VAI TRÒ CỦA LIỆU PHÁP GIÁO DỤC TÂM LÝ – XÃ HỘI CHO NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY
Nghiện ma túy là một bệnh mãn tính – khó chữa có đặc tính là dễ tái nghiện. Việc điều trị – phục hồi cho người nghiện ma túy đòi hỏi phải kiên nhẫn và phải có những kiến thức về cai nghiện ma túy.
Việc tìm kiếm mô hình điều trị tốt quả là rất khó khăn vì không có phương pháp điều trị chung nào thích hợp với mọi loại người nghiện. Phương pháp điều trị tốt cho người này chưa hẳn đã phù hợp cho người khác, phương pháp điều trị có hiệu quả cần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nghiện chứ không chỉ đơn thuần nhắmvào việc xử dụng ma túy của họ.
Khi người nghiện càng xử dụng ma túy càng lâu, liều lượng càng tăng thì hậu quả càng nhiều và càng nặng nề bấy nhiêu. Những tác động của ma túy trên não bộ gây ra những tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn trên người nghiện và làm người nghiện ma túy suy giảm khả năng suy đoán- xử lý thông tin- khả năng tự chủ tạo ký ức hồi tưởng nên dễ lệ thuộc vào những khoái cảm ngất ngây, kích động mạnh mẽ khi nghĩ hoặc xử dụng ma túy.
Vì lệ thuộc vào ma túy, cuộc sống người nghiện suốt ngày loanh quanh trong việc sử dụng nó. Đó là phương thức tồn tại của người nghiện.
Về mặt hành vi, người nghiện phát triển những cách ứng xử không thích nghi hoặc những thói quen xấu- những hành vi đó đã ngăn cách người nghiện với cộng đồng, mất đi lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm. Hầu hết người nghiện không cần hoặc không còn khả năng hiểu biết những hậu quả do hành vi mình gây nên.
Người nghiện ma túy không đủ nghị lực cũng như không đủ nhận thức để sống một cách trong sạch, lành mạnh có kỹ năng làm việc. Về mặt tinh thần, sức khỏe, nghề nghiệp, trách nhiệm với gia đình xã hội… có thể suy sụp đến một mức làm sự điều trị - phục hồi cho đối tượng trở thành hết sức khó khăn.
Từ những rối loạn tâm sinh lý trên cộng thêm những bối cảnh tiêu cực của bản thân - gia đình – xã hội rất dễ dẫn người đã cai nghiện đến tái nghiện. Hiện nay có nhiều phương pháp, nhiều mô hình về cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, dù bằng phương pháp nào, mô hình nào cách điều trị phải đảm bảo được các yếu tố sau:
I. ĐỂ ĐIỀU TRỊ CÓ KẾT QUẢ PHẢI DUY TRÌ THỜI GIAN ĐIỀU TRỊ ĐỦ DÀI:
Thời gian cai nghiện trung bình là 2 năm.
Một quan điểm rất sai lầm của nhiều người cắt cơn nghiện là chữa xong ma túy. Thực chất cắt cơn nghiện ma túy chỉ là giai đoạn đầu của điều trị cai nghiện, bản thân việc cắt cơn nghiện có rất ít tác động đến việc thay đổi tình trạng xử dụng ma túy mà cần phải điều trị hậu cai một thời gian dài. Việc cắt cơn nghiện được ví như chiếc xe nổ máy nhưng chưa chạy được.
Do các rối loạn tâm trí thực tổn, các phản ứng tâm lý và đặc biệt là hội chứng hồi tưởng: dẫn đến những cơn nhớ ma túy với tất cả sự khoái cảm của nó và sự phản ứng yếu ớt của bản thân trước sự quyến rũ của ma túy. Nếu được điều trị tích cực đúng cách , đủ thời gian, cách ly với môi trường ma túy: cường độ và tần số nhớ này sẽ giảm dần – nhưng ngay cả khi tạm gọi là cai nghiện thành công, người nghiện vẫn phải tiếp tục cai nghiện cả đời.
II. YẾU TỐ TIÊN QUYẾT LÀ QUYẾT TÂM CAI NGHIỆN CỦA ĐỐI TƯỢNG:
Khi đối tượng không chịu cai nghiện thì khó thể chữa được bệnh. Để đảm bảo trật tự an toàn xã hội theo quan điểm chúng tôi chỉ còn biện pháp tạm thời cách ly họ khỏi xã hội để cưỡng bức điều trị.
Biện pháp cai nghiện bắt buộc không phải là không có kết quả. Tại các Trung tâm cai nghiện cưỡng bức, đối tượng có thời gian cách ly với môi trường ma túy sẽ có thời gian suy nghĩ lại mình. Nếu tại các Trung tâm cai nghiện tốt, đối tượng sẽ được giúp đỡ quan tâm, giáo dục đúng đắn: do đó nhận thức, tư tưởng, đối tượng sẽ được chuyển đổi dần thành cai nghiện tự nguyện. Trái lại tại các Trung tâm cai nghiện không tốt dù tự nguyện hay không tự nguyện đối tượng cũng sẽ dễ dẫn đến những đối kháng với Trung tâm, dẫn đến đối kháng thêm với gia đình – dễ có những hành vi hung hăng, bạo loạn bộc phát. Tại các Trung tâm trên, một số đối tượng khác không thể phản kháng được, âm thầm chấp nhận sự cai nghiện tại Trung Tâm Cai nghiện nhưng rất dễ dẫn đến trầm cảm phản ứng là chấp nhận đủ thời gian cai nghiện và sau khi rời Trung tâm về dễ bùng phát dẫn đến tái nghiện nhanh.
III. THUỐC:
Là yếu tố quan trọng trong việc cắt cơn giải độc và điều trị các bệnh cơ hội đính kèm góp phần giải quyết các rối loạn tâm sinh lý nhất là các hội chứng hưng trầm cảm sau cắt cơn của đối tượng cai nghiện. Tuy nhiên bản thân của thuốc phải kết hợp với rất nhiều biện pháp điều trị không dùng thuốc khác, không có một loại thuốc nào đơn thuần chữa được bệnh nghiện ma túy.
IV. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÔNG DÙNG THUỐC:
Vấn đề quan trọng là phục hồi cho người nghiện ma túy sau cắt cơn bằng nhiều biện pháp điều trị tổng hợp như Giáo Dục Trị Liệu – Tâm Lý Trị Liệu – Vật Lý Trị Liệu – Hoạt Động Trị Liệu trong đó có Giải Trí Trị Liệu, Lao Động Trị Liệu và các Liệu pháp khác. Ngoài ra các Trung tâm cai nghiện cần phải có hoạt động Tư vấn, sinh hoạt cá nhân, nhóm, gia đình nhằm chuyển đổi nhận thức hành vi, nhân cách, quan điểm sống của người nghiện và thái độ ứng xử của gia đình đối với người nghiện ma túy. Các động tác này được lặp đi, lặp lại thành một thói quen – một nếp sống – một nếp nghĩ cho người nghiện, nhằm giáo dục phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện.
Việc để người nghiện có quyền ý kiến và tham gia vào môi trường điều trị của mình là điều cần làm vì như vậy học viên có trách nhiệm và thể hiện được vai trò của mình, nhận thức và tự chủ dần các hành động của bản thân. Nhưng nhất thiết dù biện pháp nào, cũng phải đảm bảo đối tượng không lợi dụng qua đó có điều kiện xử dụng lại ma túy. Một yếu tố không thể thiếu được là sự hợp tác chặt chẻ giữa “Gia Đình + Đối Tượng + Trung Tâm Cai Nghiện”.
Khi đối tượng trở về cộng đồng, công thức: “Gia Đình + Đối Tượng + Trung Tâm Cai Nghiện + Cộng Đồng” là không thể thiếu được.
Mục tiêu cuối cùng của giai đoạn phục hồi là khi trả về cộng đồng đối tượng cai nghiện được trang bị những nhận thức và thói quen tốt có thể tạm đi trên hai chân của mình với sự tiếp tục quản lý, giúp đỡ, quan tâm của Gia Đình - Xã Hội và Trung tâm cai nghiện để tiến vững bước dần trong môi trường lành mạnh.