NGHIỆN RƯỢU

17 October, 2023
Hoang tưởng do rượu (paranoid do rượu) gồm các hoang tưởng khác nhau có thể cấp tính, có thể kéo dài. Paranoia chủ yếu nghiên cứu về các hoang tưởng ghen tuông do rượu.
Trong ICD 10, hoang tưởng, ảo giác do rượu được xếp vào mục rối loạn tâm thần do rượu (F10.5), trong đó hoang tưởng chiếm ưu thế ở mục F10.51 và ảo giác chiếm ưu thế ở mục F10.52. Trong DSM-IV của Mỹ, hoang tưởng và ảo giác do rượu được xếp vào mục rối loạn loạn thần do rượu (291), trong đó ảo giác chiếm ưu thế ở mục (291.3) và hoang tưởng chiếm ưu thế ở mục (291.5).

Loạn thần do rượu với hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế có thể khởi phát cấp tỉnh hay từ từ. Giai đoạn tiền triệu ngắn với khí sắc hoang tưởng, ảo tưởng lời nói và lo âu. Đa số tác giả cho rằng khởi phát cấp tính đạt đến đỉnh cao của bệnh trong khoảng vài giờ đến vài ngày (92,4% các trường hợp khởi phát trong khoảng vài ngày). Ít thấy các hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối bằng vật lý như trong tâm thần phân liệt. Theo Soayka H., 1990 người hoang tưởng bị theo dõi chiếm 32% bệnh nhân ảo giác do rượu.

I.CHẨN ĐOÁN

1. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH:

• Các hoang tưởng ảo giác chiếm vị trí hàng đầu.
• Không chuẩn đoán khi có một sự ngộ độc hoặc cai rượu phối hợp, không tính đến những ảo giác do sử dụng chất gây ảo giác.
• Có những bằng chứng hiển nhiên nghiện rượu là nguyên nhân gây bệnh.
• Những biểu hiện sau cho phép nghĩ đến một loạn thần không do rượu: hoang tưởng ảo giác có trước khi dùng rượu, những giai đoạn tái diễn không liên quan đến rượu.
• Bệnh cảnh không diễn ra theo chiều hướng của một trạng thái sảng tiến triển.

2. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT:

• Với tâm thần phân liệt:
Về khởi phát hoang tưởng, ảo giác do đùng rượu thường cấp tính, đi đến toàn phát trong khoảng vài giờ đến vai ngày . Còn trong tâm thần phân liệt khởi phát từ từ hơn, thường có giai đoạn ủ bênh trước khi hoang tưởng ảo giác phát triển rầm rộ.
Ảo giác do rượu thường là những ảo giác thật, ảo giác trong tâm thần phân liệt thường là những ảo giác giả có khi có ảo giác thật. Ảo thanh ra lện, bình phẩm đặc trưng trong tâm thần phân liệt ít thấy ở bệnh nhân loạn thần do rượu.
• Với sảng rượu:
Sảng rượu là một tình trạng cấp cứu, rối loạn toàn thần nặng nề hơn có nhiều rối loạn chuyển hóa cơ thể, dễ dẫn đến tử vong.
Sảng rượu thường kèm theo rối loạn ý thức đặc thù. Sảng rượu thường gặp hiện tượng run gọi là sảng run.
Ảo giác thường gặp trong sảng rượu thường gọi là ảo thị, thấy những con vật kích thước thu nhỏ.

II. PHÂN LOẠI:

1. SẢNG RƯỢU CẤP:

• Hội chứng mê sản kích động:
• Rối loạn định hướng không gian, thời gian nặng.
• Hội chứng loạn thần đa dạng, ảo tưởng, ảo ảnh kỳ lạ, ảo thị rung rợn đe dọa, phối hợp với các hoang tưởng cảm thụ (thường có nội dung bị hại).
• Hành vi bị chi phối mạnh bởi các ảo tưởng, ảo giác nên thường mang tính chất kích động nguy hiểm (tự vệ hay tấn công hoặc bỏ trốn, nhảy qua cửa sổ).
• Rối loạn cảm xúc mạnh, lo âu, hoảng hốt.
• Các biểu hiện trên tăng về chiều tối, thỉnh thoảng có giai đoạn ngắn ý thức trở lại sáng sủa.
• Sau cơn nhớ rời rạc từng mảng.
• Hội chứng thần kinh:
• Run: mạnh, thường xuyên, không đều, run toàn bộ cơ thể.
• Nói khó, mất phối hợp với các cử chỉ vụng về, bước đi chệnh choạng, hay ngã.
• Trường hợp nặng hơn, rối loạn nuốt, tăng trương lực cơ.
• Hội chứng toàn thể: (biểu hiện trạng thái nặng của cơn).
• Sốt cao dao động
• Nhịp tim nhanh
• Mất nước: lưỡi khô, khát nước, vã mồ hôi, nôn, tiêu chảy.
• Rối loạn điện giải, cần xét nghiệm điện giải nhiều lần.
• Rối loạn chức năng gan.
• Tiến triển:
- Thuận lợi: Khỏi trong vòng 2- 4 ngày, giấc ngủ trở lại bình thường, yên dịu, tỉnh táo.
- Tử vong: nếu có hôn mê gan, xuất huyết tiêu hóa, viêm phổi, tổn thương não (xung huyết lan tỏa, không đặc trưng).

2. SẢNG RƯỢU BÁN CẤP:

• Thường gặp hơn là thể cấp vừa mô tả.
• Cần cảnh giác vì có thể chuyển thành thể cấp điển hình.
Cũng có các triệu chứng như mô tả trên nhưng ít trầm trọng hơn và thoái triển dần.

3. CHẨN ĐOÁN:

Chẩn đoán nghiện rượu mãn tính dựa vào các biểu hiện sau:
1. Thường xuyên thèm muốn uống rượu
2. Hội chứng cai rượu
3. Sự thay đổi về khả năng dung nạp rượu ngày một tăng
4. Sự biến đổi nhân cách và sa sút tâm thần

4. ĐIỀU TRỊ:

• Với các trường hợp cấp tính:
• Nhập viện và ngừng uống rượu
• Điều trị rối loạn nước điện giải
• Giải quyết tình trạng nhiễm trùng nếu có
• Giải quyết các rối loạn tim mach, hô hấp (nếu có)
• Săn sóc, bồi dưỡng cơ thể (truyền đường, đạm, vitamine, chất khoáng, chất xơ)
• Thuốc tăng cường chức năng thần kinh:
Centrophenéxine (Lucidrill) tiêm bắp hoặc tĩnh mạch mg mỗi 3 giờ (thuốc này giúp tế bào thần kinh tăng hấp thụ đường, dưỡng khí, tăng sức đề kháng)
• Trấn tĩnh:
Clorodiazepoxid (Librium) 40 – 200 mg/ngày từ 1 đến 3 ngày.
Meprobamat 40 mg tiêm bắp hoặc uống.
Chlopromazin 75 mg từ 1 – 3v/ ngày.
Haloperidol 1,3 – 10 mg/ ngày.
Các thuốc và liều lượng thay đổi tùy từng người bệnh. Nên phối hợp 1 trấn tĩnh với 1 an thần mạnh (nếu có hoang tưởng, ảo giác).

III. VỚI TRƯỜNG HỢP MÃN TÍNH:

Phải tiến hành điều trị lâu dài, cần có sự hợp tác giữa thầy thuốc, bẹnh nhân, người nhà và xã hội.
Nhập viện thời gian ngắn để cách ly rượu, đẻ làm xét nghiệm và điều trị mất nước, suy kiệt sau đó điều trị ngoại trú.

1. Tạo phản xạ nôn:

a. Phương pháp gây nôn bằng Apormorphim:
Tiêm dưới da 0,25 – 0,3 ml dung dịch Apormorphim 1% sau 1 – 3 phút bệnh nhân thấy mùi rượu sẽ nôn rất nhiều. Khó khăn là không có sẵn Apormorphim và người bệnh có tự giác để cho chích không?
b. Phương pháp gây nôn bằng Antabuse – Spéral (Disulfuran):
Khi người bệnh uống một lượng Antabuse vào cơ thể Antabuse sẽ cản trở sự phân hủy rượu khi chỉ dừng ở giai đoạn Anxetandehyt làm cơ thể bị ngộ độc và có phản ứng rượu. Antabuse gây nôn rất nhiều và đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, hồi hộp, trụy tim mạch, vã mồ hôi, người bệnh thấy sợ hãi sẽ không dám uống rượu nữa.
Người bệnh phải tự giác ngừng uống rượu, chấp nhận điều trị. Có thể cho bệnh nhân uống thuốc như là chữa bệnh gì đó, khi có phản ứng thì chứng minh là cơ thể người bệnh đã không chấp nhận rượu nữa, cần phải ngưng uống rượu, cũng để chứng minh cho bạn bè của bệnh nhân thấy mà không rủ rê, mài ép bệnh nhân uống rượu nữa.
Antabuse có loại viên 250 mg và 500mg, 2 - 3 ngày đầu uống 1- 2v/250mg – 500mg sau đó giảm xuống ½ số liền 7- 8 ngày sau lại giảm xuống ¼ kéo dài khoảng 14 – 15 ngày thì thôi khi người bệnh đã yên tâm là mình không uống được rượu nữa.
Vì Antabuse là loại Sulfa chậm nên có thể gây dị ứng, gây tai biến ở người già, người có bệnh gan, thận, tim mạch nên phải hết sức thận trọng.
Có thể dùng Aortal; Stablon để giảm sự thèm rượu.

2. Tâm lý liệu pháp:

Rất quan trọng nếu người nghiện không tự giác cai nghiện bỏ rượu hoặc bỏ ma túy thì khó mà cai nghiện thành công được.
Phải cách ly họ với rượu với bạn nhậu. Phải làm cho họ hiểu tác hại của rượu đối với sức khỏe, đối với gia đình, đối với xã hội.
Phải tạo công ăn việc làm và mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Phải phối hợp tốt gia đình, xã hội vào vận động thuyết phục bệnh nhân cai rượu.

Phòng bệnh:
a) Truyền thông rộng rãi trong nhân dân những tác hại của rượu đối với sức khỏe tâm thần, thể chất, đặc biệt rượu làm hủy hoại nhân cách người nghiện rượu; làm cho người nghiện rượu mãn tính tha hóa về nhân cách, sa sút về tâm thần, mất hết khả năng làm việc, trở thành người vô dụng, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
b) Có quy chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ trong việc sản xuất, bán mua và tiêu thụ các loại rượu, nước giải khát có rượu, thuốc uống có rượu.
c) Giáo dục thanh thiếu niên có lối sống lành mạnh, tránh lạm dụng rượu.