GDVN – Không để tệ nạn hủy hoại tương lai giới trẻ

18 August, 2022

Không để tệ nạn hủy hoại tương lai giới trẻ


Bà Trần Thị Kim Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - trao bằng khen cho các đơn vị đạt hiệu quả trong công tác phối hợp, tuyên truyền phòng chống ma túy

“Một phụ huynh gọi điện thông báo: “Con tôi cai được heroin rồi”. Chưa kịp mừng cho phụ huynh nọ, tôi đã giật mình khi nghe tiếp: “Giờ nó chuyển qua “hàng đá”. Thôi kệ, miễn là nó bỏ được heroin là tốt rồi”. Họ nói vậy là vì không hiểu được mức độ gây hại ghê gớm của loại ma túy tổng hợp này”.
Đó là tâm sự của bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa - tại Hội nghị tổng kết và tập huấn công tác phòng chống ma túy trong trường học do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 26-12.

Những suy nghĩ “chết người”
Theo BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy, “thị trường” ma túy hiện nay đang biến tướng dưới nhiều tên gọi với tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau, nhưng loại thường gặp nhất là heroin và ma túy tổng hợp. Những năm gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện các chất ma túy tổng hợp rất nguy hiểm, đặc biệt là ma túy kích thích dạng methamphetamine (viết tắt là ATS) với các tên lóng như: Đá, thuốc lắc, hồng phiến, viên nữ hoàng, ngọc điên, yaba.. có xu hướng gia tăng rất mạnh. Các chất ma túy thuộc nhóm ATS đều có thể được hấp thụ qua đường tiêu hóa, sau 24 giờ thì khoảng 70-90% được bài tiết qua nước tiểu và được bài tiết gần hết sau 2-3 ngày.
BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy cho biết thêm, nếu sử dụng ATS lâu dài thì sự tổn hại cơ thể, thần kinh còn ghê gớm gấp 2-3 lần heroin. Những người từng sử dụng heroin đang có xu hướng chuyển sang sử dụng ma túy đá để cai nghiện heroin. Họ nghĩ rằng, khi dùng ma túy đá sẽ không hại, không bị nghiện và có thể dừng sử dụng lúc nào cũng được. Nếu có cai ma túy đá cũng không bị vật vã, đau đớn như cai heroin. Nhưng thực chất, người đã từng nghiện heroin chuyển sang dùng ma túy đá thì bị rối loạn tâm thần nhanh hơn. “Nếu một người sử dụng heroin, trong vòng vài năm mới bị rối loạn tâm thần; còn khi đã chuyển sang dùng ma túy đá thì chỉ vài tháng sử dụng liên tục sẽ xuất hiện những biểu hiện tâm thần, kèm theo thể trạng suy kiệt. Ma túy đá tàn phá bộ não nhiều, nhanh chóng đưa người ta vào trạng thái tâm thần. Phát hiện sớm có thể điều trị được, nhưng nếu muộn quá, bệnh nhân khó có thể hồi phục trở lại bình thường. Bản thân chúng tôi cũng rất khó khăn mỗi khi phải nhìn và đoán biểu hiện của bệnh nhân sử dụng ma túy đá để tìm phương pháp chữa trị”, BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy chia sẻ.

Nỗ lực của ngành GD-ĐT

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh THPT do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.
Trước những biến tướng đa dạng của tệ nạn ma túy, tháng 9-2011, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ký kết liên tịch với Sở  LĐ-TB&XH  trong việc phối hợp, phát hiện và tuyên truyền ngăn ngừa nạn nhân sử dụng ma túy trong HS-SV. Cụ thể, hai ngành liên tục phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về công tác phòng chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS trong nhà trường; đưa giáo viên và HS-SV đi tham quan các cơ sở cai nghiện...
Dưới sự chỉ đạo của hai ngành, các trường học trên địa bàn TP.HCM trong những năm gần đây đã có nhiều biện pháp tích cực trong việc ngăn chặn và giúp HS-SV hiểu được tác hại của ma túy. Phần lớn, các trường đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa để hướng HS-SV tới lối sống lành mạnh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn bạn mình trước những thói hư, tật xấu. Anh Nguyễn Xuân Giáp - Trợ lý thanh niên Trường THPT Trương Vĩnh Ký - cho biết lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo tổ chủ nhiệm, quản nhiệm tiếp nhận thông tin, lập hồ sơ theo dõi những HS có biểu hiện nghi vấn. Thường xuyên kiểm tra ba lô để ngăn chặn các em mang chất cấm vào trường. “Chúng tôi còn phối hợp với gia đình HS để nắm rõ hoàn cảnh và có những biện pháp cụ thể giúp các em tiến bộ”, anh Nguyễn Xuân Giáp nói. Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Vinh - Trợ lý thanh niên Trung tâm GDTX Q.3 - cho rằng những hoạt động ngoại khóa hay tuyên truyền tích cực trong nhà trường sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của các HS. “Ngoài các hoạt động đó, chúng tôi còn xây dựng hộp thư để HS kịp thời tố giác các trường hợp nghi ngờ, xây dựng bảng tin y tế với nhiều hình ảnh và bài viết về lối sống đẹp và tác hại khôn lường của ma túy...”, anh Nguyễn Hữu Vinh khẳng định.

Bài, ảnh: Ngọc Anh


Tại hội nghị, bà Trần Thị Kim Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - đã biểu dương những hoạt động của các trường trong việc ngăn ngừa tệ nạn ma túy trong thời gian qua. Bà hy vọng các trường tiếp tục nỗ lực trong việc giúp HS-SV nhận thức được tác hại của ma túy để các em có đủ kiến thức, bản lĩnh vững vàng vượt qua sự cám dỗ, đồng thời giúp bạn bè và những người xung quanh tránh xa tệ nạn này.
Exit mobile version