Ghi nhận ở Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða

31 August, 2022

Ghi nhận ở Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða


Thành lập từ năm 2000, sau hơn 13 năm hoạt động, Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða (Hội Cựu chiến binh Việt Nam quận Bình Thạnh) đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 11 nghìn lượt người nghiện ma túy với tỷ lệ người không tái nghiện đạt hơn 80%.


Lớp học nghề may tại Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða.


Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác cai nghiện ma túy, Bác sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc trung tâm  khẳng định: "Tại Trung tâm Thanh Ða, người nghiện hê-rô-in, nếu quyết tâm cai thì chắc chắn thành công". Một trong những nguyên nhân để Trung tâm Thanh Ða đạt hiệu quả cai nghiện cao là do  ngoài các biện pháp trị liệu thông thường, trung tâm còn thành lập Khoa chống tái nghiện dành cho những học viên đã hoàn thành quy trình cai nghiện tập trung, tự nguyện tham gia, đồng hành cùng chương trình chống tái nghiện.


Về bệnh lý, người nghiện ma túy là người mắc bệnh  mãn tính, không chỉ khó chữa mà còn rất dễ tái nghiện. Do lệ thuộc vào ma túy, cuộc sống hằng ngày của người nghiện chỉ loanh quanh trong việc tìm kiếm, sử dụng ma túy. Cùng với giảm sút sức khỏe, thể chất, người nghiện ma túy còn suy sụp tinh thần, thiếu tự tin vào bản thân mình lẫn gia đình và xã hội. Họ không chỉ không vượt qua chính mình, hướng tới cuộc sống lành mạnh, có ích cho xã hội mà còn có những hành vi ứng xử không phù hợp chuẩn mực đạo đức. Không ít người nghiện khi lên cơn nghiện đã dễ dàng vi phạm pháp luật, thậm chí giết người cướp của chỉ bởi mục đích có tiền để thỏa mãn cơn thèm ma túy.


Tại Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða, việc chống tái nghiện cho học viên sau cai được chuẩn bị và triển khai cho từng học viên ngay khi họ mới bắt đầu quy trình cai nghiện, đặc biệt là trong giai đoạn giáo dục trị liệu. Ở giai đoạn này, học viên không chỉ được trang bị kiến thức pháp luật mà còn được giáo dục phục hồi nhân cách, lòng tự tin và quan trọng nhất là giáo dục tính tự giác, ý chí quyết tâm từ bỏ ma túy.
Thực tế công tác cai nghiện ma túy cho thấy, điều trị cắt cơn cho người nghiện không khó, phần khó khăn nhất là làm sao để người sau cai không tái nghiện. Theo các bác sĩ ở các trung tâm cai nghiện ma túy, tái nghiện ma túy không phải là hành động nhất thời, mà là một quá trình diễn biến tâm lý của người cai. Không ít học viên vào trung tâm là do bị bắt buộc. Trong giai đoạn giáo dục trị liệu, nếu công tác tư vấn tâm lý, giáo dục nhân cách chưa đạt hiệu quả như mong muốn, hoặc chỉ do một tác động nhất thời, họ rất dễ tái nghiện khi có điều kiện.
Cách đây không lâu, tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân, khi được hỏi vì sao lại phải quay trở lại trung tâm để cai nghiện lần thứ hai, học viên Nguyễn Văn T. không giấu giếm cho biết, do giận gia đình lâu không lên thăm, nên T nảy sinh ý định sẽ hút ma túy lại khi được về nhà. Và ngay trong ngày đầu tiên được về, T cùng mấy người bạn cũ tìm mua hê-rô-in về hút ngay trước mặt cha mẹ "cho bỏ tức".
Tại Trung tâm Thanh Ða, Khoa chống tái nghiện được trang bị bài bản từ cơ sở vật chất đến  chuẩn bị nguồn nhân lực. Phòng ốc của khoa khá khang trang bao gồm phòng tư vấn tâm lý, phòng xét nghiệm; câu lạc bộ vui chơi giải trí rộng hơn 350 m2 đặt nhiều bàn bi-a, bóng bàn, có các phòng chiếu phim 3D, phòng hát ka-ra-ô-kê, các máy chơi games... để học viên của khoa khi đến uống thuốc chống tái nghiện (Natrexone) được sử dụng miễn phí. Cùng với thuốc hỗ trợ chống tái nghiện, đội ngũ cán bộ, nhân viên của khoa gồm bác sĩ điều trị; chuyên gia tâm lý, xã hội học có trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ... thường xuyên theo dõi sức khỏe, chăm sóc sức khỏe y tế, tư vấn tâm lý, giúp đỡ giải quyết các khúc mắc về gia đình, đời sống xã hội... luôn đồng hành cùng học viên trong suốt quá trình trị liệu sau cai. Cũng trong quy trình cai nghiện, ngoài lao động tu bổ làm đẹp nơi ăn ở, sinh hoạt, học viên còn được học những nghề phù hợp. Trung tâm liên kết với trường trung học công nghiệp thành phố mở các lớp điện cơ, điện lạnh, cơ khí, vận hành máy công cụ (tiện, phay, bào); các lớp học may, mỹ nghệ, trang trí... cho học viên, tạo điều kiện để người cai nghiện có nghề, chuẩn bị tốt hơn khi hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, Trung tâm còn liên kết với các cơ sở sản xuất giới thiệu học viên đến làm việc sau cai...


Tại Khoa chống tái nghiện Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða, học viên Trần Khắc T, nhà ở quận Tân Bình không ngần ngại khoe đã hoàn toàn nói không với ma túy. Khẳng định thêm quyết tâm của mình, T cho biết, mỗi ngày có vài lần T đi qua những điểm trước đây mình thường mua và sử dụng hê-rô-in. Thế nhưng T tuyệt nhiên không hề có cảm giác thèm nhớ, hay muốn thử trở lại. Theo T cùng với hỗ trợ của thuốc chống tái nghiện, sự chuẩn bị, vững vàng tâm lý thì yếu tố  gia đình rất quan trọng. Ðược gia đình thường xuyên quan tâm chăm sóc, an ủi tình cảm, động viên tinh thần, có công việc ổn định, T đang hội đủ các  điều kiện để rèn giũa, làm lại cuộc đời.
Một học viên khác của Khoa chống tái nghiện là anh Huỳnh Trung Hiếu, nhà ở huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ. Hiếu vướng vào hê-rô-in từ khi còn học THPT. Nhiều lần đi cai không thành công. Ðược các bác sĩ, chuyên gia tâm lý Khoa chống tái nghiện Trung tâm Thanh Ða điều trị, hơn một năm nay, Hiếu hoàn toàn không sử dụng lại ma túy, cơ hội cai nghiện thành công ngày càng rõ ràng, tương lai tốt đẹp đang trở về với người từng tự đánh mất chính mình.


Mang đậm truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ, các cựu chiến binh Trung tâm Thanh Ða đang tiếp tục đóng góp sức lực, lòng nhiệt huyết giúp đỡ, đưa những người lầm lỡ trở về con đường sáng.


BÀI VÀ ẢNH: XUÂN HÙNG