CAND – ​Chống nghiện rượu – kế hoạch hàng đầu của nước Nga

23 August, 2022

Chống nghiện rượu - kế hoạch hàng đầu của nước Nga


Cuối năm 2009, Chính phủ Nga đưa ra kế hoạch 10 năm chống nghiện rượu. Đây hoàn toàn không phải là vấn đề mới, nhưng lại rất cần thiết và cấp bách, bởi nhà nước Nga suốt từ thế kỷ XV đến nay đã nhiều lần đưa ra chính sách chống nghiện rượu, song mức độ lạm dụng rượu vẫn ngày càng gia tăng.


Theo Kế hoạch chống nghiện rượu hiện nay, trong vòng 10 năm tới, nghĩa là đến năm 2020, nhu cầu rượu của người Nga sẽ phải giảm bớt 55%, bằng với chuẩn mực do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra.


Mọi người đều thừa nhận nghiện rượu rất hại cho sức khỏe. Rượu là thứ độc hại không kém ma túy, hay thuốc lá. Ngay từ thế kỷ thứ XV, khi mà Wilyam Pokhlevkin sáng chế ra rượu vodka và được người Nga ưa dùng, thì Nhà nước Nga đã bắt đầu phải có chính sách chống nghiện rượu.


Theo số liệu thống kê từ năm 1448 đến 1474, trung bình người Nga mới chỉ uống rượu ở mức 0,83 lít/người/năm. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chỉ số này là 5,4 lít. Thế mà trong vòng 2 thập kỷ gần đây, tửu lượng người Nga đã lên tới 18 lít/người/năm (tính bình quân theo đầu người, kể cả trẻ em vừa chào đời).


Cần phải nói thêm rằng, đây là 18 lít rượu tinh khiết, tương đương với 45 lit rượu vodka 400, nghĩa là 90 chai vodka 0,5 lít, hoặc 214 chai rượu vang 0,7 lít có độ cồn 12%, hoặc 720 chai bia có độ cồn 5%. Hiện nay hàng năm có khoảng 75 nghìn người Nga chết vì các căn bệnh do nghiện rượu. Ngoài ra, còn có khoảng 23.000 người khác chết do ngộ độc rượu (thường là rượu lậu), hoặc uống quá chén trong điều kiện khi hậu nghiệt ngã.



Theo Kế hoạch chống nghiện rượu, Thủ tướng V.Putin ký ngày 14/12/2009, giai đoạn 2 năm đầu (2011-2012) khối lượng tiêu thụ rượu (kể cả các loại nước uống khác có độ cồn) phải giảm 15%. Từ ngày 1/1/2010 giá mỗi chai rượu vodka 0,5 lit không được phép bán dưới 89 rup (tương đương hơn 3 USD). Sang giai đoạn thứ hai (2013 - 2020), Chính phủ sẽ dùng mọi biện pháp kiên quyết xóa bỏ thị trường rượu lậu.


Ai vi phạm luật sản xuất, buôn bán và tàng trữ rượu bất hợp pháp sẽ bị qui trách nhiệm hình sự. Giá rượu cũng sẽ được tăng dần, tùy thuộc vào độ cồn. Trên các phương tiện thông tin giảm dần tới mức tối đa mọi hình thức quảng cáo rượu. Kể cả hình thức quảng cáo trá hình, thể hiện trong phim ảnh những cuộc nhậu nhẹt, uống say bí tỉ. Tại các chủ thể của nước Nga (các nước cộng hòa, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) cũng đã có những chương trình cụ thể nhằm phòng ngừa tệ nạn lạm dụng rượu, nhất là trong các dịp lễ tết, hoặc hội hè theo tập quán, truyền thống địa phương.Theo Kế hoạch chống nghiện rượu, Thủ tướng V.Putin ký ngày 14/12/2009, giai đoạn 2 năm đầu (2011-2012) khối lượng tiêu thụ rượu (kể cả các loại nước uống khác có độ cồn) phải giảm 15%. Từ ngày 1/1/2010 giá mỗi chai rượu vodka 0,5 lit không được phép bán dưới 89 rup (tương đương hơn 3 USD). Sang giai đoạn thứ hai (2013 - 2020), Chính phủ sẽ dùng mọi biện pháp kiên quyết xóa bỏ thị trường rượu lậu.


Ngoài ra, trong giai đoạn 2 sẽ phát triển trên toàn quốc các cơ sở chữa trị và cai nghiện rượu, mở các trung tâm đào tạo chuyên gia tâm lý tư vấn về phòng chống nghiện rượu. Đây sẽ là những trung tâm phát triển phong cách sống lành mạnh, tăng cường đời sống tinh thần và các hoạt động văn hóa - thể thao cho nhân dân.


Bác sĩ trưởng vệ sinh-phòng bệnh LB Nga, ông Ghennadi Onishenko phát biểu trực tiếp trên Đài Phát thanh "Tiếng vọng Moskva" ngày 10/1 vừa qua cũng đề nghị chính phủ cho khôi phục chế độ "cai rượu cưỡng bức" đối với các "ma men". Hệ thống "trại cai rượu" là nơi vừa chữa trị "bệnh nghiện rượu", vừa kết hợp lao động chân tay (vừa mức) và rèn luyện các môn thể thao, điều đó sẽ dần dần khôi phục sức khỏe và khả năng lao động. Mặt khác, ông đề nghị khôi phục chế độ giám sát chặt chẽ việc buôn bán rượu, tuyệt đối không bán rượu cho trẻ vị thành niên, đồng thời tiến hành các biện pháp nhằm hình thành một lối sống lành mạnh, kể cả trong lĩnh vực quảng cáo xã hội.


Duma quốc gia (Quốc hội Nga) cũng đang xem xét một dự luật hết sức nghiêm khắc đối với việc bán rượu - bia cho trẻ vị thành niên. Theo dự luật này, ai bán rượu cho trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) sẽ bị phạt hành chính, nếu là lần đầu. Với cá nhân sẽ bị phạt 3-5 nghìn rúp (tương đương hơn 100 - gần 200 USD), còn với pháp nhân sẽ bị phạt từ 80 đến 100 nghìn rúp (tương đương 3.000-3.500 USD), hoặc sẽ bị đình chỉ hoạt động 3 tháng. Ai bán bia cho trẻ vị thành niên sẽ bị phạt từ 1-3 nghìn rúp, còn cửa hàng (pháp nhân) sẽ bị phạt 50-80 nghìn rúp. Trường hợp tái phạm sẽ bị quy trách nhiệm hình sự, bị đưa vào trại cải tạo lao động 1-3 năm, tùy theo mức độ tái phạm nặng nhẹ.


Thậm chí Bộ Y tế và Phát triển sức khỏe Nga còn đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn. Bộ này cho rằng, cần phải thành lập hệ thống chuyên kinh doanh rượu bia, đương nhiên số lượng những cửa hàng đó rất hạn chế. Người đến mua phải xuất trình một cuốn sổ đặc biệt, trong đó ghi rõ tên tuổi, mỗi lần đến mua, nhân viên cửa hàng ghi rõ số lượng bán rượu bia và ngày tháng. Theo đề nghị của Bộ này, người ngồi sau tay lái không được uống rượu bia trước đó 24 giờ.


Phát biểu tại phiên họp Quốc hội cuối năm 2009, Tổng thống Nga D.Medvedev cho rằng, các biện pháp hạn chế rượu ở nước Nga trong những năm gần đây chưa đem lại kết quả thiết thực. Việc siết chặt các điều kiện về sản xuất và buôn bán rượu, hạn chế quảng cáo rượu, trừng phạt mạnh tay các lái xe trong tình trạng say rượu... vẫn chưa đủ sức răn đe, làm thay đổi cục diện đấu tranh chống nghiện rượu.


Ông tuyên bố: "Rượu ở nước Nga đã mang tính chất quốc nạn". Cần phải tiến hành cuộc đấu tranh chống nghiện rượu một cách có hệ thống và trên cơ sở lâu dài. Ông kêu gọi các cơ quan hữu trách cần nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm đấu tranh chống nghiện rượu của các nước đã từng vấp phải tình trạng như nước Nga.


  Ngô Gia Sơn (tổng hợp)