Điên vì nghiện rượu
Tình trạng uống rượu say gây hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, xã hội thì ai cũng thấy. Thế nhưng thói nghiện rượu ở nam giới tăng chóng mặt thì còn ít người quan tâm. Đây không chỉ là gánh nặng đối với xã hội khi mất đi một lượng lao động chính, mà còn gây ra những hiểm họa khó lường...
Bác sĩ Mau thăm hỏi bệnh nhân nghiện rượu đang điều trị tại Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng
Ở Huế, khi nghe kể, chứng kiến về gia cảnh chị L. có chồng nghiện rượu, ai cũng xót xa. Trước đây, chồng chị L. chỉ thỉnh thoảng uống rượu, nhưng không hiểu sao, khoảng bảy năm trở lại đây lại trở chứng uống rượu thay... nước. Uống thì không được nhiều, nhưng suốt ngày cứ “đi vào làm ly, đi ra làm chén”, khi vợ cấm thì lẻn ra các quán ven đường uống thiếu hoặc qua hàng xóm xin vài ly, suốt ngày sống trong cảnh lè nhè, be bét. Từ một công chức, do nghiện rượu chồng chị L. bị đuổi việc. Chồng là trụ cột chính, nguồn thu nhập chính nên đời sống lao đao. Chị L. chạy chợ bán buôn đâu “gánh” đủ cả nhà, đã thế ông chồng suốt ngày say xỉn, gây vợ đánh con. Chị L. và các con không biết bao nhiêu vết sẹo trên người từ hậu quả sau những lần say xỉn mà người bố “để” lại. Hai đứa con gái chị L. được tiếng xinh đẹp, học hành giỏi giang, nhưng vì bố mà chúng cũng chán nản theo. Đang học đại học, cô chị thấy buồn chán, bỏ học, đi theo đám bạn xấu, cũng rượu chè giải sầu. Còn cô em đang học THPT sau đó cũng nối gót chị đi... bụi. Điểm cuối của hai chị em cùng đến, đó là đi làm gái mại dâm. Chồng chị L. thì sau một lần say xỉn về ngủ ngoài đường bị xe nghiền nát đôi chân. Giờ tuy đã chữa được bệnh nghiện rượu, nhưng đành phải ngồi xe lăn. Chị L. suốt ngày sống trong cảnh sầu não, hai đứa con gái giờ rày đây mai đó bán phẩm giá... nuôi thân. Chồng chị L. hối hận thì đã muộn!
Chị Nguyễn Thị Liên (48 tuổi, trú tại quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đưa chồng vào cấp cứu tại Bệnh viện tâm thần (BVTT) Đà Nẵng đã năm hôm rồi, nhưng vẫn chưa quên được những cảm giác rùng rợn, sợ hãi mà chồng gây ra. Chị lấy chồng đã hơn 20 năm nay, có với nhau ba mặt con. Từ thời thanh niên, chồng chị, anh Nguyễn Hồng S. đã hay uống rượu, nhưng 5 năm trở lại đây thì nghiện nặng. Sáng chưa kịp mở mắt đã “súc miệng” bằng... rượu. Suốt ngày lè nhè, sống trong men rượu, không làm được gì lại còn đuổi đánh vợ con. Theo đó, từ khi ông chồng nghiện rượu nặng, kinh tế gia đình cũng trì trệ, đói khổ theo. Đã thế, lại thường hay ghen bóng ghen gió, suốt ngày cứ cho rằng vợ theo ông này ông kia. Không khí gia đình hết sức căng thẳng, con cái đành phải bỏ học giữa chừng...
Trước khi đến BV ba hôm, bỗng dưng chồng... bỏ rượu. Chị Liên chưa kịp mừng thì chứng kiến cảnh hãi hùng: chồng nôn thốc nôn tháo, người lừ đừ, mệt lả. Vừa nằm được một lúc thì bỗng nhiên như có ai dựng dậy chạy khắp nhà đến ra ngoài đường, vượt qua hàng rào, té mấy lần. Chị Liên và hàng xóm chặn lại để đưa đến BV. Nào ngờ, khi đến BVTT Đà Nẵng, các bác sĩ bảo anh bị loạn thần, đó là đỉnh điểm của chứng nghiện rượu. Sau khi được các y bác sĩ ở BVTT Đà Nẵng cứu chữa, anh S. dần hồi phục và đang ở lại điều trị bệnh... nghiện rượu. Anh S. nhớ lại khi gương mặt vẫn còn đờ đẫn: Lúc đó tôi cứ thấy ba người nhảy từ trên mái nhà xuống, đuổi đánh đòi bóp cổ tôi khiến tôi tìm cách thoát thân mà không sao thoát được. May được đưa đến BV kịp thời chứ không chết mất...
Bác sĩ Trần Văn Mau - Phó giám đốc BVTT Đà Nẵng - cho biết: tình trạng của anh S. cũng là một trong những chứng bệnh nghiện rượu mà BV đang điều trị cho rất nhiều người. Tại BVTT Đà Nẵng lúc nào cũng có 10 - 15 bệnh nhân đến điều trị bệnh nghiện rượu và tỉ lệ này gia tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo BS Mau, khi nghiện rượu, nghĩa là người đó bị lệ thuộc vào rượu, ngày nào không uống là người bủn rủn, tay chân run, giật. Nếu nặng, ngưng rượu thì bị nôn mửa, bị loạn thần do rượu. Hay còn gọi là ảo giác: như thấy ma quỷ, quái vật hay người rất lạ đuổi đánh, đòi giết mình và họ chạy bất kể chướng ngại vật nào, có thể vượt qua những rào cản mà người bình thường không thể nhảy hoặc leo trèo qua được. Trong thời điểm đó, có rất nhiều người gây án vì nghĩ cách chống đỡ chứ không nó tấn công mình. Và những hậu quả đau lòng đã xảy ra rất nhiều. Hoặc nhiều người bị TNGT hết sức nghiêm trọng. Với những trường hợp như vậy, người nhà nên kịp thời khống chế người bệnh và tức tốc đưa tới BV điều trị kịp thời, để một thời gian sẽ nguy hiểm, dẫn tới tử vong.
Theo BS Mau, ngoài chứng loạn thần (ảo giác) thì người nghiện rượu còn mắc phải chứng sảng rượu. Nó xuất hiện khi người đang uống rượu: không nhớ gì về bản thân, mù mờ về ý thức, không xác định được thời gian, không gian... Những trường hợp này cũng cần đưa kịp thời đến BV để cấp cứu nội khoa chứ để lâu cũng nguy hiểm đến tính mạng. Biểu hiện dễ thấy nhất là: huyết áp tăng, mạch nhanh, mất nước, khó thở... khi đang uống rượu.
BS Mau cho rằng, thời gian gần đây, đặc biệt khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng nghiện rượu ở nam giới tăng đột biến, nhất là với đối tượng lao động phổ thông. “Phải có một môi trường sống lành mạnh, hạn chế bia rượu, năng tập thể dục thể thao, tinh thần ổn định... thì mới hạn chế chứng nghiện rượu”, BS Mau khuyến cáo!
Xuân Hoài