Tag Archives: CÁC RỐI LOẠN HÀNH VI

BIỂU HIỆN TÂM THẦN DO SỬ DỤNG MA TÚY

CÁC BỆNH TÂM THẦN DO SỬ DỤNG MA TÚY


Ma túy là những chất tác động tâm thần, nếu lạm dụng sẽ gây ra cho mình sự lệ thuộc và gây những tổn thương trên hệ thống não bộ. Tình trạng lệ thuộc ma túy đòi hỏi phải sử dụng ma túy đều đặn như một phương thức sống. Người lệ thuộc bị những biến đổi về khí sắc, cảm xúc cũng như nhận thức do những tổn thương hệ thống não bộ. Những tổn thương này có thể tồn tại rất lâu hoặc vĩnh viễn ngay cả sau khi ngưng sử dụng các chất này.


Việc sử dụng ma túy bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau: bản thân, gia đình, xã hội. Người nghiện từ sử dụng, lạm dụng rồi lệ thuộc ma túy dẫn đến tình trạng nghiện, gây ra rất nhiều rối loạn về tâm thần, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Việc điều trị, phục hồi nghiện ma túy bao gồm rất nhiều lĩnh vực y tế, tâm lý, giáo dục, quản lý, …


Người nghiện bị lệ thuộc tâm lý và lệ thuộc cơ thể đối với ma túy, nếu thiếu sẽ thèm muốn tột độ, đòi hỏi phải tái sử dụng để cảm thấy thoải mái. Khi được cung cấp đủ ma túy - người nghiện ở trạng thái ngất ngây hoặc kích thích mạnh mẽ, giảm bớt đau đớn thân xác, tinh thần, cảm giác khỏe mạnh, yêu đời, …


Bởi tính chất ép buộc phải sử dụng ma túy, cuộc sống người nghiện suốt ngày loanh quanh bằng mọi cách trong việc tìm kiếm cho có được ma túy. Đó là phương thức tồn tại của người nghiện. Một phương thức sống như vậy sẽ làm xáo trộn và đảo lộn nhiều giá trị cá nhân cũng như gia đình, xã hội cùng những chức năng tâm sinh lý của bản thân.


Càng sử dụng ma túy càng lâu, hàm lượng càng tăng thì hậu quả càng nhiều và nặng nề bấy nhiêu. Mặt khác, những tác động của ma túy trên bộ não có thể gây ra những tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn làm cho người nghiện suy giảm khả năng xử lý thông tin, rối loạn nhận thức cũng như thiếu khả năng hiểu biết của đối tượng trong việc hướng đến một cuộc sống lành mạnh


Xét về mặt hành vi, người nghiện đã phát triển những cách ứng xử không thích nghi hoặc những thói quen xấu. Chính những hành vi ấy ngăn cản đối tượng hoà nhịp với cộng đồng, mất đi lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, không còn khả năng hiểu biết những hậu quả do hành vi của mình gây ra. Người nghiện ma túy không còn đủ nhận thức để sống một cách trong sạch, cũng như kỹ năng làm việc để sống bình ổn trong một xã hội trật tự. Nói chung, về mặt tinh thần, sức khoẻ, nghề nghiệp, gia đình, xã hội, … có thể suy sụp đến một mức làm sự điều trị phục hồi cho đối tượng trở thành khó khăn.


Sau khi cai, nếu những nhân tố tác động thúc đẩy đối tượng tìm đến ma túy vẫn chưa được giải quyết, thì hầu hết những người nghiện sẽ tái nghiện.


SƠ ĐỒ QUÁ TRÌNH NGHIỆN MA TÚY


Ngoài trạng thái lạm dụng và lệ thuộc, các hội chứng lâm sàng liên quan đến các chất ma túy có thể gây các phản ứng tâm lý và rối loạn tâm trí thực tổn sau:


I. CÁC PHẢN ỨNG TÂM LÝ:


Các phản ứng tâm lý do sử dụng các chất ma túy phụ thuộc vào:

- Loại ma túy sử dụng

- Liều lượng sử dụng

- Phương thức sử dụng (uống, hút, hít, chích, …)

- Mức độ tác hại còn gồm nhiều yếu tố như: phối hợp nhiều chất ma túy với nhau, ảnh hưởng tính chất sinh lý, nhân cách của người sử dụng ma túy và những tác động bởi bối cảnh gia đình, xã hội …


II. CÁC RỐI LOẠN TÂM TRÍ THỰC TỔN:


Các rối loạn gây ra do tác động của các chất ma túy trên hệ thần kinh trung ương. Đây là trạng thái nhiễm độc và các phản ứng loạn tâm thần do dùng ma túy.


1. TRẠNG THÁI NHIỄM ĐỘC:

Thể hiện qua các hành vi như hung dữ, thay đổi phán đoán, biến loạn hoạt động xã hội, rối loạn về tri giác, sự chú ý, sự phán đoán, …


2. LÚ LẪN TÂM TRÍ:

Nặng hơn trạng thái nhiễm độc. Hội chứng lú lẫn hay mê sảng thể hiện bằng các rối loạn chú ý, tư duy, mất định hướng thời gian, không gian và các rối lọan tri giác. Các triệu chứng trên do dùng quá liều các chất ma túy.

3. HỘI CHỨNG HỒI TƯỞNG:

Các triệu chứng này xảy ra đột ngột ngay cả khi người nghiện không dùng ma túy và thường chỉ kéo dài vài giây hay vài phút. Chúng có thể tái diễn ít hay nhiều lần trong ngày. Các triệu chứng này luôn kèm theo phản ứng lo hãi, và có thể xuất hiện sau một lần dùng ma túy nhưng hay xảy ra sau khi dùng ma túy nhiều lần. Các triệu chứng thường gặp nhất là các rối loạn tri giác và nhiều về thị giác.


4. PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN:

Khi đối tượng nghiện nhìn thấy, nghe thấy những hình ảnh, âm thanh gợi nhớ đến những ngày tháng trước đây đã sử dụng ma túy như: rơi vào tâm trạng cũ, gặp bạn cũ, qua nơi hút chích cũ, gặp ống chích, kim chích, nghe bản nhạc cũ mà đã từng nghe trong những lần chơi ma túy…, tự nhiên đối tượng nghĩ đến những khoái cảm ngất ngây của ma túy và tìm mọi cách để sử dụng lại ma túy.


III. TRẠNG THÁI TRẦM NHƯỢC:


Trầm nhược do sử dụng các chất ma túy đã được nghiên cứu nhiều nhất. Hầu hết những người nghiện ma túy đều bị trầm nhược và ngược lại người bị trầm nhược dễ bị dẫn đến nghiện ma túy.

Trầm nhược và sử dụng ma túy ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Các triệu chứng trầm nhược có thể dẫn đến sử dụng ma tuý, là tiên phát hoặc thứ phát. Trạng thái trầm nhược có thể làm nặng thêm tình trạng lạm dụng ma túy.


IV. TỰ SÁT VÀ CÁC Ý ĐỊNH TỰ SÁT:


Lạm dụng ma tuý đựơc công nhận là nguy cơ hàng đầu của các hành vi tự sát của thanh thiếu niên. Trong số 1824 đối tượng được gửi tới chữa bệnh vì lạm dụng ma tuý, 40,7% có ý tưởng tự sát thường xuyên - từ thấp lên cao (Harrison và Hoffiman, 1987).

Đa số các công trình có sự lên quan giữa tự sát, trầm nhược và lạm dụng ma túy đều đánh giá rằng: lạm dụng ma túy có thể làm trầm trọng thêm trầm nhược và làm cho dễ chuyển sang hành động tự sát.


V. CÁC RỐI LOẠN HÀNH VI:


  • - Ma tuý và rối loạn hành vi thường kết hợp với nhau

  • - Các rối loạn hành vi thường gặp trong lạm dụng ma túy ở thanh thiếu niên, có khả năng dẫn đến giết người.

  • - Hundleby và ctv (1982) ghi nhận trên 100 thanh thiếu niên nam và 130 thanh thiếu niên nữ dùng ma tuý có hoạt động tình dục nhiều hơn, nhận thức về xã hội và học tập lệch lạc.

  • - Các liên quan giữa rối loạn hành vi và dùng ma tuý rất phức tạp. Các rối loạn hành vi và sử dụng ma túy tác động lẫn nhau. Các rối loạn hành vi thường dẫn đến dùng ma túy và ngược lại.

  • - Các nghiên cứu trên đã nhận thấy rằng thanh thiếu niên có khuynh hướng chống đối xã hội thường dẫn đến việc sử dụng các chất ma túy.

  • - Dùng ma tuý có thể dẫn đến các rối loạn hành vi: tác động của chất ma túy giải ức chế và làm tăng hung tính tạo điều kiện cho việc chuyển thành hành vi chống đối xã hội. Do lệ thuộc ma túy đối tượng gây nên những hành vi phạm pháp để tìm cho được chất ma túy: ăn cắp, buôn bán ma túy và làm gái điếm thường kết hợp.

  • - Phạm pháp và lạm dụng ma túy đều liên quan đến các điều kiện xã hội không lành mạnh, gia đình không êm ấm và các rối loạn xúc cảm của đối tượng. Thanh thiếu niên phạm pháp, nhất là khi chúng bị trầm nhược khai là sử dụng ma tuý hay các hoạt động bất hợp pháp để làm nhẹ nỗi buồn chán và ưu phiền của họ.

  • - Trong nghiên cứu của Farrow French (1990), khảo sát trên 89 thanh thiếu niên phạm pháp khai có dùng ma túy trong đó 74% trường hợp là để làm giảm các cảm nghĩ buồn chán và ưu phiền, 39% để quên các vấn đề của họ, 42% để được yên tĩnh, 65% để được thích thú và 45% vì nhiều bạn của họ dùng ma túy.


  • VI. CÁC RỐI LOẠN TẬP TRUNG:


    Trong 114 thanh thiếu niên phạm pháp, Halikas và ctv (1990) nhận thấy lạm dụng ma túy có trên 67% bị rối loạn tập trung, các rối loạn tập trung có hành vi hung bạo chiếm 61% trường hợp.


    VII. CÁC RỐI LOẠN NHÂN CÁCH:


    Lạm dụng ma túy liên quan đến một số rối loạn nhân cách.

    Các rối loạn nhân cách bệnh lý và nghiện ma túy liên hệ và tác động với nhau. Các rối loạn nhân cách dễ dẫn đến sử dụng ma túy và ngược lại. Việc dùng ma túy làm tăng thêm các rối loạn về tâm lý, về quan hệ và sinh hoạt biểu hiện rõ nét nhân cách bệnh lý. Người bị rối loạn nhân cách thường bị:

    • - Tính xung động

    • - Các rối loạn về cảm xúc

    • - Các cảm nghĩ trống rỗng và buồn phiền


    VIII. CÁC BIỂU HIỆN LO HÃI:


    Người có tiền sử rối loạn lo hãi nhất là tuổi thanh thiếu niên dễ dẫn đến các nguy cơ lạm dụng hay lệ thuộc ma túy và ngược lại.


    IX. CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN:


    Việc dùng các chất ma túy thường gây hậu quả là rối loạn tâm thần.

    Ngược lại, các rối loạn tâm thần góp phần dẫn đến sử dụng ma túy, đồng thời có thể do cả hai yếu tố trên tác động lên nhau.

    Sự phân biệt này khó xác định, một khi cùng xảy ra song song, việc sử dụng các chất ma túy và các rối loạn tâm thần sẽ tác động lẫn nhau làm trầm trọng thêm việc sử dụng ma túy.

    Do đó cần phải phân biệt các rối loạn tâm thần tiên phát và thứ phát, có thể dẫn đến các hành vi nghiện ngập và có thể ảnh hưởng đến các quyết định điều trị.

    Người nghiện có thể có những hành vi dễ bị kích động, hung dữ, nhận thức lệch lạc, rối loạn hoạt động, rối loạn tri giác, rối loạn tỉnh – thức, rối loạn tư duy, mất định hướng thời gian, không gian, có thể bị hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác, có tư tưởng tự sát, tư tưởng bị ám hại dễ dẫn đến các hành vi hung bạo, chống đối xã hội – gia đình. Thậm chí giết người nhưng không ý thức được việc làm của mình.


    X. TỶ LỆ CHẾT:


    Việc sử dụng ma túy có thể gây chết người, các biến chứng cơ thể và một ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống tâm lý và quan hệ cũng như trên sự thích ứng xã hội.

    Tỷ lệ chết cao ở thanh thiếu niên và thanh niên do các tai nạn giao thông, các tai nạn khác, tự sát và các hành vi hung bạo đánh giết lẫn nhau do ma túy. Các tai nạn giao thông chiếm 70% nguyên nhân chết của những người 16 -19 tuổi trong Cộng đồng châu Âu: Rượu và các chất ma túy là những nguyên nhân chủ yếu.

    Trong một nghiên cứu nam giới từ 15-34 tuổi, chết do tai nạn giao thông: rượu được phát hiện trong 75% trường hợp, cần sa 37% và cocain 11%; trong đó kết hợp rượu và cần sa 85% trường hợp (Williams, 1985). Tác hại của ma túy ngoài các tai nạn và tự sát nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS qua tiêm chích tĩnh mạch các chất ma túy và quan hệ tình dục bừa bãi cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm.


    KẾT LUẬN:

    Sử dụng các chất ma túy dẫn đến nhiều nguy cơ:

    • - Tăng liều lượng

    • - Chuyển sang các chất ma túy mạnh hơn

    • - Nhiễm trùng do các bệnh cơ hội HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C, …

    • - Thất bại trong hoà nhập xã hội

    • - Các bệnh tâm thần có thể dẫn đến tự sát, có hành vi hung bạo, giết người trong gia đình và xung quanh.

    • - Các tổn thương thể chất, tinh thần và dẫn đến cái chết

    • - Nếu đối tượng bị gạt ra bên lề xã hội do sử dụng ma túy thì nguy cơ tổn thương về thể chất dẫn đến cái chết có thể xảy ra sớm, do bệnh tật và thiếu sự chăm sóc.