Đưa người nghiện sớm đi cai nghiện cũng là cách bảo vệ

18 August, 2022

Đưa người nghiện sớm đi cai nghiện cũng là cách bảo vệ


TTO - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã bày tỏ quan điểm này bên hành lang Quốc hội sáng 30-10.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí  bên hành lang Quốc hội sáng 30-10 - Ảnh: Viễn Sự


“Những bức xúc về vấn đề cai nghiện ma túy mà TP.HCM nói  là có lý, đề án của thành phố đang được nghiên cứu để đề xuất. Có lẽ nên ủng hộ TP.HCM thí điểm để có những cách làm giải quyết cấp bách tình hình người nghiện ma túy đang tăng cao. Bảo vệ quyền con người là đúng, nhưng chúng ta đưa họ sớm vào nơi cai nghiện cũng là một cách bảo vệ.” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.


Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng nay, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đã thêm một lần nữa đưa ra kiến nghị cho TP.HCM cơ chế được “cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý” cho người nghiện, nhằm giải quyết cấp bách vấn nạn người nghiện ma túy đang tăng cao tại TP.HCM.


* Thủ tục đưa người đi cai nghiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính mới bị coi là quá nhiêu khê. Đánh giá của Chính phủ về thủ tục này như thế nào?


- Trước đây, chúng ta xem những người nghiện như là tệ nạn, bây giờ nhìn họ bao dung hơn để họ vượt qua. Bộ phận rất lớn trong người nghiện không có chỗ dựa, cần có tổ chức xã hội. Nhưng thủ tục như hiện nay là không kịp. Vì vậy nên ủng hộ đề án của TP.HCM (cho phép TP tự lo việc “cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý” cho người nghiện”- PV).


Khi ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính thì mình tính xa, vì khi hội nhập thì người ta đòi hỏi mình nhiều vấn đề về quyền con người. Tôn trọng thì đúng rồi nhưng khi người nghiện không vượt qua được thì mình phải giúp đỡ họ.


Quan điểm chung của Chính phủ là phải chấp hành pháp luật. Luật mới ra đời không thay đổi gì được. Vi vậy nên tính toán thí điểm, chỉ có cơ chế thí điểm mới giải quyết vấn đề trước mắt. Sau đó chọn ra mô hình hợp lý để thực hiện.


* Giải pháp cấp bách của Chính phủ cho vấn đề này hiện nay là gì thưa ông?


-  Lâu nay Chính phủ cho rằng phải có chuyên đề về vấn đề này. Hiện nay Chính phủ đang bàn quyết liệt để có giải pháp.


* Nhưng chờ thời gian nghiên cứu như vậy thì thực tiễn xã hội không chờ đợi được?


- Đúng vậy. Hiện nay không phải là chúng ta không có bức xúc, vì thế phải làm gấp rút.


* Có đại biểu cho rằng dù chưa có tiền lệ thay đổi Luật vừa được ban hành, nhưng với thực tế nóng bỏng về ma túy hiện nay thì cần thiết phải tạo ra tiền lệ để giải quyết?


- Đề nghị của TP.HCM không đòi nỏi phải sửa luật mà ra nghị quyết thí điểm. Cấp bách, nhưng chúng ta cũng phải bình tĩnh để xem xét.


Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:


Quốc hội đã nghe và sẽ cân nhắc


Cho đến giờ phút này chúng tôi mới tiếp thu ý kiến đại biểu, các ủy ban của Quốc hội đang nghiên cứu tiếp thu để đề xuất với thường vụ. Tuần tới Ủy ban pháp luật của Quốc hội và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ bàn về vấn đề này.


Theo tôi thì cũng nên tiếp thu, làm sao cho thủ tục đưa người đi cai nghiện ma túy phải gọn nhẹ. Khả năng đưa vấn đề thí điểm cai nghiện ma túy của TP.HCM vào nghị quyết trong kỳ này thì chưa khẳng định được vì cái này còn chờ, thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.


Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 30-10, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng cho biết bà cảm thấy lo lắng khi cả nước có 200.000 con nghiện đang sống “thoải mái” ngoài xã hội.


Bà Lan một lần nữa đề nghị Quốc hội cần có giải pháp cấp bách để xử lý vấn đề này.