Shisha gây tác hại lớn đến sức khỏe người dùng đã được phản ánh rất nhiều trên các phương tiện thông tin chúng và mạng internet nhưng tại sao giới trẻ lại mê shisha đến như vậy và vì sao có khá nhiều nơi kinh doanh shisha không phép cứ mặc nhiên tồn tại?


Theo PGS. TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Ngăn ngừa tội phạm (thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân), ở Việt Nam, qua nghiên cứu về nhân thân của một số đối tượng thanh thiếu niên đã lạm dụng chất gây nghiện (trong đó có hút shisha) cho thấy nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có 3 lý do chính: buồn chán, áp lực học hành và sự tò mò.


Sự buồn chán là do các đấng sinh thành mải mê lo chuyện làm giàu hay tất bật với mưu sinh nên không có thời gian gần gũi, chăm lo, dạy dỗ con cái. Trong khi đó, độ tuổi thanh, thiếu niên là thời kỳ diễn biến tâm lý rất phức tạp. Nếu không có sự theo dõi, quan tâm giúp đỡ, uốn nắn kịp thời thì chúng rất dễ buồn chán khi gặp phải những va vấp đầu đời và tìm sự khoái cảm bằng các hành động lệch chuẩn.


Tương tự, trong chuyện học hành, nếu bị áp lực buộc phải học giỏi trong khi khả năng có hạn thì chúng cũng rất dễ buông xuôi, bỏ mặc và giải tỏa căng thẳng bằng các chất gây nghiện.


Còn nguyên nhân tò mò phổ biến ở lứa tuổi từ 12-18, chúng muốn thử một lần cho biết hoặc muốn chứng tỏ mình là người lớn, người có bản lĩnh, là anh hùng nên rất dễ sa vào các chất gây nghiện khi bị bạn bè khích bác…


Trở lại thực tế ở TP Hồ Chí Minh, khi màn đêm buông xuống, tại đoạn đường Trần Phú thuộc địa bàn phường 7, quận 5, các quán nước giải khát ở đây nơi nào cũng đông nghẹt khách, ngồi kín cả vỉa hè.


Một quán trà chanh đông nghẹt khách hút shisha.

Sở dĩ các quán này thu hút khách vì ngoài thực đơn bình thường như: trà chanh, nước sấu, mơ, sô đa… thì luôn có hiện diện của shisha như là một đặc sản.


Tương tự, trên Đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn gần chợ Cầu Muối (quận 1); đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), đường Ni Sư Huỳnh Liên (quận Tân Bình), đường D2, quận Bình Thạnh… tối nào cũng có hàng chục, hàng trăm thanh, thiếu niên tấp vào các quán trà chanh thi nhau nhả khói shisha.


Nhưng nơi tập trung đông nhất phải kể đến khu phố Tây “ba lô”, hầu như quán cà phê nào cũng kê bàn ghế ngoài vỉa hè và bày sẵn bình hút shisha với nhiều kích cỡ, hình dạng lạ mắt để câu khách.


Theo tìm hiểu của chúng tôi đó chỉ là một phần, còn phần đông tìm đến shisha là do tò mò muốn thử một lần cho biết. Nhiều bạn trẻ bảo do bạn bè rủ rê nên đi hút cho “có phong trào”, cho “biết với người ta” là chính.


Người hút trước rủ người hút sau, cứ thế nhân dần số lượng để đến hôm nay thì shisha không còn ở trong quan bar, vũ trường, nhà hàng mà đã lan cả ra vỉa hè ở khắp nơi trong thành phố.


Cái nguy hiểm của việc hút shisha chính là ở chỗ bình hút, thuốc và các hóa chất được sử dụng đều không có nguồn gốc rõ ràng. Mà như vậy thì việc gây hại cho sức khỏe chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn so với hút shisha “nguyên thủy” (có nguồn gốc rõ ràng).


“Thời gian vừa qua cơ quan chức năng còn phát hiện các thanh, thiếu niên sáng tạo ra cách hút shisha đầy mạo hiểm bằng việc kết hợp với cần sa, rượu mạnh, “cỏ Malay” (hay còn gọi là “thuốc lào Canada”)… Đồng thời thách thức nhau nuốt khói vào trong người. Hút kiểu như vậy là tự hủy hoại lá phổi của chính mình”, một chuyên gia trong lĩnh vực này cảnh báo.


Bình hút shisha trưng bày trong một quán cà phê.

Đại úy Phạm Thanh Việt, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, trong nhiều lần đơn vị phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội TP Hồ Chí Minh kiểm tra các quán bar, vũ trường đều phát hiện nhiều dụng cụ hút shisha không rõ nguồn gốc và tất nhiên cũng chẳng nơi nào có giấy phép kinh doanh shisha.


Còn lãnh đạo phòng kinh tế của các quận, huyện cũng cho hay chẳng cấp phép cho bất kỳ hộ kinh doanh cá thể nào để kinh doanh... hút shisha cả.


Tuy nhiên vì hiện tại chưa có một văn bản pháp quy nào nghiêm cấm việc kinh doanh thuốc shisha nên nó mặc nhiên tồn tại. Từ đó các doanh nghiệp, hộ kinh doanh “lách luật” bằng cách đưa mặt hàng thuốc shisha vào thực đơn như một món hàng kinh doanh bình thường.


Nếu bị kiểm tra phát hiện dụng cụ, thuốc, hóa chất khác không rõ nguồn gốc thì cùng lắm là bị tịch thu và phạt hành chính là cùng. Trong khi đó kinh doanh shisha mang lại lợi nhuận khá cao. Thuốc shisha dạng trung bình có giá khoảng 60 - 70 ngàn/hộp 50gr, than thì 20 ngàn đồng/cây 6 viên.


Trong khi đó giá bán bình dân mỗi bình hút (khoảng 10 - 15gr thuốc) từ 150 ngàn đồng trở lên thì lợi nhuận cao gấp mấy lần. Tuy nhiên đó là giá mua ở những điểm bán có thương hiệu, còn mua qua mạng internet hoặc trôi nổi trên thị trường thì giá cả rất mềm, có khi chỉ cần bán 1 lượt là đã thu hồi vốn.


Trước làn sóng độc hại của shisha, tháng 7/2013, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ xem xét việc đưa mặt hàng thuốc shisha vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi nào từ Bộ Y tế. Vì vậy mà tác hại của shisha vẫn đang hoành hành dữ dội.


Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP Hồ Chí Minh, thành phần chính của shisha là chất nicotine.


Khi được đốt cháy, để hút, khí tỏa ra màu trắng, là khí CO (carbon monoxide) là một hóa chất công nghiệp cực kỳ độc hại cho cơ thể con người, đặc biệt là sẽ gây hại trực tiếp tới hai lá phổi.


Với tất cả những trường hợp sử dụng shisha lâu dài, người dùng sẽ có thể phải đối mặt với nhiều bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, còn ảnh hưởng tới tim, gan và cả nguy cơ của bệnh ung thư.


Việc lạm dụng shisha sẽ dẫn tới xu hướng sử dụng các chất ma túy, kích thích. Đối tượng dễ sa đà, nghiện nhất là những học sinh có hoàn cảnh gia đình thiếu sự quan tâm của cha mẹ, hay học tập bị sa sút, bị điểm thấp, thua kém bạn bè… sau nghiện, nguy cơ vi phạm pháp luật có khoảng cách không xa.


Chưa kể, việc dùng chung ống hút khi hút shisha, việc vệ sinh không đảm bảo các dụng cụ này cũng khiến người hút bị lây nhiễm virus cúm, hay virus viêm gan siêu vi B, C…


H.Nga

M.Hải - M.Đức