thành phố.