PNO – Ký ức buồn

23 August, 2022

Ký ức buồn


Dù đã là mẹ của hai đứa con nhưng ký ức về những ngày thơ ấu với người cha nghiện rượu vẫn chưa thể xoá nhoà trong tâm trí tôi. Đang làm sếp trong một công ty, sau vài thương vụ thất bại, công ty của ba tôi phá sản. Tìm việc mới mãi không được, ba tôi thất chí, buông trôi cuộc đời trong men rượu. Chín, mười tuổi đầu, khi lũ bạn chỉ biết những trò chơi trẻ con, chị em tôi đã rất rành việc đi mua rượu cho ba. Trong làng có bao nhiêu tiệm rượu, lò rượu; giá cả từng loại rượu ra sao chị em tôi gần như thuộc lòng vì sớm được ba “huấn luyện”. Ba không chỉ nhậu ngoài quán, ở nhà bạn bè mà còn thường xuyên rủ bạn về nhà bắt mẹ con tôi phục vụ, chẳng cần biết lúc đó đang giữa trưa hay nửa đêm. Với ba tôi, chỉ có những người bạn nhậu là trên hết, mà hình như ai cũng giống ông: chẳng hề biết nghĩ đến người khác.



Có những đêm chị em tôi đã say giấc ba vẫn chưa về, mẹ lại tất tả đi tìm giữa đêm khuya vắng. Vậy mà khi gặp được ba ở một quán nhậu nào đó, ba lại mắng mẹ thậm tệ vì cho là mẹ làm hỏng cuộc vui, làm ba mất mặt với bạn bè. Có những đêm yên ắng bỗng nghe tiếng xe ba rồ ga inh ỏi từ đầu ngõ, rồi tiếng cửa đánh sầm thật mạnh hoặc tiếng chiếc xe đổ đánh “rầm” vì ba say đến mức mất kiểm soát. Những âm thanh ghê rợn đó mãi chẳng thể phai mờ trong ký ức chị em tôi. Những lúc ấy, chúng tôi sợ hãi ôm chặt lấy nhau chẳng dám nhúc nhích, chỉ sợ ba nghe thấy lại lôi dậy “tra tấn”. Có một kỷ niệm buồn mãi tôi vẫn không quên được. Đêm đó, sau khi nhậu say đến không còn biết gì nữa, ba tôi bảo một ông bạn ngủ lại và kinh khủng hơn là ngủ chung trên chiếc giường nhỏ xíu của tôi. Lúc ấy tôi mới hơn 10 tuổi. Ông bạn của ba cứ quờ quạng, sờ mó khắp người tôi làm tôi sợ quá chạy ra mách mẹ. Hai mẹ con ấm ức ôm nhau khóc. Ba tôi nghe được, ông thức dậy đánh cho tôi một trận vì cái tội “Con nít mà bày đặt”! Lúc đó, tôi đã hận ông vô cùng.


Càng lớn tuổi, ba tôi uống rượu ít lại chứ không bỏ. Ông uống ít đi chỉ vì căn bệnh gút hành hạ đến độ không thể đi nổi, nhất là mỗi khi uống rượu bia vào. Thế nhưng cứ đỡ đau một chút là ông lại cà nhắc ra cái quán nhậu đầu hẻm, nơi các “chiến hữu” rỗi rãi của ông luôn túc trực. Còn mẹ tôi, nhẫn nhịn, cam chịu dường như là điều duy nhất mẹ có thể làm để đối phó với ông chồng nghiện rượu. Bà yếu đuối đến độ không thể bảo vệ sự yên ổn của mình, làm sao giữ được sự an bình cho các con? Tôi cũng không biết bà lấy đâu ra sức chịu đựng đến ngần ấy thời gian, chỉ biết khi ba tôi gần như không còn nhậu nổi nữa thì mẹ tôi cũng già yếu, người chỉ còn như một bộ xương khô, hậu quả của những ngày tháng bị bạo hành về tinh thần, thiếu thốn về vật chất, lao lực để nuôi ông chồng nghiện ngập và lũ con.


Tôi chưa từng thấy hoặc nghe nói một điều gì tốt đẹp rượu bia mang lại cho người uống và những người thân của họ, mà chỉ toàn những hậu quả xấu. Vậy mà không hiểu sao, người ta vẫn vô tư uống, chính quyền thì không có hình thức khả dĩ nào để hạn chế việc kinh doanh và tiêu thụ rượu bia. Để tự bảo vệ mình và những người thân yêu, tôi sẵn sàng tuyên chiến với rượu bia nếu chồng tôi trở thành một kẻ nghiện. Tôi không muốn con tôi phải trải qua những ký ức buồn trong thời thơ ấu như mẹ nó ngày xưa.


GIAO LÊ

Exit mobile version