GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG:
MÔ HÌNH ĐIỀU TRỊ BÁN TRÚ - NHÀ TRUNG CHUYỂN
Bs. Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng & Cai nghiện Ma túy Thanh Đa biên soạn
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Tại Việt Nam phần lớn người cai nghiện sau thời gian điều trị tại trung tâm về ngay với cộng đồng vì những lý do chủ yếu như công việc làm ăn, kinh tế, khó khăn, thiếu hiểu biết,... thêm vào đó chúng ta có rất ít trung tâm làm tốt công tác điều trị trung chuyển từ cai nghiện nội trú qua giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả là giai đoạn tái hoà nhập cộng đồng được thực hiện một cách cưỡng ép và thường dễ bị thất bại. Người cai nghiện từ trung tâm trở về cộng đồng dễ có tư tưởng hụt hẫng khi thay đổi môi trường một cách đột ngột. Do đó, sau thời gian cai nghiện nội trú và trước khi tái hòa nhập cộng đồng, người nghiện cần một thời gian điều trị bán trú để học cách thích nghi dần thông qua thử thách gọi là “giai đoạn chuyển tiếp”. Để giúp người cai nghiện tiếp tục duy trì một cuộc sống không ma túy thì quá trình hỗ trợ là một yếu tố rất cần thiết. Người cai nghiện vừa có thể tham gia các hoạt động ngoài xã hội như làm việc, học nghề, học văn hóa … nhưng vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của Trung tâm. NHÀ TRUNG CHUYỂN SẼ GIÚP HỌ TỪNG BƯỚC TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG. Để thực hiện tốt việc này người cai nghiện phải hiểu rằng mình phải chịu trách nhiệm chính đối với bản thân mình dưới sự hỗ trợ của cán bộ điều trị và tập thể.
Chương trình chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng cho người nghiện ma tuý là rất cần một sự liên tục. Phục hồi được gọi là thành công khi người nghiện có thể đương đầu được với các tình huống sau khi họ được ra về từ NHÀ TRUNG CHUYỂN (HALFWAY HOUSE).
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ TRUNG CHUYỂN:
Thông qua điều trị bán trú tại Nhà trung chuyển, người cai nghiện vẫn tiếp tục được quản lý tại Trung tâm nhưng vẫn có những cơ hội tiếp cận dần với các hoạt động ngoài xã hội, giải quyết những khó khăn của bản thân, trang bị bản lĩnh, kỹ năng sống. Người cai nghiện được sự hỗ trợ cần thiết để cho họ thay đổi dần trước khi hòa nhập lại cộng đồng. Để thực hiện tốt mục tiêu trên cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung tâm - học viên và gia đình. Tinh thần hợp tác và ý thức tự giác của học viên là vô cùng quan trọng.
1. MỤC ĐÍCH THÀNH LẬP KHOA ĐIỀU TRỊ BÁN TRÚ:
1.1. Giúp người đã cai nghiện củng cố những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống bình thường, tập thích nghi dần với các sinh hoạt tại cộng đồng.
1.2. Khuyến khích người đã cai nghiện tham gia các hoạt động để họ cảm thấy mình còn có ích, vẫn còn khả năng, có ý thức về bổn phận và trách nhiệm.
1.3. Người đã cai nghiện được mạng lưới hỗ trợ xã hội giúp đỡ để gắn kết với những người bình thường.
1.4. Giúp người đã cai duy trì ý thức làm chủ bản thân và trách nhiệm với cuộc sống của mình.
1.5. Đối tượng được tiếp tục kiểm tra việc sử dụng ma túy để có những biện pháp xử lý kịp thời.
1.6. Tất cả mọi người đều có nhu cầu giao tiếp, trao đổi tâm tư tình cảm, suy nghĩ. Riêng đối với người cai nghiện khi trở về cộng đồng khó có ngay bạn bè tốt mà lại phải tiếp cận với một số bạn bè xấu, tiêu cực, sử dụng ma túy. Đây là một nguy cơ rất lớn trong việc tái sử dụng ma túy của người cai nghiện. Nhà trung chuyển sẽ là nơi người cai nghiện có điều kiện tiếp cận được những bạn bè đồng cảm - những bạn bè này đã từng sử dụng ma túy nhưng họ đã được giáo dục, rèn luyện một thời gian dài tại trung tâm, đồng thời họ cũng được tuyển chọn từ những người cai nghiện tốt.
2. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN:
Hồi phục là một quá trình phát triển liên tục, bao gồm các vấn đề sau:
2.1. Điều chỉnh về tâm lý: Giúp đối tượng chế ngự và xử lý những thèm nhớ ma tuý, những dấu hiệu cảnh báo tái nghiện, những nguyên nhân dẫn đến buồn chán, cô đơn, thất vọng, chấn thương tâm lý.
2.2. Điều chỉnh về xã hội: Giải quyết các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân và gia đình, những căng thẳng trong cuộc sống, duy trì việc làm ổn định, những áp lực từ bạn bè và xã hội, quản lý tiền bạc và sự điều chỉnh với cuộc sống mới …
2.3. Cân bằng lối sống: Thực hiện và tham gia các hoạt động xã hội, cân bằng giữa công việc và thời gian nhàn rỗi … Trung tâm có nhiệm vụ quản lý giờ giấc sinh hoạt, làm việc, học tập của học viên để người cai nghiện có lối sống trật tự, ngăn nắp.
2.4. Kế hoạch hồi phục dài hạn: Có kế hoạch từng bước cho công tác cai nghiện.
2.5. Phát triển mạng lưới trợ giúp: Đây là một yếu tố quan trọng trong quá trình hỗ trợ người cai nghiện tiến đến sự hồi phục.
3. NỘI DUNG THỰC HIỆN:
Mô hình nhà bán trú đã giữ một vai trò rất quan trọng từ thập niên 1970. Một số nhà bán trú thuộc nhà thờ Thiên chúa đã được thành lập vào khoảng thời gian đó, gồm có tên là: Hiding Place (Nơi ẩn nấp), Helping Hand (Bàn tay giúp đỡ), và Teen Challenge (Thách thức tuổi thơ) … Các nhà bán trú này đã giúp đỡ hàng ngàn người nghiện kể từ khi đó. Yếu tố tinh thần tự giác là nhân tố quyết định chính trong chương trình phục hồi của các nhà bán trú.
Chương trình điều trị trong giai đoạn này bao gồm:
3.1. Quản lý học viên:
Trong thời gian này người cai nghiện sẽ được phép đi ra ngoài làm việc,học nghề, học văn hóa và quay về lại trung tâm khi đến giờ quy định. Quá trình này nên kéo dài ít nhất là 6 tháng.
Việc gặp gỡ giữa các học viên đã hoàn thành chương trình cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng là cần thiết để các thành viên có thể hỗ trợ nhau trao đổi tình cảm, kinh nghiệm trong cuộc sống.
3.2. Tư vấn - Tâm lý trị liệu – Giáo dục trị liệu:
Trong giai đoạn này người cai nghiện vẫn tiếp tục được sự giúp đỡ và giám sát của cán bộ điều trị. Mọi mặt đời sống của họ được chăm sóc thông qua các buổi sinh hoạt và tư vấn cá nhân và nhóm. Người đã cai, từng bước được phép về nhà để học cách thích nghi dần với cuộc sống và gia đình. Họ được khuyến khích bày tỏ các cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực khi quay trở về nhà và về với cộng đồng. Đây là một cách tốt để điều chỉnh về hành vi và tâm lý của họ. Thông qua các biện pháp chuyên môn cán bộ điều trị sẽ sớm nhận biết các biểu hiện của người cai nghiện như thất vọng, bi quan là cực kỳ quan trọng để phát hiện và giải quyết kịp thời những khả năng gây tái nghiện. Tất cả những gì mà họ đã học được trong quá trình điều trị sẽ được bộc lộ ở giai đoạn này.
3.3. Kiểm tra việc tái sử dụng ma túy:
Học viên được thường xuyên xét nghiệm nước tiểu đột xuất và định kỳ tối thiểu 01 lần / 01 tuần để kịp thời phát hiện học viên tái sử dụng ma túy hay không để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
3.4. Người tư vấn đồng đẳng:
Những người đã hoàn thành chương trình ở NHÀ TRUNG CHUYỂN (Halfway House) với kết quả đạt yêu cầu được xét làm người tư vấn đồng đẳng. Người tư vấn đồng đẳng cần có đầy đủ năng lực nghiệp vụ đề ra và thực hiện được vai trò của người giám sát. Người tư vấn đồng đẳng có thể được xem như là đầu đàn của tập thể học viên nội trú, bán trú, người sẽ làm vai trò mẫu mực cho người cai nghiện, sẽ làm việc thường xuyên trong chương trình điều trị và được hưởng phụ cấp. Họ là những trợ lý cho các cán bộ điều trị trong hoạt động hàng ngày cũng như việc tiến hành chương trình cai nghiện. Là vai trò hình mẫu và vai trò hỗ trợ cho những vẫn còn đang điều trị, họ sẽ không chỉ thôi thúc người cai nghiện tiến đến cuộc sống không ma tuý, mà họ còn là những động lực để duy trì sự thành công trong việc hoà nhập xã hội của người cai nghiện.
3.5. Sự quan hệ đối với gia đình và những người có ảnh hưởng:
Các thành viên gia đình được mời tham gia vào quá trình điều trị ngay khi người cai được đưa vào chương trình điều trị bán trú. Cán bộ điều trị giữ liên lạc đều đặn với các thành viên gia đình và các buổi sinh hoạt nhóm gia đình cũng được tiến hành đều đặn. Theo cách đó, các thành viên gia đình và những người có ảnh hưởng sẽ biết cách đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình phục hồi của người cai nghiện. Sự hợp tác từ phía gia đình và của những người có ảnh hưởng là cực kỳ quan trọng để cán bộ điều trị nắm bắt được quá trình tiến bộ cá nhân của người cai nghiện.
3.6. Làm việc nhóm:
Người tư vấn và những tình nguyện viên có kinh nghiệm tiến hành làm việc nhóm cho người nghiện đang phục hồi. Mục tiêu là giúp người nghiện sự điều chỉnh cho phù hợp vói một lối sống mới để hoà nhập với xã hội.
3.7. Giải quyết việc làm – tiếp tục theo học các chương trình văn hóa, đào tạo nghề:
Người cai nghiện được tạo cơ hội để tự quản lý giờ giấc sinh hoạt bản thân, mặt khác họ được trao quyền tự chịu trách nhiệm với cuộc sống. Với tính tự giác cao, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của trung tâm giúp nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng của người cai nghiện, khích lệ và tạo động cơ cho họ thay đổi lối sống.
Một số người cai nghiện là sinh viên - học sinh cần phải tiếp tục theo học ở các trường lớp. Vì lý do bỏ học và ma túy làm tổn thương hệ thống não bộ nên việc theo học văn hóa sẽ gặp phải một số khó khăn.
3.8. Can thiệp gia đình:
Gia đình cần tích cực trợ giúp họ. Điều này cực kỳ quan trọng bởi vì khi người cai nghiện trở về nhà họ cần tiếp sự hỗ trợ của gia đình để giúp họ phục hồi. Do có nhiều gia đình vẫn chưa biết cách giải quyết hay điều chỉnh khi có người nghiện trở về nên việc tư vấn gia đình là rất cần thiết. Các gia đình cần có sự hiểu biết tốt cách giúp đỡ những người thân yêu của mình khi trở về gia đình. Đôi khi có một số tình huống mà gia đình có thể trở thành những cản trở thay vì giúp đỡ sự phục hồi của người cai nghiện nếu gia đình không biết cách xử lý.
III. NHỮNG VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP ĐỐI VỚI NGƯỜI TƯ VẤN VÀ NGƯỜI CAI NGHIỆN:
Kết quả cai nghiện phụ thuộc vào khả năng giải quyết của người cai nghiện, họ phải sống theo một lối sống mới không ma tuý.
1. Khả năng giải quyết của người cai nghiện được quyết định bởi những yếu tố sau:
- Mức độ tự tin và tính kiên nhẫn của cá nhân
- Phát triển các giá trị khác nhau để bắt đầu lại
- Gặp những người bạn mới không nghiện ma tuý hoặc đã cai nghiện thành công
- Làm việc hàng ngày trong một môi trường mới
2. Kỹ năng của người tư vấn trong việc trang bị kiến thức:
Người tư vấn cần dẫn bước người cai nghiện đi suốt quá trình học tập. Cá nhân đang phục hồi phải học cách đối phó một cách chủ động và quyết liệt khi họ rời khỏi chương trình bán trú, vì họ vẫn chưa hết rủi ro tái nghiện. Trong giai đoạn hỗ trợ điều trị nội trú và trước khi tái hoà nhập cộng đồng, sự trợ giúp đưa ra phải đúng đắn, phù hợp và đúng lúc. Những trượt ngã là không thể tránh khỏi, do vậy, điều quan trọng là cá nhân đang phục hồi cần có một người thầy tốt để họ có thể có những sự giúp đỡ trước khi bị sa vào tình trạng tái nghiện. Việc giúp đỡ tư vấn này cần kéo dài ít nhất là một năm.
3. Cách trợ giúp người nghiện đang phục hồi:
- Sự cần thiết về tâm lý: ý thức về những nhu cầu của đối tượng và lưu ý về những cái có thể gây tổn thương đối tượng.
- Cách tiếp cận: Coi đối tượng là trung tâm chứ không phải là việc điều trị và cần vô tư, bày tỏ sự ấm áp, niềm nở và quan tâm.
- Quyết định thời điểm: Khi đối tượng sẵn sàng phục hồi thì cần đưa ra những trợ giúp cần thiết.
- Sự tận tâm giúp đỡ: Có mặt cùng đối tượng khi cần, giúp đỡ và cần phải chắc chắn.
- Môi trường: Cần có nơi thuận lợi, tạo điều kiện phù hợp cho công tác cai nghiện phục hồi.
- Việc chăm sóc: phải tôn trọng, không xúc phạm đối tượng và có nội quy, quy định cụ thể
- Việc kiểm tra – giám sát: Thông qua các biện pháp thử thách và theo dõi, có quy định cụ thể.
Việc trang bị cho người cai nghiện đang phục hồi những kỹ năng sống và nghề nghiệp có tầm quan trọng to lớn. Khái niệm việc làm được xem là một yếu tố cơ bản. Tầm quan trọng của việc học nghề, học văn hóa được đặt trọng tâm chủ yếu ở phần điều trị bán trú. Nó nằm ở sự nhận thức về chính bản thân; có đóng góp tài chính cho gia đình được coi trọng và nâng sự tự tin lên. Lòng tự trọng thấp và sự tự tin nghèo nàn luôn song hành với tình trạng thất nghiệp. Do vậy, việc học kinh nghiệm thông qua thái độ và cách ứng xử trong công việc cần được xem là một phần của chương trình phục hồi. Việc đặt ra trách nhiệm cùng công việc (nghề nghiệp) được xem là một phần của chương trình điều trị sẽ chắc chắn đem lại sự hoà nhập cho người cai nghiện quay trở về với xã hội.
Phải giúp đỡ người cai nghiện bằng cách khơi dậy cách nhìn nhận về những điều tốt đẹp, có ý nghĩa trong cuộc sống thay vì việc phải dùng đến ma tuý hay những thứ gây hại khác.
Việc tìm hiểu các yếu tố cần thiết trong việc hỗ trợ sau cai và tái hoà nhập cộng đồng là để xác định những nhu cầu của đối tượng trong cuộc sống, để đề ra những trợ giúp về tinh thần và để nâng cao nhận thức về xã hội. Đối tượng cần được giúp đỡ để nhận ra và giải quyết những tâm tư khúc mắc của họ khi tái hoà nhập cộng đồng.
Định hướng trong giai đoạn này là đáp ứng nhu cầu của đối tượng để đảm bảo họ sẵn sàng tiến tới kết quả thực sự. Do đó điều cơ bản là cán bộ điều trị vừa có thể tạo lập được sự đánh giá lại vừa xây dựng kế hoạch điều trị có sự tham gia của đối tượng. Sự đồng ý và quyết tâm phục hồi của đối tượng là điều căn bản, nó là động lực cổ vũ họ đổi mới, sẽ phục hồi họ một cách toàn diện, và nối tiếp là sự hoà nhập xã hội thành công của họ.
IV. KẾT LUẬN:
Nghiện ma túy là một bệnh não mãn tính có đặc tính dễ tái nghiện, việc điều trị phải kiên trì nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm sinh hoạt của đối tượng để có sự điều chỉnh phù hợp. Chúng ta không nên quá hoảng hốt khi một người đã cai nghiện ma túy tái sử dụng ma túy. Vấn đề chính là phải phát hiện sớm – điều trị sớm để tránh những tổn thương hệ thống não bộ, hình thành thói quen xấu.
Công tác cai nghiện phải xác định là khó khăn, lâu dài. Mục đích cai nghiện là thúc đẩy nhanh quy trình cai nghiện bằng những biện pháp khoa học, trong đó có công tác tư vấn – Tâm lý trị liệu – Giáo dục trị liệu và các liệu pháp xã hội là chủ yếu.
Để cai nghiện ma túy thành công cần có những bước đi thích hợp. Ngôi nhà trung chuyển là bước đệm cần thiết cho người cai nghiện chuyển từ cai nghiện nội trú qua tái hòa nhập cộng đồng.