NGUYÊN NHÂN VÀ ĐẶC TÍNH CỦA NGHIỆN MA TÚY

11 August, 2022

NGUYÊN NHÂN VÀ ĐẶC TÍNH CỦA NGHIỆN MA TÚY

Nghiện nói chung và nghiện ma túy nói riêng (hợp pháp và bất hợp pháp) do nhiều nguyên nhân phức tạp kết hợp chặt chẽ với nhau gây ra làm cho công tác điều trị và dự phòng gặp nhiều khó khăn và trở ngại.

I. NGUYÊN NHÂN NGHIỆN MA TÚY:
Hiện nay có 3 nguyên nhân chủ yếu thường được nhắc đến:
- Có tác nhân gây nghiện
- Có đối tượng có khuynh hướng lạm dụng các chất gây nghiện
- Có môi trường "gia đình và xã hội thuận lợi".
Ba nguyên nhân này kết hợp chặt chẽ với nhau theo mô hình sai

A. CHẤT GÂY NGHIỆN:

Ngoài những tác nhân gây nghiện đã mặc nhiên tồn tại, trên thế giới ngày càng ra đời nhiều loại chất gây nghiện mới làm cho công tác phòng chống lạm dụng chất gây nghiện đã khó nay càng khó hơn. Công tác triệt phá việc sản xuất, tàng trữ và buôn bán chất gây nghiện cũng diễn biến hết sức phức tạp. Theo báo cáo của cơ quan cảnh sát phòng chống chất gây nghiện, chúng ta mới khám phá thu giữ được khoảng 5%-10% lượng chất gây nghiện hợp pháp tiêu thụ trên thị trường.


Điều này có nhiều lý do:

- Do lợi nhuận quá cao của mặt hàng này nên không ít kẻ vẫn liều lĩnh buôn bán, sản xuất, tàng trữ. Thậm chí chúng lôi kéo gia đình, dòng họ, lợi dụng cả người già và trẻ em vào đường buôn bán chất gây nghiện này. Chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào, từ mua chuộc các cơ quan chức năng tới việc chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. Mặc dù hình phạt dành cho loại tội phạm này rất nghiêm khắc (tử hình) nhưng cũng không ngăn cản được lòng tham của chúng.


- Do đặc điểm địa lý của nước ta thuận lợi cho việc buôn lậu các chất gây nghiện: đó là nước ta nằm cạnh vùng tam giác vàng (Thái Lan, Lào, Miến điện), một trong những trung tâm sản xuất chất gây nghiện lớn trên thế giới. Chúng ta có đường biên giới rất dài và nhiều cửa khẩu trên bộ, trên biển và hàng không với nhiều nước trên khu vực và thế giới, trong khi lực lượng phòng chống chất gây nghiện còn mỏng, trang thiết bị hiện đại còn thiếu, nên chất gây nghiện dễ dàng thẩm lậu vào nước ta.


- Do giao lưu quốc tế mở rộng, du lịch phát triển, mạng lưới thương mại rông khắp, hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển ngày càng gia tăng, đòi hỏi thời gian thông quan nhanh làm cho việc kiểm soát chất gây nghiện gặp nhiều khó khăn, nhất là khi chúng ta còn thiếu thông tin chính xác, kịp thời về loại hình tội phạm này.


- Việc toàn cầu hóa là một thuận lợi nhưng cũng là một thách thức to lớn trong công cuộc phòng chống chất gây nghiện. Nhiều loại chất gây nghiện mới không chỉ thâm nhập mà còn được sản xuất trong nước thông gia những chỉ dẫn trên mạng internet quốc tế như các điều chế, cách sử dụng... thậm chí được truyền bá bởi các khách du lịch quốc tế vào nước ta.


Những khó khăn chủ yếu nêu trên của nước ta đồng thời cũng là những khó khăn của các nước khác trên thế giới. Vì vậy đã có nhiều hiệp định song phương và đa phương giữa lực lượng công an nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm hợp lực đấu tranh với loại tội phạm liên quan tới chất gây nghiện. Tuy nhiên, triệt phá đường dây cung cấp chất gây nghiện không hề dễ dàng và đơn giản.


Một thí dụ rõ nhất là Hoa Kỳ: cơ quan phòng chóng chất gây nghiện quốc gia được đầu tư rất nhiều tiền của, phương tiện hiện đại, huy động cả các cơ quan tình báo, thậm chí cả quân đội vào công tác này nhằm triệt phá các trung tâm sản xuất ma túy không chỉ ở trên đất Mỹ mà còn ở các nước hữu quan khác như Colombia, Apganistan, Panama, Mehico... Các chiến dịch này đã thu được nhiều kết quả: phá hủy nhiều trung tâm sản xuất chất gây nghiện, phát hiện và bắt giữ nhiều đường dây buôn lậu chất gây nghiện vào nước Mỹ và các nước khác. Tuy nhiên số lượng người Mỹ lạm dụng chất vẫn không giảm. Theo số liệu dịch tễ của Mỹ [Manual ò Therapeuties for Addictions 1997] có 16% dân Mỹ nghiện rượu (28% ở nam, 8% ở nữ), 8% nghiện ma túy (19% nam, 5% ở nữ), 30%-84% những người nghiện sử dụng rượu cùng với các loại chất khác như cần sa, cocaine, các chất dạng thuốc phiện...


Ở Việt Nam, đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20, chúng ta đã thành công trong việc triệt phá các cánh đồng trồng cây anh túc (cây thuốc phiện) nhưng ngay lập tức heroin tràn vào nước ta và những người nghiện thuốc phiện trước kia nay chuyển sang nghiện heroin (một loại chất được tinh chế từ thuốc phiện) mạnh hơn và nguy hiểm hơn thuốc phiện. Vì vậy chúng ta phải thùa nhận rằng mọi nỗ lực của chúng ta chỉ mới có thể làm giảm được lượng chất gây nghiện trên thị trường chứ chưa thể loại trừ được hoàn toàn chất gây nghiện (mới giảm được cung chứ chưa loại được cung).


Do vậy chủ trương của nhiều nước trên thế giới là đi đôi với giảm cung cần có các giải pháp giảm cầu hữu hiệu, nghĩa là tác động vào những người có nguy cơ cao và đã nghiện từ bỏ việc sử dụng các chất gây nghiện.



B. YẾU TỐ CÁ NHÂN:

Đa số những người bắt đầu đi vào con đường nghiện ma túy ở nước ta phụ thuộc vào lứa tuổi thanh thiếu niên, lứa tuổi của giai đoạn khủng hoảng trong quá trình phát triển tâm lý và hoàn thiện nhân cách.


Thanh thiếu niên có thể đi vào con đường nghiện ma túy do tính tò mò và mạo hiểm của lứa tuổi, muốn thử trải nghiệm những cảm giác kỳ lạ của chất gây nghiện (do bạn bè kể lại) bất chấp sự ngăn cản của gia đình và xã hội, bất chấp những kiến thức tiếp thu về tác hại của chất gây nghiện qua thông tin truyền thông ở nhà trường, gia đình và xã hội cũng như trên các phương tiện thông tin truyền thông ở nhà trường, gia đình và xã hội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, bất chấp những hậu quả nghiêm trọng mà bản thân cũng nhận thấy ở những người nghiện khác.


Một số thanh thiếu niên sử dụng các chất gây nghiện như một phương thức khẳng định mình, tự cho mình đã trưởng thành, được quyền chọn hành vi độc lập tùy thích.


Những thanh thiếu niên có những vấn đề bất mãn với gia đình và cộng đồng có thể sử dụng chất gây nghiện như một phản ứng chống đối.


Cũng có thể thanh thiếu niên tìm đến chất gây nghiện như một phương thức lẩn tránh khỏi tác động của các stress rất đa dạng trong đời sống hiện đại: stress trong gia đình (mâu thuẫn giữa các thế hệ, cha mẹ bất hòa, ly thân, ly hôn, mất người thân gắn bó với họ, bị bạo lực trong gia đình, bị lạm dụng tình dục, bố. mẹ hoặc anh chị em khác lạm dụng các chất gây nghiện...), stress trong môi trường học tập (thi hỏng, bị thi hành kỷ luật,...), stress trong tình yêu, stress trong công việc...


Một số do yếu tố sinh học và di truyền: thường gặp trong rối loạn liên quan tới rượu được phản ánh qua các nghiên cứu mối liên quan giữa con cái và cha mẹ nghiện rượu, sinh đôi cùng trứng và khác trứng, con nuôi...


Thường gặp nhất và nguy hại nhất trong thời đại hiện nay là thanh thiếu niện sử dụng chất gây nghiện do ảnh hưởng hay áp lực của các bạn đã nghiện trong cùng bằng nhóm theo các qui luật "hoặc đồng hóa theo nhóm hoặc bị loại trừ ra khỏi nhóm". Mà đặc điểm tâm lý của lứa tuổi thanh thiếu niên là không muốn và không thể sống lẻ loi ngoài nhóm.


Một số thanh thiếu niên tìm đến các chất gây nghiện do các trạng thái bệnh tâm lý tâm thần nhất thời hay trường diễn. Thường gặp nhất là các trạng thái lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay nhân cách bệnh lý. Lo âu có thể do thất bại trong cuộc sống, chán nản với hoàn cảnh, không tìm được mô hình lý tưởng để theo... Trầm cảm lúc đầu có thể do các stress gây ra và thanh thiếu niên tưởng nhầm là các chất gây nghiện khác có thể giúp thanh toán được các trạng thái trầm cảm của mình. Và những nhân cách bệnh lý, nhất là nhân cách bệnh chống xã hội, thưởng có khuynh hướng lạm dụng các chất gây nghiện. Và cũng có những người tuy chưa phải là nhân cách bệnh lý nhưng cũng có khuynh hướng lạm dụng chất.


Như vậy thầy thuốc tâm thần có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị nghiện, đặc biệt những thầy thuốc có thể áp dụng được nhiều liệu pháp tâm lý, giúp đối tượng loại trừ ảnh hường của các tác nhân tâm lý đa dạng đã gây ra hay thúc đầy nghiện và/hoặc tái nghiện.



C. YẾU TỐ GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI:

Gia đình, trường học và địa bàn sinh sống (khu phố, cụm dân cư...) chứa đựng nhiều nhân tố có nguy cơ gây nghiện, duy trì nghiện và tạo điều kiện thuận lợi cho tái nghện ma túy.


Môi trường chính là cầu nối hay chất xúc tác cho sự gặp gỡ giữa con người có khuynh hướng nghiện với các tác nhân gây nghiện.


1. Nguyên nhân môi trường gia đình:

Phần lớn thanh thiếu nhiên nghiện ma túy thuộc về các gia đình lơ là trong nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc và quản lý con em của mình. Không ít gia đình chỉ biết con em của mình bị nghiện hoặc phạm pháp sai khi chúng có vấn đề với cơ quan hành pháp.


Những gia đình có con em nghiện ma túy thường là những gia đình hoặc không có thái độ phê phán nghiêm khắc với con em khi chúng bắt đầu sử dụng chất gây nghiện hoặc mất cảnh giác cho chúng nhiều tiền để tự do tiêu xài, đua đòi cùng bạn bè hoặc không kiểm tra xem con em mình có sử dụng tiền đúng mục đích hay không.


Đặc biệt nguy hại là những gia đình do sĩ diện hay do nuông chiều con cái không dám thừa nhận với cộng đồng là chúng đã bị nghiện, không dám đưa chúng đi điều trị ở các cơ sở cai nghiện và chịu áp lực thường xuyên phải cung cấp tiền để chúng mua chất gây nghiện.


Một số gia đình bố. mẹ cũng nghiện chất như nghiện rượu, nghiện thuốc lá... Đa số thanh thiếu niên trước khi nghiện ma túy đã lạm dụng rượu hay thuốc lá một thời gian và tiếp sau đó là nghiện chất bất hợp pháp.


Một số gia đình thiếu kinh nghiệm trong giáo dục con cái như thiếu kiên quyết, quá nóng giận hoặc hay trừng phạy không phù hợp với mức độ và hoàn cảnh, sợ con cái tức giận bỏ đi, sợ tan vỡ gia đình... cũng là nhân tố thúc đẩy.


Như phần trên đã đề cập đến, các stress xuất hiện do nội bộ gia đình có nhiều xung đột thường xuyên cũng là nhân tố thúc đẩy con em mình đi vào con đường nghiện chất, được chúng xem như là một phương thức để thoát khỏi bầu không khí căng thẳng, nặng nề phải chịu đựng hằng ngày.


Như vậy trong quá trình điều trị, việc thầy thuốc thiết lập được mối quan hệ mật thiết và thường xuyên với gia đình và người bệnh có tầm quan trọng đặc biệt trong khâu phát hiện và khắc phục nguyên nhân. Nếu tiến hành được liệu pháp đình hệ thống thì kết quả chống nghiện và chống tái nghiện sẽ cao hơn và bệnh vững hơn.



2. Nguyên nhân môi trường xã hội:

Hiện nay có thể nói, chúng ta đang phải sống trong một môi trường xã hội bị ô nhiễm chất gây nghiện: các ổ nhóm và tuh điểm tiêm chích chất gây nghiện vẫn con tồn tại ở nhiều nơi, người nghiện vẫn có thể tìm mua chất gây nghiện tương đối dễ dàng.


Tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Cơ chế thị trường và sự tăng trưởng kinh tế nhanh đã kéo theo nhiều biến đổi xã hội cả tích cực lẫn tiêu cực. Sự phân hóa giàu nghèo đang diễn ra, tốc độ đô thị hóa cũng gia tăng nhanh chóng. Trình độ nhận thức của một bộ phận xã hội không theo kịp sự phát triển kinh tế, sự thay đổi của xã hội làm không ít người, không ít gia đình đã bị mất phương hướng, lâm vào khủng hoảng bởi mất cân bằng nội môi.


Mặt khác, các chuẩn mực đạo đức xã hội cũng ít nhiều bị biến đổi, xói mòn. Một nguyên nhân xã hội nữa là việc tôn trọng và thực thi pháp luật chưa được nghiêm túc. Bọn tội phạm liên quan tới chất gây nghiện không ngừng tấn công vào các tầng lớp thanh thiếu niên, nhưng ở nhiều nơi chính quyền và các cơ quan chức năng chưa huy động được sức mạnh toàn dân trong cuộ chiến chống chất gây nghiện.


Hiện nay môi trường học đường từ tiểu học đến đại học đã và đang bị ma túy xâm nhập. Sức ép trong học tập cũng được coi như những stress quá lớn đối với một bộ phận học sinh không theo kịp, làm chúng chán nản và bỏ học và đi đến nghiện chất và các loại tệ nạn khác.


Những nguyên nhân xã hội nêu trên đã làm cho đội ngũ những người nghiện chất ngày càng đông hơn và trẻ hơn.



II. ĐẶC TÍNH CỦA NGHIỆN MA TÚY:
1. Nghiện ma túy là một bệnh nguyên phát:

Trước hết các rối loạn liên quan đến lạm dụng ma túy được phân loại vào mục F11 phần các rối loạn tâm thần của bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 của Tổ chức Y tế thế giới (1992) và trong sách thống kê chuẩn đoán các rối loạn tâm thần của hội Tâm thần học Mỹ (1994).


Nghiện ma túy không phải là một bệnh thứ phát sau một bệnh cơ thể hay tâm thần mà là một bệnh nguyên phát do chất gây nghiện gây ra, có 3 nguyên nhân (có chất gây nghiện, con người và môi trường).


Đã là bệnh thì trước tiên cần phải được điều trị. Có điều trị khỏi thì các vấn đề khác mới được cải thiện (sức khỏe, việc làm, quan hệ xã hội...).



2. Nghiện ma túy là một bệnh mãn tính:

Nghiện ma túy không thể chữa khỏi nhanh chóng được. Môi trường xung quanh còn có khả năng cung cấp chất gây nghiện thì đối tượng còn có nguy cơ tái nghiện và bệnh còn kéo dài (mạn tính). Chỉ khi nào liệu pháp sinh học làm cho hết thèm nhớ và liệu pháp tâm lý phát huy tác dụng, đối tượng rèn luyện có kết quả, có đầy đủ quyết tâm và nghị lực từ bỏ chất gây nghiện suốt đời thì bênh mới có thể xem như khỏi hẳn.



3. Nghiện ma túy là một bệnh tiến triển:

Nghiện ma túy càng để lâu không điều trị thì bệnh tiến triển ngày càng xấu hơn do lượng chất gây nghiện vào cơ thể ngày càng cao gây nghiễm độc mạn tính, gây rối loạn hoạt động chức năng của não, gây rối loạn hành vi, gây suy kiệt cơ thể, mắc các bệnh khác...



4. Nghiện ma túy là một bệnh có thể gây chết người:

Nếu không được điều trị, nghiện ma túy có thể gây tử vong không phải chỉ do tác động của chất gây nghiện vào các cơ quan nội tạng mà còn do những rối loạn tâm thần và hành vi do chất gây nghiện gây ra như tai nạn giao thông, lao động, do hoang tưởng ảo giác chi phối, tự sát, lây nhiễm các bệnh qua đường tiêm chích hoặc quan hệ tình dục không an toàn (HIV, viêm gan B, C, nhiễm trùng máu, tim, phổi...).



5. Nghiện ma túy là một bệnh có thể chữa được:

Nghiện ma túy là một bệnh khó chữa khỏi nhưng vẫn có thể chữa khỏi nếu có chiến lược điều trị thích hợp, đem lại lòng tin cho đối tượng, đưa dần đối tượng đến chỗ quyết tâm sửa chữa (không dùng chất gây nghiện nữa). Ngoài ra nếu có sự động viên giúp đỡ của gia đình và cộng đồng về các mặt (tài chính, việc làm, không kỳ thị...) thì điều trị có kết quả nhiều hơn.



6. Nghiện ma túy khó điều trị do tâm lý từ chối chữa bệnh của đối tượng:

Từ chối chữa bệnh là một đặc điểm tâm lý rất phổ biến của những đối tượng nghiện ma túy. Có nhiều lý do:


- Trước hết đối tượng không muốn và không thể từ bỏ cảm giác sảng khoái do chất gây nghiện đem lại.


- Đối tượng nghiện không chịu đựng nổi những phản ứng của gia đình và cộng đồng, những khó khăn của cuộc sống, tìm cách ngày càng lẩn trốn vào chất gây nghiện, không muốn và không dám điều trị để trở lại thực tại mà đối tượng không thích nghi được nữa.


- Nếu đối tượng cảm nhận được sự dung túng của người thân thì càng từ chối mạnh hơn và dai dẳng hơn.


- Chính sự từ chối chữa bệnh của đối tượng (và sự dung túng của người thân trong một số trường hợp) đã hình thành và duy trì phương thức điều trị bắt buộc ở nhiều nước trên thế giới hiện nay.



7. Nghiện ma túy tiến triển xấu do hành vi dung túng của người thân:

Người thân ở đây bao gồm các thành viên trong gia đình, bạn bè thân cận và bạn đồng nghiệp của đối tượng nghiện.


Hành vi dung túng là những hành vi giúp cho người nghiện tiếp tục sử dụng chất gây nghiện mà không bị phê phán, lên án hoặc tránh bị rắc rối (phạt) bởi cơ quan hành pháp.


Hành vi dung túng rất đa dạng, bao gồm sử dụng nhiều loại như:


- Gia đình che dấu việc sử dụng chất gây nghiện của con em mình với các cơ quan chức năng theo qui định của pháp luật.


- Gia đình bảo lãnh cho con em mình khỏi phải đi điều trị bắt buộc, khỏi bị truy tố về những hành vi phạm pháp.


- Gia đình không theo dõi, kiểm tra những hành vi có liên quan đến sử dụng ma túy của con em mình, không nghiêm khắc phát hiện và đối chất với những lời nói dối của con em mình, vẫn cung cấp nhiều tiền cho chúng iêu xài.


- Bạn đồng nghiệp che dấu hành vi sử dụng chất gây nghiện của đối tượng ở công sở.


- Bạn thân làm chứng giả cho những lời nói dối của đối tượng.


Như vậy, ta thấy rõ một nhiệm vụ quan trọng của liệu pháp gia đình là phát hiện và giúp sửa chữa những hành vi dung túng của các thành viên trong gia đình có người nghiện ma túy.



III. NGHIỆN MA TÚY KÈM THEO CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN:

- Theo DSM IV, ở Mỹ (1991) có 76% nam, 65% nữ được chẩn đoán lạm dụng hoặc nghiện ma túy có thêm một chẩn đoán rối loạn tâm thần.

- Các rối loạn tâm thần khác thường kết hợp với lạm dụng ma túy là: nhân cách bệnh chống xã hội, lo sợ ám ảnh và các rối loạn lo âu khác, trầm cảm nội sinh và tâm sinh.


- Tính chất đồng bệnh lý tâm thần và lạm dụng ma túy thường gặp ở lạm dụng chát dạng thuốc phiện, cocain và marijuana.


- 90% người nghiện ma túy dạng thuốc phiện có thêm một chẩn đoán rối loạn tâm thần: 1/3-1/2 những người nghiện hoặc lạm dụng ma túy dạng thuốc phiện có kèm theo trầm cảm.


- 40% những người lạm dụng hoạc nghiện rượu có đủ tiêu chuẩn chuẩn đoán rối loạn trầm cảm điển hình vào một thời điểm trong cuộc sống của họ.

- 25-50% rối loạn liên quan tới rượu có đủ tiêu chuẩn chuẩn đoán rối loạn lo âu (thường gặp rối loạn lo sợ và hoảng sợ).


- Có một tỉ lệ rất cao các bệnh nhân tâm thần hút thuốc lá: 50% bệnh nhân tâm thần ngoại trú, 70% bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực I ngoại trú, 90% bệnh nhân tâm thần phân liệt ngoại trú. Gần 1/2 doanh số bán thuốc lá hàng năm ở Mỹ (256 triệu USD/ năm) do bệnh nhân tâm thần tiêu thụ.


- Lạm dụng ma túy cũng là một nhân tố thúc đẩy tự sát. Nguy cơ tự sát ở người lạm dụng ma túy cao hơn gần 20 lần so với dân số chung. Khoảng 15% người lạm dụng hoặc nghiện rượu nói họ đã toan tự sát (thường do thiếu trợ giúp tâm lý xã hội, bị các bệnh cơ thể, không có việc làm, sống độc thân). Tỉ lệ tự sát ở người lạm dụng hoặc nghiện chất đứng thứ hai sau tỉ lệ tự sát ở bệnh nhân trầm cảm.