CÁC TRIỆU CHỨNG VÀ HỘI CHỨNG TÂM THẦN THƯỜNG GẶP TRÊN NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY

11 August, 2022

CÁC TRIỆU CHỨNG VÀ HỘI CHỨNG TÂM THẦN THƯỜNG GẶP TRÊN NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY


A. Rối loạn về cảm giác và tri giác
Là tăng tính thụ cảm với những kích thích bên ngoài mà trong trạng thái bình thường, ta không nhận thấy. Ánh sáng bình thường hàng ngày cũng làm cho người bệnh chóa mắt, màu sắc sự vật trở nên rực rỡ, tiếng đập cửa nghe như tiếng súng nổ, các mùi trử nên nồng nặc...Triệu chứng này hay gặp trong các bệnh loạn tâm thần cấp tính, trong trạng thái mỏi mệt...

1. Giảm cảm giác: (Hypoesthesia)
Trái với tăng cảm giác, giảm cảm giác biểu hiện ở chỗ giảm độ thụ cảm với các kích thích bên ngoài. Người bệnh tiếp thu mọi sự vật một cách lờ mờ, không rõ rệt, xa xẫm. Ví dụ: mọi tiếng động nghe như ở xa xôi, tiếng nói người xung quanh không nhận ra của ai, thức ăn cảm thấy nhạt nhẽo. Thường gặp trong trạng thái trầm cảm.

2. Ảo tưởng
Là tri giác sai lầm về các đối tượng có thật trong thực tế khách quan.
2.1 Phân loại ảo tưởng theo giác quan.
   2.1.1 Ảo tưởng thị giác. Ví dụ:  nhìn dây thừng tưởng con rắn, nhìn bụi cây tưởng người ngồi
   2.1.2 Ảo tưởng thính giác. Ví dụ: Nghe tiếng nước róc rách cho là tiếng người nói, nghe tiếng ồn ào ngoài phố cho là tiếng bàn tán kết án mình.
   2.1.3 Ảo tưởng về khứu giác, cảm xúc và vị giác...
2.2. Phân loại ảo tưởng theo bệnh lý
  • Ảo tưởng cảm xúc (affective lllusion) tức là ảo tưởng xuất hiện trong các trạng thái cảm xúc bệnh lý: lo âu, sợ hãi, trầm cảm, hưng cảm.
  • Hoang tưởng:  Người bệnh không nghe rõ mà hay suy đoán câu chuyện qua thái độ người xung quanh hay nghe rõ ràng câu nói nhưng tìm một ý nghĩa câu nói đó theo nội dung hoang tưởng của mình.
  • Ảo tưởng kỳ lạ
3. Ảo giác (Hallucination) Là trí giác như có thật về một sự vật, một hiện tượng không hề có trong thực tế khách quan. Ảo giác xuất hiện và mất đi không phụ thuộc theo ý muốn của người bệnh. Ảo giác có thể kèm theo rối loạn ý thức như mê sảng hoặc kèm theo rối loạn tư duy như hoang tưởng.
3.1 Các ảo giác thật
   3.1.1 Ảo thanh:
Ảo thanh gồm các loại ảo thanh thô sơ (achoasme) như nghe tiếng chuông, tiếng còi, tiếng máy nổ, tiếng súng... và ảo thanh rõ rệt (phoneme) tức là nghe tiếng nói, tiếng chuyện trò, tiếng nói có thể to hay nhỏ hoặc bình thường, có thể từ xa vang lại hay ở gần từ trên xuống, từ dưới lên, từ hai bên lại... Nội dung của ảo thanh có thể là chế nhạo, cảnh cáo, đe dọa, báo trước một điểm chẳng lành hay phê bình, chửi rủa... Tiếng nói có thể là của một hay nhiều người, đàn ông hay đàn bà, trẻ em hay người già, xa lạ hay quen thuộc. Tiếng nói có thể là nói một mình (monologue) hay là nói với người bệnh (dialogue). Có loại ảo thanh bình phẩm, loại ảo thanh mệnh lệnh (ra lệnh cho người bệnh lao vào ôtô, nhảy xuống ao, đi trốn, đi tìm...) Ảo thanh có thể xảy ra liên tục hoặc từng thời gian. Ảo thanh ảnh hưởng đến cả xúc làm người bệnh lo lắng, buồn rầu, giận dữ, vui vẻ phấn khởi... Tùy nội dung ảo thanh mà người bệnh có thể phản ứng bằng cách bịt tai, lắng nghe, trả lời với ảo thanh, có hành vi chạy trốn, tự sát hay tấn công người  khác.
  3.1.2 Ảo thị:
Có thể là ảo thị câm hay ảo thị kèm theo tiếng nói, ảo thị có thể không có màu sắc hoặc màu sắc có thể tự  nhiên hay rực rỡ. Ảo thị có thể sinh động hay bất động, nội dung có thể thay đổi hoặc không thay đổi. Ảo thị có thể là hình ảnh đơn độc, một bộ phận cơ thể (1 con mắt, 1 cái tai...) một đám đông người, một bầy sâu bọ, một đàn thú dữ... và có thể ảo thị tự nhìn thấy mình (autoscopia). Nội dung của ảo thị  có thể làm người bệnh say mê, nhìn thấy ngắm một cách thích thú hoặc ngơ ngác, bàng hoàng, sợ hãi...
Ảo thị hay gặp trong các bệnh loạn tâm thần cấp như loạn tâm thần nhiễm trùng, nhiễm độc, sảng run, đôi khi trong tâm thần phân liệt, loạn thần kinh Hysteria...

3.2 Các ảo giác giả
Ảo giác giả có thể có đủ các loại như ảo giác thật, nhưng có đủ các đặc điểm nói trên.
3.2.1 Ảo thanh giả
Ảo thanh giả là loại thường gặp nhất trong các ảo giác giả. Người bệnh nghe tiếng nói trong đầu, không rõ là đàn ông hay đàn bà, của người lạ hay người quen. Người bệnh nghe như tư duy mình vang thành tiếng và từ đó cho là tư duy bị bóc lột hoặc bị đánh cắp... Có người bệnh sắp làm gì, nói gì, đọc gì, nghĩ gì thì tiếng nói bên trong đã nói lên trước.
3.2.2 Ảo giác vận động:
Người bệnh có cảm giác là những động tác nào đó không phải do ý muốn của mình mà do bị cưỡng bức, bị sự chi phối bên ngoài. Họ đang ngồi yên nhưng có cảm giác có ai làm tay chân mình vận động
3.2.3 Ảo giác giả vận động ngôn ngữ:
Do sự chi phối của bên ngoài buộc lưỡi người bệnh phải cử động và cơ quan phát âm cả họ phát ra những câu ngoài ý muốn của họ.
3.3 Ảo giác lúc giở thức, giở ngủ (hypnagogique hallucination)
Là những hình ảnh phát sinh không theo ý muốn, xuất hiện trước khi ngủ. Những hình ảnh này hết sức đa dạng:  những trang hoàng rực rỡ, những sinh vật kỳ quái, những phong cảnh...Vì những hình ảnh này thuộc loại này không giống các đối tượng thực tế nên chúng gần gũi với các ảo giác giả hơn.

3.4 Ảo giác chức năng (functional hallucination)
Chỉ xuất hiện khi có kích thích thực tế bên ngoài và tồn tại song song với kích thích đó cho đến khi nó hết tác động. Ví dụ: đồng thời với tiếng tàu điện, tiếng nước chảy, tiếng còi ôtô... người bệnh lại nghe những tiếng chửi rủa quát mắng, dặn dò... mà thực tế không có. Loại ảo thanh chức năng này sẽ mất đi khi những tiếng động thật ngừng lại. Điểm xuất phát của ảo thanh chức năng là điểm xuất phát của ảo thanh bên ngoài.
Loại ảo giác này phân biệt với ảo giác thật ở chỗ là chúng chỉ xuất hiện khi có tác nhân kích thích thực tế, và cũng khác ảo tưởng ở chỗ sự phản ánh đối tượng có thật trong ảo giác chức năng không hòa lẫn với các biểu tượng bệnh tật mà tồn tại song song với chúng trong tri giác.
  • Cảm giác biến hình (Metamorphopsia):
Là cảm giác sai lầm về độ lớn, hình dạng các vật, các khoảng cách trong không gian. Những vật chung quanh đối với người bệnh hình như thu nhỏ lại (trông hóa nhỏ- micropsia) hoặc ngược lại to ra, đôi khi có kích thước khổng lồ (trông hoá to- macropsia) dài ra, rộng ra...Rối loạn này thường kèm theo loạn cảm giác về khoảng cách  (porropsia). Khoảng cách dường như rút ngắn, mọi vật xích lại gần nhau, hoặc khoảng cách dài ra, vật cách xa nhau, đường phố như dài vô tận, ngôi nhà cao lên một cách khác thường...
Cảm giác biến hình khác với ảo giác vì ở đây chỉ là một sự phản ánh lệch lạc về các sự vật có thật trong thực tế, cũng khác với ảo tưởng vì bản chất của đối tượng không bị biến đổi hoàn toàn mà chỉ thay đổi ở một vài khía cạnh thuộc tính mà thôi.
  • Rối loạn sơ đồ thân thể (Trouble of body schema)
Là tri giác sai lầm về hình thể và kích thước của thân thể mình. Rối loạn này biểu hiện ở chỗ tự nhiên người bệnh có cảm giác đau khổ là thân thể mình lớn lên và dài ra, không nằm vừa giường, cao tới trần nhà hay ngược lại, bé nhỏ đi và ngắn lại. Người bệnh có thể cảm thấy mình nhẹ như bấc hoặc nặng như chì, đôi khi cảm thấy các chi xê dịch, tách rời ra khỏi cơ thể hoặc thân thể mình bị chia làm đôi.
Rối loạn sơ đồ thân thể thường xuất hiện cùng  với cảm giác biến hình. Có thể gặp trong loạn tâm thần do tổn thương thực thể não bộ, bệnh tâm thần phân liệt cũng như trong các bệnh tâm thần thực nghiệm.

B. Rối loạn cảm xúc
I. Khái niệm về cảm xúc:
Cảm xúc là một quá trình hoạt động tâm thần biểu hiện thái độ con người đối với các kích thích bên ngoài cũng như bên trong cơ thể, là thái độ của con người đối với sự diễn biến của thực tế của môi trường sống.
Cảm xúc gắn liền với các hoạt đồng tâm thần khác như tri giác, tư duy... Cảm xúc bắt nguồn từ các kích thích trên các giác quan. Ví dụ: trời nóng cảm thấy khó chịu, trời mát mẻ cảm thấy vui vẻ...Cảm xúc còn biểu hiện các đặc điểm nhân cách, còn mang tính chất xã hội và tính chất giai cấp. Cơ sở giải phẫu của cảm xúc phần lớn ở vùng dưới võ não, chủ yếu là vùng gian não (cảm xúc thấp) và một phần ở vỏ não (cảm xúc cao).
Cơ chế sinh lý của cảm xúc là cơ chế thần kinh, còn các biến đổi theo dịch nội tiết trong quá trình cảm xúc chỉ là những khâu trung gian. Mỗi cảm xúc đều có biến đổi trong cơ thể: mạch máu co thắt lại hay giãn nở ra, đường huyết tăng hay giảm, tim đập nhanh hay chậm...
Có nhiều cách phân loại cảm xúc:
  • Cảm xúc cao và cảm xúc thấp
  • Cảm xúc dương tính và cảm xúc âm tính
  • Cảm xúc chia theo cường độ: khí sắc, ham thích, xung cảm.
II. Các loại cảm xúc:
  1. Cảm xúc cao: Còn gọi là tình cảm, cảm xúc cao phát triển cơ sở ý thức, có thể chi phối, kèm hãm các cảm xúc thấp, các xung đột bản năng. Cảm xúc cao xuất hiện trong quá trình lao động, trong mối tương qua xã hội và được bồi dưỡng qua sự giáo dục. Ví dụ: lòng yêu nước, yêu lao động, yêu nghệ thuật...là những cảm xúc cao.
  2. Cảm xúc thấp: Còn gọi là cảm xúc sơ đẳng, xuất hiện từ các yêu  cầu cơ thể, dựa trên hoạt động của bản năng và là biểu hiện của bản năng. Ví dụ: khó chịu khi đói, sợ hãi trước tai nạn giao thông, buồn rầu khi bị mất của...
  3. Cảm xúc dương tính: là những cảm xúc làm tăng nghị lực và ý chí phấn đấu, thúc đẩy sự hoạt động của con người. Ví dụ: lòng yêu nước niềm vui vẻ phấn khởi lạc quan.
  4. Cảm xúc âm tính: là những cảm xúc làm giảm năng lực hoạt động tâm thần. Ví dụ: buồn rầu, chán nản, mất hứng thú...
  5. Khí sắc: là trương lực của cảm xúc. Trương lực này có thể tăng hoặc giảm, dương tính hoặc âm tính trong một thời gian dài hay ngắn từ một vài giờ đến một vài ngày, vài tuần lễ.
  6. Ham thích: là cảm xúc mạnh mẽ sâu sắc, bền vững trong một thời gian dài. Ví dụ: ham thích âm nhạc, văn thơ, hội họa, thể dục thể thao...
  7. Xung cảm: là cảm xúc rất mãnh liệt, xuất hiện đột ngột trong một thời gian ngắn dưới tác dụng của một kích thích mạnh như giận dữ, ghen tuông, sầu uất. Có loại xung cảm sinh lý và xung cảm bệnh lý. Xung cảm sinh lý còn chịu sự điều khiển khống chế của lý trí nên không có hành vi phạm pháp xảy ra. Xung cảm bệnh lý xuất hiện khi mất sự kiểm tra của lý trí. Xung cảm bệnh lý thường kèm theo rối loạn ý thức ngắn và có các hành vi chống đối xã hội, xâm phạm người khác.
 
Exit mobile version