Rượu bia và hệ lụy: Câu chuyện từ gia đình đến pháp đình
(Chinhphu.vn) - Theo thống kê thì Việt Nam là một trong những nước sử dụng rượu bia nhiều nhất thế giới và chưa bao giờ, tác hại của việc lạm dụng rượu bia lại trở thành vấn đề “nóng” về sức khỏe, kinh tế-xã hội, an ninh trật tự xã hội đáng báo động như hiện nay.
Hằng ngày, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng rượu bia: Những vụ ngộ độc rượu gây chết người, những vụ án hình sự thương tâm vì say rượu và đáng sợ hơn cả là con số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia ngày một gia tăng. Bia, rượu đã trở thành “kẻ sát nhân” giấu mặt!
Kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình
Thực tế đã chứng minh rằng: Bia rượu là một trong những tác nhân hàng đầu làm rạn nứt tình cảm gia đình, nguyên nhân dẫn đến ly hôn sau ngoại tình, bởi vì không có người vợ nào vui vẻ khi thấy chồng suốt ngày nhậu nhẹt và không có người con nào có thể tôn kính một người cha say xỉn cả ngày.
Say rượu bia có thể làm những thành viên trong gia đình trở nên xa cách nhưng nghiêm trọng hơn đó còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi bạo lực.
Theo thông tin của Viện Chiến lược và chính sách y tế thì 60% số vụ bạo hành gia đình có nguyên nhân trực tiếp từ rượu, bia. Trên thực tế, rất nhiều người (chủ yếu là nam giới) chỉ có hành vi bạo hành với vợ, con sau khi đã say rượu bia. Bạo hành gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe mà còn để lại những tổn thương tinh thần sâu sắc, ảnh hưởng đến tâm, sinh lý bình thường của nạn nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Dưới góc độ sức khỏe, lạm dụng rượu bia cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Theo những nghiên cứu y học, việc lạm dụng rượu bia sẽ ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của cả nam và nữ, người uống nhiều rượu có nguy cơ bị vô sinh, sinh non, thai nhi dị tật cao gấp nhiều lần so với người bình thường.
Từ đó có thể thấy rằng việc sử dụng, lạm dụng rượu bia có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống gia đình, đặc biệt là đối với con trẻ, thế hệ tương lai của gia đình và đất nước.
Tác hại đến sức khỏe tâm thần
Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh, rượu không phải là chất kích thích như nhiều người lầm tưởng, mà chất ức chế thần kinh trung ương. Khi được hấp thụ vào cơ thể ở mức độ nhất định, chất cồn bắt đầu làm tê liệt dần những cơ quan cảm giác, làm chậm quá trình chuyển tải thông tin lên các tế bào thần kinh. Những triệu chứng thường thấy nhất là hồi hộp, tim đập mạnh, thường có những hành động và phản ứng thái quá với những sự vật, sự việc xung quanh… Khi dùng quá nhiều rượu bia trong thời gian dài, người uống rất dễ mắc chứng nghiện rượu và rối loạn hành vi do rượu.
Say rượu dẫn đến những biến đổi về cảm xúc (khó kiềm chế cảm xúc), rối loạn về tư duy (nói nhiều, tư duy hổ lốn, nói lặp lại, khả năng phân tích, phê phán kém…) và các rối loạn về hành vi (hành động kỳ cục, khó kiểm soát và kiềm chế hành vi, hung hăng, thô bạo…). Ở cấp độ nặng hơn là nghiện rượu dẫn đến sảng rượu, rối loạn tâm thần do rượu, biến đổi nhân cách người nghiện và các bệnh lý cơ thể kèm theo. Khoảng 10% người nghiện rượu sẽ bị rối loạn tâm thần ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Theo thống kê tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, 67% các vụ tự tử có liên quan đến rượu, 33% vụ tự tử và nghiện rượu có chẩn đoán bệnh tâm thần. 80% người nghiện rượu có triệu chứng trầm cảm.
Y học coi nghiện rượu là một bệnh mạn tính, vì rượu ảnh hưởng đến não, gan, tim mạch… từ đó gây ra các rối loạn tâm thần và các tổn thương ở hệ thống tiêu hóa, tim mạch… Xã hội coi những người nghiện rượu là gánh nặng vì họ mất khả năng lao động, hay gây rối trật tự công cộng, tổn thương các mối quan hệ trong gia đình, gây ra các tai nạn, sống bê tha, nhân cách suy đồi…
Là một người hành nghề luật sư lâu năm, đã tham gia bào chữa tại nhiều vụ án hình sự, người viết cảm thấy thật sự tiếc nuối, đau lòng đối với những trường hợp tội phạm được thực hiện do hậu quả của việc sử dụng rượu bia. Những vụ án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ… do người say rượu, bia thực hiện ngày càng trở nên phổ biến.
Những câu chuyện buồn chốn pháp đình
Vụ án gần đây nhất, đang được dư luận và báo chí quan tâm là trường hợp của Đỗ Tú Anh sau khi uống rượu đã gây ra tai nạn đầy thương tâm cho nữ sinh Nguyễn Thị Quyên tại Xã Đàn, Hà Nội.
Theo thông tin của Công an tỉnh Đồng Tháp, riêng trong đợt Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ giết người và 7 vụ cố ý gây thương tích liên quan đến rượu.
Chắc hẳn đến giờ, người dân xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa quên vụ án hiếp dâm chính em ruột của Trần Văn Sỹ chỉ vì men rượu. Hay như trường hợp của Nguyễn Văn Nguyện, TP. Hòa Bình đã gây thảm án giết người trong lúc say rượu và phải chịu án phạt chung thân.
Đặc điểm chung của những vụ án trên là người phạm tội có nhân thân tốt, bản tính hiền lành, nhưng sau khi uống nhiều rượu bia, sự thiếu tỉnh táo trong suy nghĩ cộng với bản năng bị kích thích đã khiến họ gây án. Trên thực tế, các bị cáo khi đứng trước tòa đều tỏ thái độ vô cùng hối hận, ăn năn và thừa nhận hành vi phạm tội của mình có sự tác động của rượu bia. Và nếu không phải vì rượu, chắc họ cũng không gây ra những tội ác kinh hoàng, hủy hoại tương lai của mình như thế.
Tác hại của rượu bia đến xã hội đã quá rõ ràng, nhưng hiện nay, việc sử dụng rượu bia vẫn diễn phổ biến và chiều hướng gia tăng. Ngày 28/5/1996, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 351/TTg về Cấm say rượu, Nhà nước đã có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục tích cực nhằm phòng tránh tác hại của rượu bia nhưng vẫn không có hiệu quả.
Mới đây, tại cuộc họp sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hai tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý II/2014, ngày 25/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng quy định cấm cán bộ, nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc như một số tỉnh đã làm.
Thiết nghĩ, để phòng tránh tối đa ảnh hưởng tiêu cực của rượu bia đến con người và xã hội, nhà nước cần có những công cụ pháp lý nhằm kiểm soát đồng thời cả việc buôn bán rượu, bia và sử dụng rượu, bia như giới hạn độ tuổi được phép mua rượu bia, tăng thuế nhằm nâng giá rượu bia, xử phạt nghiêm khắc hành vi khuyến khích, quảng cáo sử dụng rượu, bia… Hy vọng, những chính sách hạn chế tác hại rượu bia sẽ sớm ra đời và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Luật sư Hà Thị Thanh
Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên