http://petrotimes.vn/
“Cỏ Mỹ” đang “đốt cháy” giới trẻ
Về làng quê với những tên gọi khác nhau như kèn, đù..., “cỏ Mỹ” - một loại cần sa được chuộng của dân chơi thành phố - dần len lỏi vào đời sống của giới trẻ, trở thành một loại “thần dược” gây mê không thể thiếu trong mỗi cuộc đàn đúm bạn bè...
Cuộc "bình dân hóa" của dân chơi
Sau chầu nhậu đầu, cả nhóm quyết định đi “tăng hai” tại một quán bình dân khác trong làng. Chưa kịp tựa lưng vào thành ghế, Nguyễn Thanh H. (SN 1993, ngụ Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đang ngà ngà say lớn tiếng bảo: “Lấy xe mua vài điếu “cỏ Mỹ” chơi cho vui tụi bây”.
“Kèn về! Kèn về” - H. reo lên sung sướng. Chưa hiểu cậu bạn nói gì, tôi được Hoàng V. ngồi bên ghé tai bảo: Kèn là “cỏ Mỹ” đó.
Sau khi “hàng” về đến tay, H. nhanh nhảu rút trong ví ra một tờ giấy trắng tinh (không có giấy OCB thông dụng, H. dùng loại giấy được lấy từ miếng lót bên trong gói thuốc lá thông thường) rồi trộn trộn, vấn vấn một thứ lá màu xanh rêu được gọi là “cỏ Mỹ” với khoảng nửa điếu thuốc lá. Sau một hồi vấn tròn và bóp dẹt hai đầu điếu thuốc bằng chút nước trên cốc bia lạnh, H. đưa thuốc lên miệng bật lửa và say sưa hít từng hơi, rít thật mạnh. Cứ hai hơi H. nhả khói một lần, rồi đến hơi thứ 5 H. ngừng sau khi nghe tiếng giục của V.: “Nhanh đến lượt bên này, không hết bây giờ”.
Tiếng hô “ảo chưa? ảo chưa” khi thấy V. vừa hít vừa “phê” của đám bạn khiến V. lên cơn bực rồi chuyền lại cho T. Vì cũng là dân ở xa về quê, T. với tôi có phần e ngại, miễn cưỡng T. đưa lên miệng, hít một hơi rồi sặc sụa. Phía bên kia bàn, một nhóm thanh niên khác (từ 15-17 tuổi) cũng đang chìm trong “cơn ảo” (chỉ trạng thái của đối tượng phê “cỏ Mỹ”). Một cô gái chừng 15 tuổi đang vật vờ ôm cứng thanh niên bên cạnh sau khi phê thuốc.
Một thanh niên đang vấn “đù” giữa ban ngày
30 phút sau, V. tỉnh táo, cậu bắt đầu kể cho tôi nghe về loại “thần dược” này với sự tự hào, xem nó là sự thay đổi của giới trẻ trong làng sau một năm.
Khoảng một năm trước, khi V. cùng đám bạn nhậu trên thành phố Huế, cậu đã được thử một loại thuốc được gọi là “đù”. Khi hít loại này vào đầu óc sẽ lâng lâng, có khi quay cuồng nếu hút nhiều hơi và không nhớ gì thực tại. “Khi hút vào, trên đầu xoay mòng mòng, có khi như tự mình đang đánh caro”, V. cười bảo.
“Đù” theo lời của V. kể dần được lan truyền xuống tận làng xã. Vì “hàng” khá đắt đỏ nên dân chơi chia thành nhiều gói nhỏ và phân phối kín. Cũng từ ngày “đù” về làng, dân chơi chế biến bằng cách trộn “đù” với thuốc thay vì sử dụng nguyên điếu và đặt tên cho loại “thần dược này là “kèn”.
Phụ huynh ngán ngẩm, lãnh đạo xã bất lực?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn nhập “cỏ Mỹ” chủ yếu từ một số thanh niên từng mang tiền án, bị tù giam hoặc vào các trung tâm cải tạo. Tuy nhiên, nguồn phân phối khá kín và chia lẻ với số lượng cực nhỏ nên lãnh đạo xã không thể kiểm soát (?). “Ngoài việc nhắc nhở và cảnh tỉnh về tác hại của “cỏ Mỹ”, lãnh đạo chưa có một động thái khác để chấm dứt tình trạng phê “cỏ Mỹ” này” - một người dân cho biết.
Anh Đ. (bố của H.) cho hay: “Không riêng chi thằng H. nhà tui, mấy thanh niên trong xã nghiện cả rồi. Cả thằng con út của anh tui mới ở Sài Gòn ra cũng “dính”. Mới hôm rồi tui còn thấy nó tụm năm tụm bảy với đám trai làng ở quán nhậu, nhìn nó cầm điếu thuốc lên hít hà mà tui thấy đứt cả ruột”. Khi chúng tôi hỏi anh Đ. vì sao không can thiệp, anh ngán ngẩm trả lời: “Chính quyền không cấm, tụi tui sao cấm được. Với lại nghe tụi nhỏ bảo hút nó cũng như hút thuốc, chỉ có điều chúng “ngu” đi trong chốc lát rồi quên. Cực chẳng đã, tụi tui là dân quê ít học, có đánh có chửi nhưng chẳng thể đấu lý lại chúng nó. Có lần thằng H. bảo: “Ở nước ngoài người ta dùng được cần sa, mắc gì mình không dùng được, thế thì tui biết phải nói sao”.
Dọc một vòng quanh xã nhỏ của huyện Phong Điền, có chừng trên dưới 10 quán nhậu. Theo nguồn tin từ các chủ quán cho biết, cứ mỗi lần các thanh niên nhậu xỉn lại đem “cỏ Mỹ” ra hút. “Vì loại cần sa này khi hút vào đối tượng thường có biểu hiện trầm ngâm, suy tư, không quấy rối hay đánh nhau nên chúng tôi không thể cấm. Với lại làm ăn buôn bán cạnh tranh là chính, chúng tôi làm thế sẽ mất khách”, một chủ quán cho hay.
Không riêng gì Phong Điền, các huyện khác như Quảng Điền, Hương Trà... nhiều đối tượng cũng đã tìm cách móc nối, phân phối loại “thần dược” này để phục vụ cho những cuộc vui của đám thanh niên cũng để kiếm thêm thu nhập.
Bắt chuyện với Trương Thúc B. (SN 1990, ngụ Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) - một đối tượng vừa nghiện vừa phân phối nhỏ lẻ “cỏ Mỹ” - chúng tôi được biết mỗi gói nhỏ “cỏ Mỹ” khoảng 100 - 200 nghìn đồng, thường chia thành 2 hoặc 4 điếu thuốc sau khi trộn chung với thuốc lá. Mỗi điếu bán được, B. sẽ được trả 10 nghìn. Trung bình mỗi ngày B. bán khoảng 10 - 15 điếu. Hình thức bán là... công khai và khẳng định sẽ không đi tù khi bán loại “thần dược” này (?).
Cũng theo đó, trong mỗi cuộc nhậu, một nhóm thanh niên thường tiêu tốn từ 2-5 gói, có khi hơn tùy số lượng người trên bàn nhậu. Cứ như thế, mỗi lần tụ tập bạn bè, ngoài việc chi tiền cho bia rượu và mồi nhậu, số tiền các thanh niên chi cho “cỏ Mỹ” có khi lên đến tiền triệu. Dù đó là số tiền khá lớn với những xã còn nghèo ở Thừa Thiên - Huế, tuy nhiên điều đáng nói là ma lực đáng sợ từ khả năng gây nghiện và gây “lú” của loại “cỏ Mỹ” có mùi thơm này còn đáng sợ hơn gấp trăm nghìn lần.
Theo chia sẻ của Nguyễn Tấn C. - một học sinh lớp 10: “Khi hút “cỏ Mỹ” xong thì rất phê và ảo. Cảm giác như được “tẩy não” hoàn toàn. Nhưng sáng mai dậy em thấy đau đầu, mệt mỏi, không muốn bước xuống giường để đến lớp một chút nào. Năm nay học lực em bị giảm cũng do tính hay quên”. Khi chúng tôi hỏi vì sao hại như thế vẫn hút, C. bảo: “Thấy bạn bè hút thì em hút, không hút thì quê lắm”.
Còn Nguyễn Thanh H., cậu cho biết cảm giác sau khoảng thời gian dài dùng “cỏ Mỹ”, đầu óc của cậu có phần lú lẫn, nhiều lần quên cả giờ ăn cơm hay chậm chạp trong việc nhẩm các con số cộng trừ đơn giản. Khi được hỏi lý do tiếp tục dùng dù biết ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, H. cũng bảo phần vì thể hiện với bạn bè, phần vì muốn quên cuộc sống thất nghiệp chán nản ở quê. “Biết là hại, nhưng thấy bạn bè “chơi” mình vẫn thấy cồn cào, với lại rảnh không biết làm gì”, H. thở dài.
Theo tìm hiểu, “cỏ Mỹ” làm suy giảm tính miễn dịch, nên người dùng nó thường xuyên sẽ bị đau ốm vặt. Nguy hiểm hơn, có thể gây ra bệnh ung thư phổi, ung thư họng, đặc biệt loại “thần dược” này còn gây teo tinh hoàn, làm giảm khả năng tình dục. Khi trẻ sử dụng “cỏ Mỹ” thường có các biểu hiện “lạ” như ngủ li bì, thức dậy mệt mỏi, từ đó đâm ra chán nản, lười học tập và lao động. Một số “bệnh nhân” thường đột nhiên ít nói hay vui, buồn bất chợt hoặc nói trước quên sau... |
Theo CA TP