NGƯỜI TRÍ THỨC CHIẾN ĐẤU TRÊN MỌI MẶT TRẬN
Ở vào cái tuổi 75 xưa nay hiếm, nhưng với tấm lòng nhiệt huyết, say mê và đầy trách nhiệm của người Cựu chiến binh già đó chính là Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy vẫn luôn nóng bỏng. Từng là một Bác sĩ – một Cụm phó Điệp báo A10 hoạt động bí mật trong lòng địch, sau giải phóng lại trải nghiệm trên rất nhiều vị trí công tác khác nhau nên đã giúp cho ông có một tầm nhìn – một hiểu biết tổng hợp khá đặc biệt mà không dễ ai cũng có được.Chiến sĩ tình báo trên chiến trường
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy quê ở Nghệ An nhưng sinh ra và lớn lên tại miền Nam - ông là một học sinh giỏi của Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Do ảnh hưởng từ gia đình Nho giáo và tham gia Gia đình Phật tử lúc còn tiểu học nên ông luôn giữ nếp sống nghiêm túc chuẩn mực.
Lớn lên tại Quảng Nam, vùng đất của chiến tranh ác liệt nên dù xuất thân trong một gia đình viên chức có vị trí của chế độ cũ ông cũng sớm giác ngộ cách mạng. Ngay từ những năm 60 ông đã liên tục tham gia các phong trào đấu tranh tại đô thị chống Mỹ - Diệm và các chính quyền tay sai Khánh - Thiệu - Kỳ - Hương…
Năm 1966, ông trúng tuyển vào đại học Y Khoa Sài Gòn và cũng từ ngôi trường này ông mới thực sự tiếp cận với cách mạng. Ông từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong các tổ chức biến tướng của cách mạng như: Chủ tịch các Ủy ban tranh đấu, Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa, Đoàn trưởng Đoàn công tác y tế, Đoàn văn nghệ sinh viên Y – Nha – Dược, phụ trách báo chí của sinh viên Y...
Năm 1971, ông tham gia hoạt động vũ trang Ban An ninh Sài Gòn – Gia Định. Năm 1972 ông chuyển qua làm Cụm phó cụm điệp báo A 10 với bí danh Năm Quang.
Quá trình hoạt động, ông đã tổ chức xây dựng được nhiều cơ sở nồng cốt và quan trọng và đã đạt được nhiều thành tích đặc biệt cho cụm Điệp báo A10, cụ thể như:
- Anh Huỳnh Bá Thành (Ba Trung) lúc bấy giờ là Giám đốc Kỹ thuật kiêm Thư ký tòa soạn báo Điện Tín, cơ quan ngôn luận chính thức của nhóm Dương Văn Minh. Thông qua anh Thành, Cụm đã xây dựng được một mạng lưới ngoại vi làm nồng cốt tác động trực tiếp vào Dương Văn Minh.
- Anh Huỳnh Huề sinh viên Đại học tổng hợp nay là Thiếu tướng An ninh Bộ Công An – Anh hùng lực lượng vũ trang – hưu trí.
Quá trình hoạt động Anh Huỳnh Huề đã xây dựng được nhiều cán bộ nồng cốt đánh vào Văn phòng Thủ tướng đặc trách kinh tế, cơ quan Tình báo chiến lược của Mỹ tại Tân Sơn Nhất, Bưu điện, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn.
Khánh Duy đã chỉ đạo Anh Huỳnh Bá Thành: sử dụng báo Điện Tín của Dương Văn Minh thực hiện ý đồ của ta theo từng giai đoạn:
- Hướng dẫn, vận động dư luận quần chúng theo ý đồ có lợi cho cách mạng.
- Phân hóa hàng ngũ địch, tổ chức lôi kéo các lực lượng tiến bộ - hòa bình – dân tộc, tập hợp thành lực lượng chống đối Nguyễn Văn Thiệu.
- Lôi kéo các báo khác viết theo khuynh hướng của cách mạng.
- Tác động các phóng viên viết bài đáu tranh dân sinh, dân chủ, chống tham nhũng, ta thán chiến tranh, kêu gợi hòa bình, thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, thành lập chính phủ ba thành phần, thực hiện hòa hợp, hòa giải trên cơ sở pháp lý và Hiệp định Paris mà Mỹ - Thiệu đã ký. Từ những tác động đó, phe nhóm hiếu chiến của Thiệu ngày càng bị cô lập.
Nhằm góp phần vô hiệu hóa kế hoạch nhân sự của địch, theo từng thời điểm mà báo nhắm vào từng đối tượng hay từng vụ việc, nhất là lúc Thiệu sắp bố trí nhân sự hay bầu bán vào quốc hội, ngoài ra, Khánh Duy còn vận động và xây được nhiều quàn chúng tốt, nhất là trong giới dân biểu, nghị sĩ Quốc hội – Ký giả báo chí có cảm tình với cách mạng nhằm phục vụ chủ trương của ta.
Tháng 3/1975 sau khi tờ Điện Tín bị Thiệu đóng cửa, Lãnh đạo Ban An Ninh T4 chỉ đạo ông yêu cầu Huỳnh Bá Thành tìm cách ở hẳn trong dinh Hoa Lan của tướng Dương Văn Minh để dễ tiếp cận, nắm bắt tình hình và đồng thời bằng mọi cách tấn công chính trị, tác động để Dương Văn Minh thay Nguyễn Văn Thiệu rồi tìm cách giao chính quyền cho cách mạng để đỡ đổ máu.
Cùng các lực lượng khác, Cụm A10 trong đó có Huỳnh Bá Thành và các cơ sở đã tham gia tác động các nghị sỹ đối lập để Quốc hội chế độ Sài Gòn bầu Dương Văn Minh lên làm Tổng thống ngày 28/04/1975. Trong những ngày kế cận chiến thắng, Anh Thành đã góp phần tác động trực tiếp đến Dương Văn Minh để ra tuyên bố án binh bất động trước khi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào trưa ngày 30/04/1975 lịch sử. Trước đó, ngày 29/4/1975 anh Thành cũng đã chỉ đạo cơ sở Điệp báo A10 là anh Phan Xuân Huy (con rể Dương Văn Minh) ngăn chặn không cho địch phá cầu Sài Gòn, bằng sử dụng mối quan hệ cá nhân và quyền lực của Dương văn Minh.
Nhiệm vụ xây dựng lõm căn cứ chính trị:
Năm 1971, thực hiện chỉ đạo của Ban An ninh T4, Khánh Duy đã thành lập đoàn Công tác y tế sinh viên Y – Nha – Dược để tạo địa bàn hoạt động cho quần chúng cả 03 trường Y – Nha – Dược; đồng thời thực hiện mục tiêu xây dựng hõm căn cứ chính trị trong lòng địch.
Hàng tuần, đoàn tổ chức khám bệnh, phát thuốc, nhổ răng và làm công tác xã hội giúp người nghèo ở các xóm lao động (chủ yếu ở Quận 4, Quận 6, Quận 11). Những hoạt động mật của Đoàn bị cảnh sát mật của Sài Gòn theo dõi rất kỹ nhưng chúng không phát hiện được gì; chỉ thấy Đoàn khám bệnh, nhổ răng, phát thuốc, làm đường, dựng nhà cho dân; nhưng chúng có biết đâu dưới sự chỉ đạo của Khánh Duy các cơ sở đã đến từng hộ gia đình tiếp cận từng người dân để làm công tác tư tưởng, vận động đấu tranh, đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, gợi khổ, kể khổ, tố khổ chống chế độ thối nát, đòi hòa bình, đồng thời tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, xây dựng mạng lưới cơ sở, nâng cao nhận thức của quần chúng và phát hiện các phần tử ác ôn, chống phá cách mạng. Ngày 30/04/1975 Đoàn gồm các cơ sở A10, Thành đoàn, Liên quận đã nổi dậy giành chính quyền tại Quận 4. Một số cơ sở khác của Cụm A10 là anh Ba Vũ đã nổi dậy tại khu vực Bảy Hiền.
Thực hiện công tác tình báo, tấn công chính trị, phân hóa hàng ngũ địch:
Năm 25 tuổi, tốt nghiệp bác sĩ, Nguyễn Hữu Khánh Duy bị địch bắt động viên vào quân đội Sài Gòn, đồng chí Trần Ngọc Ban - bí danh Mười Hương - Nguyên phó Bí thư Thành ủy - Trưởng ban An ninh Sài Gòn Gia Định chỉ đạo “Năm Quang cần phải đi lính để giữ thế hợp pháp. Đây là điều kiện tồn tại hoạt động ở thành thị, phục vụ cho yêu cầu trinh sát đánh địch của Ban An ninh T4”.
Do gia đình Khánh Duy có nhiều người là Cán bộ cao cấp chính quyền Sài Gòn: cha là Giám đốc Sở tài chánh - kế toán của Tổng cục Bưu chính, anh rể làm Tổng Thư ký Bộ nội vụ, em gái làm Chủ sự Phòng sưu tầm chính trị Phủ Tổng ủy Dân Vận chiêu hồi, em rễ là Công cán ủy viên Phủ Tổng ủy Kế hoạch, các anh chị em của ông là sinh viên Đại học, do đó - ông được sự tin tưởng của chính quyền Sài Gòn, trong khi đó chúng có biết đâu hầu hết cả gia đình Khánh Duy đều hoạt động tình báo cho Cách mạng.
Trong vai trò Bác sĩ trưởng Quân y tiểu đoàn 6 – sư đoàn Thủy quân lục chiến, Khánh Duy một mặt tiếp tục điều hành Cụm điệp báo A10 đồng thời tìm mọi cách phân hóa hàng ngũ địch. Để làm giảm ý chí và tiêu hao sinh lực địch, ông cho những người lính bị bệnh được điều trị lâu hơn (như cảm sốt thông thường chỉ nghỉ 3 ngày ông cho nghỉ 9 - 10 ngày) cứ một lính bị thương ông lại đề nghị Tiểu đoàn trưởng điều 10-20 người lính cho máu để cứu thương binh. Những người lính cho máu vừa được hưởng bồi dưỡng, vừa được miễn ra chốt tiền tiêu trực chiến nên ai cũng vui vẻ.
Lâu dần, việc canh gác thiếu người và trở nên lỏng lẻo. Bên cạnh đó, bằng những kỹ thuật chuyên môn, Khánh Duy còn giúp nhiều người lính để họ được giải ngũ, trở về với gia đình mà không khỏi hàm ơn người bác sĩ… Những lúc ngồi uống rượu, trong giọng điệu “khề khà”, anh làm công tác binh vận, tuyên truyền phản chiến, làm rệu rã và bất mãn ở sĩ quan, binh lính Sài Gòn.
Qua tác động tâm lý, nhiều lính thủy quân lục chiến quá sợ hãi xin ông cắt bỏ chữ “Thủy quân lục chiến sát cộng” xăm trên tay - Ông không làm vì biết nếu làm sẽ bị An ninh quân đội theo dõi rất nguy hiểm, nên nói với các y tá dưới quyền “Tụi nó ngu quá, lấy thuốc tím đậm đặc bôi lên là bị hủy ngay”. Việc làm này đã đánh gục tư tưởng hiếu chiến của một bộ phận quân địch.
Do thấy ông làm việc tích cực - sống sâu sát ngày đêm với thương bệnh binh - cả thời gian dài, đơn vị không có lính nào chết nên điều khôi hài đã xảy ra: Thiếu tướng Bùi Thế Lân - Tư lệnh Sư đoàn thủy quân lục chiến đáp trực thăng xuống, gắn lên ngực Khánh Duy huân chương “Anh dũng bội binh” trong một nghi lễ trang trọng bên dòng sông Thạch Hãn (chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên). Ngay sau đó, tờ báo Sóng Thần của Sư đoàn thủy quân lục chiến có bài viết ca ngợi Bs. Nguyễn Hữu Khánh Duy là “Anh hùng quân y thủy quân lục chiến”!
Làm điệp báo đơn tuyến, hoạt động bí mật nên Khánh Duy thường lặng lẽ trải qua không ít tủi nhục, chịu đựng nhiều tiếng chê trách, khinh bỉ của người thân, của bạn bè và ngay cả những người đã một thời cùng anh hoạt động trong phong trào sinh viên - học sinh…
Ngày Đà Nẵng được giải phóng, ông mất liên lạc với An ninh T4. Không hề nao núng, Bs Nguyễn Hữu Khánh Duy vẫn tiếp tục giữ kín nhiệm vụ của mình, ông ra trình diện Ủy ban Quân quản Đà Nẵng như một “đại úy, bác sĩ quân y ngụy” và được phân công làm việc tại bệnh viện Đà Nẵng.
Tháng 05/1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông mới bắt được liên lạc được với An ninh T4 và được gọi trở về Sài Gòn, tiếp tục công tác. Tuy nhiên, một điều không ai ngờ đến, Bác sĩ Khánh Duy nhận được giấy mời… đi học tập cải tạo.
Không một lời giải thích, không một dòng thanh minh, bác sĩ Khánh Duy lặng lẽ thu xếp hành trang chuẩn bị vào trại cải tạo, chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của tổ chức. Đồng đội lại không hiểu hết ý nghĩa, nhiệm vụ của chuyến công tác đặc biệt này, nên người xót xa, người nghi ngờ - đau buồn hơn, ông còn bị một cú sốc rất nặng nề về tình cảm, do bị hiểu lầm nhân thân chính trị của ông và gia đình… Hơn 6 tháng sau, trước tình hình và yêu cầu mới, Khánh Duy “ra trại” để chuyển về công tác tại khối Bảo Vệ Chính Trị thuộc Ban An ninh nội chính Sài Gòn – Gia Định.
Từ năm 1976, ông là Bác sĩ Trưởng trại giam Chí Hòa điều trị cho hàng chục ngàn can phạm trong đó không ít người nghiện ma túy kèm theo đủ loại bệnh tật. Do lúc bấy giờ tài liệu điều trị cho ma túy gần như không có, Bác sĩ Khánh Duy phải tự học tập và rút kinh nghiệm. Tiếp cận người nghiện và tìm hiểu về ma túy, qua đó ông có điều kiện nắm bắt được hoàn cảnh, tâm lý của người nghiện mà trước đó Bác sĩ Khánh Duy rất ít tiếp xúc, ông nhận thấy nhiều người nghiện có hoàn cảnh rất đáng thương và họ không phải hoàn toàn hư hỏng như ông nghĩ.
Lúc này, tình hình kinh tế khó khăn nên ngoài thời gian ở cơ quan ông cùng vợ con còn phải nuôi heo, nuôi gà, làm bánh bông lan hằng đêm đi bán tại chợ hay bỏ mối tại các trường học. Lao động quá mức, môi trường độc hại ông đã bị lao phổi nhưng vì nhiệm vụ ông vẫn không xin chuyển đến một môi trường làm việc nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
Vào những năm 80, Khánh Duy được điều động về công tác tại Phòng An ninh Chính trị Nội bộ phụ trách lĩnh vực Y tế, Xã hội, Khoa học - Kỹ thuật, Giáo dục và Bảo vệ cơ quan Dân - Chính - Đảng. Vào thời điểm bấy giờ, do điều kiện kinh tế quá khó khăn, chính sách đối với trí thức chế độ cũ lại còn nhiều nghi ngại nên một số bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Khoa Sài Gòn đã vượt biên. Hiện tượng “chảy máu chất xám” đang rất phổ biến. Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế và nhiều trường Đại học nước ngoài lại cấp học bổng cho bác sĩ ta đi tu nghiệp với điều kiện phải thông thạo ngoại ngữ Anh và Pháp trong lúc đó các Bác sĩ miền Bắc vào đa số chỉ biết tiếng Đức, Liên Xô hay Trung Quốc.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy chịu trách nhiệm và mạnh dạn đề xuất với Ban Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh và các cấp lãnh đạo để các bác sĩ đã tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn có đủ điều kiện bạn đề ra được đi học, mặc dầu theo quan điểm lúc bấy giờ lý lịch của bác sĩ trên khá phức tạp.
Là một Bác sĩ hoạt động nội thành nên ông hiểu và tin họ, Khánh Duy nói rất chân tình: “Mấy anh, chị đi học thật tốt rồi về phục vụ đất nước. Anh, chị về thì bạn bè của mình mới được đi và phía nước ngoài họ cũng tin tưởng và tiếp tục mời!”. Các chuyến ấy, các bác sĩ tên tuổi như Văn Tần, Trần Đông A, Trần Thành Trai, Võ Văn Thành, Nguyễn Chấn Hùng Phó Đức Mẫn, Nguyễn Văn Chiếu, Phạm Ngọc Thanh, Vũ Tam Tĩnh,…và cả ê-kíp mổ của Viện Tim không ai ở lại và hiện nay họ đã có nhiều đóng góp to lớn cho ngành y khoa của đất nước, hầu hết đã trở thành cán bộ giảng Đại học Y khoa và tiếp tục truyền kiến thức cho thế hệ sau.
Còn Khánh Duy, như Thượng tá Đinh Ngọc Sơn - cán bộ Phòng Phong trào Quần chúng Bảo vệ An ninh Tổ quốc Công an TP - người có một thời gian dài công tác chung với ông cho biết:“Lúc mới giải phóng với tấm bằng Bác sĩ và vị trí chính trị như Khánh Duy là quý như vàng và có đủ tư cách tham gia các chuyến đi tu nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, do tình hình lúc đó lực lượng An ninh TP cần Khánh Duy ở lại…”. Khi kể về những vấn đề này Khánh Duy tâm sự: “Thầy giỏi thì học trò mới giỏi, những lớp Bác sĩ sau này tốt nghiệp có trình độ anh rất vui vì có phần đóng góp nhỏ của mình, thà mình chịu thiệt thòi nhỏ nhưng thành quả đó là một niềm vui lớn đối với ông."
Năm 1990, từ Bộ chỉ huy phản gián Công an TP. Hồ Chí Minh, Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy chuyển ngành về Sở Y tế. Ít ai biết là một Bác sĩ nhưng ông lại là người đầu tiên kiện toàn công nghệ làm ra các loại test thử nước tiểu, các loại ống sonde đạt tiêu chuẩn y tế như: ống cho ăn, ống thông tiểu, ống thông hậu môn, ống hút đàm nhớt, ống dẫn lưu…mà những năm 1990 rất thiếu và cần thiết cho các bệnh nhân cấp cứu tại các bệnh viện.
Ông cũng là người đầu tiên viết luận chứng chuyển đổi Viện Điều Dưỡng chỉ lo nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân thành Bệnh viện Điều Dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp với chức năng đầy đủ nhằm săn sóc sức khỏe cho bệnh nhân trước, trong và sau điều trị tại bệnh viện và đồng thời còn quan tâm đến tầng lớp công nhân mắc bệnh nghề nghiệp là những bệnh mãn tính, khó chữa mà lúc bấy giờ rất ít bệnh viện nào thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Lê Ngọc Trọng đã đánh giá “đây mới là Điều dưỡng, phục hồi đích thực”. Mô hình Điều dưỡng – Phục hồi của ông hiện nay toàn quốc đang thực hiện.
Năm 1998, ông là người viết luận chứng thành lập khu Du lịch Sinh thái và Điều dưỡng cho khu tắm bùn và suối nước khoáng nước nóng Bình Châu (H. Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu), đây cũng là một luận chứng rất công phu đầu tiên của cả nước biết kết hợp giữa Y học phục hồi, tận dụng thiên nhiên để điều trị bệnh với Du lịch sinh thái.
Năm 1995, ông là Hội thẩm Tòa án nhân dân TP.HCM và đã xét xử nhiều vụ án liên quan đến ma túy. Ông không khỏi xót xa khi nghĩ đến những thanh niên bị đánh mất tuổi trẻ vì chất độc chết người đồng thời trong lúc đa số người nghiện càng ngày càng tăng.
Năm 2000, về hưu với tỉ lệ mất sức 61%, nhưng với tấm lòng người lính ông vẫn không chịu ngồi yên một chỗ nghĩ ngơi, ông đã tập hợp bạn bè, đồng chí, đồng đội thành lập Trung tâm Điều dưỡng & Cai nghiện ma túy Thanh Đa. Trung tâm là thành quả một tập thể Cựu chiến binh, những người đã trở về sau những chuỗi ngày dài tranh đấu và đang tận dụng quỹ thời gian ít ỏi để níu lại những mãnh đời trót sa ngã vào cái chết trắng.
Để có thể dắt những đứa con lầm lỡ trở về đúng con đường mà họ phải đi, người “cha đẻ” của Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa phải lo lắng không nguôi, đau đáu với những suy nghĩa về cách cai nghiện nào hiệu quả nhất, vì vậy mà hầu hết quỹ thời gian của ông đều gắn chặt với công tác cai nghiện ma túy. Ông đã biên soạn hàng ngàn trang tài liệu đóng góp cho hệ thống lý luận về cai nghiện cho Trung ương cũng như địa phương.
Sự kết hợp linh động các phương pháp cai nghiện với việc đề cao giáo dục phục hồi nhận thức - hành vi -nhân cách là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành công của Trung tâm. Hiện nay Trung tâm được xem là một trong những Trung tâm cai nghiện tốt nhất cả nước. Với uy tín, Trung tâm còn thu hút nhiều kiều bào trên thế giới, thậm chí có cả người nước ngoài về cai nghiện.
Dành hết tâm huyết cho công việc Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy đã tạo dựng cho Trung tâm một vị thế vững mạnh, một mái ấm thân thương với tất cả những ai lỡ sa ngã, lầm đường lạc lối. Ông thường về nhà sau khi học viên đã vào phòng ngủ hết, rồi lại trở lại Trung tâm khi học viên chưa thức giấc. Ông tâm sự: “Làm công tác cai nghiện mà thiếu đi tấm lòng thì coi như thất bại”. Ông luôn gần gũi với học viên, cùng họ chia sẻ những nỗi niềm, những trăn trở, những khó khăn bản thân họ phải vượt qua… Với “bố già”, hạnh phúc lớn nhất là gặp lại những người con đã cai nghiện có kết quả và hòa nhập được vào cuộc sống. Hạnh phúc tưởng chừng giản dị ấy nhưng là sự phấn đấu hết mình của một nhân cách lớn.
Với uy tín của Trung tâm nhiều tổ chức trong và ngoài nước mời ông tham dự nhiều Hội nghị, nhiều trường Đại học đã gửi sinh viên dến Trung tâm ông thực tập.
Hơn 13 năm liền ông đều được phân loại “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” “Đảng viên Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Hội Cựu chiến binh Việt Nam Tp.HCM tặng ông Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”. Với những đóng góp cho xã hội ông đã được Chủ tịch Nước tặng Huân chương lao động Hạng Ba – Ban Tuyên giáo Trung ương – Văn phòng Chính phủ - Ban thi đua khen thưởng Trung ương tặng danh hiệu: “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác” và nhiều huy hiệu, cúp vàng, bằng khen, giấy khen của các Bộ, Ban Ngành từ Trung ương đến Địa phương trao tặng.
Ngồi miên man theo dòng tâm sự của “bố già” cứ dứt lời ông cười, một nụ cười khiêm tốn và chân chất như cái tâm của người chiến sĩ. Chúng tôi đã hiểu được với nụ cười này và tại sao mọi người chung quanh lại quý mến ông đến thế. Từ những việc ông đã và đang làm dường như xác định cho mình một chân lý: Câu chuyện của một người lính, một trí thức hôm qua và một doanh nhân hôm nay, dẫu ở nơi nào và vị trí nào, chỉ cần giữ được cái tâm của một người cách mạng, không ngại khó, ngại khổ… trước hết là vì nhân dân, thì trong mặt trận nào, vai trò của anh bộ đội Cụ Hồ cũng sẽ là yếu tố quyết định để đi đến thành công.
Theo lẽ thường, trẻ nhiệt huyết, già thảnh thơi. Nhưng đối với Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy thì không thể. Mặc dầu ở tuổi 75 nhiệt huyết vẫn lưu thông không ngừng trong huyết mạch, mong muốn được cống hiến hết mình cho xã hội chưa bao giờ tắt trong ý nghĩ của ông.
Thay cho lời kết, tôi xin lấy lời nhận xét đối với ông của Đồng chí Trần Quốc Hương - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Sài gòn – Gia Định, Trưởng Ban An ninh T4 là người lãnh đạo trực tiếp cụm điệp báo A10 : “Trên cương vị được giao trong chiến đấu cũng như trong hòa bình Đ/c Khánh Duy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào thắng lợi 30/4/1975. Khi đến tuổi nghỉ theo chế độ, Đồng chí vẫn giữ khí tiết người Đảng viên việc gì tốt cho Đảng, cho Dân, khó khăn mấy cũng làm và làm rất tốt."
Nay Đồng chí vẫn tiếp tục tham gia đóng góp cho xã hội, đứng ra thành lập Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa. Đây là một mô hình rất đặc biệt hoạt động hiệu quả và được các cấp, các bộ ngành đánh giá cao./.