ĐIỀU TRỊ NGHIỆN RƯỢU – CHỐNG TÁI NGHIỆN

27 February, 2020

ĐIỀU TRỊ NGHIỆN RƯỢU – CHỐNG TÁI NGHIỆN


Để điều trị nghiện rượu thành công phải trải qua một quá trình không kém khó khăn và phức tạp, đòi hỏi ý chí và sự kiên trì của bệnh nhân và gia đình. Quy trình điều trị nghiện rượu bao gồm các bước sau:
  • - Điều trị hội chứng cai

  • - Chống tái nghiện

  • - Điều trị các bệnh do nghiện rượu

  • - Điều trị các bệnh tâm thần do nghiện rượu


A. ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG CAI RƯỢU (XẢY RA KHI NGƯỜI NGHIỆN RƯỢU ĐỘT NGỘT NGỪNG UỐNG RƯỢU)


I. HỘI CHỨNG CAI RƯỢU:


1. HỘI CHỨNG CAI THÔNG THƯỜNG:


Khi bệnh nhân đột ngột ngừng uống rượu sau một thời gian ngắn, có thể không quá một đêm hội chứng cai có thể xuất hiện:


–   Người bệnh có khí sắc trầm, bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên.

–   Lo âu sợ hãi một cách mơ hồ, các ý tưởng thiếu hệ thống.

–   Giấc ngủ nông, dễ giật mình, dễ thức giấc, hoặc ác mộng, hãi hùng, đôi khi mất ngủ hoàn toàn.

–   Run cơ, chuột rút.

–   Chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy.

–   Vã mồ hôi, nhịp tim nhanh.

–   Lo âu lan tỏa, tăng cảm xúc, tăng tính kích thích, rối loạn trí nhớ.

 

Nếu không điều trị hội chứng cai rượu kéo dài từ vài giờ đến 1 tháng tùy mức độ nghiện rượu nặng hay nhẹ.


–   Trong hội chứng cai rượu nặng người bệnh có thể có cơn co giật động kinh cũng như các ảo giác về thị giác và thính giác, đặc biệt về chiều và đêm.

–   Đặc trưng cho hội chứng cai rượu là những biểu hiện trên giảm đi hoặc biến mất khi uống lại rượu.

–   Hội chứng cai biểu hiện ngày càng tăng dần làm người nghiện cứ sau vài giờ lại phải uống một liều rượu nhỏ để làm giảm đi các triệu chứng trên.

 

Trong trường hợp bị hội chứng cai nặng, người nghiện có thể:

–   Có một cơn hoặc nhiều cơn co giật liên tiếp trong vài giờ.

 

Nếu không điều trị có thể chuyển sang giai đoạn động kinh liên tục.

–   Ảo thanh lời nói (tố cáo, đe dọa, quấy rối), thường kết hợp với ảo tưởng hoặc có khi với ảo thị.

–   Điều trị bằng thuốc chống loạn thần và giải lo âu.

 

2. HỘI CHỨNG CAI CÓ SẢNG:

Sảng rượu là một trong những hình thái lâm sàng của loạn thần do rượu.

 

* GIAI ĐOẠN KHỞI PHÁT:


Sảng rượu có thể khởi phát cấp tính hay từ từ. Giai đoạn này có thể kéo dài vài ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Theo Ades J (năm 1990), thời gian khởi phát 24 – 48 giờ; còn theo Watson A.S (năm1995) cho rằng giai đoạn này chủ yếu là mệt mỏi, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, cơn hoảng sợ, kích động, rối loạn thần kinh thực vật, run rẩy, chếnh choáng, thay đổi cảm xúc biểu hiện bằng lo lắng hay trầm cảm. Sau đó bệnh tiến triển nặng dần và thường nặng về ban đêm với những ảo tưởng thị giác, hồi ức, ảo thị sinh động.

 

Bệnh nhân vẫn còn khả năng phê phán, rối loạn định hướng thoáng qua hoặc định hướng không đầy đủ về không gian, thời gian. Nét mặt và hoạt động mất linh hoạt, chú ý không tập trung. Trong giai đoạn này có thể có cơn co giật, thống kê của Tratrue C., 1983 trong giai đoạn khởi phát 10 – 15% có cơn co giật.

 

Khi nghiên cứu bệnh nhân sảng rượu ở Viện sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai triệu chứng hay gặp ở thời kỳ khởi phát là rối loạn giấc ngủ (100%), mệt mỏi, chán ăn(75%), khó tập trung chú ý(75%), run rẩy (64%), chếnh choáng (64%), sợ hãi (50%).

 

*  GIAI ĐOẠN TOÀN PHÁT:


Tam chứng cổ điển bao gồm:

  • - Ý thức mù mờ và lú lẫn

  • - Ảo tưởng và ảo giác sinh động ở bất kỳ giác quan nào.

  • - Triệu chứng run nặng.

    Ngoài ra cũng thường có hoang tưởng, kích động, mất ngủ hoặc rối loạn thức ngủ.

     

    Hiện tượng mê sảng nặng, người bệnh có rối loạn khả năng định hướng thời gian và không gian, định hướng xung quanh đôi lúc bị lệch lạc, còn giữ được định hướng bản thân. Người bệnh nhận thức xung quanh như là ảo ảnh, hoàn toàn mất khả năng phê phán. Mức độ ý thức mù mờ, dao động thường tăng về chiều tối. Khi có sự lôi cuốn chú ý lâu, ý thức tỉnh ra đôi chút, người bệnh bắt đầu trả lời đúng các câu hỏi nhưng trạng thái này có thể đột nhiên bị hàng loạt các ảo thị ngắt đoạn.

     

    Có nhiều loại ảo giác như ảo thị, ảo thanh, ảo thính, ảo giác, xúc giác. Các ảo giác chiếm vị trí chủ yếu và thường xuất hiện vào buổi tối có nội dung làm người bệnh ghê sợ, hoảng hốt. Các ảo thị thường có kích thước bị thu nhỏ, trông thấy những hình người, hình sinh vật nhỏ bé lại. Đôi khi người bệnh thấy các loại côn trùng đang bò trên cơ thể, cảm thấy đau do vết cắn của động vật.

    Đôi khi người ta gặp sảng nghề nghiệp, người bệnh thấy mình đang trong hoàn cảnh nghề nghiệp thông thường, đang tiến hành những hoạt động trong thao tác công việc của mình. Do rối loạn ý thức nặng nề, người bệnh tiếp thu những điều do ảo giác tạo nên như những điều xảy ra trong thực tế.

    Hành vi và tính chăm chú nhìn vào một chỗ nào đó, khi thì có tư thế bảo vệ, khi lẩn trốn, khi đi tìm, nét mặt có khi sợ hãi, khi ngạc nhiên, đăm chiêu. Bệnh nhân trở nên nói nhiều, tỏ ra sôi nổi, bận rộn, không ngủ được, các rối loạn tâm thần nặng lên về ban đêm và có thể có trạng thái kích động dữ dội. Một trong những nét đặc trưng là sự kết hợp cảm xúc căng thẳng, lo âu, sợ hãi với sự hài hước, người bệnh cố đùa cợt với cái nguy hiểm chết người đang đe dọa họ.

     

    Hoang tưởng trong sảng rượu cấp thường xảy ra liên quan đến tính chất và sự biến đổi của ảo giác.

     

    Song song với các loại rối loạn tâm thần trong sảng rượu cấp có các rối loạn toàn thân khá rõ. Run chân tay, run lưỡi và toàn thân là triệu chứng thường gặp (do đó có tên gọi là sảng run: delirium trements). Đó là một sự run rẩy ở cuối chi, nhanh và lan truyền mà người ta cảm thấy nhiều hơn trông thấy. Sự run rẩy cũng có trên khuôn mặt và tăng lên khi hoạt động. Run lưỡi làm cho bệnh nhân khó nói. Các động tác và dáng đi hơi kém phối hợp. Người bệnh đổ mồ hôi đầm đìa, sốt nhẹ, song trong trường hợp nặng hơn, nhiệt độ có thể cao, mạch nhanh, huyết áp cao, tim hơi giãn. Trong nước tiểu thường có Urobilin và Albumin, trong máu tỉ lệ Bilirubin, tốc độ lắng máu tăng.

    Trong trường hợp nặng, tâm trạng người bệnh tiến triển xấu dần, có thể tử vong do thiểu năng tim mạch hoặc mắc thêm bệnh viêm phổi. Trong trường hợp tiên lượng khả quan, bệnh kéo dài không quá 3 – 8 ngày. Cơn chấm dứt đột ngột sau một giấc ngủ sâu hoặc trong vài ngày, các biểu hiện bệnh nhẹ dần, trước tiên vào buổi sáng và ban ngày. Khả năng phê phán đôi khi không khôi phục được ngay. Trong trường hợp hạn hữu, sảng rượu cấp chuyển thành loạn thần Cocxacốp hoặc trạng thái ảo giác do rượu.

     

    II. ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG CAI RƯỢU


    - Thời gian điều trị từ 7-10 ngày

    - Bệnh nhân hoàn toàn không được uống rượu.

    - Sử dụng vitamine nhóm B liều cao

    + Vitamine B1: 1g/24 giờ (tiêm bắp), Vit B6 0.5g/24 giờ

    + Vitamine B12 – Vit PP thời gian điều trị khoảng 1 tuần, sau đó uống vitamin B hỗn hợp.

    - Benzodiazepine (sesduxen, Valium) 5mg x 2 viên/lần x 2-4 lần/ngày. Giảm liều dần trong 1 tuần.

    - Nếu bệnh nhân bị kích động, ảo giác, hoang tưởng; uống thêm haloperidol: 2mg x 3-4 lần/ngày hoặc risperidone (Lesvidon) 2-4mg)/ngày hoặc olanzapine (epineza) 10mg – 20mg trong 2-3 ngày.

    - Bù nước và điện giải khoảng 3-4 lít/ngày.

     

    B. CHỐNG TÁI NGHIỆN:


    Cai nghiện rượu cần được thực hiện tại trung tâm cai nghiện nội trú hoặc tại bệnh viện.

    Người nghiện rượu cần xác lập một kế hoạch điều trị theo từng đối tượng bao gồm điều trị bằng thuốc, các biện pháp điều trị không dùng thuốc nhằm giúp người nghiện chuyển đổi nhận thức, hành vi, nhân cách và không còn thèm nhớ rượu.

     

    I. LIỆU PHÁP DÙNG THUỐC:


    Liệu pháp dùng thuốc để người nghiện rượu sợ, không còn muốn tái sử dụng rượu. hiện nay có 3 loại thuốc chủ lực cai rượu là:

    - Disulfiram

    - Naltrexone

    - Acamprosate

     

    1. THUỐC CAI RƯỢU DISULFIRAM:


    Tên thương mại của Disulfiram là Disulfiram – Antabus – Espénol dưới dạng viên nén.

    Liều lượng: viên 250mg x 1 viên/ngày


    Tác dụng của Disulfiram:

    - Disulfiram ngăn chặn rượu chuyển hóa chất trung gian Acestaldihyt thành nước và khí CO2, do bị ngăn chặn chất trung gian làm người nghiện khó chịu khi uống rượu thậm chí dù một lượng rất nhỏ. Tác dụng bao gồm: buồn nôn, ói mửa, đỏ bừng mặt, nhức đầu, đau ngực, mắt mờ, ra mồ hôi, khó thở, lo lắng, rối loạn tâm thần. Các triệu chứng trên xuất hiện khoảng 10 phút sau khi uống rượu và kéo dài hơn 1 giờ khiến người nghiện sợ rượu không dám uống nữa.


    Các vấn đề cần lưu ý:

    1. Thời gian điều trị trung bình khoảng từ 1-2 năm

    2. Không được uống bất kì thức uống nào có cồn 48 giờ trước khi uống liều thuốc Disulfiram đầu tiên.

    3. Chỉ được uống chất có cồn sau khi ngừng uống Disulfiram vài tuần.

    4. Disulfiram làm một số bệnh nhân buồn ngủ, do đó không nên lái xe hoặc vận hành máy móc khi bệnh nhân có cảm giác trên.

    5. Tuyệt đối không ăn uống các loại thức ăn có chứa cồn.

    6. Luôn mang theo trong bóp (ví) 1 thẻ có ghi bệnh nhân đang điều trị Disulfiram và luôn luôn phải liên lạc với bác sĩ điều trị khi xảy ra vụ việc bất thường.

     

    Phản ứng phụ:

    - Ít gặp, bao gồm: dị ứng, mụn trứng cá, buồn ngủ, mỏi mệt, đau đầu, bất lực. Một số người cai nghiện rượu có cảm giác có mùi kim loại hay mùi tỏi trong miệng. Cảm giác này sẽ mất sau một thời gian.

    - Trong thời gian qua, ở TP.HCM đã xảy ra tình trạng một số dùng Disulfiram để cai rượu, thậm chí có một số bà vợ lén cho ông chồng nghiện rượu của mình uống thuốc để mà chừa rượu. Kết quả không như y muốn, mà có khi người dùng, nhất là ông chồng không biết đã dùng thuốc, cứ uống rượu nhiều vào, bị ngộ độc rất nặng, phải đi cấp cứu. Do đó, thuốc điều trị phải được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

    - Thuốc Disulfiram tuy giá rẻ, dễ dùng nhưng chỉ áp dụng được với bệnh nhân chịu hợp tác điều trị hoặc gia đình có thể kiểm soát bệnh nhân uống thuốc.

     

    2. THUỐC CAI RƯỢU NALTREXONE:


    Naltrexone lúc ban đầu được sử dụng để cai ma tuý nhóm thuốc phiện (Á phiện – Mocphin – Heroin), nhưng qua các nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy khi uống rượu, rượu sẽ được chuyển hoá trong cơ thể, gắn kết với một loại protein trong máu và tác dụng vào các thụ thể µ, β… như tác dụng của nhóm OMH gây khoái cảm.
    Tương tự cơ chế khi ta sử dụng nhóm OMH, các khoái cảm do uống rượu làm người nghiện thích thú và tiếp tục uống rượu. Khi người bệnh điều trị Naltrexone thuốc sẽ ức chế, bịt lỗ khoá tất cả các thực thể nêu trên nên không còn tạo ra khoái cảm, người nghiện mất dần cảm giác hứng thú khi uống rượu do đó sẽ giảm dần lượng uống tiến đến bỏ rượu. Thời gian điều trị trung bình từ 1 đến 2 năm.



    ƯU ĐIỂM CỦA VIỆC SỬ DỤNG NALTREXONE LÀ:

    1. Hiệu quả chán uống rượu xuất hiện từ từ do đó bệnh nhân dễ thích nghi với việc giảm liều lượng rượu.

    2. Thuốc không gây các tác dụng phụ khó chịu như khi sử dụng Disulfirame. Vì thế có thể dung cho các bệnh nhân không hợp tác điều trị.



    DIỄN BIẾN ĐIỀU TRỊ:

    - THÁNG THỨ NHẤT: Bệnh nhân mất rõ rệt cảm giác thèm rượu. Lượng rượu uống còn khoảng 50%.

    - THÁNG THỨ HAI: Bệnh nhân chỉ còn rất ít cảm giác thèm rượu. Lượng rượu uống giảm 70%.

    - THÁNG THỨ BA: Bệnh nhân không còn quan tâm đến rượu, có thể ngưng uống rượu hoàn toàn.

    - Tuy nhiên để bệnh nhân bỏ hẳn rượu, phục hồi hệ thống não bộ, điều chỉnh nhận thức hành vi nhân cách và giải quyết các vấn đề nội tại, thời gian điều trị phải từ 1 đến 2 năm, kết hợp giữa điều trị dùng thuốc với các biện pháp điều trị không dùng thuốc.


    3. THUỐC CAI RƯỢU BẰNG ACAMPROSATE:


    - Acamprosate dẫn xuất từ muối Ca: Campral – tên biệt dược: Aotal, Zulex. Đây là loại thuốc mới dùng để cai rượu.


    - Thuốc có tác dụng ức chế vận chuyển GABA và đối kháng Glutamate Receptor – cơ chế tác dụng hiện nay chưa được giải thích rõ ràng, nhưng thuốc có tác dụng làm giảm sự thèm muốn uống rượu. Khác với Disulfiram, Acamprosate không bị tác dụng phụ khi đang uống thuốc mà vẫn sử dụng rượu. thuốc không bị chuyển hoá ở gan, do đó không cần giảm liều ở người bị suy gan.


    - Acamprosate có cấu trúc tương tự GABA và được cho là ức chế hệ Glutamatergic. Điều này là Acamprosate làm giảm sự hoạt động Glutamatergic thường thấy ở bệnh nhân nghiện rượu. Acamprosate viên nén 333mg Liều dùng từ 1v x 2-3l/ngày.


    II. LIỆU PHÁP KHÔNG DÙNG THUỐC:


    Nhằm giáo dục, gọt giũa, phục hồi não bộ, nhận thức hành vi nhân cách, hình thành thói quen tốt của đối tượng như cai nghiện các chất gây nghiện khác.



    III. TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG RƯỢU GÂY NÊN CÁC BỆNH TÂM THẦN HOẶC BỆNH CƠ THỂ PHẢI ĐIỀU TRỊ THÊM CÁC BỆNH TRÊN

     

    Tài liệu tham khảo thêm