Ảnh hưởng của sử dụng rượu/bia của các nạn nhân bị tai nạn giao thông nhập viện VIỆT ĐỨC và SAINT–PAUL

29 August, 2022

ẢNH HƯỞNG CỦA SỬ DỤNG RƯỢU/BIA

CỦA CÁC NẠN NHÂN BỊ TAI NẠN GIAO THÔNG

NHẬP VIỆN VIỆT ĐỨC VÀ SAINT–PAUL

(Đề tài do Ủy ban An toàn Giao thông và GRSP đề nghị)


   Chủ nhiệm đề tài: 

 PGS.TS. Nguyễn Thị Thiềng  Thành viên nhóm nghiên cứu:

 TS. Nguyễn Thị Minh Hoà; ThS. Hà Tuấn Anh


1.  Lý do nghiên cứu 

Vai trò của rượu bia trong tai nạn thương tích được nhấn mạnh trong nhiều tài liệu đang được lưu giữ ở các nước kinh tế phát triển. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vai trò của rượu bia liên quan đến tai nạn thương tích đặc biệt đáng báo động ở các nước đang phát triển, nơi mà việc tiêu thụ rượu bia và tai nạn thương tích ngày càng tăng trong khi các chính sách về y tế công cộng vẫn còn tỏ ra thiếu hiệu quả. Ở Việt Nam, thiếu dữ liệu mang tính khoa học về tiêu thụ rượu bia và mối quan hệ giữa sử dụng rượu bia với tai nạn thương tích, để có thể đưa ra chính sách phòng chống sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tác động của nồng độ cồn đến tai nạn thương tích không được ghi lại một cách hệ thống và đầy đủ. Điều này đã được các bệnh viện, cảnh sát hoặc các nhân viên điều tra xác nhận. Hiện nay, chưa có một nghiên cứu ở tầm quốc gia và chưa có một hệ thống giám sát theo dõi những ảnh hưởng của sử dụng rượu bia đến tai nạn giao thông. Hơn nữa, mặc dù các thương tích do tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước về mức độ phổ biến và mức độ nghiêm trọng trong số các loại hình thương tích, hệ thống báo cáo hiện nay đã không đánh giá đúng khía cạnh quan trọng nhất của vấn đề này.


Giống như tốc độ, sự tiêu thụ rượu bia làm tăng xác suất xảy ra các vụ va chạm và gây hậu quả tử vong hoặc các thương tích nghiêm trọng. Sự suy yếu gây ra bởi rượu bia là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến cả nguy cơ gây ra tai nạn trên đường cũng như tính khốc liệt của các chấn thương gây ra bởi các vụ tai nạn đó. Mức độ thường xuyên của việc uống rượu bia trong khi lái xe có sự khác nhau giữa các quốc gia, nhưng dù ở đâu thì đó cũng là một nguy cơ rất lớn gây ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ. Phạm vi ảnh hưởng của rượu bia đến tai nạn giao thông đường bộ cũng khác nhau giữa các quốc gia, và do đó việc so sánh trực tiếp giữa các quốc gia là việc làm khó khăn. Ở nhiều quốc gia có thu nhập cao, khoảng 20% số lái xe bị chấn thương nghiêm trọng gây tử vong đều có nồng độ cồn trong máu vượt quá giới hạn cho phép (nghĩa là ở phía trên của giới hạn theo quy định của pháp luật). Các nghiên cứu tại các nước có thu nhập thấp đã chỉ ra rằng nồng độ cồn trong máu của những lái xe bị chấn thương nghiêm trọng dẫn đến tử vong là ở trong khoảng giữa 33% và 69%.


Tai nạn giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra chấn thương và tử vong tại Việt Nam. Hơn một triệu người tử vong và hàng chục triệu người bị chấn thương mỗi năm do tai nạn giao thông đường bộ. Để tìm giải pháp hạn chế tai nạn giao thông đường bộ, nghiên cứu này hướng đến mục tiêu tăng cường việc tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ về sử dụng rượu bia của những người tham gia giao thông đường bộ.


2.  Mục tiêu nghiên cứu

1.   Tổng hợp các hoạt động, dự án can thiệp phòng chống lạm dụng rượu bia trong điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam từ 2002 tới nay;


2.   Tiến hành các biện pháp thu thập số liệu về sử dụng rượu/bia của các nạn nhân tai nạn giao thông đến cấp cứu và điều trị tại bệnh viện Việt Đức và St. Paul, Hà nội;


3.   Đánh giá hiện trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông của các nạn nhân nhập viện;


4.   Đánh giá một số yếu tố liên quan giữa việc sử dụng rượu bia và tình trạng sức khỏe, chi phí của nạn nhân khi nhập viện


3.  Phương pháp nghiên cứu


Nghiên cứu này sử dụng kết hợp các phương pháp: nghiên cứu tài liệu có sẵn, nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Thông tin định lượng được thu thập theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp dựa vào bảng hỏi đã được thiết kế sẵn.


3.1  Phương pháp nghiên cứu tài liệu có sẵn

Các chuyên gia đã thực hiện thu thập và phân tích các tài liệu có sẵn của các dự án, chương trình can thiệp, các nghiên cứu đã tiến hành từ 2002 đến nay ở Việt Nam liên quan đến việc phòng tránh lạm dụng bia rượu trong quá trình tham gia giao thông đường bộ, ảnh hưởng của việc sử dụng bia rượu đến tai nạn giao thông đường bộ cũng như hậu quả kinh tếxã hội của nó đối với gia đình và xã hội.


3.2  Phương pháp nghiên cứu định lượng

Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng nhằm thu thập thông tin đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng rượu bia đối với tai nạn giao thông đường bộ. Ảnh hưởng của mức độ sử dụng rượu bia đối với việc gây ra tai nạn giao thông đường bộ được phân tích không chỉ đối với người điều khiển mà cả đối với người không điều khiển phương tiện. Phân tích này cũng được tiến hành đồng thời cả với người có và không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đường bộ. Trên thực tế, đôi khi người tham gia giao thông đường bộ không sử dụng rượu bia lại là nạn nhân của người có sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Ngoài ra, để phân tích hậu quả kinh tế-xã hội của tai nạn thương tích trong giao thông đường bộ đối với xã hội và gia đình, nghiên cứu này còn thu thập thông tin về các chi phí thực tế và chi phí cơ hội khi bị tai nạn thương tích do va chạm/tai nạn trong giao thông đường bộ.


3.2.1  Đối tượng thu thập thông tin

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu nói trên đối tượng thu thập thông tin trong nghiên cứu này là:


1.   Những người từ 16 tuổi trở lên;

2.   Bị tai nạn giao thông đường bộ, thời gian bắt đầu xảy ra va chạm/tai nạn trong vòng 8 tiếng đồng hồ;

3.   Là những người đã nhập viện, nằm lưu ở phòng khám, phải xử lý tiểu phẫu thuật, kể cả những bệnh nhân tử vong trong bệnh viện và tử vong trong khi nằm ở phòng khám.

Không điều tra những người đến khám rồi về ngay hoặc tử vong trước khi đến bệnh viện.


3.2.2  Phương pháp chọn mẫu

Tất cả những người thuộc các tiêu chuẩn nói trên, đồng ý trả lời phỏng vấn hoặc được người nhà đồng ý phỏng vấn được đưa vào mẫu điều tra


3.2.3  Cỡ mẫu nghiên cứu

Để đảm báo kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thống kê, cỡ mẫu được xác định theo công thức:



o Trong đó:

z = 1,96 tương ứng với mức tin cậy  = 0,05;

p: ước lượng tỷ lệ nạn nhân bị tai nạn giao thông có sử dụng rượu trong vòng 8 tiếng trước thời điểm xảy ra tai nạn (ước lượng p = 0,4);

D: là độ chính xác chấp nhận được (lấy d = 0,035).

Kết quả tính toán n = 753 người, dự tính có 5% đối tượng từ chối tham gia nghiên cứu, tổng số đối tượng nghiên cứu là: 800 người và được phân bố: 500 người tại BV Việt Đức và 300 người tại BV Saint Paul.

Trên thực tế, chúng tôi đã thu thập được 775 phiếu đủ tiêu chuẩn (tại BV Việt Đức điều tra 509 người và BV Saint Paul: 266 người)


3.2.4  Địa điểm tiến hành thu thập thông tin

Nghiên cứu được tiến hành tại 02 bệnh viện Việt Đức và Saint Paul Hà Nội. Đây là hai bệnh viện có số bệnh nhân bị tai nạn thương tích do giao thông đường bộ lớn.


4.  Kết luận và Khuyến nghị 
4.1  Kết luận

a.  Kết luận về rà soát chính sách và nghiên cứu tài liệu sẵn có

- Việc giảm thiểu sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đã được đưa vào Bộ luật Hình sự của Việt Nam năm 1999. Điều này cho thấy rằng chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này.


- Cho đến nay, đã có 5 lần chính phủ Việt Nam sửa đổi các quy định về xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng bia rượu quá nồng độ cho phép. Tuy nhiên, các quy định trước chưa có cơ chế rõ ràng để buộc người tham gia giao thông phải thi hành những quy định về sử dụng rượu bia. Tại Bộ Luật giao thông 2001 đã quy định cụ thể chỉ số về nồng độ cồn nhưng chậm triển khai các chế tài thực hiện (quy định mức xử phạt hành chính, quy định cho phép cảnh sát có quyền thử nồng độ cồn của người điều khiển PTGT). Tại Bộ Luật 2008 mức quy định nồng độ cồn cho phép giảm xuống. Hướng dẫn cụ thể đang được soạn thảo để thực hiện.


- Các nghiên cứu khoa học trước đây đã chỉ ra rằng tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tai nạn thương tích hiện nay. Trong đó, uống rượu bia là một nguyên nhân quan trọng. Đặc biệt là tình trạng uống rượu bia khi lái xe mô tô, xe gắn máy đa số phổ biến ở những người trong độ tuổi lao động. Mặt khác, điều trị chấn thương sọ não gây tổn hại không chỉ về kinh tế mà cả về tinh thần cho nạn nhân và gia đình. Cần đưa lên truyền hình những vụ tai nạn giao thông gây ra do người lái xe hoặc nạn nhân đã sử dụng rượu bia quá liều lượng. Đồng thời, các vụ vi phạm luật lệ giao thông gây tai nạn có nguyên nhân từ rượu bia phát trên truyền hình vào giờ vàng để tuyên truyền, giáo dục, răn đe.


- Các giải pháp tỏ ra hữu hiệu nhất hiện nay là kết hợp giữa tuyên truyền, xây dựng hạ tầng cơ sở (các biển báo, vạch báo giảm tốc độ khi đi qua đường dân sinh) và xử phạt nghiêm minh, công bằng và minh bạch các hiện tượng vi phạm. Muốn vậy, Nhà nước cần hoàn thiện quy định pháp lý về xử lý hành vi uống rượu bia quá nồng độ quy định và sử dụng chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông để cảnh sát có thể thi hành nhiệm vụ dễ dàng và minh bạch, công tâm. Mặt khác, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ một cách khoa học, đầy đủ, chính xác và thuận tiện khi khai thác là một đòi hỏi tất yếu để các nhà hoạch định chính sách có cơ sở ra những quyết sách đúng và sát với thực tế.


- Một số cơ quan chính phủ: Uỷ ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia; Lực lượng Cảnh sát giao thông; Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số tổ chức quốc tế: Jica Nhật Bản; Tổ chức Y tế thế giới; một số công ty sản xuất phương tiên giao thông như công ty Honda Việt Nam và Hội Bảo hiểm Việt Nam, đã có những hoạt động nhằm tuyên truyền và cưỡng chế thực hiện quy định về sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, các dự án đó đều mới được tiến hành và chưa có nghiên cứu đánh giá nào về hiệu quả của nó. Hiện nay Cục Y tế dự phòng đã thực hiện nghiên cứu đánh giá kết quả mô hình nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống tai nạn giao thông tại các huyện thực hiện dự án. Những kết quả nghiên cứu mới chỉ nặng về đánh giá mô hình cung cấp dịch vụ cấp cứu ban đầu mà chưa đi sâu vào đánh giá kết quả hoạt động và tác động lan tỏa của các câu lạc bộ không sử dụng rượu bia khi lái xe. Còn ít dự án thực hiện việc nâng cao năng lực cưỡng chế cho lực lượng cảnh sát về vấn đề này.


b.  Kết luận về kết quả nghiên cứu tại hai bệnh viện

- Nghiên cứu tại hai bệnh viện được thông qua bảng hỏi bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp do các nhân viên y tế thực hiện. Các kết quả phân tích được rút ra như sau:


- Đa số (75,7%) nạn nhân tai nạn giao thông có độ tuổi dưới 45 (đây là những người thuộc độ tuổi lao động, là người làm ra của cải vật chất. Chính vì vậy mà tai nạn giao thông gây tổn hại lớn cho quốc gia và từng gia đình nạn nhân);


- Đa số (82,8%) nạn nhân sử dụng mô tô và xe gắn máy và khoảng 70% số nạn nhân là người điều khiển phương tiện. Khoảng một nửa số phương tiện va chạm với nạn nhân là xe máy;


- Trong số nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ, tỷ lệ có cồn trong máu cao (56,4%), chủ yếu là nam giới (86,3%);


- Những người có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học có mức độ sử dụng rượu bia cao hơn những người có trình độ học vấn cao (từ đại học cao đẳng trở lên). Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy một điều gây ngạc nhiên là, mức độ sử dụng bia rượu của những nạn nhân tốt nghiệp trung học cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học lại cao hơn những người có trình độ học vấn thấp (không đi học và chưa tốt nghiệp trung học cơ sở);


- Mặc dù số lượng nạn nhân làm nghề lái xe trong mẫu không cao, nhưng cần nhấn mạnh rằng, họ là những người có nồng độ trong máu nhiều hơn các nghề khác. Đây là một phát hiện cần lưu ý. Bởi vì lái xe là một nghề liên quan đến mạng sống của nhiều người khác khi họ điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ngoài nghề lái xe, thì lao động tự do cũng là một nghề có tỷ lệ người bị tai nạn giao thông cao;


- Ngày cuối tuần (thứ 6), những ngày lễ (thứ 7, chủ nhật) và thứ 2 có số lượng tai nạn giao thông cao hơn các ngày khác trong tuần. Các giờ cao điểm tai nạn xảy ra ít hơn so với giờ làm việc và giờ đi chơi buổi tối. Đây cũng là một phát hiện đáng lưu ý;


- Tỷ lệ nạn nhân cho biết có thói quen uống đồ uống có cồn tương đối cao (trên 50%), chủ yếu là nam giới. Số người thừa nhận có sử dụng rượu bia 8 giờ trước khi xảy ra tai nạn cao (37,2%), chủ yếu là nam giới. Khoảng trên một phần ba nam giới không nhớ rõ số lượng rượu bia đã uống trong vòng 8 giờ trước khi xảy ra tai nạn;


- Có đến 60% nạn nhân là người điều khiển phương tiện có cồn trong máu cao. Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cũng chỉ đạt mức 65,5%. Điều này cho thấy ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của công dân Việt Nam chưa cao. Cần phải tiếp tục có chế cưỡng chế và tuyên truyền không nên lơi lỏng;


- Nguy cơ bị thương, và tỷ lệ bị thương ở đầu, mặt ở người có cồn trong máu cao hơn nhiều so với người không có cồn trong máu;


- Hơn 50% nạn nhân giao thông sau xử trí ở phòng khám, cấp cứu phải nhập viện. Loại tổn thương cuối cùng chủ yếu là chấn thương sọ não 42,3% và gãy xương chi 38,1%. Tỷ lệ chuyển viện để điều trị tiếp nhóm nạn nhân có cồn trong máu cao hơn rất nhiều so với nhóm không có cồn;


- Khoảng 50% nạn nhân cho biết đã từng ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ do người điều khiển có sử dụng bia rượu;


- Tỷ lệ nạn nhân không biết quy định về lượng cồn trong máu và trong hơi thở rất cao (81,3%). Đây là một khoảng trống trong tuyên truyền về Luật GT;


- 61,9% nạn nhân không có bảo hiểm y tế. Nạn nhân có cồn trong máu có chi phí điều trị tại bệnh viện cao hơn nạn nhân không có cồn trong máu. Chi phí trung bình cho một nạn nhân nhập viên gấp khoảng 5 lần mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định hiện nay (2.900.000 đồng trong khi lương tối thiểu là 540.000 đồng). Đây mới chỉ là số chi phí mà nạn nhân phải nộp cho bệnh viện chưa kể đến cả chi phí thuốc men mà người nhà phải mua theo đơn của bác sỹ và chi phí ăn ở đi lại của người chăm sóc chính. Nếu ước lượng theo mức chi do hai bệnh viện Saint-Paul và Việt Đức cung cấp thì với số lượng 23.000 người bị tai nạn một năm như công bố của Bộ Y tế, cả nước sẽ phải chi vào chữa trị tai nạn giao thông là 65 tỷ đồng;


- Chi phí cơ hội được nạn nhân và người nhà nạn nhân nói đến nhiều nhất là mất cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh cao nhất (bản thân người bị tai nạn 48,4% và người chăm sóc chính 41,9%). Thứ hai là con cái không có người chăm sóc (31,5% số nạn nhân có ý kiến này và 35,7% người chăm sóc chính). Thứ ba là, cha mẹ già đau yếu không có người chăm sóc (43,9% người bị tai nạn và 27,4% người chăm sóc chính). Ngoài ra, số nạn nhân có độ tuổi từ 16 đến 24 còn cho biết chi phí cơ hội lớn nhất đối với họ là mất cơ hội học hành và một số người còn vĩnh viễn không thể tham gia đào tạo nghề, không đủ điều kiện tham gia lao động;


- Đa số nạn nhân đồng tình với quan điểm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông dễ xảy ra tai nạn. Tỷ lệ người cho rằng không nên uống rượu bia khi điều khiển phương tiện rất cao (85%). Đa số nạn nhân tai nạn giao thông cho rằng cần xử phạt những người uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông và cần tuyên truyền rộng rãi về phòng tránh lạm dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Điều này cho thấy đa số người dân đã có ý thức về hạn chế sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, từ chỗ ý thức được vấn đề đến chuyển đổi hành vi và thực hành không sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện là một khoảng cách lớn mà muốn có sự chuyển đổi hành vi này thì Nhà nước và nhân dân cần mất nhiều công sức và tiền bạc.


4.2  Khuyến nghị

Dựa vào các kết luận của các nghiên cứu trước và kết luận rút ra từ nghiên cứu thực nghiệm tại bệnh viện Saint-Paul và Việt Đức, nhóm nghiên cứu cho rằng để chuyển đổi hành vi từ chấp nhận không sử rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đến chuyển đổi hành vi thực hành không sử dụng rượu bia và chất có cồn khi điều khiển phương tiện là một hành trình khó khăn, đòi hỏi nhiều tâm huyết, thời gian và sức lực của toàn Đảng toàn dân, của các cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế. Vì vậy, cần kết hợp chặt chẽ giữa hai giải pháp:


Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi và cưỡng chế để chuyển đổi hành vi.


Sau đây là một số giải pháp cụ thể:


a.  Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền

- Có thể nói đây là giải pháp tiên quyết để thực hiện thành công mọi mục tiêu Chiến lược kinh tế-xã hội. Đảng lãnh đạo, các cơ quan chính quyền phải vào cuộc để chỉ đạo thực hiện các quy định về nồng độ cồn trong máu đã được quy đinh trong luật giao thông đường bộ thì mới có cơ hội thành công. Kinh nghiệm cho thấy, bất kỳ việc gì, ở đâu, nếu có Đảng lãnh đạo, Chính quyền trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện thì công việc đó thành công. Việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm là một minh chứng rõ ràng chứng minh giả thuyết trên.


- Việc công bố luật giao thông đường bộ cần tiến hành đồng thời trong cùng một thời điểm với việc công bố nghị định hướng dẫn. Điều này giúp cho các cơ quan thi hành công vụ có đủ công cụ luật pháp trong tay để có thể thực hiện nhiệm vụ một cách minh bạch.


b.  Tăng cường cưỡng chế để chuyển đổi hành vi

- Cần có chế tài rõ ràng để cảnh sát giao thông có thể làm việc nghiêm minh và công tâm: quy định cảnh sát giao thông có quyền kiểm tra nồng độ cồn ngay cả khi không vi phạm luật giao thông.


- Tăng cường trang bị thiết bị đo nồng độ cồn và đảm bảo các thiết bị này đạt tiêu chuẩn về vệ sinh.


- Tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông và tăng cường kiểm tra nồng độ cồn vào các giờ có thể xảy ra tai nạn cao.


- Có chế độ khuyến khích cho lực lượng cảnh sát.


- Xây dựng hình ảnh người cảnh sát nhân dân tận tụy vì dân.


c.   Tăng cường truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi

Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi khác với truyền thông giáo dục. Nếu thực hiện truyền thông giáo dục là việc tuyên truyền cho người dân mà chưa theo dõi xem họ đã thực sự nhận thức được vấn đề chưa và họ có thực hành vấn đề cần tuyên truyền hay không. Còn truyền thông chuyển đổi hành vi là việc tuyên truyền kết hợp với theo dõi, hướng dẫn người dân chuyển đổi từ chưa nhận thức được vấn đề đến nhận thức được vấn đề (từ chưa biết đến biết); tiếp tục theo dõi và tuyên truyền cho đến khi người dân chuyển từ nhận thức sang thái độ (từ chưa chấp nhận đến chấp nhận); tiếp tục tuyên truyền và theo dõi để người dân chuyển thái độ chấp nhận sang thực hành (chuyển từ không thực hiện sang thực hiện). Trong trường hợp này là chuyển hành vi từ uống bia rượu vẫn điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sang nếu đã uống bia rượu thì không điều khiển phương tiện giao thông đường bộ). Trong giải pháp truyền thông phải chú trọng cải tiến cả hình thức và nội dung truyền thông.


v Hình thức tuyên truyền: đa dạng, hấp dẫn

- Tiếp tục đưa nội dung quy định về nồng độ rượu bia vào chương trình sát hạch lấy bằng điều khiển phương tiện giao thông.


- Tiếp tục hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa vào các chương trình truyền hình nhiều người ưa thích.


- Tiếp tục đưa chương trình an toàn giao thông vào môn giáo dục công dân trong các trường phổ thông từ lớp mẫu giáo đến lớp 12 với nội dung thích hợp. Trong đó nhấn mạnh nội dung phòng chống lạm dụng rượu bia.


- Xây dựng và nhân rộng mô hình tuyên truyền trong cộng đồng về an toàn giao thông (một số tổ chức phi chính phủ đã tài trợ thực hiện, những mới chỉ trên quy mô nhỏ). Lấy những người mẹ, người vợ làm trung tâm giáo dục chuyển đổi hành vi. Kinh nghiệm của một số nước, trong đó có kinh nghiệm của Nhật Bản thì đây là hình thức truyền thông rẻ tiền mà rất có hiệu quả.


- Tiếp tục phát hành và phân phối sách nhỏ “Những điều lái xe cần biết”, các tờ rơi, áp phích cổ động tuyên truyền… không chỉ cho lái xe mà cho mọi người dân.


v Nội dung truyền thông


+ Trước hết cần tuyên truyền rộng rãi quy định về nồng độ rượu bia khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông theo luật giao thông 2008. Trên thực tế, mặc dù các kỳ thi lấy bằng lái xe, thí sinh đều phải trải qua các cuộc sát hạch về luật giao thông, nhưng số người không biết quy định về nồng độ cồn trong máu lớn. Điều này cho thấy, cần thắt chặt hơn nữa yêu cầu hiểu biết về luật giao thông đường bộ đối với người thi lấy bằng lái xe.


+ Đưa các thông tin về thực trạng cũng như hậu quả của những vụ tai nạn giao thông, các vụ vi phạm luật lệ giao thông gây tai nạn có nguyên nhân từ rượu bia.


+ Tạo dư luận hình thành chuẩn mực xã hội phản đối việc sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện và phản đối ngồi trên xe mà người điều khiển sử dụng bia rượu

+ Khẩu hiệu đưa ra là: “Uống rượu bia – Không lái xe”


d. Tổ chức thực hiện

- Cần có giải pháp khuyến khích các nhà tài trợ tập hợp vồn đầu tư để có các dự án lớn đủ tầm triển khai các hoạt động can thiệp đồng bộ và dài hạn. Hiện nay đã có một vài can thiệp cho lĩnh vực này. Các can thiệp này còn nhỏ lẻ do vốn đầu tư nhỏ. Nếu có cơ chế tập hợp các nhà đầu tư lại, có thể có một quỹ lớn hơn để thực hiện các can thiệp ở quy mô lớn hơn và dài hơi hơn. Bởi vì can thiệp phá vỡ một thói quen không phải chỉ trong một đợt chiến dịch là có thể hoàn thành mà phải liên tục, dài hạn tốn kém về sức người sức của mới hy vọng thành công.


- Để có thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền và cưỡng chế thành công việc hạn chế sử dụng bia rượu trong giao thông đường bộ cần thiết phải tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác và toàn diện nhằm tạo thuận tiện khai thác cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học về tai nạn giao thông đường bộ. Chỉ có trên cơ sở dữ liệu khoa học thì các chính sách can thiệp mới được xây dựng sát với thực tế và phù hợp với người Việt Nam.


- Sau các can thiệp hỗ trợ phòng tránh lạm dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, nên tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả và tác động lan tỏa, tính bền vững của dự án làm cơ sở khoa học để thiết kế dự án cán thiệp và các chính sách cho thời kỳ tiếp theo.


(Nguồn: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Kỷ yếu khoa học 20 năm thành lập Viện Dân số và các vấn đề xã hội, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội - tháng 3/2012)