CAI NGHIỆN MA TÚY – CÔNG VIỆC NHÂN ĐẠO NHỌC NHẰN

29 May, 2020

CAI NGHIỆN MA TÚY - CÔNG VIỆC

NHÂN ĐẠO NHỌC NHẰN

 

TRẦN VIỆT TRUNG

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Trợ giúp

cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS

           

      Những năm gần đây, tệ nạn ma tuý đã và đang gây ra những nguy hại và hiểm họa không chỉ đối với một số quốc gia mà đó mang tính toàn cầu. Phòng, chống ma tuý đó trở thành trách nhiệm và công việc của Cộng đồng Quốc tế và của từng quốc gia vì lợi ích chung của cả nhân loại cũng như của mỗi dân tộc.
Trong cuộc đấu tranh với loại tệ nạn nguy hiểm này, giảm cung và giảm cầu là hai trận tuyến hết sức quan trọng, cùng quyết liệt, phức tạp và cam go mà mỗi thành công, kết quả ở đây dù là nhỏ bé cũng phải mất rất nhiều công sức, mồ hôi, thậm chí cả máu đổ của những người làm trực tiếp trong lĩnh vực công tác này
. Trong đó, cai nghiện cho những người nghiện ma tuý là công việc mang tính nhân đạo, nhân văn nhưng cũng hết sức nhọc nhằn.


I.  SỰ NGỘ NHẬN NGUY HIỂM


      Cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực, sự gia tăng chúng mặt tệ nghiện ma tuý ở nước ta đã trở thành niềm lo lắng của nhiều gia đình, phường, xã và hơn nữa còn là nỗi nhức nhối hàng ngày của toàn dân, toàn xã hội. Ma tuý như cơn dịch hạch đã lây lan, phát triển rất nhanh. Người nghiện ma tuý ở nước ta có nhiều lứa tuổi khác nhau, với các thành phần, trình độ và hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người trong số đó đi đến với con đường nghiện khác nhau nhưng phần lớn đều có chung một số phận: gia đình lục đục hoặc ly tán, hạnh phúc bị phá vỡ, kinh tế khuynh gia bại sảnbản thân người nghiện lâm vào bệnh tật, trong đó nhiều người đã mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Trong tổng số khoảng 171.000 người nghiện hiện nay có hồ sơ quản lý của cả nước, lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm từ 70 - 80%. Tỷ lệ cao trên đây do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh sự tò mò, tính hiếu thắng, thích khám phá và ưa tìm cảm giác mạnh cùng với sự đua đòi ăn chơi thái quá của lứa tuổi, một yếu tố không kém phần quan trọng là nhận thức và hiểu biết về ma túy, về tác hại và bản chất quá trình nghiện ma túy của nhiều người còn hạn chế, lệch lạc. Không ít người nghiện do suy nghĩ giản đơn là thử cho biết và như vậy mới là ăn chơi “sành điệu”.

Một số khác lại lấy ma tuý làm “cứu cánh” để giúp họ xoa dịu hoặc quên lãng những đau đớn về tinh thần, tình cảm khi có va vấp, khủng hoảng, hụt hẫng hoặc gặp thất bại nào đó trong cuộc sống. Họ đâu biết như vậy là họ đã “gửi trứng cho ác” và càng không hiểu rằng với ma túy, làm quen sử dụng thì dễ nhưng từ bỏ nó thì cực kỳ khó khăn.


II. GIẢI PHÁP NÀO CHO NGƯỜI NGHIỆN?



      Luật pháp của các nước trên thế giới xử lý người nghiện ma túy theo nhiều cách khác nhau. Một số nước coi người nghiện là tội phạm và nếu bị bắt (khi đang sử dụng hoặc mang trên người ma túy) sẽ bị đưa ra toà xét xử tù giam hoặc đưa vào các trung tâm cai nghiện và cưỡng bức lao động. Một số nước khác khuyến khích người nghiện nhẹ cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm của nhà nước và cơ sở của tư nhân, tổ chức phi chính phủ hoặc tổ chức tôn giáo; nếu phát hiện người nghiện nặng sẽ cưỡng chế cai tập trung từ 2 đến 3 năm và khi về cộng đồng bị giám sát, quản thúc 3 năm tiếp theo.

Với Việt Nam, chúng ta coi đa số người nghiện là lầm lỡ, sa ngã và họ là những nạn nhân đáng thương cần được xã hội cứu vớt khỏi con đường lầm lạc. Theo quan điểm của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 (được Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XII thông qua) có thể coi người nghiện ma tuý là người bệnh, đồng thời cũng là người có hành vi vi phạm pháp luật.

Vì vậy, trước hết cần động viên, khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai với các hình thức cai tự nguyện khác nhau. Khi họ đi cai tự nguyện, luật pháp không coi họ là đối tượng bị xử lý hành chính. Nếu họ không tự nguyện, cần áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính cai bắt buộc tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Chúng ta đang có hướng sẽ thay các quyết định bắt buộc đi cai của cơ quan chính quyền bằng phán quyết của Tòa án dân sự như một số nước trên thế giới đang áp dụng.



      Trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý có một chương riêng (Chương IV) về công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy với các hình thức và biện pháp đa dạng, phong phú. Các chính sách và nguyên tắc áp dụng việc cai nghiện đối với người nghiện ma tuý được thể hiện rõ trong Luật: khuyến khích người nghiện ma tuý cai nghiện tự nguyện, đồng thời Nhà nước tổ chức các cơ sở cai nghiện bắt buộc và áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với những ngư­ời không tự nguyện cai nghiện; Cai nghiện có thể tại gia đình, tại cộng đồng, tại các cơ sở tập trung của nhà nước hoặc của tư nhân; Hỗ trợ việc cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện; Đa dạng hóa và xã hội hóa các hình thức cai nghiện…

Cai nghiện phục hồi cho những người nghiện ma túy trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống tệ nạn ma túy không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà còn lâu dài trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước từng thời kỳ.
Chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người nghiện là tuyên truyền, giáo dục và động viên, khuyến khích họ đi cai nghiện đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người nghiện được học tập, rèn luyện, tham gia vào hoạt động lao động sản xuất, được hướng nghiệp dạy nghề, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao để từng bước giúp họ thoát khỏi bàn tay ác độc của ma túy. Đó là chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nư­ớc ta đối với người nghiện ma tuý.

Người nghiện như đứng chênh vênh giữa khoảng tối và sáng, rất dễ từng bước đi chệch sâu từ con đường lương thiện sang tội lỗi. Họ đang rất cần những bàn tay nhân ái, rộng lượng của cả cộng đồng và xã hội giúp đỡ. Đương nhiên luật pháp cũng sẽ xử lý nghiêm khắc với những kẻ cố tình tái phạm, không chịu học tập, rèn luyện để tiến bộ.



III.    MỘT QUÁ TRÌNH ĐỒNG BỘ VÀ TỔNG HỢP:



      Nghiện ma túy là một loại “bệnh” đặc biệt bởi vì người nghiện đồng thời bị lệ thuộc cả về sinh lý, tâm lý và cơ thể vào ma túy. Mặt khác cũng vì ma túy và do ma túy mà người nghiện có những sai lệch về nhận thức, hành vi và nhân cách. Theo quan điểm khoa học, người nghiện ma tuý cần được xem xét dưới 3 góc độ: là người bệnh (bị một loại bệnh tác động cả về sinh lý và tâm lý do sử dụng ma tuý), người có hành vi vi phạm pháp luật (do sử dụng trái phép chất ma tuý) đồng thời là người sa ngã vào tệ nạn xã hội (bị lệch lạc về nhân cách, hành vi).

Cai nghiện, phục hồi là đồng thời chữa trị cả 2 loại bệnh: xử lý sự ngộ độc mãn tính bằng các biện pháp y tế giải quyết những vấn đề về tâm lý, nhận thức, hành vi, nhân cách bằng các biện pháp giáo dục, tư vấn, tâm lý trị liệu và rèn luyện phục hồi sức khoẻ, năng lực lao động, sửa đổi hành vi và nhân cách. Tách rời các giải pháp đồng bộ nói trên hoặc chỉ nhấn mạnh, coi trọng một phía, hiệu quả công tác cai nghiện không cao, thậm chí thất bại.

Vì thế, cai nghiện ma tuý phải là một quy trình áp dụng tổng hợp các phương pháp, biện pháp đảm bảo xử lý đồng bộ cả 3 khía cạnh về y tế, pháp luật và xã hội nhằm phục hồi và trợ giúp cho người nghiện từ bỏ được ma tuý, rời bỏ con đường lầm lỗi trở lại thành người bình thường. Đó cũng là cơ sở để xác định quy trình, nội dung các hoạt động và thời gian cai nghiện ma tuý trong mỗi hình thức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện.

Cai nghiệngiải quyết các vấn đề sau cai nghiệnmột quy trình đồng bộ, chặt chẽliên tục với các hoạt động đa dạng, tổng hợp được tiến hành tại trung tâm như cắt cơn giải độc, phục hồi sức khoẻ; giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách; tư vấn, tâm lý trị liệu; dạy nghề hướng nghiệp; tổ chức lao động sản xuất; sinh hoạt văn hóa, thể thao... Trong đó, giữ vai trò ý nghĩa quyết định kết quả công tác cai nghiện là khâu quản lý, giám sát, giúp đỡ người nghiện sau cai lâu dài tại cộng đồng.

Đây là giai đoạn có nhiều khó khăn phức tạp vì người nghiện vừa đi cai tập trung với thời gian 1-2 năm vẫn còn nhiều khả năng tái nghiện. Nếu người đã cai không tiếp tục rèn luyện, quyết tâm và thiếu sự hỗ trợ, quản lý, giám sát của gia đình, cộng đồng thì thành quả công tác cai nghiện khó bền vững. Mặt khác, người nghiện đã cai tái hoà nhập cộng đồng nhưng bị bỏ rơi, buông lỏng hoặc bị hắt hủi thì rất dễ bị lôi kéo trở lại với ma túy và điều nguy hại hơn là khi tái nghiện, mức độ nghiện của họ thường nặng hơn.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 đã bổ sung một bước trong quy trình cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma tuý là quy định thêm hoạt động quản lý sau cai nghiện đối với những người bị cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm cai nghiện mà có nguy cơ tái nghiện cao sau khi hoàn thành thời gian cai quy định với 2 hình thức: quản lý tại nơi cư trú và quản lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện. Đây là công đoạn mới của quy trình cai nghiện nhưng có ý nghĩa và tầm quan trọng, thậm chí là quyết định sự thành công hoặc thất bại của công tác này trong thực tế.



IV. NHỮNG NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH CÔNG:


      Thực tế đã chỉ rõ, nơi nào các cấp uỷ Đảng, Chính quyền nhận thức đúng tình hình, thấy rõ trách nhiệm trước dân, thực sự vào cuộc, có những nghị quyết, chương trình mục tiêu và các giải pháp cụ thể, động viên toàn dân tham gia tích cực phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hoạt động của các cơ quan chức năng, các đoàn thể, cộng đồng dân cư thì nơi đó triển khai công tác cai nghiện vững chắcđạt kết quả rõ rệt.

Mặt khác, công tác cai nghiện phục hồi chỉ mang lại hiệu quả cao khi áp dụng đầy đủ, nghiêm ngặt qui trình cai nghiện, phục hồi đi đôi với lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, địa bàn. Đồng thời tăng cường và mở rộng công tác xã hội hoá và đa dạng hoá lĩnh vực công tác này, huy động cao độ nguồn lực từ xã hội nói chung, mỗi gia đình nói riêng và rộng hơn là sức mạnh tổng hợp từ hệ thống chính trị của xã hội ta.



     Song song với công tác giảm cầu phải kết hợp đồng bộ, chặt chẽ với các hoạt động giảm cung làm trong sạch môi trường; truy quét, triệt phá mạnh các ổ nhóm, tổ chức buôn bán ma túy, đặc biệt là mạng lưới bán lẻ ma túy ở những địa bàn trọng điểm phức tạp; tích cực xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội, trong đó trọng tâm là tệ nạn ma túy. Đồng thời quan tâm giúp đỡ, tìm kiếm việc làm ổn định cho người nghiện sau cai khi tái hoà nhập cộng đồng, xoá bỏ sự phân biệt đối xử với người đã cai nghiện để họ vui vẻ, quyết tâm làm lại cuộc đời, đoạn tuyệt với ma túy.


      Cai nghiện ma túy là công việc nhân đạo, nhân văn nhưng hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi lòng từ tâm, nhân ái và tính kiên trì, bền bỉ của những người làm công tác phòng, chống ma túy nói chung, trực tiếp làm công tác cai nghiện phục hồi nói riêng. Trong lĩnh vực công tác này, mọi việc làm, đóng góp to nhỏ của mỗi người đều có ý nghĩa cao đẹp bởi vì như một phương châm của đạo Phật ở Phương Đông chúng ta vẫn khuyên nhủ mọi người là:"Cứu được một người, phúc đẳng hà sa".