Chương VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

5 July, 2022
Điều 44. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch về phòng, chống ma túy.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
3. Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống ma túy.
4. Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
5. Thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
6. Tổ chức đấu tranh phòng, chống ma túy.
7. Thực hiện thống kê nhà nước về phòng, chống ma túy.
8. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về phòng, chống ma túy.
9. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy.
10. Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
11. Khen thưởng, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

Điều 45. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.
2. Bộ Công an là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống ma túy.
4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy tại địa phương.

Điều 46. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
2. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống ma túy; tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo thẩm quyền.
3. Tổ chức công tác giám định chất ma túy và tiền chất.
4. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
5. Hướng dẫn việc lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy.
6. Chủ trì thực hiện thống kê nhà nước về phòng, chống ma túy; quản lý thông tin tội phạm về ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy và kết quả kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
7. Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Điều 47. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
2. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương hướng dẫn việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
3. Hướng dẫn việc thành lập, giải thể và tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
4. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
5. Hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
6. Thực hiện hợp tác quốc tế về cai nghiện ma túy.
7. Thống kê người nghiện ma túy đang cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy.

Điều 48. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
2. Tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới trên đất liền, trên biển, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
3. Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan, lực lượng chức năng để tiếp nhận, xử lý thông tin tội phạm về ma túy, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại khu vực, địa bàn quy định tại khoản 2 Điều này theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Thống kê người nghiện ma túy trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ do Bộ Quốc phòng quản lý.

Điều 49. Trách nhiệm của Bộ Y tế
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
2. Thực hiện việc nghiên cứu thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy; cấp, thu hồi giấy phép lưu hành thuốc, phương pháp cai nghiện ma túy; hỗ trợ về người, chuyên môn kỹ thuật y tế để cai nghiện ma túy.
3. Thống kê người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Điều 50. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Chỉ đạo cơ quan Hải quan thực hiện hoạt động phòng, chống ma túy theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.