PNO – Thương con “ngáo đá”, mẹ gánh hậu quả

23 August, 2022

Thương con “ngáo đá”, mẹ gánh hậu quả


Phát hiện con mình “ngáo đá” nhưng nhiều gia đình không báo cho chính quyền địa phương để lập hồ sơ đưa đi cai nghiện tập trung. Thay vào đó, họ để các “cục vàng” cai nghiện tại gia và dẫn đến sự việc đau lòng.


Hung thủ cai nghiện tại gia

Thời gian qua hàng loạt vụ “ngáo đá” (con nghiện phê thuốc) được phát hiện. Nhiều người lầm tưởng rằng các con nghiện chỉ hung hăng, quậy phá và gây án ngay sau khi sử dụng ma túy tổng hợp. Nhưng trên thực tế, biểu hiện này còn xuất hiện thường xuyên hơn khi người nghiện “vã thuốc” (không có ma túy đá để sử dụng) và càng nguy hiểm hơn trong trường hợp cai nghiện tại gia.


Trong vụ việc Tô Minh Nhật Hải (SN 1981, ngụ P.4, Q.10, TP.HCM - ảnh) dùng dao đâm chết mẹ ruột là bà P.T.H. (SN 1951) tại nhà số 100 Nhật Tảo, công an Q.10 đã xác định Hải không hề bị tâm thần. Trước đó, khoảng 23g ngày 1/4, bà H. đang nằm võng ở phòng khách thì thấy Hải đi từ trên lầu xuống. Thấy con trai có biểu hiện lầm lỳ, căng thẳng nên bà H. để ý theo dõi. Lúc này, Hải đi về phía nhà bếp rồi lục lọi các kệ tủ và hỏi: “Dao đâu?”. Bà H. bèn đứng dậy đi lại gần con trai, hỏi: “tìm dao làm gì?”, đồng thời với tay lấy lại con dao Hải vừa cầm. Tuy nhiên, Hải không đồng ý và lớn tiếng cãi lại. Bà H. đang loay hoay tìm cách thuyết phục con trai buông dao thì Hải bất ngờ dùng dao đâm vào ngực mẹ. Bà H. tử vong ngay sau đó.


Nghe tiếng la hét dưới nhà, anh M. (anh của Hải) chạy xuống lao vào can ngăn cũng bị Hải vật xuống sàn nhà. Khi Hải đang chuẩn bị dùng dao đâm anh M. thì vợ anh M. xuất hiện kịp thời, dùng thớt đánh mạnh vào đầu Hải. Bị đòn đau, Hải choáng váng buông dao ra, sau đó bị người dân và công an phường khống chế. Theo tường trình của anh M., gia đình anh đã phát hiện Hải nghiện ma túy đá hai năm trước. Do Hải không chịu đi cai nghiện tập trung nên gia đình đã khóa trái cửa nhốt Hải trong phòng và cho Hải cai nghiện tại nhà, đồng thời điều trị HIV. Đến khoảng giữa năm 2013, tình trạng “ngáo đá” của Hải có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều lúc tỉnh táo và hiền lành nên gia đình rất vui và tin rằng Hải đã đoạn tuyệt với ma túy. Do vậy, Hải không bị “cách ly” như trước nữa.


Chiều ngày 3/4, sau hai ngày điều tra ban đầu, Công an Q.10 đã bàn giao Hải và hồ sơ vụ việc cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an TP.HCM) thụ lý.



Thuốc lắc và ma túy đá của một nhóm dân chơi trong khách sạn


Hậu quả được báo trước


Vụ án mạng mà Hải gây ra không phải trường hợp duy nhất khi cai nghiện tại nhà. Nhiều gia đình khác vì thương con nên nhất định không muốn đưa con vào cơ sở cai nghiện tập trung. Cuối tháng 10/2013, công an Q.10 bắt giữ Nguyễn Quang Mạnh (SN 1985, ngụ P.7, Q.10) sau khi Mạnh giết một phụ nữ tại lô R chung cư Nguyễn Kim để cướp tài sản. Qua điều tra, Mạnh khai nhận do nghiện ma túy đá từ lâu và không có tiền mua ma túy sử dụng nên gây ra vụ việc trên. Trong cả hai vụ việc tại Q.10, nhiều người dân cho biết, Hải và Mạnh nghiện ma túy từ lâu.


Vụ việc của gia đình bà D. (SN 1967) còn éo le hơn. Con gái bà D. năm nay 24 tuổi, từng làm dâu trong một gia đình nghệ sĩ có tiếng. Sau khi ly hôn chồng, con gái bà buồn chán và đi theo một nhóm giang hồ khét tiếng tại Q.4 tụ tập “đập đá”. Vì thương con, bà D. đã khuyên con gái về nhà, sau đó khóa cửa nhốt con. Thấy con “vã thuốc”, bà D. đi mua ma túy đá về cho con gái sử dụng, sau đó giảm dần liều lượng để cắt cơn. Nhiều tháng thương con mù quáng, bà D. bị trinh sát công an Q.7 phát hiện, bắt giữ. Sau khi bà D. bị bắt, con gái bà tiếp tục “đi bụi” theo các đối tượng có nhiều tiền án. Chồng thứ hai của bà D. là ông C. “đen” - từng là kẻ khét tiếng, nay đã hoàn lương cũng phải “khổ sở” vì trách nhiệm chăm sóc cô con gái mà bà D. gửi gắm. Lần cuối cùng đi tìm “con của vợ”, ông C. đau lòng khi phát hiện cô con gái đang phê thuốc trong khách sạn với một người đàn ông ngoài 50 tuổi.


Đại úy Mai Trọng Hạnh, Phó đội Hình sự Công an Q.10 cho biết, hiện nay các quận, huyện đã áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo quy định của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/2/2014. Theo đó, đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy, không có nơi cư trú ổn định cũng thuộc diện bắt buộc cai nghiện theo Nghị định này.


 Vinh Quốc


Trung tá Tăng Văn Liệt, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.12 cho biết, việc cai nghiện bắt buộc là cần thiết. Nhưng trên thực tế, hiện việc áp dụng Nghị định 221/2013/NĐ-CP đang gặp khó khăn. Theo nghị định này, khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, công an cấp xã, phường phải lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.


Sau năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Kết quả kiểm tra phải được thể hiện bằng văn bản gửi trưởng phòng LĐ-TB-XH. Trong thời gian bảy ngày, trường hợp hồ sơ đầy đủ, trưởng phòng LĐ-TB-XH gửi hồ sơ cho TAND cấp huyện. Trong thời hạn năm ngày từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của tòa án, công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với phòng LĐ-TB-XH đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhưng nhiều trường hợp, khi quyết định có hiệu lực thì con nghiện đã… bỏ trốn.

Exit mobile version