MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC ĐIỀU TRỊ CHỐNG TÁI NGHIỆN MA TÚY BẰNG THUỐC ĐỐI KHÁNG

18 April, 2019

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC ĐIỀU TRỊ CHỐNG TÁI NGHIỆN MA TÚY BẰNG THUỐC NALTREXONE

(Trung tâm Điều dưỡng & Cai nghiện Ma túy Thanh Đa biên soạn)


Naltrexone hydrochloride là chất đối kháng với nhóm Opiats được sử dụng để loại trừ cảm giác thèm ma túy ở các đối tượng đã cai nghiện ma túy nhóm Opiats. Naltrexone vào hệ thần kinh trung ương, “bịt lỗ khóa” các thụ thể, vô hiệu hóa tác dụng gây nghiện của các chất nhóm Opiats.


Người đã cai nghiện các chất nhóm Opiats nếu được điều trị duy trì bằng Naltrexone sẽ mất dần cảm giác thèm nhớ và tìm kiếm ma túy. Khi đang dùng thuốc Naltrexone, nếu người nghiện sử dụng lại các chất nhóm Opiats sẽ có nguy cơ ngộ độc do mất khả năng dung nạp.


I/ CHỈ ĐỊNH:

Naltrexone được chỉ định để hỗ trợ chống tái nghiện trong các trường hợp sau:

  • 1. Những người bệnh nghiện các chất nhóm Opiats đã điều trị cắt cơn + phục hồi chức năng tâm lý - xã hội, chuẩn bị ra khỏi các cơ sở cai nghiện trở về cộng đồng có nguyện vọng được hỗ trợ chống tái nghiện.

  • 2. Những người bệnh nghiện các chất nhóm Opiats đã được điều trị bằng liệu pháp thay thế Methadone có nguyện vọng chuyển sang hỗ trợ điều trị chống tái nghiện bằng Naltrexone sau khi đã được điều trị cắt cơn 7-10 ngày.

  • 3. Những người bệnh trước đây nghiện các chất nhóm Opiats đã cai nghiện hiệu quả nhưng đang trong giai đoạn chịu nhiều stress có thể dễ bị tái phát, có nguyện vọng được hỗ trợ chống tái nghiện.


II/ CHỐNG CHỈ ĐỊNH:

  • 1. Người bệnh quá mẫn cảm với thuốc, dị ứng với Naltrexone.

  • 2. Người bệnh có tổn thương gan nặng hoặc viêm gan cấp.

  • 3. Người bệnh đang sử dụng các chất có chứa nhóm Opiats.

  • 4. Người bệnh đang trong thời gian điều trị cắt cơn, giải độc ma túy nhóm Opiats.


III/ THẬN TRỌNG:

Thận trọng sử dụng Naltrexone cho những người đã cai nghiện các chất nhóm Opiats, gồm:

  • 1. Người bệnh là phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

  • 2. Người bệnh có tổn thương gan thận.

  • 3. Người bệnh nghiện đồng thời nhiều loại ma túy.

  • 4. Người bệnh dưới 18 tuổi.

  • 5. Người bị bệnh tâm thần nặng, trầm cảm.

  • 6. Người bệnh nhiễm HIV giai đoạn AIDS


IV/ ĐIỀU KIỆN PHÁP LÝ CỦA CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ THUỐC NALTREXONE:

Cơ sở điều trị thuốc Naltrexone phải đảm bảo được các yếu tố sau:

1/ Cơ sở vật chất - thuốc - trang thiết bị y tế: phải đủ để thực hiện các xét nghiệm sau: Công thức máu, chức năng gan (SGOT - SGPT), chức năng thận, xác định ma túy trong nước tiểu… Cơ sở thực hiện được cấp cứu ngộ độc nhóm Opiats.

2/ Năng lực cán bộ: Cơ sở điều trị thuốc Naltrexone bắt buộc phải có các tiêu chuẩn sau:

  • a) Bác sĩ được tập huấn về điều trị cắt cơn giải độc và điều trị nghiện ma túy và được cấp giấy chứng nhận đã được tập huấn.

  • b) Bác sĩ được tập huấn về sử dụng thuốc Naltrexone theo quy định của Bộ Y tế và được cấp giấy chứng nhận đã được tập huấn.

  • c) Cán bộ điều trị phải có khả năng tư vấn và áp dụng tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu và các liệu pháp xã hội khác cho bệnh nhân và gia đình.

  • d) Cơ sở điều trị phải lập hồ sơ bệnh án nội trú hoặc ngoại trú phù hợp với từng giai đoạn điều trị cho người bệnh và lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế. Cán bộ y tế trực tiếp cho người bệnh uống thuốc tại cơ sở điều trị.

  • e) Cơ sở điều trị phải đảm bảo việc mua bán, bảo quản, cấp phát, sử dụng thuốc Naltrexone theo quy chế đối với thuốc độc bảng A.


V/ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN:

1/ Sau thời gian điều trị nội trú, khi trở về cộng đồng, để KHÔNG TÁI SỬ DỤNG MA TÚY, HỌC VIÊN ĐƯỢC TIẾP TỤC ĐIỀU TRỊ UỐNG THUỐC NALTREXONE (tối thiểu là 01 năm) kết hợp với KỸ NĂNG TƯ VẤN - LIỆU PHÁP TÂM LÝ - LIỆU PHÁP GIÁO DỤC và các LIỆU PHÁP XÃ HỘI khác.

2/ Trong phương pháp này, việc UỐNG THUỐC NALTREXONE là BIỆN PHÁP HỖ TRỢ. Nếu KHÔNG CÓ BIỆN PHÁP TƯ VẤN - LIỆU PHÁP TÂM LÝ - LIỆU PHÁP GIÁO DỤC - và các LIỆU PHÁP XÃ HỘI khác thì KẾT QUẢ CHỐNG TÁI NGHIỆN SẼ RẤT HẠN CHẾ.

3/ Naltrexone phải được điều trị tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Nếu điều trị không đúng cách sẽ dễ xảy ra tai biến, có thể dẫn đến tử vong.


VI/ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ

1/ UỐNG NALTREXONE HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ CHỐNG TÁI SỬ DỤNG MA TÚY NHÓM OPIATS RẤT HIỆU QUẢ. Học viên mất dần cảm giác thèm nhớ và tìm kiếm ma túy.


2/ TẬN DỤNG THỜI GIAN UỐNG NALTREXONE (không sử dụng ma túy) để:

  • + Phục hồi hệ thống não bộ - chữa các bệnh cơ hội, nâng cao sức khỏe.

  • + Điều chỉnh, phục hồi nhận thức - hành vi - nhân cách cho đối tượng. Giải quyết những vướng mắc nội tâm + bối cảnh phức tạp, đa phương diện của cá nhân - gia đình - xã hội.

  • + Đi làm việc hoặc học được nghề tại các trường chính quy phù hợp với khả năng, ý thích và điều kiện của bản thân, gia đình.


Exit mobile version