Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy
TNHH Điều Dưỡng và Cai Nghiện Ma Túy THANH ĐA
Người cha của những đứa con lầm lạc
Đã có rất nhiều tờ báo, nhiều cuốn sách viết về ông, thậm chí, tên ông cũng đã không ít lần xuất hiện trên các chương trình truyền hình: thời sự, người đương thời,… Cuộc đời ông là một câu chuyện cảm động về một nhân cách, một tấm lòng nhâu hậu, bởi lẽ, ngay khi chúng tôi đang kể về ông thì ông vẫn đang tiếp tục chiến đấu và cống hiến cho cuộc đời này, vẫn tiếp tục cứu giúp những số phận nghiệt ngã, những cuộc đời lầm lỡ. Chúng tôi muốn nói đến Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy – nguyên Cụm Phó Cụm Điệp báo A10 – Ban An ninh Sài Gòn Gia Định – nay là Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng & Cai nghiện Ma túy Thanh Đa.
Tuổi trẻ sôi nổi
Quê ông ở Nghệ An nhưng sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, lại thấm nhuần tư tưởng Phật giáo và với sự giáo dục của gia đình, ông mang nặng tình yêu quê hương, đất nước. Thuở nhỏ, sống trong những thành phố lớn, bình yên, điều kiện vật chất gia đình tương đối, ông lại là học sinh giỏi, ngoan của Trường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) nên cuộc sống khá êm đềm và bình thản, ông ít biết về chiến tranh. Ông tâm sự: “Năm 1963, tôi tham gia phong trào đấu tranh chống Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Năm 1964, cha tôi chuyển về làm Trưởng ty Bưu điện Quảng Nam – một vùng chiến sự ác liệt. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu cảnh chính quyền cũ đem những xác người vỡ đầu, lòi bụng, mất tay chân ra phơi tại sân vận động Tỉnh hoặc hai cổng ra vào thành phố và gọi đó là thành tích “Diệt Cộng”. Tôi không thể nghĩ con người đối với con người, nhất là người Việt Nam đối nhau lại có thể tàn nhẫn như vậy. Hằng đêm, hỏa châu thắp đỏ, tiếng đại bác vọng liên tục vọng về, súng nổ chỉ cách bên kia sông. Từng đàn máy bay mặc sức bắn phá: bệnh viện đầy người, trên những vùng đất khô cằn những người dân với những vành khăn tang trắng đi chôn xác người thân mỗi ngày, chỉ cần ra khỏi thành phố là đã thấy thôn làng bị tàn phá, những mái tranh nghèo xơ xác với bốn vách phên đổ nát.
Xã hội xuống cấp, tham nhũng và thối nát. Những người lính Mỹ coi sinh mạng người Việt như cỏ rác, muốn bắn thì bắn, muốn giết thì giết, những chiếc xe chạy vô tội vạ, cán người chết rồi cũng thôi. Tôi suy nghĩ với nhiều đêm thức trắng, tôi lao vào công tác xã hội và tham gia các phong trào tranh đấu nhưng càng làm, tôi càng cảm thấy vô ích. Những công trình xã hội chúng tôi xây lên chỉ cần vài tháng sau bị bắn phá trở lại là đống gạch vụn. Các cuộc đảo chính, chỉnh lý liên tục xảy ra chỉ càng lộ rõ bản chất tay sai, tham quyền, cố vị của những người từng làm lính khố xanh, khố đỏ cho Pháp nay lại làm tay sai theo Mỹ. Tôi vô cùng đau khổ và dấy lên lòng căm thù.
Năm 1966, ông được thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Sài Gòn và tham gia các hoạt động của Tổng hội sinh viên. Ông tâm sự:
“Thông qua nghiên cứu sách báo, tiếp cận với thực tế công tác, tôi dần dần giác ngộ, hiểu được thực chất của cuộc chiến, chiều hướng phát triển tất yếu của đất nước và trở thành người của cách mạng lúc nào không hay. Thời gian này, tôi tham gia và giữ nhiều chức vụ trong các Ủy ban tranh đấu chống đàn áp, bắt bớ sinh viên – học sinh, chống quân sự học đường, chống thuế kiệm ước; tôi đã được sinh viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch các Ủy ban tranh đấu, Trưởng ban đại diện sinh viên Y khoa, Đoàn trưởng đoàn Công tác Y tế sinh viên Y - Nha - Dược, Đoàn trưởng Đoàn văn nghệ sinh viên Y – Nha. Năm 1971, tôi tham gia an ninh vũ trang, năm 1972 là Cụm phó Cụm Điệp báo A10 – Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định”.
Nói về cụm Điệp báo A10 vì lý do nghiệp vụ đến nay sau hơn 35 năm thành tích của Cụm Điệp báo của các ông mới được công khai nhắc đến. Nhiệm vụ cụ thể của A10 là xây dựng cơ sở bí mật, thu thập tin tức, ý đồ, thủ đoạn và tổ chức của đối phương; tấn công chính trị, tác động và phân hóa hàng ngũ địch; xây dựng lõm căn cứ chính trị trong quần chúng, nhân dân. Để thực hiện được các mục tiêu trên, ông đã xây dựng được mạng lưới đánh vào các cơ sở trọng yếu của địch, vô hiệu hóa một số chính sách nguy hiểm cho cách mạng.
Năm 1971 – 1972, các tổ chức của Thành Đoàn bị địch đánh phá gần như tê liệt. Trước tình hình khó khăn của các phong trào đô thị, theo chỉ thị của lãnh đạo tôi thành lập, xây dựng lõm căn cứ, tấn công chính trị, phân hóa hàng ngũ địch. Đoàn công tác Y tế sinh viên Y – Nha – Dược được thành lập để tạo địa bàn hoạt động cho quần chúng cả 3 trường Y – Nha – Dược và các trường đại học khác; đồng thời thực hiện mục tiêu của Ban An ninh T4. Bằng uy tín của mình, trên cương vị là Chủ tịch ban đại diện sinh viên Y khoa và với vai trò là Đoàn trưởng Đoàn công tác, tôi đã xây dựng cương lĩnh hoạt động của Đoàn – ngụy trang làm công tác y tế - xã hội thuần túy, không hoạt động chính trị nên được Hiệu trưởng và Chủ tịch Ban đại diện ba trường đồng ý ký tên và đóng dấu chấp nhận hoạt động của Đoàn. Nhờ tính pháp lý vững chắc như vậy nên Đoàn quy tụ sinh viên hợp pháp dễ dàng. Các nhóm sinh viên phản động và bọn cảnh sát rất tức tối nhưng không làm gì được. Đoàn thành lập các ban văn nghệ, y tế, xã hội, và báo chí: sinh hoạt bằng nhạc yêu nước, nhạc của sinh viên tranh đấu, viết những bài báo chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình, chống tham nhũng, đòi dân sinh, dân chủ, chống đàn áp sinh viên học sinh. Hàng tuần, Đoàn tổ chức khám bệnh, phát thuốc, nhổ răng và làm công tác xã hội giúp người nghèo ở các xóm lao động (chủ yếu ở quận 4, quận 6 và quận 11). Thuốc đi xin từ các xí nghiệp Dược vừa được sử dụng cho công tác xã hội vừa tiếp tế cho học sinh, sinh viên, cán bộ bị địch bắt giam và một số thuốc cần thiết gửi vào chiến khu. Những hoạt động của Đoàn bị cảnh sát mật của Sài Gòn theo dõi rất kỹ nhưng chúng không phát hiện được gì: chỉ thấy Đoàn khám bệnh, nhổ răng, phát thuốc, làm đường, dựng nhà cho dân, nhưng chúng có biết đâu dưới sự chỉ đạo của tôi các sinh viên Y – Nha – Dược thuộc các tổ chức cách mạng như Ban An ninh T4 – Thành đoàn - Liên Quận – các quần chúng nòng cốt đã đến từng hộ gia đình, tiếp cận từng người dân để làm công tác tư tưởng, vận động đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, gợi khổ, kể khổ, tố khổ, chống chế độ thối nát, đòi hòa bình, phân loại tâm tư nguyện vọng, xây dựng mạng lưới cơ sở, nâng cao nhận thức của quần chúng và phát hiện các phần tử ác ôn, chống phá cách mạng. Trước 30 – 4 - 1975 do tôi không về lại được Sài Gòn nên các cơ sở Thành đoàn đã lãnh đạo các sinh viên trong đoàn công tác Y tế sinh viên Y – Nha – Dược nổi dậy cướp chính quyền tại quận 4. Một cơ sở khác của Cụm A10 là Ba Vũ đã nổi dậy tại khu vực Bảy Hiền.
Để tấn công chính trị, phân hóa hàng ngũ địch, ông đã xây dựng cơ sở nồng cốt là đồng chí Huỳnh Bá Thành (Họa sĩ Ớt) – Giám đốc kỹ thuật kiêm Thư ký tòa soạn báo Điện tín của nhóm Dương Văn Minh. Dưới sự chỉ đạo của ông, anh Thành và các cơ sở đã:
+ Sử dụng báo Điện Tín của ông Dương Văn Minh thực hiện ý đồ của Ta là:
- Hướng dẫn, vận động dư luận quần chúng theo ý đồ có lợi cho cách mạng.
- Phân hóa hàng ngũ địch, tổ chức lôi kéo các lực lượng tiến bộ - hòa bình – dân tộc, tập hợp thành lực lượng chống đối Nguyễn Văn Thiệu.
- Tác động các phóng viên viết bài đấu tranh dân sinh, dân chủ, chống tham nhũng, ta thán chiến tranh, kêu gọi hòa bình, thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Paris, thành lập chính phủ ba thành phần, thực hiện hòa hợp, hòa giải trên cơ sở pháp lý và hiệp định Paris mà Mỹ - Thiệu đã ký; Tư tưởng hiếu chiến của Thiệu ngày càng bị cô lập.Quần chúng càng ngày càng hiểu rõ bản chất của cuộc chiến, hướng dẫn dư luận càng ngày càng có lợi cho ta.
- Tháng 4/1975 ông và mạng lưới cơ sở đã tác động ông Dương Văn Minh, góp phần thúc đẩy Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa lựa chọn con đường đầu hàng quân giải phóng, nhằm cứu Sài Gòn thoát khỏi cuộc đổ nát bởi trận chiến giãy chết cuối cùng.
Năm 1973, tốt nghiệp bác sĩ, ông bị tổng động viên vào Quân đội Sài Gòn. Chấp hành lệnh của tổ chức, ông vẫn tiếp tục chỉ đạo mạng lưới điệp báo tại Sài Gòn, đồng thời tham gia hoạt động trong hàng ngũ địch với cương vị Trung úy Bác sĩ Trưởng Tiểu đoàn 6 (Thần Ưng Quyết Tử) Sư đoàn Thủy quân Lục chiến.
Vốn là thành viên của một gia đình có nhiều người tham gia hoạt động tình báo và đang nắm giữ nhiều vị trí nồng cốt của Ngụy quyền Sài Gòn: cha là Giám đốc Sở Tài chính – Kế toán của Tổng cục Bưu chính, anh rể là Tổng thư ký Bộ Nội vụ, em gái là Chủ sự phòng Sưu tầm chính trị - Phủ Tổng ủy Dân vận Chiêu hồi, em rể là Công cán Ủy viên Phủ Tổng ủy kế hoạch của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, do đó với sự khôn khéo, nhanh nhạy ông nhanh chóng được sự tin tưởng của địch. Là một người căm thù giặc, trung thành với cách mạng, nhưng nay ông lại trở thành người cứu chữa cho chính kẻ thù của dân tộc mình. Tuy nhiên, với tấm lòng của người cách mạng ông vẫn luôn nhớ mãi câu dặn của đồng chí lãnh đạo: “Lương y phải như từ mẫu”. Trừ một thiểu số sĩ quan ác ôn phải tiêu diệt còn đa số các binh sĩ là con em nhân dân nghèo bị địch bắt đi lính, họ không hiểu cách mạng thì phải làm cho họ hiểu, phải phân hóa được hàng ngũ của địch và kéo họ về phía ta”. Ông đã chấp hành cứu chữa cho hàng chục người lính bị thương, thậm chí có nhiều người bị thương rất nặng. Chính vì vậy, khi trở về thành phố, những người thương phế binh đó, là những nhân chứng sống của cuộc chiến và họ đã nói lên tiếng nói của họ.
Ông hay lên các chốt tiền tiêu nhậu với những người lính, ông chua xót khi những người lính tâm sự: “Tiền lính là tính liền bác sĩ ơi, không tiêu tiền, ngày mai chết ai tiêu”, “tương lai em chỉ là một cái hố đen sâu thẳm, có những lúc chiến đấu sợ quá thì tụi em đào ngũ, hết tiền thì lấy giấy khai sinh của thằng em, thằng cháu đăng ký binh chủng khác, vừa có tiền đầu quân, vừa thoát chết”, “bác sĩ thấy đấy, sau trận 1972 tiểu đoàn mình chết gần hết, bây giờ thì gần 2/3 là tân binh đâu có biết đánh đấm gì”,…ông đã phân hóa được hàng ngũ địch thông qua các buổi ăn nhậu, đã chỉ ra được sự bóc lột của các cấp lãnh đạo: ăn cắp của lính từ thuốc men, lương khô, quân trang, quân dụng và các chế độ tiêu chuẩn thậm chí đến bóc lột tàn tệ người lính qua ứng lương trước (lương lính 11.000đ chỉ đưa cho lính 6.000đ đến 7.000đ), bắt ăn uống tại căn tin đơn vị với giá gấp năm gấp mười bình thường. Người lính gian khổ nơi chiến trường sống chết trong tầm tay, hậu phương lại thối nát, tham nhũng, nếu cứ tiếp tục thế này thua Việt cộng là cái chắc.
Trên cương vị của một bác sĩ, ông có một lợi thế rất lớn là sử dụng quyền hạn của mình. Nhằm làm giảm ý chí và tiêu hao sinh lực địch bằng nhiều biện pháp rất nhân bản. Đồng thời, cứ một người lính bị thương, ông quy định phải có từ 10-20 người khác cho máu với lượng 10cc/người. Các người lính cho máu được miễn trực gác chốt tiền tiêu và được thưởng lương khô nên sau một thời gian số lính gác bị thiếu hụt. Nhiều người lính sợ chiến trường quá, nhờ ông xóa dòng chữ xâm trên tay “Thủy quân lục chiến sát Cộng”, ông không làm vì biết sẽ bị An ninh quân đội phát hiện, nhưng nói khéo với những người y tá đơn vị: “Tụi nó ngu quá, lấy thuốc tím đậm đặc bôi là tiêu hết”. việc làm này đã đánh gục tính háo chiến một bộ phận không nhỏ những người lính Sài Gòn. Để nắm tình hình địch, ông thường xuyên ăn nhậu với các sĩ quan cao cấp trong binh chủng và đã thu thập được nhiều nguồn tin quan trọng.
Tại chiến trường Quảng Trị, ông được Thiếu tướng Bùi Thế Lân – Tư lệnh sư đoàn Thủy quân lục chiến gắn “Anh dũng bội tinh” bên bờ sông Thạch Hãn. Báo Sóng thần của binh chủng cũng phong cho ông danh hiệu “Anh hùng Quân y Thủy quân lục chiến” vì đã cứu sống nhiều binh sĩ, đã không ngại gian khó khi đi kiểm tra và săn sóc lính tại các chốt tiền tiêu – một điều mà không một bác sĩ nào trong binh chủng dám làm. Chưa đầy 6 tháng sau khi ông lại được thăng chức từ bác sĩ trưởng tiểu đoàn 6 lên làm bác sĩ trưởng Lữ đoàn 258.
Ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong lòng địch, đem về cho tổ chức nhiều tư liệu quí giá. Tuy nhiên, đằng sau những chiến công vang dội đó, ông đã chịu không ít tủi nhục, chịu đựng những lời chê trách của người thân, bạn bè, thậm chí của cả người yêu – những người đã từng một thời cùng ông tham gia sôi nổi trong các hoạt động của sinh viên – học sinh. Ông không giải thích một lời để hoàn thành nhiệm vụ một cách bí mật.
Tháng 5 năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, vì nhiệm vụ ông được giới thiệu đi… ”học tập, cải tạo” như một sĩ quan quân đội Sài Gòn. Hơn nửa năm hoạt động trong trại cải tạo, ông được chuyển về khối Bảo vệ chính trị thuộc Ban An Ninh nội chính thành phố Hồ Chí Minh với quân hàm Thiếu úy vì theo quy định của ngành cấp trung úy trở lên phải là Đảng viên. Nhưng việc xác minh lý lịch để được đứng trong hàng ngũ của Đảng của ông cũng không hề đơn giản. Phải mất 6 năm dài đằng đẵng, lý lịch của ông mới được xác minh rõ, ông mới chính thức được trở thành Đảng viên. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Khánh Duy vẫn không hề có một lời than trách mà ông chỉ cười: “Tổ chức xác minh được là tốt rồi, mình còn may mắn hơn nhiều trường hợp khác, nhiều anh em lúc đó bị địch bắt giam đã đổi tên, đổi tuổi tác, tổ chức không xác minh được, nhưng vẫn phải chấp nhận. Vả lại, khi tham gia cách mạng, anh em đâu có đòi hỏi quyền lợi gì đâu”
Bước vào mặt trận không tiếng súng
Trở về sau những ngày sống trong lòng địch, Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy lại bước chân vào một mặt trận mới - mặt trận không có tiếng súng nhưng cũng không kém phần gian khổ. Nó đòi hỏi con người phải có một tấm lòng nhân hậu. Đó chính là cuộc chiến với nàng tiên nâu, với ma túy.
Lý do nào khiến cho người chiến sĩ tình báo năm xưa vừa thoát khỏi hiểm nguy lại dấn thân vào một con đường hiểm nguy khác? Từ năm 1976, Bác sĩ Khánh Duy công tác tại trại giam Chí Hòa, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân nghiện ma túy. Có đêm, trại phải tiếp nhận đến cả trăm người nghiện ma túy với đủ loại bệnh tật. Nguyễn Hữu Khánh Duy phải điều trị, tự học tập, tiếp cận và tìm hiểu về ma túy mà đối tượng lúc bấy giờ là tù nhân, can phạm. Những năm 1980, ông chuyển về công tác tại Phòng An ninh Văn hóa - Tư tưởng, phụ trách lĩnh vực y tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, giáo dục và bảo vệ cơ quan Dân - Chính - Đảng, do đó ông càng có điều kiện tiếp cận sâu hơn với các đối tượng nghiện ma túy. Những chàng trai, những cô gái còn rất trẻ lại bị cướp mất tương lai chỉ vì ma túy khiến cho ông không khỏi xót xa. Từ năm 1995 đến năm 2000, ông làm Hội thẩm Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đã xét xử nhiều vụ án liên quan đến may túy. Và ông thấy được rằng: Ma túy thực sự là một hiểm họa của toàn xã hội, nó hủy hoại nhân cách, đạo đức của con người.
Từ nhận định đó, ông đã đi đến quyết định: “Phải đấu tranh đến cùng để ngăn chặn hiểm họa này”. Vì vậy, năm 2000, khi về hưu, dù tỉ lệ mất sức 61%, nhưng ông vẫn không ngơi nghỉ, mà ngược lại, đây chính là lúc ông thực hiện những điều mình vẫn hằng ấp ủ, nung nấu suốt bao nhiêu năm qua. Đó là xây dựng một trung tâm cai nghiện ma túy để cứu sống những con người lầm lạc. Ông đã tập hợp bạn bè, đồng chí, đồng đội vốn là các cựu chiến binh – những người đã trở về sau cuộc chiến khốc liệt với kẻ thù, thành lập trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa. Giờ đây, họ đang tận dụng quãng đời còn lại của mình để níu giữ những mảnh đời, những số phận của những người trẻ tuổi trước cái chết trắng. Bác sĩ Khánh Duy bộc bạch: “Một trong những vấn đề nổi cộm đang được quan tâm của xã hội hiện nay là nghiện ma túy và đại dịch HIV/AIDS. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng mình phải lao vào mặt trận này. Đối với những người lính, cái gì khó thì mình phải làm trước và phải làm cho được”.
Ngày đầu thành lập, công ty đã phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn. Trước hết là việc xây dựng lòng tin. “Liệu nơi này có cai nghiện thành công hay không?”, đó là câu hỏi mà những người muốn vào trung tâm cai nghiện thường đặt ra. Và để tạo dựng được niềm tin là cả một quá trình khó khăn, nan giải. Trước hết, phải xây dựng một đội ngũ nhân viên có trình độ và giàu tâm huyết. Ông đã quy tụ được đội ngũ ấy. Họ là những cựu chiến binh, là những thầy giáo, những y, bác sĩ có nhiều tâm huyết và tận tâm với công tác xã hội. Họ hội tụ về mái nhà chung này để góp sức cứu người cùng Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy. Trước những tấm chân tình đó, Bác sĩ Khánh Duy cảm động cho biết: “Các anh em về đây đều bắt nguồn từ cái tâm là chủ yếu, vì việc cai nghiện rất khó khăn và đòi hỏi mình phải nhẫn nại. Cho nên, nếu nhân viên ở đây mà không có tâm và tình thương yêu thì không thể làm việc lâu dài được”. Và từ đội ngũ ấy, Bác sĩ Khánh Duy đã cho thành lập các tổ chức, đoàn thể, chính trị, xã hội như: Hội Cựu chiến binh, Công đoàn,Đoàn Thanh niên, Chi bộ Đảng. Các tổ chức này đã đóng vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động của trung tâm và là những đơn vị điển hình của địa phương.
Lựa chọn con đường kinh doanh ở một lĩnh vực đặc biệt, Bác sĩ Khánh Duy phải đối đầu với một cuộc chiến mới. Nhưng ở mặt trận này, ông không hề đơn độc. Có những người đồng đội luôn kề vai, sát cánh bên ông và sự ủng hộ của toàn xã hội.
Mái ấm cho người nghiện ma túy
Trung tâm đã được hình thành đúng như tâm nguyện của bác sĩ Khánh Duy. Ông khẳng định quyết tâm của mình: “Trên mặt trận mới này, cần phải có tấm lòng. Những người nghiện ma túy, họ còn trẻ quá, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, quyết tâm giành lại từng con người… Chúng tôi quyết giành thắng lợi, đưa họ về với cuộc sống đời thường và có ích”. Từ lòng quyết tâm ấy, Bác sĩ Khánh Duy và mọi người trong công ty đã bắt đầu bước vào cuộc chiến.
Việc đầu tiên ông làm là xây dựng một trung tâm đầy đủ tiện nghi và khang trang để đáp ứng được những yêu cầu… làm sống lại những con người. Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa được xây dựng trên một địa thế rộng rãi, thoáng mát ven sông Sài Gòn, với đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác cai nghiện như: phòng cắt cơn, phòng điều dưỡng, phòng tập thể dục thể hình, phòng tắm hơi, mat- xa, thậm chí còn có cả phòng hát karaoke, bể bơi, thư viện, sân bóng chuyền,… Ngoài ra, ở Trung tâm Thanh Đa còn có các xưởng dạy những nghề thông dụng như: may mặc, mộc, trồng cây cảnh, cơ khí, điện,… tất cả tạo nên một mô hình cai nghiện tiến bộ và hiện đại.
Cái mới của Trung tâm Cai nghiện Thanh Đa là học viên được sống trong môi trường sạch đẹp như bệnh viện, được thầy thuốc gần gũi, động viên. Học viên được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, nhưng kết hợp với điều dưỡng để nâng cao thể trạng. Sau khi cắt cơn, môi trường ở trung tâm không chỉ là bệnh viện, nơi điều dưỡng mà còn là trường học dạy nghề, là nơi các em sinh hoạt sôi nổi và thân thiện như trong một gia đình. Tuy nhiên, kỷ cương của trung tâm không kém doanh trại quân đội. “Nghiêm không chỉ làm các em sợ mà phải làm các em kính nể”
Với quan điểm: “Trung tâm là đại gia đình”, học viên được quan tâm từ ăn uống, sinh hoạt đến vui chơi, giải trí. Các phòng, ban liên lạc luôn nắm bắt được kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của từng học viên để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Mọi sinh hoạt của học viên đều phải đi vào nề nếp, xử lý vi phạm của học viên có lý, có tình. Chính nhờ những yếu tố này, học viên nhanh chóng thích nghi với môi trường, thực hiện theo đúng những chỉ dẫn của các bác sĩ, cán bộ. Họ cũng nghiêm chỉnh chấp hành chương trình cai nghiện cụ thể do chính Bác sĩ Khánh Duy và các bác sĩ trong trung tâm đề ra.
Theo chương trình cai nghiện này, khi vào trung tâm, học viên phải điều trị trong vòng 6 tháng. Nhằm điều trị – giáo dục – gọt giũa – phục hồi nhận thức –hành vi – nhân cách – giải quyết các vấn đề bức xúc, mâu thuẫn nội tâm của người cai nghiện. Các xưởng dạy nghề là nơi các học viên làm việc, lấy lao động làm phương pháp trị liệu, đồng thời cũng là nơi họ học nghề để khi hòa nhập cộng đồng có thể tìm được một việc làm ổn định.
Đặc biệt, từ năm 2008, Công ty Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa đã triển khai Khoa Chống tái nghiện bằng thuốc Natrexone (là một chất làm mất cảm giác thèm nhớ và tìm kiếm ma túy) kết hợp với tư vấn, liệu pháp tâm lý, liệu pháp giáo dục, liệu pháp xã hội, sinh hoạt cá nhân – nhóm – gia đình,… Kết quả, sau một năm điều trị cho hơn 1000 học viên, gần 70% số học viên tham gia chương trình này chưa tái nghiện, trên 50% học viên ngoại trú đã có việc làm ổn định.
Với mô hình cai nghiện tiến bộ đó, từ 30 học viên trong thời gian đầu, đến nay, công ty đã điều trị cho hơn 12.000 lượt học viên. Và số lượng học viên đang cai nghiện tại trung tâm hiện nay gần 400 học viên, trong đó gần một nữa là học viên điều trị ngoại trú. Đặc biệt, trung tâm còn thu hút nhiều kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về cai nghiện và cả người nước ngoài. Những con người khi đến đây đều mang mặc cảm trong mình, nhưng chỉ sau vài tháng điều trị, họ đã lấy lại được tinh thần và có thể sống bình thường như bao con người khác. Đó là niềm mong ước của Bác sĩ Khánh Duy và cả tập thể cán bộ ở đây. Mỗi trung tâm có một mô hình riêng, nhưng điều đặc biệt của Trung tâm Cai nghiện Thanh Đa là chú trọng đến giáo dục, gọt dũa, điều chỉnh, phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách cho học viên. Cùng với sự hướng dẫn tận tình, sự tận tụy, chân tình, của những cán bộ ở đây khiến cho học viên không còn mặc cảm, mà coi đây là một đại gia đình.
Thực vậy, chúng tôi đã được chứng kiến quang cảnh ở nơi đây khi nói chuyện cùng Bác sĩ Khánh Duy. Đó là một khung cảnh thân tình, từ cán bộ đến nhân viên đều hòa nhã mặc dù công việc cứ cuốn lấy họ. Chúng tôi cũng được chứng kiến cảnh một người mẹ vào trung tâm để đón con. Bà mẹ rưng rưng khi thấy đứa con nghiện ngập ngày nào nay đã trở thành chàng trai trẻ khỏe mạnh, nhanh nhạy, hoạt bát, đầy sức sống. Nhưng ấn tượng nhất là cuộc chia tay bịn rịn giữa chàng thanh niên với cán bộ, bác sĩ của trung tâm. Nếu không chứng kiến buổi chia tay này, có lẽ tôi không thể nào nhận ra đó là học viên cai nghiện và người làm công tác cai nghiện. Bởi cách họ đối xử, quan tâm đến nhau giống như cách ứng xử của những người thân trong một gia đình với nhau. Trung tâm Cai nghiện Thanh Đa đã thực sự là một gia đình - một mái ấm thân tình cho những ai lỡ chân sa ngã - một gia đình lớn mà trong đó Bác sĩ Khánh Duy là người cha cao cả.
“Bố Khánh Duy”
Đó là cách gọi thân thương mà những học viên cũng như những nhân viên trẻ tuổi ở đây dành cho Bác sĩ Khánh Duy. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, trong mắt mọi người ở đây, ông đã trở thành một người lãnh đạo, một người cha đáng kính. Chúng tôi thấy được sự tin yêu, kính nể đó của mọi người dành cho ông. Bởi lẽ, trong khi trò chuyện cùng chúng tôi, ông vẫn thường xuyên nhận được những lời hỏi thăm, những câu chào thân mật của mọi người. Và với ai, ông cũng đều đáp lại bằng một thái độ ân cần, niềm nở.
Mấy chục năm gắn bó với nghiệp cứu người, Bác sĩ Khánh Duy chưa hề ngưng nghỉ, và ông cũng chưa hề tự cho phép mình nghỉ. Chứng kiến những số phận con người vật vã trong sự tàn phá của cái chết trắng, những gia đình đau đớn vì mất con, vợ mất chồng, ông không thể ngăn được niềm thương cảm, xót xa. Và ông lại càng không thể bỏ dở công việc của mình. Bởi lẽ: “Có tiếp cận, gần gũi với các em trong hoàn cảnh này mới thấy thương các em nhiều hơn”. Từ tình thương bao la đó, Bác sĩ Khánh Duy đã dành trọn cả quãng đời còn lại của mình cho trung tâm. Dành hết tâm huyết của mình cho công việc, ông không chỉ tiếp tục nghiên cứu về các biện pháp cai nghiện tốt nhất; mà còn tạo dựng một mái ấm thân thương cho những con người lầm lỡ. Biết bao số phận đã được ông cứu sống, bao con người đã được ông giành giật từ tay tử thần ma túy để trả về cho xã hội, cho gia đình. Đó là một sự hồi sinh kỳ diệu - sự hồi sinh giá trị của con người - sự hồi sinh mà Bác sĩ Khánh Duy đã bỏ bao công sức và tâm huyết để thực hiện.
Dường như, niềm hạnh phúc lớn nhất của ông chính là được nhìn những học viên, những “đứa con” của mình bước ra khỏi trung tâm với dáng vẻ của một con người hoàn toàn bình thường. Ông đưa cho chúng tôi xem những bức ản hoạt động của trung tâm. Những bức ảnh về mỗi chuyến đi chơi của các học viên cũng được ông lưu giữ kỹ càng. Ông chỉ cho chúng tôi xem những chàng trai, những cô gái đang làm việc, vui chơi hăng say mà ánh mắt ngời lên niềm hạnh phúc. Tôi chợt nhận ra rằng, đó là ánh mắt của một người cha.
Đối với Bác sĩ Khánh Duy, đây không còn là công việc mà đã trở thành lẽ sống, là máu thịt của ông. Ông xem trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình. Ngôi nhà mà ông đã gây dựng và thổi vào nó một luồng hơi ấm của tình người. Gần như, toàn bộ thời gian của mình, ông dành cho trung tâm, dành cho những đứa con ở nơi đây. Ông chăm sóc họ từ bữa ăn đến giấc ngủ. Mới tinh mơ sáng, khi học viên còn chưa thức dậy thì ông đã có mặt để chuẩn bị cho công việc trong ngày, và ông ở đây đến hai, ba giờ sáng, khi học viên đã say ngủ mới về nhà. Nhìn mái tóc ông đã bạc trắng, chúng tôi không khỏi ái ngại cho sức khỏe của ông. Ông chỉ cười và nói như hối tiếc:“Quỹ thời gian của tôi còn rất ít, do đó tôi cần tìm một người trẻ có đủ tâm huyết, lòng nhân ái và hiểu rõ về việc cai nghiện ma túy để có thể tiếp nối con đường mà tôi đang đi”
Cả một đời cống hiến, đến quãng thời gian còn lại của đời mình, ông vẫn chỉ lo lắng cho xã hội, tâm nguyện của ông vẫn chỉ dành cho việc cứu người.
Khi chúng tôi rời khỏi trung tâm, kết thúc buổi nói chuyện của mình thì trời cũng đã tối. Màn đêm buông xuống, không gian được bao phủ bởi một màu đen tĩnh lặng. Bác sĩ Khánh Duy vẫn ở lại, “Bố Khánh Duy” vẫn tiếp tục công việc của mình - công việc cứu người một cách thầm lặng nhưng cao cả. Và chúng tôi biết chắc rằng, ông sẽ không bao giờ ngừng lại; biết chắc rằng, sau cánh cửa màu xanh của Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa lúc nào cũng có một trái tim luôn đau đáu nghĩ về số phận những con người lầm lạc.
Huân chương - bằng khen được lãnh đạo nước - các bộ ban ngành trong và ngoài nước trao tặng
Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III. Thủ tướng Chính phủ tặngBằng khen. Ban Tuyên giáo Trung ương – Văn phòng Chính phủ - Ban Thi đua khen thưởng Trung ương tặng huy hiệu và danh hiệu“Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác”. Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tặng Bảng vàng danh hiệu Đơn vị điển hình về thực hiện trách nhiệm xã hội và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Bằng khencho Bác sĩ Giám đốc vì đã có thành tích xuất sắc trong 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2007 - 2010). 01Chứng nhận “Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố” (2010) và 07 Bằng khen cho tập thểvà cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động góp phần tích cực và có hiệu quả trong công tác cai nghiện, phục hồi và chống tái nghiện cho người nghiện ma túy nhân kỷ niệm 10 năm hoạt động (2000 - 2010). Ban Tuyên giáo Trung ương – Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - Ủy ban Quốc gia hợp tác kinh tế quốc tế - Bộ Công Thương tặng Cúp vàng danh hiệu “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển”. Bộ Công Thương tặng Cúp vàng danh hiệu “Doanh nghiệp vì cộng đồng” và “Doanh nhân vì cộng đồng”. Bộ Y tế tặng Cúp vàng danh hiệu “Vì sức khỏe người Việt” và “Trái tim vì sức khỏe người Việt”. Cúp vàng danh hiệu“Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng” và “Top 10 doanh nhân tiêu biểu vì cộng đồng”. Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trao tặng Cúp vàng danh hiệu “Vì sự nghiệp phát triển doanh nhân Việt Nam”. Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cúp vàng danh hiệu “Thương hiệu - Nhãn hiệu” và “Doanh nhân Tâm Tài”. Bộ Công an tặng Bằng khen. Tổng cục An ninh + Công An TP.Hồ Chí Minh tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Bảo vệ an ninh tổ quốc. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 3 Bằng khen và cờ danh hiệu Công đoàn cơ sở vững mạnh có phong trào thi đua xuất sắc năm 2011. Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh tặng 5 cờ danh hiệu Cộng đoàn cơ sở vững mạnh, xuất sắc liên tục các năm 2007 – 2008 – 2009 – 2010 – 2011. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc 10 năm liền trong công tác cai nghiện, phục hồicho người nghiện ma túy.Trung ương Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam tặng bằng khen danh hiệu “Doanh nhân Cựu chiến binh thành đạt” và danh hiệu “Doanh nhân Cựu chiến binh giàu lòng nhân ái”. Hội Cựu chiến binh Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tặng 3 bằng khen cho Hội Cựu chiến binh Công ty vì đã có thành tích xuất sắc 5 năm 2005 – 2009 và 02 Bằng khen cho Bác sĩ Giám đốc vì đã có thành tích tiêu biểu trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 03 năm (2007 – 2009),4 năm (2007 – 2010) và công nhận 4 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong trường học giai đoạn 1998 - 2008. Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch, Bộ Công Thương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tặng Cúp vàng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam”, “Thương hiệu – Nhãn hiệu” và “Lãnh đạo xuất sắc”. Đài truyền hình Việt Nam đưa Bác sĩ Giám đốc Trung tâm vào chương trình “Người đương thời”.
Nhật Thy