TÁC HẠI CỦA CÁC THUỐC HƯỚNG THẦN (GÂY YÊN DỊU, GÂY NGỦ VÀ GIẢI LO ÂU)

17 April, 2019

TÁC HẠI CỦA CÁC THUỐC HƯỚNG THẦN (GÂY YÊN DỊU, GÂY NGỦ VÀ GIẢI LO ÂU)

Bác sĩ Chuyên khoa II, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Tuấn
 

Các thuốc gây êm dịu có tác dụng làm giảm căng thẳng và làm yên dịu tâm thần. Thuật ngữ gây yên dịu đồng nghĩa với thuật ngữ giải lo âu. Các thuốc gây ngủ được sử dụng để gây ngủ. Các thuốc gây yên dịu và giải lo âu là thuốc được dùng ban ngày còn thuốc ngủ được dùng ban đêm. Khi các thuốc gây yên dịu và giải lo âu được dùng ở liều cao chúng có thể gây ngủ như các thuốc gây ngủ. Ngược lại, khi các thuốc gây ngủ được dùng ở liều thấp chúng có thể gây yên dịu ban ngày, giống như các thuốc gây yên dịu và giải lo âu.

 

Các thuốc gây yên dịu và giải lo âu bao gồm benzodiazepine (Diazepam. Seduxem, Clorazepate, Alprazolam, Bromazepam, Clonazepam, Zolpidem...), họ meprobamate, họ piperazine (Atarax), họ benzoxazine (Stresam), họ azaspirodecadiones (Buspirone), họ cyclopyrolones (Zopiclone)...

 

Các thuốc gây ngủ bao gồm barbiturate và các chất tương tự barbiturate, một số benzodiazepnine (zolpidem: Stilnox; flunitrazepam: Rohypnol, nitrazepam: Mogadon)...Ngoài ra các thuốc này còn có chỉ định khác (ngoài tâm thần) như chống động kinh, chống co giật, giãn cơ, gây mê và kết hợp trong gây mê. Toàn bộ các thuốc này đều có dung nạp chéo với rượu và gây nghiện, gây tăng liều và gây hội chứng cai về cơ thể và tâm thần.


A. DỊCH TỄ

Theo DSM IV, ở Mỹ, khoảng 1/4-1/3 toàn bộ các chất nào có liên quan tới các trường hợp cấp cứu do lạm dụng chất. Tỉ lệ sử dụng các chất này giữa nữ và nam là 3/1. Benzodiazepine thường bị lạm dụng một mình nhưng những người nghiện cocaine cũng thường sử dụng benzodiazepine để giảm hội chứng cai. Còn những người lạm dụng các chất dạng thuốc phiện sử dụng chúng để tăng hiệu quả khoái cảm của các chất dạng thuốc phiện. Những người lạm dụng amphetamine để giảm lo âu do các chất đó gây ra.

 

Ở Pháp, những người tuổi từ 18-75, sử dụng thường xuyên các thuốc hướng thần là 9%, trong đó nữ là 12% và nam là 6% (EROPP 2002, OFDT). Và ở lứa tuổi 17-18 là 2,9% trong dó nữ là 4,7% và nam là 1,3%.


B. ĐẶC ĐIỂM DƯỢC LÝ

Benzodiazepines, Barbiturates và các chất giống barbiturates có hiệu quả trước tiên trên phúc hợp receptor gama-amino-butyric acid (GABA) loại A (GABAA), các receptor này bao gồm kênh ion Clo gắn vào điểm GABA và cũng đã được xác định gắn vào các điểm tiếp nhận benzodiazepines. Khi các chất benzodiazepines, barbiturates hoặc các chất dạng barbiturates gắn vào các phức hợp receptor này, hiệu quả là làm tăng ái lực của receptor với các chất trung gian hóa học nội sinh của nó (GABA), và tăng lưu lượng ion Clo vào kênh neuron. Hiệu quả của sự tràn ngập ion Clo âm đi vào neuron dẫn đến sự ức chế, dẫn đến tăng phân cực các neuron tiếp theo đi ra ngoài tế bào.

 

Mặc dù tất cả các thuốc hướng thần nếu trên gây dung nạp và phụ thuộc vào cơ thể, cơ chế đằng sau các tác dụng này đã được hiểu rõ đối với benzodiazepines. Sau một thời gian sử dụng benzodiazepines kéo dài, có một sự giảm sút các hiệu quả của receptor gây ra bới sự đồng vận. Đặc biệt sau giai đoạn sử dụng benzodiazepine kéo dài, sự kích thích GABA của receptor GABAA làm lượng ion Clo đi vào ít hơn đã bị gây ra bởi sự kích thích GABA trước khi sử dụng.benzodiazepine. Sự điều hòa đáp ứng receptor kém đi không phải do giảm số lượng receptor hoặc giảm ái lực của receptor với GABA. Bản chất của vấn đề này là ở chỗ sự kết nối giữa các điểm gắn GABA với sự kích hoạt kênh ion Clo. Sự giảm hiệu quả trong sự liên kết đó có thể được điều hòa chính bên trong của phức hợp receptor GABAA hoặc bởi cơ chế thần kinh khác.


C. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Sử dụng đường uống: các thuốc hướng thần nêu trên được sử dụng qua đường uống có hiệu quả như thư giãn vào buổi tối, tăng hoạt động tình dục, khoái cảm nhẹ, trong thời gian ngắn, giải lo âu, gây ngủ. Thường gặp ở những người trung niên, lớn tuổi.

 

Sử dụng đường tiêm tĩnh mạch: thường gặp ở những người trẻ tuổi, thường liên quan tới sử dụng bất hợp pháp. Tiêm tĩnh mạch barbiturate gây thoải mái, ấm người, cảm giác buồn ngủ, và người sử dụng có khuynh hướng sử dụng barbiturate nhiều hơn các chất dạng thuốc phiện do giá rẻ hơn. Sự nguy hiểm khi sử dụng bơm kim tiêm không sạch gây các bệnh lây nhiễm qua đường tiêm chích như HIV, viêm gian, nhiễm khuẩn huyết... Việc tiêm tĩnh mạch các thuốc này gây dung nạp nhanh và mạnh, gây phụ thuộc và hội chứng cai mạnh.

 

Quá liều:

Benzodiazepine

Khác với barbiturate và các chất dạng barbiturate, với benzodiazepine có khoảng cách giữa liều điều trị và liều ngộ độc rất rộng nên an toàn hơn khi dùng quá liều. Tỉ lệ giữa liều tử vong và liều điều trị là 200/1 hoặc cao hơn bởi vì nguy cơ gây suy hô hấp rất thấp. Thậm chí khi dùng liều quá lớn (trên 2 gram) để tự sát, các triệu chứng cũng chỉ bao gồm: buồn ngủ, ngủ sâu, mất điều hòa động tác, hơi lú lẫn, các dấu hiệu sinh tồn suy giảm chút ít. Điều nguy hiểm hơn là uống benzodiazepine quá liều kết hợp với các chất gây ngủ, yên dịu khác như rượu chẳng hạn. thuốc flumazenil (Mazicon), một thuốc đối vận đặc trưng của benzodiazepine do vậy nó được sử dụng ở cơ sở cấp cứu.

 

Barbiturates

Các thuốc này gây tử vong khi sử dụng quá liều do làm suy hô hấp. Hiện tượng tử vong do thuốc này khá phổ biến ở những người nghiện, có ý đinh tự sát hoặc không cố y tự sát. Và nó cũng là loại thuốc thường gây tử vong ở trẻ em khi sử dụng quá liều. Tử vong do barbiturate được biểu hiện bằng hôn mê, ngừng thở, trụy tim mạch và tử vong.

 

Liều tử vong phụ thuộc đường sử dụng, mức độ dung nạp. Ở phần lớn những người lạm dụng barbiturate, tỉ lệ giữa liều tử vong và liều điều trị là từ 3/1 - 30/1. Những người nghiện sử dụng 1,5 gram/ ngày loại tác dụng nhanh, một số người nói rằng họ sử dụng 2,5 gram/ ngày trong vòng một tháng. Liều tử vong không có sự khác biệt lớn giữa người sử dụng lâu hay mới sử dụng. Sử dụng nạp diễn ra nhanh chóng.


D. CHẨN ĐOÁN

1. Tiêu chuẩn chẩn đoán lạm dụng và nghiện các thuốc hướng thần gây yên dịu, gây lo âu, gây ngủ

Theo tiêu chuẩn chung (DSM IV).

 

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm độc các thuốc hướng thần gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ

a. Vừa mới sử dụng các thuốc gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ.

b. Biến đổi tâm lý và hành vi, xảy ra trong khi hoặc ngay sau khi sử dụng các thuốc gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ (ví dụ như: có hành vi tấn công hoặc tình dục không hợp lệ, cảm xúc không ổn định, lý lẽ, các chúc năng nghề nghiệp, xã hội bị suy giảm).

c. Có ít nhất một trong các biểu hiện sau đây, xuất hiện trong hoặc ngay sau khi sử dụng các thuốc gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ.

  • (1) Nói líu lưỡi.

  • (2) Mất phối hợp vận động.

  • (3) Dáng đi thay đổi.

  • (4) Rung giật nhãn cầu.

  • (5) Suy giảm chú ý và trí nhớ.

  • (6) Sững sờ hoặc hôn mê.

 

d. Các triệu chứng trên không do bệnh cơ thể hoặc các rối loạn tâm thần khác gây ra.

 

3. Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng cai các thuốc hướng thần gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ

a. Ngừng hoặc giam liều mạnh và kéo dài các thuốc gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ.

b. Có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau dây, xảy ra từ vài giờ tới vài ngày sau tiêu chuẩn a.

  • (1) Tăng hoạt hệ thần kinh thực vật (vã mồ hôi hoặc mạch trên 100 ck/phút).

  • (2) Run tay mạnh.

  • (3) Mất ngủ.

  • (4) Buồn nôn.

  • (5) Có ảo tưởng hoặc ảo thính giác, xúc giác, thị giác tạm thời.

  • (6) Kích động tâm thần vận động.

  • (7) Lo âu.

  • (8) Có cơn co giật toàn thể.

 

c. Các triệu chứng ở tiêu chuẩn b gây ra đau khổ rõ rệt hoặc làm giảm sút các chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.

d. Các triệu chứng trên không do bệnh cơ thể hoặc các rối loạn tâm thần khác gây ra.

 

4. Sảng run với thuốc hướng thần gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ

DSM IV cho phép làm chẩn đoán này với các chất gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ. Cần phân biệt với sảng run do hội chứng cai rượu thường gặp hơn so với sảng run do barbiturate hoặc benzodiazepine. Sảng run kết hợp với nhiễm độc có thể xảy ra với barbiturate hoặc benzodiazepine nếu liều sử dụng đủ cao.

 

5. Sa sút trí tuệ dai dẳng

DSM IV cho phép làm chẩn đoán này với các chất gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ. Sự tồn tại của chẩn đoán này đàng còn tranh luận bởi vì không chắc có hay không sự sa sút trí tuệ dai dẳng do chính việc sử dụng các chất trên. Vì vậy cần đánh giá chặt chẽ và thận trọng khi làm chẩn đoán này.

 

6. Rối loạn trí nhớ dai dẳng

DSM IV chi phép làm chẩn đoán này với các chất gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ. Rối loạn trí nhớ kết hợp với các chất gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ có thể được làm chẩn đoán phụ. Một số trường hợp có giai đoạn mất nhớ kết hợp với sử dụng ngắn hạn benzodiazepine với thời gian bán hủy ngắn như triazolam (halcion).

 

7. Rối loạn loạn thần

Các triệu chứng loạn thần của hội chứng cai barbiturate có thể được phân biệt với triệu chứng của sảng run do rượu. Kích động, hoang tưởng và ảo giác thường gặp là ảo thị, nhưng đôi khi là ảo xúc hoặc ảo thanh, xuất hiện sau hội chứng cai khoảng 1 tuần. Các triệu chứng loạn thần kết hợp với nhiễm độc hoặc hội chứng cai thường gặp do barbiturate nhiều hơn là do benzodiazepine và nó được chẩn đoán do chất gây yên dịu, giải lo âu, gây ngủ gây ra tình trạng loạn thần này. Tuy nhiên thầy thuốc có thể xác định có hay không các hoang tưởng hoặc ảo giác là các triệu chứng chiếm ưu thế.

Exit mobile version