BÙA LƯỠI: THỨC CHƠI NGUY HIỂM

15 August, 2022
neove.org.vn

BÙA LƯỠI: THỨC CHƠI NGUY HIỂM

Bùa lưỡi còn được gọi là tem giấy thực chất là miếng giấy được tẩm LSD – một loại ma túy tổng hợp, có khả năng tan trong nước và cồn, có tác dụng trực tiếp lên cơ thể người sử dụng thông qua lưỡi. Đáng lo ngại là bùa lưỡi được sử dụng khá phổ biến và quen thuộc trong giới trẻ thời gian gần đây gây nhiều lo lắng cho không ít các bậc phụ huynh.

Bùa lưỡi nguy hiểm như thế nào?

Dù mới ra đời, nhưng bùa lưỡi đã xuất hiện trở lại trong thời gian gần đây và trở thành thú chơi quen thuộc của nhiều bạn trẻ, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. LSD có tẩm trong bùa lưỡi được mô tả là không màu, không mùi, không vị. Bùa lưỡi là tấm giấy có kích thước 1.5cmx1.5cm, có in hình các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh hoặc những người nổi tiếng, có khả năng tan hết trong miệng thường là 90 phút và có tác dụng trực tiếp lên não người sử dụng.

Tùy theo lượng sử dụng, tâm trạng, tính cách của người sử dụng và môi trường xung quan mà LSD có những tác động khác nhau. Tuy nhiên, triệu chứng đầu tiên thường là giãn đồng tử, thân nhiệt thất thường, huyết áp và nhịp tim rối loạn. Một số cơ thể còn bị đổ mồ hôi như tắm hoặc có cảm giác ớn lạnh toàn thân.

Tem giấy chứa ma túy gây ảo giác mạnh

Cảm giác mất ngủ, khô miệng, tâm trạng thay đổi thất thường sẽ xuất hiện với người sử dụng bùa lưỡi. Ngoài ra, những ảo giác như nhìn một vật thành hai, kích ứng với màu sắc, cảm giác như đang bay trên mây… cũng xuất hiện khi bùa lưỡi được sử dụng cùng các chất kích thích khác như bia, rượu,…

LSD là nhóm chất kích thích gây ảo giác cao, có thể  gây các bệnh liên quan đến tim mạch không chỉ trong thời gian sử dụng thuốc mà còn kéo dài sau thời gian sử dụng. Bên cạnh đó, LSD sẽ tích tụ dần trong cơ thể, khiến cơ thể “nhờn” thuốc, đồng nghĩa với việc người dùng càng phải sử dụng nhiều thuốc hơn mới có thể rơi vào trạng thái “phê thuốc”.  Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây tổn thương tâm lý, trầm cảm, thậm chí là tâm thần phân liệt suốt đời.

Sự chủ động thông tin của phụ huynh học sinh

Được tẩm vào mẩu giấy nhỏ, rẻ tiền, dễ tiếp cận nên nhiều thanh niên, thập chí học sinh cấp 2 cũng có thể sử dụng. Đã có không ít trường hợp các em học sinh, sinh viên nhập viện điều trị vì tác động của việc sử dụng loại ma túy nguy hiểm này. Trường hợp gần đây nhất là bênh nhân N.T.D, 13 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh. "Ban đầu, gia đình tưởng bé bị trầm cảm hay khủng hoảng tuổi dậy thì nên đưa đi khám. Tuy nhiên, sau khi được khám riêng, nói chuyện với bác sĩ, bé mới khai nhận đã ngậm 5-10 miếng "tem giấy" mỗi ngày. "Bé bị hoang tưởng, loạn thần do dùng LSD", bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết.

Điều đáng báo động là tem giấy nói riêng và các chất ma túy nói chung hiện nay đang tấn công vào học đường và thực sự là hiểm họa, là mối lo với các bậc phụ huynh học sinh và thầy cô giáo. Việc xuất hiện nhiều loại ma túy, núp bóng dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau đã khiến không ít các bậc phụ huynh học sinh giật mình. Trong các buổi truyền thông cho phụ huynh học sinh của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD, 90% các bậc phụ huynh thiếu hoặc không có kiến thức về ma túy. Đây là một lỗ hổng lớn khiến tội phạm ma túy có cơ hội tấn công học đường. Do đó, việc thường xuyên cung cấp thông tin thông qua hoạt động truyền thông, tập huấn cho phụ huynh học sinh về ma túy, tác hại của ma túy, kỹ năng xử lý tình huống khi phát hiện con em mình có sử dụng ma túy,… do đó cần được quan tâm và thực hiện thường xuyên, nghiêm túc hơn nữa, tránh hậu của khôn lường do ma túy gây ra.

Thu Moon PSD