Tuổi trẻ – Không uống không… chịu được

23 August, 2022

Không uống không... chịu được


Miền Bắc đang đối mặt với tình trạng người nghiện rượu trở thành... bệnh nhân tâm thần dù người uống vẫn ung dung rằng mình dùng rượu xịn...



Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị ngộ độc rượu cấp phải chuyển đến bệnh viện tâm thần để điều trị cai nghiện - Ảnh: N.Hà


Bác sĩ Lý Trần Tình, giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết tình trạng lạm dụng rượu đang ở mức báo động với 10% dân số trưởng thành (trên 15 tuổi), trong đó tỉ lệ nghiện rượu (không uống không chịu được) chiếm 3% dân số.


Uống ít cũng bị nghiện

Trước kia hiếm hoi lắm mới có một ca bị loạn thần do rượu phải nhập viện, nhưng thời gian gần đây số bệnh nhân tăng không ngừng. Riêng hai năm 2008-2009 đã có 300-400 ca/năm cấp cứu tại viện trong tình trạng loạn thần nặng: rối loạn cảm xúc, hoang tưởng, sảng... Đây chính là lý do Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trở thành cơ sở y tế đầu tiên thành lập khoa H chuyên điều trị các rối loạn do nghiện các chất nguy hại với 80% là bệnh nhân nghiện rượu.


Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn, trưởng khoa H, cảnh báo không còn chuyện người nghiện rượu có thể dẫn đến nguy cơ loạn thần mà chính xác là: người nghiện rượu chắc chắn sẽ phải cấp cứu ít nhất một lần trong đời trong tình trạng rối loạn thần kinh!


Khảo sát tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho thấy đa số người loạn thần bắt đầu đến với rượu bằng lý do... giải sầu. Thi trượt đại học, tình yêu tan vỡ, cờ bạc, lô đề, thua lỗ nặng... đều chung mẫu số: tìm quên trong rượu! Song có đến hơn nửa số bệnh nhân không hình dung hết tác hại của rượu. Có người phải cấp cứu vì sảng rượu, lú lẫn, tay chân run rẩy, rối loạn nhịp tim, rối loạn nước, điện giải nặng được điều trị ổn định rồi vẫn không tin tình trạng nguy cấp ấy là do rượu: “Uống cả lít mới gọi là nghiện chứ tôi chỉ vài ba ly...”.


Khi nào cần đưa đi bệnh viện?

Theo bác sĩ Lý Trần Tình, khi phát hiện người nhà có các dấu hiệu sau cần đưa đến viện để điều trị cai nghiện: thèm muốn mạnh mẽ hoặc cảm thấy buộc phải sử dụng rượu; không tự nhớ được liều lượng, thời gian dùng rượu; xuất hiện trạng thái vật vã (hoặc cố tìm cách sử dụng chất cùng loại) khi việc sử dụng rượu bị ngừng, giảm bớt; dần xao nhãng các thú vui trước đây; tiếp tục sử dụng rượu mà không quan tâm đến những biểu hiện giảm sút sức khỏe như tác hại đối với gan, sắc khí mặt sạm đi...

Bác sĩ Tuấn cho hay mỗi người đều có tửu lượng khác nhau nên không thể định mức một lượng rượu cố định để xét một người có nghiện hay không. Song nếu ngày càng phụ thuộc nhiều vào rượu, tìm mọi cách để được uống, không có rượu không chịu được thì cần điều trị ngay.


Giới hạn sử dụng rượu an toàn là nam giới uống không quá 3 đơn vị rượu/ngày (mỗi đơn vị là 40cc), nữ giới không quá 2 đơn vị, đặc biệt mỗi tuần phải có ít nhất hai ngày... nghỉ uống, không dính dáng gì tới rượu!


Tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, nhiều bệnh nhân điều trị ổn định, ra viện rồi lại tiếp tục nhập viện với bệnh cảnh nặng hơn do không tuân thủ phác đồ điều trị. Anh N.T.L. (32 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội) nhập viện lần đầu vào năm 2007 khi thường xuyên uống rượu và cứ rượu vào lại đập phá linh tinh. Gia đình phải đưa L. vào bệnh viện tâm thần. Lần thứ hai, tháng 1-2009, L. nhập viện do cơ thể quá yếu, thần kinh suy nhược nặng. Đến tháng 2-2010, L. phải chủ động xin người nhà cho vào viện vì lúc nào cũng có cảm giác nhìn thấy ma quỷ, sợ hãi vô độ...


Theo bác sĩ Lý Trần Tình, tiến triển bệnh như L. rất thường gặp. Ban đầu người nghiện rượu bị biến đổi nhân cách, thay đổi tâm tính: vô cớ đánh vợ con, đập đồ đạc trong nhà, rồi lan dần sang phá phách hàng xóm... Tuy nhiên khi mức độ nghiện nặng hơn và có “thâm niên” hơn, người nghiện dễ bị rượu đánh gục, không còn sức để đập phá nữa. Bệnh nhân bị mụ mị, mệt mỏi, thần kinh suy nhược, cơ thể bạc nhược, không thể làm được gì.


Không thể tự cai bằng ý chí


Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, sai lầm lớn trong quan niệm cai rượu khi nghĩ người bệnh chỉ cần có ý thức tránh xa rượu là xong. Thực tế việc cai rượu không thể thiếu được sự hỗ trợ của thuốc. Người đã lún sâu vào rượu không thể tự cai được ở nhà. “Bệnh nhân sẽ được điều trị giải độc khoảng một tuần tại viện, sau đó được giám sát, theo dõi ở nhà. Sử dụng các thuốc giảm thèm muốn và gây ghét sợ rượu mới giúp bệnh nhân tránh xa rượu. Tuân thủ chặt chẽ phác đồ này trong một năm, bệnh nhân mới cai được” - bác sĩ Tuấn nói.


Bệnh nhân phải nhập viện vì loạn thần do rượu ngày càng có nhiều biểu hiện đa dạng và... kỳ lạ. Không ít người nhìn thấy ma quỷ như L., một số khác trở nên lẩn thẩn, luôn tay gãi rồi huơ huơ đòi đuổi côn trùng vì cảm giác có rắn, rết bám dính trên người hay nhện giăng tơ khắp mặt, giun bò trên da... Nhiều người rơi vào trạng thái hoang tưởng (hay gặp nhất là hoang tưởng bị truy sát, hoang tưởng ghen tuông nghi vợ ngoại tình...) hay rối loạn ý thức, luôn trong tư thế phòng vệ muốn chạy trốn (hoặc tấn công), run tay chân, đi lại loạng choạng, tim đập nhanh, vã mồ hôi nhiều...


NGỌC HÀ

Exit mobile version