LIỆU PHÁP NHẬN THỨC HÀNH VI TRONG HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ NGHIỆN
Nhận thức hành vi là một trường phái trong tâm lý và trị liệu được nhà tâm lý, trị liệu người Mỹ Albert Ellis cùng các cộng sự của ông phát triển. Đây là một trong những liệu pháp được ứng dụng rộng rãi, mang lại nhiều kết quả thiết thực.Triết lý liệu pháp nhận thức hành vi cho rằng con người được sinh ra với những tiềm năng sẵn có, trong đó có tiềm năng giúp cho con người suy nghĩ, ứng xử hợp lý, hướng tới hạnh phúc, suy nghĩ, yêu thương, giao tiếp tốt với người khác. Đồng thời, cũng có thể khiến con người suy nghĩ thiếu lô gích hoặc lảng tránh suy nghĩ, trì hoãn, luôn mắc lỗi, khó tha thứ cho người khác, hướng đến sự “hoàn hảo”, tự đổ lỗi cho mình và không muốn phát huy khả năng.
Trong ba phần suy nghĩ, cảm nhận và hành động, con người chịu sự chi phối mãnh mẽ của suy nghĩ (nhận thức). “Chất lượng” của suy nghĩ sẽ quyết định đến chất lượng cuộc sống của mỗi con người, giúp con người giải quyết những vấn đề trong cuộc sống và cũng có thể gây ra những vấn đề trong cuộc sống.
Điểm xuất phát của những suy nghĩ này là do con người nghe, tiếp nhận được từ những người sống xung quanh trong thời gian dài. Bên cạnh đó, bản thân con người luôn có xu hướng tự đánh giá, chịu đựng những suy nghĩ cũ mòn, không muốn thay đổi.
Xuất phát từ quan điểm trên Elliss và các cộng sự của ông đã phát triển ra một phương pháp tác động làm thay đổi nhận thức của con người có tên là ABC. Trong đó, A- Sự kiện gây tác động (activating event), B-Niềm tin (belief), và C-Hậu quả đối với cảm xúc và hành vi của con người (emotional and behavioral consequence).
Bản thân những vấn đề, sự kiện (A) không trực tiếp gây ra những hậu qủa trực tiếp đối với cảm xúc và hành vi của con người, mà chính do những niềm tin, cách lý giải của mỗi con người về những vấn đề, sự kiện đã tác động đến cảm xúc tiêu cực và dẫn đến hành vi không phù hợp.
Từ việc phát hiện ra mối liên kết này, những nhà trị liệu theo trường phái nhận thức hành vi đưa ra mô hình can thiệp có tên là ABCDEF. Trong đó D – là sự can thiệp và quá trình suy nghĩ, làm thay đổi những suy nghĩ thiếu lô gích (disputing intervention), E là tác động (effect), và F- là những cảm xúc mới (new feelings).
Hỗ trợ cho việc can thiệp và giúp cho con người có nhiều suy nghĩ hợp lý hơn, trường phái nhận thức hành vi còn giúp cho mỗi người học cách chấp nhận bản thân vô điều kiện (Unconditional Self-Acceptance- USA) và chấp nhận người khác vô điều kiện (UOA-Unconditional Other Acceptance). Điều này giúp cho con người dễ dàng tha thứ cho bản thân, người khác, không tự đổ lỗi cho mình trước những thất bại, đồng thời có thể đặt ra cho mình những mục tiêu thực tế.
Để chứng minh cho mô hình can thiệp trên, Ellis đã chỉ ra một suy nghĩ tự động làm mọi người rất đau khổ và khó chấp nhận đó là “mình phải được yêu thương và chấp nhận bởi những người quan trọng trong cuộc sống”, khi bản thân không có được điều này sẽ gây ra những thù hận, oán trách, mong muốn làm hài lòng người khác….Ellis đã tự giúp cho chính bản thân ông cũng như nhiều người hiểu rằng những người quan trọng của mình cũng có thể không yêu mình như mình mong muốn, mình phải chấp nhận điều đó.
Những người tham gia trị liệu bằng nhận thức hành vi cần sự thành thực với bản thân, có khả năng suy nghĩ, và phải làm rất nhiều bài tập về nhà, chủ yếu là những bài tập có sự trải nghiệm. Tuy nhiên, thời gian tham gia trị liệu theo nhận thức hành vi rất ngắn, thường gói gọn tối đa trong 6 buổi làm việc (1 tuần/buổi)
Áp dụng trong việc hỗ trợ người nghiện rượu, ma túy
Từ khi ra đời đến nay, liệu pháp nhận thức hành vi đã được áp dụng rất nhiều trong việc hỗ trợ những người bị rối loạn cảm xúc (trầm cảm, sợ hãi, tức giận), những người gặp khó khăn trong mối quan hệ với người khác, và đặc biệt có hiệu quả với những người nghiện chất (rượu, ma túy).
Với những người sử dụng chất gây nghiện lần đầu hoặc sử dụng không thường xuyên, khi bị cảnh sát bắt giữ, thay cho việc gửi những người này vào nơi điều trị nghiện hoặc nhà tù, họ được chuyển đến một nơi có tên gọi là “chuyển làn”, đây chính là một chương trình giáo dục giúp thay đổi suy nghĩ và hành vi trong một thời gian nhất định.
Trong thời gian đó, sự hỗ trợ của các nhà giáo dục, tư vấn…giúp cho người sử dụng chất gây nghiện chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống cá nhân, lý do của việc sử dụng chất gây nghiện, mối quan hệ với những người xung quanh, và tất nhiên, cả những “kiểu suy nghĩ” đặc trưng của mỗi người.
Những người sử dụng chất gây nghiện trong giai đoạn này được coi như “khách hàng”, một người được đi đào tạo và nhiệm vụ của họ là hợp tác, tuân thủ chương trình đào tạo dành cho mình. Thời gian tham gia chương trình này sẽ do bản thân người sử dụng chất gây nghiện và cán bộ tư vấn, trị liệu xác định, nhưng thường kéo dài từ 1-3 tháng.
Đối với những người nghiện được đưa vào các cơ sở điều trị hoặc vào tù, để giúp cho họ thích nghi với cuộc sống bên ngoài sau thời gian cai nghiện hoặc hết hạn tù, họ được tham gia một một chương trình miễn phí gọi là Chuẩn bị hòa nhập. Lúc này liệu pháp nhận thức hành vi được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ tích cực giúp cho những người tham gia hiểu về bản thân nhiều hơn, chuẩn bị ứng phó với những thay đổi mới
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện con số người nghiện ma túy được quản lý ở Việt Nam vào khoảng 180.000 người, chưa kể những người mới sử dụng. Với nhiều thay đổi về mặt quan điểm, chính sách đối với người nghiện chất nói chung và người sử dụng ma túy nói riêng, chúng ta đang trên con đường chuyển đổi từ việc đưa người sử dụng ma túy vào trại tập trung sang hình thức cai nghiện tự nguyện dựa vào cộng đồng với nhiều chương trình điều trị phù hợp.
Để việc điều trị cho người nghiện chất được hiệu quả hơn, cũng như việc áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau trong hỗ trợ người nghiện trong tương lai ở Việt Nam, chúng ta cần tạo điều kiện để quá trình đào tạo, trị liệu, giáo dục được lồng nghép trong tất cả các bước hỗ trợ người cai nghiện chất, tập trung vào các chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao cho những nhà tư vấn, trị liệu, khuyến khích những mô hình thử nghiệm hỗ trợ người nghiện và tạo điều kiện cho các tổ chức chuyên môn cùng tham gia.
Điển hình, từ năm 2009-2012, trong khuôn khổ của một cấu phần dự án HIV/AIDS nơi làm việc mang tên Chuẩn bị trước khi đi làm, dành cho những nhóm dễ bị tổn thương trong đó có người đã từng sử dụng ma túy, những tư vấn viên việc làm của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển Cộng đồng (SCDI) đã thử nghiệm đưa những kỹ thuật liệu pháp nhận thức hành vi trong quá trình đào tạo và tư vấn.
Trong quá trình đào tạo về nhận thức bản thân, tư vấn viên đã lựa chọn những suy nghĩ phổ biến và gây ra những cảm xúc tiêu cực cho người sử dụng ma túy như: Sử dụng ma túy là một điều xấu xa, người nghiện ma túy là những người không tốt, Những người sử dụng ma túy rất khó tìm kiếm việc làm…để cùng những người dùng ma túy thực hành cách thay thế những suy nghĩ có ích hơn.
Những người sử dụng ma túy đã chia sẻ những cảm giác bất lực, xấu hổ, mất hy vọng, thiếu tự tin, tự đổ lỗi cho bản thân…. khi để những suy nghĩ trên “ám ảnh trong đầu”. Người hướng dẫn và các bạn đồng đẳng đã giúp họ thay thế suy nghĩ bằng cách: Dừng suy nghĩ (trong những trường hợp những suy nghĩ tiêu cực trên quá ảm ảnh quá nặng) hoặc thay thế suy nghĩ (ví dụ, sử dụng ma túy là một điều không tốt cho sức khỏe, nhưng điều đó không có nghĩa những người sử dụng ma túy là người không tốt; mọi người thường nghĩ những người sử dụng ma túy rất khó kiếm việc làm, nhưng trên thực tế có nhiều người đã tìm được việc làm)…
Sau khi được tham gia thực hành bài tập, những người sử dụng ma túy đều chia sẻ một tâm trạng thoái mái, dễ chịu và cởi mở hơn khi nói về vấn đề của mình. Việc tích cực hơn. Tuy nhiên, đây là một hoạt động mang tính lồng nghép và thử nghiệm nên không có điều kiện để áp dụng cho nhiều người và chỉ giới hạn trong khoảng thời gian nhất định.
Mai Thị Việt Thắng
Nguồn tiengchuong.vn