Chăm sóc người nghiện rượu
Nghiện rượu được xếp vào loại "rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng các chất kích thích lên tâm thần". Người naghiện rượu thường không ý thức được tính nghiêm trọng của chứng bệnh. Vì tiềm năng gây nghiện của rượu rất lớn nên khả năng điều trị duy nhất là từ bỏ một cách triệt để các thức uống có cồn và không thể bỏ qua các biện pháp điều trị tâm lý.
Nguyên nhân dẫn đến nghiện rượu tùy thuộc vào yếu tố tâm lý của mỗi người cũng như hoàn cảnh gia đình và xã hội. Rượu không chỉ tàn phá cơ thể và tinh thần người uống mà còn gây ra các tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình, vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông, tội phạm… Bởi vậy trong việc kiểm soát và khống chế nghiện rượu, cần phải giải quyết đồng thời hai vấn đề: y học và xã hội.
Chăm sóc người đang say rượu
1. Nhân viên y tế trong điều trị cần tránh thái độ lên án, không chỉ trích hay trách mắng người nghiện rượu khi họ nhập viện.
Khi người say ở trạng thái kích động, nên tìm cách bảo vệ an toàn cho họ nhưng nhân viên y tế cũng cần phòng thủ để tránh các tình huống nguy hiểm cho mình.
Cần đối xử với người nghiện rượu một cách thông cảm, chấp nhận và không chống đối lại những hành vi mất tự chủ của họ.
Nhân viên y tế cần nói chuyện với họ nhẹ nhàng và chậm rãi, vì họ đang trong tình trạng không kiểm tra được ý thức của mình.
2. Cần lấy mẫu máu thử nồng độ cồn.
3. Để cho người nghiện rượu đang trong tình trạng ngủ gà ngủ gật được tiếp tục ngủ cho đến khi họ giã rượu. Trong thời gian này cần:
Theo dõi sát tình trạng ức chế thần kinh trung ương.
Duy trì đường thở thông thoáng.
Nên cởi quần áo, cho đắp mền.
4. Tạo không gian êm dịu, tránh ồn ào. Các trường hợp không chịu nằm yên thì:
Theo dõi cẩn thận tình trạng mạch huyết áp và tình trạng tri giác.
Theo dõi tình trạng hô hấp, đặc biệt lưu ý hiện tượng trào ngược dịch tiêu hóa vào đường thở gây nghẹt thở.
Giữ an toàn trên giường bệnh.
5. Đánh giá tình trạng hôn mê do ngộ độc rượu.
Thăm khám tìm những tổn thương do tai nạn gây ra đặc biệt là chấn thương đầu, phát hiện các bệnh lý kèm theo. Người nghiện rượu thường bị các hậu quả do rượu gây ra như: viêm gan, xơ gan, rối loạn tiêu hóa, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn chức năng cương dương ở nam giới. Ở phụ nữ, rượu có thể làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, gây dị tật trên thai nhi, trầm cảm, mất trí nhớ.
Chăm sóc trong giai đoạn ổn định
Cung cấp cho người bệnh một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Điều trị tiếp tục các bệnh lý kèm theo.
Điều trị tâm lý cho người bệnh, động viên, an ủi.
Hướng dẫn và giáo dục cho người nghiện rượu về những tác hại của rượu.
Tùy từng trường hợp mà để người nghiện rượu điều trị tại nhà hay cho họ vào cơ sở cai nghiện rượu để được chăm sóc tốt hơn.
Vấn đề chính là người nghiện rượu phải nhận thức được những nguyên nhân nào đưa họ đến nghiện rượu và họ phải có quyết tâm từ bỏ rượu.
Trong giai đoạn cai nghiện, hội chứng cai nghiện có thể thay đổi từ các triệu chứng nhẹ như các rối loạn nhẹ của giấc ngủ và lo âu nhẹ cho đến các triệu chứng rất nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng như mê sảng, ảo giác và các cơn co giật… Điều trị hội chứng cai nghiện là hết sức phức tạp và rất cần đến sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè đồng nghiệp và xã hội. Việc điều trị nghiện rượu có thành công hay không phụ thuộc vào ý chí và sự quyết tâm của người bệnh nhiều hơn là vào cách thức và thời gian điều trị.
CN. Nguyễn Thị Ngọc Sương