HÍT BÓNG CƯỜI, MỖI NĂM 15 NGƯỜI MỸ CHẾT

11 August, 2022
tuoitre.vn

HÍT BÓNG CƯỜI, MỖI NĂM 15 NGƯỜI MỸ CHẾT

TTO - Trên mạng đang bàn tán hình ảnh một hoa hậu VN đang hít bóng cười, nhiều bạn trẻ cũng đang xem trò này như một thú giải trí. Bóng cười là gì? Hiện Anh, Tây Ban Nha...đã cấm bóng cười.

Hãng tin BBC lấy số liệu từ Mỹ cho biết mỗi năm tại nước này có 15 trường hợp chết vì bóng cười. Còn tại Anh, từ năm 2006 đến 2012 có 17 ca thiệt mạng.

Trong năm 2015, Hãng tin BBC đưa tin chính phủ Anh đã tính đến chuyện cấm bán khí nitrous oxide (chất khí sử dụng trong bóng cười hay còn gọi là khí cười) vì những tác hại của chất này. Tại Anh, khí cười đang trở nên thông dụng và cảnh sát đã thu giữ được hơn 1.200 bình hít khí cười chỉ tại một hộp đêm.

Khí cười có tác dụng giảm đau, giảm căng thẳng và thường được sử dụng cho mục đích y tế, dành gây mê hoặc cho phụ nữ khi sinh. Tuy nhiên, hiện khí cười đang được bán ngoài mục đích y tế.

Chất này được nhà khoa học Anh Joseph Priestley khám phá ra năm 1772 và trong vòng 30 năm, nhà hóa học Humphry Davvy lại dùng nó vào mục đích giải trí. Có nhiều cách để hít khí cười, dùng bình khí hoặc bong bóng...

Năm 2015, ông Mike Penning, thuộc Bộ chính sách và tội phạm, nói: "Thanh niên hít các chất này đang đánh cược sức khỏe của mình trong khi đó, những người bán chúng thật sự thiếu trách nhiệm vì những tác hại các chất này có thể gây ra".

Khí cười sẽ giúp người sử dụng hưng phấn, bình tĩnh, thả lỏng nhưng đồng thời cũng có thể khiến họ cảm thấy chóng mặt, ảo giác, không kiểm soát được suy nghĩ và muốn cười.

Theo nguyên lý, khi hít vào, khí cười sẽ thay thế oxy trong phổi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy tạm thời trong máu.

Các nhà khoa học cảnh báo nếu hít khí cười trong không gian hẹp hoặc dùng bao nilon có thể gây tử vong vì thiếu oxy; nếu sử dụng thời gian dài sẽ dẫn tới tình trạng cơ thể không thể hấp thụ vitamin B12, từ đó gây ra tình trạng mệt mỏi, thay đổi tính tình, mất khả năng tập trung và cuối cùng là tổn thương thần kinh. Ngoài ra, khí cười còn làm giảm khả năng hình thành bạch cầu.

Shirley Cramer, giám đốc điều hành Cơ quan Hoàng gia về sức khỏe công cộng của Anh, cảnh báo thông thường người hít bóng cười cũng sẽ sử dụng kèm theo rượu hoặc cần sa và đây là điều đáng phải quan tâm.

Stephen Ream, giám đốc chương trình từ thiện Re-Solv nói với Hãng tin BBC: "Điều chúng ta lo ngại là nhiều thanh niên nghĩ rằng dùng các loại khí để cười là điều bình thường. Không đúng và không bình thường chút nào khi hít khí để giải trí".