TƯỚNG ‘ĐÁ TẢNG’ CHỐNG MA TÚY ĐƯỢC HÂM MỘ CUỒNG NHIỆT Ở PHILIPPINES

11 August, 2022
vnexpress.net

TƯỚNG 'ĐÁ TẢNG' CHỐNG MA TÚY ĐƯỢC HÂM MỘ CUỒNG NHIỆT Ở PHILIPPINES

Phong cách gần gũi và nỗ lực chống ma túy cứng rắn khiến Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines Ronald dela Rosa giành được sự mến mộ cuồng nhiệt.
tuong-da-tang-chong-ma-tuy-duoc-ham-mo-cuong-nhiet-o-philippines

Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines Ronald dela Rosa tại lễ ra mắt linh vật mang hình mẫu của ông. Ảnh: Inquirer

Phụ nữ luôn là những người đầu tiên ùa đến. Họ cười khúc khích, huých vào khuỷu tay nhau và thay phiên đứng cạnh Ronald dela Rosa để chụp hình. Những cô gái tinh nghịch thậm chí còn hôn lên má ông và tuyên bố táo bạo: "Tôi rất yêu ngài!".

Những người đàn ông thì bình tĩnh hơn. Họ bắt tay và vỗ nhẹ vào vai ông như một người bạn học cũ trước khi xin chụp ảnh.

Thiếu tướng Ronald dela Rosa, tư lệnh cảnh sát quốc gia Philippines, được người dân Philippines mến mộ như ngôi sao nhạc rock, theo Foreign Policy. Đám đông đổ xô đến vây quanh Rosa khi ông xuất hiện ở nơi công cộng, khiến thuộc cấp phải chặn xung quanh để bảo vệ ông khỏi những cánh tay vươn tới muốn chạm vào người. Đi đến đâu ông cũng có người hâm mộ.

Bên cạnh Tổng thống Rodrigo Duterte, Rosa là quan chức trung tâm của cuộc chiến chống ma túy Philippines được phát động từ ngày 1/7, ngày đầu tiên Rosa nắm cương vị tư lệnh cảnh sát. Hơn 5.800 nghi phạm ma túy đã chết dưới tay cảnh sát hoặc các nhóm tự cho mình là "thay trời hành đạo".

Hình ảnh các thi thể với khuôn mặt thường bị dán chặt băng dính trên đường phố kèm theo tấm biển các-tông có ghi dòng chữ "kẻ buôn bán ma túy" hay "con nghiện" đã khiến các nhóm nhân quyền chỉ trích đây là hành động bạo lực chủ yếu nhằm vào thanh niên nghèo.

Tuy nhiên, đối với đa số người dân Philippines, điều đó không ngăn cản được sự hâm mộ cuồng nhiệt dành cho Rosa, người có biệt danh là Bato, tức Đá tảng. Trong mắt họ, tư lệnh đầu trọc thân thiện này là một người hùng.

Thông điệp chống ma túy của ông Rosa được công chúng hưởng ứng mạnh mẽ. Neil, một tài xế taxi 33 tuổi, xem nỗ lực chống ma túy toàn diện này là một hành động cứng rắn đáng hoan nghênh của chính phủ. "Chúng tôi làm việc suốt đêm và thỉnh hoảng chạy xe vào những con hẻm nhỏ để trả khách. Bằng cách quét sạch những con nghiện khỏi đường phố, cảnh sát đang bảo vệ những người như tôi".

Mariz Umali, phóng viên của mạng tin tức GMA, người chuyên đưa tin về hoạt động của cảnh sát trong 4 năm qua, nói rằng sự mến mộ của công chúng dành cho Đá tảng là một hiện tượng mới so với các tư lệnh cảnh sát trước đây. "Tôi nghĩ đó là sự chứng thực cho uy tín của ông ấy. Ông ấy là một người cực kỳ dễ gần, chân thành và thực tế giống như sếp mình", Umali nói, ám chỉ Tổng thống Duterte.

Chắc chắn, không một tư lệnh cảnh sát nào có thể truyền cảm hứng như Rosa. Ông có rất nhiều trang hâm mộ trên Facebook và thậm chí còn có game di động săn bắt tội phạm lấy hình ảnh của ông để thiết kế nhân vật.

Phong cách nhã nhặn, cuốn hút và có phần ngộ nghĩnh của ông Rosa đối lập hoàn toàn với phong cách của ông Duterte. Sự chung thủy của ông đối với vợ cũng nhận được sự ca ngợi của công chúng.

Tuy nhiên, cây bút Ana P. Santos của Foreign Policy nhận định sức lôi cuốn từ hình ảnh cá nhân chỉ là một phần của câu chuyện. Sự ủng hộ của công chúng dành cho cuộc chiến chống ma túy đầy chết chóc do Rosa chủ trì đã hỗ trợ cho hình ảnh dễ mến của ông.

Cuộc khảo sát toàn quốc hồi tháng 9 của Viện nghiên cứu xã hội ở Manila cho thấy 84% người trả lời nói rằng họ hài lòng phần nào với chiến dịch chống ma túy của chính phủ, mặc dù 71% cho rằng bắt sống các nghi can là điều "rất quan trọng".

tuong-da-tang-chong-ma-tuy-duoc-ham-mo-cuong-nhiet-o-philippines-1

Ronald dela Rosa đăng trên facebook bức ảnh ông nắm tay vợ với chú thích "khi bạn mệt mỏi sau một ngày làm việc, bạn vẫn có bàn tay để nắm". Ảnh: Expatmedia

Thực thi công lý bằng phát đạn

Cây bút Santos cho biết cứ 5 tòa án ở Philippines thì có một tòa thiếu thẩm phán hoặc công tố viên, khiến các vụ án ứ đọng ngày càng nhiều và điều này có nghĩa là mỗi vụ án hình sự có thể phải mất 5 - 15 năm để giải quyết.

Vì vậy, một số người thích thực thi công lý bằng những phát đạn như trong chiến dịch chống ma túy hơn là thông qua tiến trình xét xử kéo dài đằng đẵng ở tòa án.

Chito Gascon, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Philippines, cho rằng ông Rosa có cách tiếp cận mềm mại hơn ông Duterte, chẳng hạn như sử dụng các linh vật mang hình ảnh mình để truyền tải thông điệp 'Nói không với ma túy' hay thông qua các sự kiện âm nhạc và nhảy múa. "Tuy nhiên, tất cả điều này đều nhằm chính đáng hóa và làm dịu đi tính bạo lực của cuộc chiến chống ma túy", ông Gascon nói.

Trong khi đó, ông Rosa bác bỏ những chỉ trích về tính tàn bạo của cuộc chiến chống ma túy. "Chúng tôi đang thắng. Tôi cho rằng người dân cảm thấy họ có cuộc sống an toàn hơn".

"Tôi không biết phải làm thế nào để khiến những người chỉ trích hài lòng. Chẳng lẽ việc chúng tôi chấp nhận 720.000 con nghiện và người buôn ma túy ra trình diện mà không khởi tố hay tống giam họ không đủ nhân đạo sao?", ông giãi bày.

Chương trình ân xá cho người tự nguyện trình diện được áp dụng lần đầu tiên ở Davao, nơi ông Duterte giữ chức thị trưởng trong thời gian dài.

Theo đó, các lãnh đạo và người dân địa phương được giao nhiệm vụ tập hợp danh sách các nghi can sử dụng và buôn bán ma túy cần giám sát. Dựa trên danh sách này và các nguồn tin tình báo, cảnh sát quốc gia sẽ đến gõ cửa từng nhà để thuyết phục các đối tượng ra trình diện và ký cam kết từ bỏ ma túy hoặc đăng ký cai nghiện.

Thế nhưng, vẫn có những đối tượng đã ra trình diện thiệt mạng. Cảnh sát giải thích rằng họ phải hành động để tự vệ do nghi can bắn họ, dù có một số vụ việc chứng minh lý do này không hợp lý.

Đưa cảnh sát đến gần với dân

Cuộc chiến chống ma túy trao cho cảnh sát Philippines cơ hội xuất hiện như những người hùng để hồi đáp lời kêu gọi "phục vụ và bảo vệ nhân dân" với đảm bảo rằng tổng thống sẽ che chở cho họ. Ông Rosa cho biết ước vọng của ông đang trở thành sự thật.

"Mơ ước của tôi là người dân Philippines sẽ yêu mến lực lượng cảnh sát. Tôi hy vọng sẽ được nhớ đến là một tư lệnh đưa cảnh sát đến gần hơn với người dân", ông nói.

Cây bút Santos thì cho rằng việc người dân Philippines có tiếp tục sát cánh với cảnh sát hay không vẫn là một dấu chấm hỏi.

Những rạn nứt trong niềm tin đối với cảnh sát đang xuất hiện. Tháng 11, Rolando Espinosa, thị trưởng thị trấn Albuera, một nghi can buôn bán ma túy, bị cảnh sát bắn chết trong phòng giam. Cảnh sát giải thích rằng họ buộc phải ra tay vì Espinosa bắn họ.

Vụ việc này gây phẫn nộ trong dư luận và ở cả những nghị sĩ ủng hộ cuộc chiến chống ma túy. Tại cuộc điều trần về cái chết của Espinosa ở thượng viện, thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, cựu tư lệnh cảnh sát Philippines, nói với ông Rosa: "Nếu có bất kỳ người nào ở đây hiểu về chấp pháp, đặc biệt là cuộc sống của cảnh sát, đó chính là tôi. Tôi có thể cho phép ông nhiều mức độ tự do trong hoạt động chấp pháp. Nhưng khi cảnh sát hành động quá trắng trợn mà không bị trừng phạt, tôi nghĩ với tư cách là tư lệnh cảnh sát quốc gia, ông phải làm điều gì đó".

"Tôi cho rằng ông nên dành sự quan tâm hoặc sự chú trọng tương xứng, nếu không muốn nói là cần chú trọng nhiều hơn đến việc giải quyết vấn đề của những cảnh sát liên quan đến các vụ giết chóc kiểu này", cựu quan chức nói thêm.

Rosa đột nhiên bật khóc và đáp rằng:

"Thưa ngài, tôi không thể trách công chúng nếu họ đang mất niềm tin ở lực lượng cảnh sát vì chính bản thân tôi không biết nên tin ai. Tôi thực sự muốn cải cách cảnh sát Philippines vì tôi yêu tổ chức này rất nhiều.Tôi sẽ không đầu hàng. Tôi sẽ làm được. Tôi sẽ không rút lui. Tôi sẽ cố gắng hết sức để làm trong sạch cảnh sát Philippines".

tuong-da-tang-chong-ma-tuy-duoc-ham-mo-cuong-nhiet-o-philippines-2

Ronald dela Rosa bật khóc tại cuộc điều trần ở thượng viện Philippines. Ảnh: Inquirer

Hồng Vân