VOV – Cảnh giác với tình trạng ngộ độc rượu

23 August, 2022


Cảnh giác với tình trạng ngộ độc rượu


Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn khuyến cáo: một ngày với nam không nên quá 3 lon bia, với nữ chỉ là 2 lon bia.


Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tiếp cảnh báo về ngộ độc rượu và mới đây là vụ ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội, khiến 6 người tử vong tại Quảng Ninh, nhưng tình trạng ngộ độc rượu vẫn diễn ra khá phổ biến. Hầu như ngày nào Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn. Đáng lo ngại là số người nhập viện càng gia tăng trong những ngày cuối năm.


Ông Triệu Ngọc Ký đang điều trị tại Trung tâm chống độc


Tác hại của rượu đối với sức khỏe thì ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng tránh xa được. Ông Triệu Ngọc Ký ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đang điều trị tại Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội trong tình trạng mắt mờ, luôn có ảo giác và hay nhầm lẫn. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng bệnh của ông đã có tiến triển tốt. Bản thân ông Triệu Ngọc Ký cũng biết rằng, đó là hậu quả do uống rượu triền miên suốt 40 năm qua: “Nếu có tiền uống nửa lít, không có tiền thì uống 1 cút. Lúc nào cũng uống, trong 1 ngày thì uống vào bữa trưa, bữa tối, bữa sáng. Nếu có thì lúc nào uống cũng được”.


Chị Dương Thị Huyền, con dâu ông Ký cho biết vì đã nghiện rượu trong thời gian dài, nên hầu như ngày nào bố của chị cũng phải uống rượu. Thời gian gần đây, sức khỏe của ông Ký giảm dần nên đã nhiều lần gia đình đưa ông đi cai rượu nhưng vẫn không thành vì chỉ 1, 2 tháng sau ông lại uống rượu lại. Chị Dương Thị Huyền nói: “Nói chung là cũng rất buồn, không ai muốn người thân mình như thế, uống rượu xong ông không như người bình thường, cứ nói linh tinh rồi chửi mọi người. Bây giờ, đưa ông đi điều trị cũng mong ông khỏi bệnh để về gia đình êm ấm”.


Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong các sản phẩm rượu, bia thông thường đều có chứa chất cồn ethanol. Ở giai đoạn ngộ độc mãn tính, chất ethanol có khả năng gây ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh, có nguy cơ giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Còn với ngộ độc rượu do uống rượu chứa methanol (cồn công nghiệp) thì mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều bởi chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm.


Các bệnh thường gặp khi nghiện rượu như: rối loạn tâm thần, hoang tưởng, xơ gan... Riêng rượu kém chất lượng, pha bằng cồn công nghiệp có thể gây hôn mê, tụt huyết áp, chết người.


Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm này, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân bị ngộ độc rượu vào viện cấp cứu và điều trị. Dự báo càng gần thời điểm cuối năm, nhất là dịp trước và sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân ngộ độc rượu tiếp tục gia tăng mạnh. Chẳng hạn như: sau Tết Nguyên đán năm ngoái, có thời điểm số ca ngộ độc rượu vào điều trị tại Trung tâm chiếm đến 30% tổng số bệnh nhân ngộ độc.


Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai


Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn khuyến cáo: “Đầu tiên phải tự  mình cứu lấy mình. Chúng ta chỉ nên dùng rượu trong khi ăn uống với hàm lượng rất nhỏ. Chúng tôi khuyến cáo một ngày với nam thì không nên quá 3 lon bia, với nữ chỉ là 2 lon bia thôi. 3 lon bia tương đương 30ml rượu vang và tương đương với 15 đến 20 ml rượu mạnh 40 đến 45 độ. Chúng ta uống vừa phải và uống một loại rượu thôi chứ không nên uống nhiều loại. Đó là điều cấm kỵ. Nếu đã bị ngộ độc rượu, gọi hỏi không biết gì cả thì tốt nhất nên đưa đến bệnh viện có đầy đủ phương tiện để theo dõi về hô hấp, về tuần hoàn”.


Theo các bác sĩ, để phòng ngộ độc rượu, nên chọn loại rượu có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ uống ít. Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn khác nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét./.


Lê Thơm

Exit mobile version