Ngổn ngang cai nghiện ma túy

16 August, 2022

http://www.sggp.org.vn/

Ngổn ngang cai nghiện ma túy


Chỉ đưa được rất ít người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện tập trung. Giáo dục tại phường, xã, thị trấn đối với người nghiện ma túy chưa có hiệu quả. Chưa có ai tự nguyện khai báo tình trạng nghiện để được cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng… Đây là rào cản trong quá trình thực hiện các biện pháp quản lý, cai nghiện mới đối với người trót sa vào con đường nghiện ngập.


Người nghiện ma túy học nghề sửa chữa điện ở Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa.


Lắm bế tắc...

Trong kỳ họp HĐND TPHCM vào đầu tháng 7-2014, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, từ nay đến cuối năm, người nghiện ma túy chỉ có ra chứ không vào cơ sở cai nghiện tập trung. Các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội của TPHCM đang quản lý, chữa bệnh khoảng 8.600 người. Số này đang mỗi ngày mỗi giảm và đến cuối năm 2014, dự kiến chỉ còn khoảng 5.022 người; gần 3.600 người sau cai sẽ được hòa nhập cộng đồng trong khi có thể không có thêm người nghiện nào được đưa vào cơ sở chữa bệnh. Việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung rõ ràng đang tắc.


Trước đó, cuối năm 2013, Báo SGGP đã liên tục phản ánh, cảnh báo về khoảng trống trong công tác cai nghiện ma túy với nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua kể từ ngày 1-1, thời điểm Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, công cụ pháp luật vẫn chưa được thực thi và khoảng trống trong công tác cai nghiện đang mỗi ngày một lớn dần.


Trước đây, chủ tịch UBND quận, huyện quyết định việc đưa người vào cơ sở chữa bệnh, nay theo quy định mới, trách nhiệm này được trao cho ngành tòa án. Song đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể thực hiện quy trình đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.


Ông Lê Văn Khá, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Củ Chi trăn trở, cơ chế để thực hiện quy định này không khó khăn, đáng lẽ nếu có hướng dẫn thì quá đơn giản. Thời gian qua, phòng đã làm tất cả các thủ tục chuyển sang tòa án huyện, nhưng đành phải chờ văn bản! Ngay cả khi có hướng dẫn quy trình thì cũng chưa thể đưa người đi chữa bệnh tập trung được ngay.


Ông Phạm Đức Trung, Phó phòng LĐTB-XH quận Thủ Đức cho biết, trước khi đưa vào cơ sở cai nghiện, người nghiện ma túy phải được giáo dục tại phường, xã, thị trấn. Xong giai đoạn đó (từ 3 - 6 tháng) mà vẫn còn nghiện, mới lập hồ sơ đưa đi cai nghiện tập trung. Riêng việc giáo dục tại phường, xã, thị trấn cũng chưa rõ ràng. Để áp dụng cách giáo dục tại phường, xã, thị trấn, người nghiện ma túy phải được xác định tình trạng nghiện ma túy hiện tại. Quận Thủ Đức cử 9 bác sĩ trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn đi tập huấn, mà đến giờ các bác sĩ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận nhằm đủ thẩm quyền xác định người sử dụng ma túy là người nghiện!


Cần sớm tháo gỡ

Hiện nay, cai nghiện ma túy tập trung được duy trì rất hạn chế (khoảng 9.000 người, thay vì 30.000 người như giai đoạn 2003 - 2008). TP cùng cả nước đang trong bối cảnh đẩy mạnh cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (theo Nghị định 94/2010). Tuy nhiên đến nay, chưa ai tự nguyện khai báo, chưa gia đình nào chủ động khai báo về tình trạng nghiện của mình, của con em mình, dù mỗi quận, huyện đều nắm danh sách cả trăm người có biểu hiện nghiện ma túy. Mục đích cai nghiện không bị cách ly với môi trường xã hội vì thế cũng chưa có hiệu quả.


Số người sau cai về cộng đồng đang tăng, số người nghiện ma túy tại cộng đồng cũng tăng (do không đưa được vào cơ sở cai nghiện tập trung và không tự nguyện tham gia cai nghiện - PV) đang dồn áp lực lên việc giữ gìn an ninh trật tự ở các quận, huyện. Không cai nghiện hiệu quả, người nghiện ma túy làm mọi cách để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Công an quận 8 vừa bắt giữ băng nhóm do Thái Thanh Trà (23 tuổi, ngụ quận 8) cầm đầu, thực hiện 6 vụ đột nhập vào nhà dân trộm xe gắn máy, laptop… Cả nhóm 4 người đều “đập đá”, mỗi khi “vã” là mò đi ăn trộm, kiếm tiền mua ma túy.


Thiếu tá Lê Hữu Phước, Công an quận 8 cho biết, khoảng 70% số vụ án xâm phạm tài sản trên địa bàn quận do người nghiện ma túy gây ra. Trước kia, mỗi năm quận đưa cả ngàn người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện tập trung. Nay không đưa được ai, họ vẫn ở cộng đồng và chỉ cần 10% số đó “hoạt động” là công an đủ nhức đầu.


Xử lý người lang thang nghiện ma túy cũng vướng


Với người lang thang, không nơi cư trú ổn định mà nghiện ma túy, về nguyên tắc, phải thẩm tra xác minh để xác định nơi cư trú của họ, có hay không có, rồi mới đưa vào cơ sở cai nghiện. Theo quy định, trong khi chờ thẩm tra xác minh phải giao cho tổ chức xã hội quản lý. Nhưng giờ đây, chưa có tổ chức xã hội nào quản lý. Đây là khó khăn chung và Sở LĐTB-XH TPHCM đã làm mọi cách, kể cả báo cáo UBND TPHCM xin thí điểm giao Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu làm chức năng của tổ chức xã hội, tạm nhận người nghiện ma túy. Tuy nhiên, hiện mọi việc vẫn còn… đang bàn!


Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM  Đỗ Thế Minh

Phạt rồi… thả


Người lang thang, không nơi cư trú ổn định sử dụng trái phép chất ma túy, bị phát hiện thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính rồi thả ra. Song, họ cũng không có tiền mà nộp phạt nên rốt cục rồi cũng thả, không làm gì được. Hiện quận vẫn chưa giải quyết được trường hợp nào đưa đi các cơ sở cai nghiện tập trung. Mong TP sớm có chủ trương để tạm thời gửi vào trung tâm Bình Triệu, đỡ phức tạp cho địa phương.


Phó phòng LĐTB-XH quận Thủ Đức  Phạm Đức Trung


MẠNH HÒA

Exit mobile version