SKĐS - Mái tóc bạc trắng, giọng nói chậm rãi, hiền từ, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy khiến những ai từng gặp ông một lần trong đời khó có thể quên. Ông là người đã chữa trị cho hàng nghìn thanh niên sa ngã vào con đường nghiện ngập và được họ trìu mến gọi bằng "bố già" hoặc đơn giản "bố Duy".
Ở Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM), bất cứ nhân viên hay học viên nào cũng đều biết đến bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc của trung tâm với mái tóc bạc trắng. Họ thường gọi ông là "bố già" hoặc "bố Duy".
Nhưng không nhiều người hay rằng, vị bác sĩ này trước đây là Cụm phó Cụm điệp báo A10 (thuộc Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định) - Cụm điệp báo với những điệp vụ xuất sắc được lịch sử ghi nhận.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy năm nay 77 tuổi. Ông quê ở Nghệ An nhưng sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn với tấm bằng loại giỏi và sau đó tham gia Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định với bí danh Năm Quang.
Với chức danh Cụm phó cụm điệp báo A10, ông nhận nhiệm vụ tham gia đi lính theo lệnh tổng động viên của chính quyền Sài Gòn. Dưới vỏ bọc gia đình làm công chức trong chính quyền, Khánh Duy không bị nghi ngờ và trở thành bác sĩ trưởng quân y của Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ của quân đội Sài Gòn.
Làm điệp báo đơn tuyến, bác sĩ Khánh Duy (bí danh Năm Quang) đã phải chịu không ít tủi nhục, bị người thân, bạn bè và ngay cả những người đã một thời cùng anh hoạt động trong phong trào sinh viên, học sinh dè bỉu, khinh khi... Đặc biệt, thời gian làm việc trong quân đội Sài Gòn, anh thường chứng kiến những người lính sử dụng ma túy, cần sa như "thần dược" để quên đi nỗi sợ hãi nơi chiến trường.
"Khi đó, người lính trở nên bệ rạc và tàn ác. Phải chứng kiến cảnh người dân thường vô tội chết trước họng súng của địch đang phê thuốc khiến tôi căm thù ma túy", bác sĩ Khánh Duy hồi tưởng.
Tháng 5/1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Năm Quang trở lại với tên thật Khánh Duy. Ông từng làm việc tại các vị trí từ phòng chống phản gián, chính trị nội bộ, bác sĩ trưởng Trại giam Chí Hòa rồi đến Hội thẩm nhân dân.
Những năm tháng làm việc ở Trại giam Chí Hòa, thường xuyên điều trị những người nghiện ma túy, đến khi đảm nhận chức vụ hội thẩm và dự nhiều vụ án có liên quan đến ma túy, bác sĩ Khánh Duy đau xót và thấu hiểu ma túy đang trở thành nỗi chết chóc mới tàn phá thế hệ trẻ.
Năm 2000, bác sĩ Khánh Duy về hưu. Theo lẽ thường "trẻ nhiệt huyết, già thảnh thơi" nhưng đối với cựu điệp viên A10 thì không, ông quyết tâm thực hiện điều mình vẫn hằng ấp ủ, nung nấu suốt nhiều năm qua. Đó là xây dựng một trung tâm cai nghiện ma túy để hồi phục một bộ phận người trẻ tuổi trước cái chết trắng.
Với kiến thức về ngành y, khi hiểu thêm sự lây lan của ma túy, những thủ đoạn của bọn buôn bán ma túy…, ông đã tập hợp bạn bè, đồng đội cũ thành lập Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa. Đây là đơn vị cai nghiện tự nguyện đầu tiên của cả nước còn duy trì hoạt động đến nay.
Sau 23 năm hoạt động, từ 30 học viên trong thời gian đầu, đến nay, Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa đã điều trị cho hơn 22.000 lượt học viên tự nguyện đến cai nghiện và đưa họ trở về hòa nhập cộng đồng.
Bác sĩ Khánh Duy tâm sự, tất cả các học viên vào Trung tâm Thanh Đa đều là tự nguyện và thường ở độ tuổi từ 20-35, đây là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời con người. Trong hàng vạn học viên đã vào trung tâm, bác sĩ Duy bảo ông từng bị ám ảnh và thấy thương nhất là các trường hợp học viên bị HIV-AIDS trong giai đoạn đầu khi trung tâm mới thành lập. Mặc dù họ không qua đời ở trung tâm, nhưng khi đến nhà viếng họ, ông cảm thấy rất thương xót.
"Tôi tiếc và xót xa lắm, các cháu đều còn trẻ, biết là cái chết được báo trước rồi nhưng đối mặt mới thấy thương vô cùng", vị bác sĩ già giọng trầm buồn nói.
Theo bác sĩ Khánh Duy, ở trung tâm của ông, các học viên bị nghiện ma túy đá rất nhiều và nó gây tác hại vô cùng khủng khiếp. Có học viên chỉ nghiện ma túy đá 4-5 tháng nhưng đã bị tâm thần. Ông thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại "cầu cứu" đón nhận con em nghiện ma túy đến Trung tâm để cai nghiện, bất kể đêm ngày.
Việc chăm sóc những bệnh nhân nghiện khiến bác sĩ Duy thấu hiểu nỗi đau, thương tâm của nhiều gia đình có người thân nghiện ma túy. Có những cha mẹ già khóc ròng khi đến gặp ông và thiết tha gửi gắm con họ với mong mỏi con cai nghiện được. Có những người tuyệt vọng vì con đi cai nghiện quá nhiều lần mà vẫn tái nghiện. Và có cả những đứa con đã từng dí dao vào cổ cha mẹ mình để tìm những đồng tiền cuối cùng đem nướng vào ma túy, rất khó để dẫn dụ vào trung tâm cai nghiện.
Mặc dù đã cao tuổi và có hai người con trai kế nhiệm công việc nhưng hằng ngày, cứ 6h sáng, bác sĩ Khánh Duy đã từ nhà vào trung tâm để trò chuyện với các học viên. Đến 20h tối, ông mới rời trung tâm về nhà. Thời gian rảnh, ông chơi và dạy học cho các cháu. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu tài liệu, đọc sách báo nước ngoài để học hỏi về vấn đề cai nghiện ma túy. Từ 2003 đến 2009, ông đã tìm ra phác đồ điều trị cắt cơn bằng Clonidine kết hợp thuốc giải lo âu, an thần và giảm đau vào điều trị.
Bác sĩ Khánh Duy tâm sự, vợ con ông đã nhiều lần "lên dây cót", báo động về sức khỏe và lịch làm việc của ông nhưng ông thấy mình mang nợ, trung tâm này đã là ngôi nhà thứ hai của ông. Và buộc ông cứ phải tiếp tục.
Đến ngày hôm nay, bác sĩ Khánh Duy đã có thể yên tâm được với trung tâm. Đã có hàng ngàn học viên được cai nghiện thành công tại đây. Thời gian cai nghiện tại trung tâm không quá dài và không quá khắc nghiệt. Trung tâm lại nằm ven sông Sài Gòn, có cả bể bơi, phòng cắt cơn, phòng điều dưỡng, phòng tập thể dục thể hình, phòng tắm hơi, mát xa, bếp ăn sạch, thậm chí còn có cả phòng hát karaoke, thư viện, sân bóng chuyền…
Tất cả tạo nên một mô hình cai nghiện tiến bộ, khang trang và hiện đại để những học viên lấy lại tinh thần sống, kết hợp với điều trị, giúp họ có nội lực, vượt qua chính bản thân mình.
Theo bác sĩ Khánh Duy, số học viên của trung tâm cai nghiện ma túy thành công, không tái nghiện khá nhiều. "Có nhiều khi tôi đi ngoài đường gặp người hỏi "bố có nhớ con không, con ngày xưa ở Thanh Đa". Có cháu còn mang quà đến tặng, đó là sản phẩm do các cháu làm ra. Có cháu ở nước ngoài về xin vào Thanh Đa gặp lại các bạn cũ nhưng tôi nói thẳng: Thôi con ạ! Con nghĩ đến bạn bè ở Thanh Đa là rất tốt nhưng con hãy coi như con không có ký ức ở Thanh Đa nữa, bởi tôi biết rằng sự hồi tưởng rất là nguy hiểm cho người nghiện ma túy bởi sẽ dễ tái nghiện lại", bác sĩ Khánh Duy chia sẻ.
Tâm sự với tôi, ông nói niềm hạnh phúc lớn nhất của ông chính là được nhìn những học viên, những "đứa con" của mình bước ra khỏi trung tâm với dáng vẻ của một con người hoàn toàn bình thường.
Trước câu hỏi vì sao tuổi đã cao, không nghỉ ngơi mà hàng ngày ông vẫn miệt mài đến trung tâm làm việc, vị bác sĩ già trầm tư nói: "Đấy là cái nghiệp của tôi. Ngày xưa làm tình báo vì con người, bây giờ chống ma túy là để cứu người. Chung quy tất cả cũng là vì con người".
Nói rồi, bác sĩ Khánh Duy khoe với tôi, sáng 30/4 này, ông và các đồng đội Cụm điệp báo A10 sẽ có cuộc hẹn gặp mặt nhau ở Bình Quới (ngay cạnh Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa) để cùng nhau ôn lại kỷ niệm năm tháng tham gia cuộc chiến.
"Cuộc gặp mặt này không đông đủ hết thành viên vì giờ mỗi người một nơi, hội ngộ đầy đủ rất khó tuy nhiên chúng tôi rất mong ngóng", giọng ông phấn khởi và mắt lấp lánh niềm vui.
Với những đóng góp ý nghĩa, tích cực trong 23 năm qua, Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa đã được Chính phủ và nhiều cơ quan ban ngành tặng thưởng cúp vàng, danh hiệu, bằng khen. Riêng bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy nhận được Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều danh hiệu khác.