MA TÚY – HIỂM HỌA CỦA SỨC KHỎE CON NGƯỜI

31 August, 2022

MA TÚY - HIỂM HỌA CỦA SỨC KHỎE CON NGƯỜI

TRẦN VIỆT TRUNG

Giám đốc Trung tâm

Nghiên cứu và Trợ giúp

cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS


Ma túy đang hàng ngày hủy hoại biết bao tâm hồn, giết chết nhiều nhân mạng và hơn thế nữa, phá vỡ cuộc sống bình yên của hàng vạn gia đình và đe dọa an ninh trật tự xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng minh ma quỷ của ma túy là bệnh tật và HIV/AIDS. Ngày 26/6 hàng năm là ngày Liên Hợp Quốc lấy làm ngày Quốc tế phòng, chống ma túy và đối với nước ta là ngày Toàn dân phòng, chống ma túy. Nhân ngày 26/6/2013, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Trần Việt Trung-nguyên Phó cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Trợ giúp cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS thuộc Hội Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam.


Đứng trước hiểm họa to lớn mang tính toàn cầu của tệ nạn ma túy đối với từng quốc gia nói riêng và cả nhân loại nói chung, cách đây trên 26 năm, bắt đầu từ năm 1987, Liên Hợp Quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 26 tháng 6 làm ngày Quốc tế phòng chống ma túy và từ đó, nhân ngày này hàng năm, Liên Hợp Quốc đưa ra các thông điệp với các chủ đề khác nhau, mang ý nghĩa như một lời kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần tập trung các hoạt động phòng chống, kiểm soát ma túy theo định hướng về một vấn đề bức xúc, cấp thiết trong từng thời kỳ.


Hưởng ứng ngày Quốc tế phòng chống ma túy của Liên Hợp Quốc, từ năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 26/6 hàng năm là ngày “Toàn dân phòng chống ma túy”. Như vậy, song song với việc hưởng ứng thông điệp và chủ đề phòng chống, kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc, hàng năm Chính phủ phát động những tháng cao điểm phòng chống ma túy với nhiều hoạt động trên các lĩnh vực công tác phòng chống, kiểm soát ma túy, trong đó có chỉ đạo trọng tâm theo từng chủ đề của Liên Hợp Quốc đưa ra hàng năm.


Gần đây, việc xuất hiện các chất mới có tác dụng tâm thần (tên tiếng Anh viết tắt là NPS), có đặc tính dược lý và tác dụng tương tự như các loại chất đã được biết đến trước đó nhưng nằm ngoài danh mục các chất bị kiểm soát theo Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc và được mua bán một cách hợp pháp tại nhiều quốc gia đã gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng. Do đó, năm nay Liên Hợp Quốc đưa ra Thông điệp nhân ngày 26/6 kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy xây dựng một cuộc sống lành mạnh, đề cao việc rèn luyện sức khỏe để tránh xa ma túy: “Hãy bằng sức khỏe của bạn “thăng hoa” trong cuộc sống, không cần ma túy” (Tên gốc tiếng Anh: “Make health your “new high” in life, not drugs”).


1. SỰ TRỞ LẠI CỦA MỘT LOẠI TỆ NẠN:

Cho tới nay, không ai khẳng định được cây thuốc phiện (còn gọi là cây Anh túc) được đưa vào trồng ở Việt Nam bằng cách nào và từ bao giờ. Tuy nhiên, ta thấy trong các văn bản của Nhà Nguyễn để lại về các điều Luật và Hình phạt thì đã có nhiều nội dung.


Cho tới đầu thập kỷ 80 (giai đoạn 1984-1985), tệ trồng và sử dụng thuốc phiện ở miền Bắc nước ta đã giải quyết được cơ bản và có thể nói hầu như đã bị xóa bỏ. Chỉ còn rải rác một số tỉnh miền núi cao phía Bắc trồng với sản lượng không đáng kể và chủ yếu là người già dân tộc thiểu số hút theo thói quen lâu đời khó bỏ. Ở miền Nam, dưới chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, tệ nạn ma túy bùng phát với phạm vi, quy mô lớn để phục vụ cho mưu đồ làm giàu cá nhân của những tướng lĩnh ngụy quân, chóp bu ngụy quyền Sài Gòn. Họ chuyển ma túy bằng tàu xe, quân đội, thậm chí lợi dụng chuyên cơ buôn bán ma túy từ Tam giác Vàng về Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, chế độ cũ đã để lại hơn 170.000 người nghiện hút, chích ma túy (xì ke) cùng với những vấn đề phức tạp nhiều mặt về kinh tế-xã hội đất nước. Một lần nữa, chúng ta lại bắt tay vào giải quyết những hậu quả của chiến tranh, trong đó có một công việc nặng nề là chữa trị, giáo dục và cai nghiện cho những người nghiện ma túy ở phía Nam. Với sự nỗ lực của toàn dân, toàn xã hội, chúng ta đã cải tạo, hoàn lương hơn 100.000 người nghiện, đưa họ trở lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc như các công dân khác trong xã hội.


Kết quả, đầu những năm 80, theo số liệu của các cơ quan chức năng, cả nước chỉ còn khoảng 30.000 - 40.000 người nghiện ma túy.


Vào cuối những năm 80, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tệ nạn xã hội nói chung, tệ nghiện ma túy nói riêng lại hồi sinh, nảy nở và phát triển mau chóng. Sự mở cửa và những mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động tiêu cực tới một số lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Nạn tái trồng cây thuốc phiện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc kéo theo tệ nghiện ma túy đã phục hồi và lây lan nhanh chóng nhiều nơi và trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt trong lứa tuổi thanh thiếu niên.


2. SỰ GIA TĂNG SỐ LƯỢNG NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY.

Trong thời kỳ những năm 2000 - 2008, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh một số người nghiện mới gia tăng, phần lớn là số người nghiện cũ nay mới được phát hiện hoặc tự khai báo và đăng ký các hình thức cai nghiện. Số liệu gia tăng người nghiện của thành phố Hồ Chí Minh là một biểu hiện rõ nét: vào cuối năm 2000 có 15.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2008 đã có hơn 32.000 người nghiện được cai tập trung tại 17 cơ sở cai nghiện của thành phố. Tại tỉnh Sơn La, một địa phương nghèo của miền núi phía Bắc, năm 2000 mới có khoảng 4.000 người nghiện có hồ sơ quản lý thì tới năm 2008 đã phát hiện trên 16.000 người nghiện và nếu kể cả số nghi nghiện thì con số trên lên tới 23.000 người! Tình hình ở nhiều địa phương khác cũng tương tự như vậy.


Những năm gần đây, mặc dù chúng ta đạt được nhiều thành tích, kết quả đáng mừng trong các hoạt động ngăn chặn và triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển và ổ nhóm tổ chức sử dụng ma túy, trong công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện nhưng tình hình tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện giảm không đáng kể, thậm chí có nhiều địa bàn, nhiều địa phương số người nghiện còn gia tăng nhanh chóng. Tính đến ngày 31/12/2012, số người nghiện có hồ sơ quản lý của cả nước là 171.000 người, giảm so với năm 2007 (178.000 người) nhưng lại tăng so với năm 2010 (132.000 người)


Thời gian qua, mặc dù các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển ma túy lớn ở trong nước và cả xuyên quốc gia bị truy quét, triệt phá mạnh nhưng bằng nhiều con đường, ma tuý vẫn thẩm lậu khá nhiều vào nước ta và hệ thống, mạng lưới bán lẻ ly ti ở khắp nơi vẫn chưa bị xóa bỏ cơ bản, vẫn là nguồn cung cấp ma túy dồi dào cho dân nghiện.


Điều nguy hiểm hơn là sự xuất hiện ngày càng nhiều ở một số địa phương, đặc biệt ở các thành phố lớn, các loại ma túy tổng hợp dạng kích thích (ATS, Estasy)… với mức độ độc hại rất cao, lại dễ vận chuyển, dễ bán lẻ trao tay, sử dụng bằng đường uống như các loại tân dược thông thường hoặc các dụng cụ hút hít đơn giản đang là nguy cơ làm gia tăng nhanh chóng số người nghiện ở nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi trẻ. Gần đây, giới ăn chơi nhiều tiền trong thanh niên đang sử dụng loại ma túy mới được gọi là hàng “đá” (một dạng của Methammetamine) với cách hút, hít bằng các dụng cụ dễ tự chế. Đây là loại ma tuý hết sức nguy hiểm tới thần kinh và sức khỏe con người. Ma túy là kẻ đồng hành với tội phạm, bệnh tật và đại dịch HIV/AIDS. Khoảng trên 60% trong số trên 272.000 người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện cho tới nay còn sống bị lây truyền do qua con đường tiêm chích ma túy.


3. MỘT CUỘC CHIẾN GAY GO VÀ PHỨC TẠP:

Trước sự lây lan, phát triển nhanh chóng tệ nạn ma túy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối và chính sách kịp thời, kiên quyết về phòng, chống và kiểm soát ma túy. Nghị quyết 06/CP ngày 29/1/1993 được mở đầu như hiệu lệnh cho một cuộc chiến mới với ma túy được chính thức phát động. Đồng thời Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ban hành nhiều Chỉ thị về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh ngăn chặn sự lây lan, phát triển của tệ nạn ma túy, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội.


Những nội dung công tác và cũng là nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra là:

- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong quần chúng nhân dân về tác hại, hiểm họa cả trước mắt và lâu dài của tệ nạn ma túy, về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và công tác phòng, chống tệ nạn ma túy để mọi người dân hiểu, đồng tình ủng hộtham gia cuộc đấu tranh chung; vận động, thuyết phục đồng bào miền núi không trồng cây thuốc phiện và chuyển sang trồng loại cây khác; tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho người nghiện ma túy; phát hiện và trừng trị nghiêm bọn tội phạm. Song song với sự ra đời các văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức bộ máy từ cơ quan chỉ đạo, tham mưu giúp việc cho tới các cơ quan chuyên trách của các ngành chức năng được hình thành, củng cố.

- Công tác phòng, chống ma túy do Chính phủ phát động đã được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương, các địa phương và cơ sở cũng như của toàn dân và toàn xã hội.


Tuy nhiên, ma túy tựa con quái vật khổng lồ chặt đứt vòi này, lại mọc vòi khác. Cũng như tệ nạn mại dâm, tệ buôn ma túy đem lại những món lợi lớn cho những kẻ ham tiền liều mạng. Với lãi suất thông thường từ 5-7 lần cho tới hàng chục lần nếu bán tận tay người nghiện (thậm chí nếu trung chuyển được sang một số quốc gia khác có thể lên tới hàng trăm lần) thì bọn tội phạm không trừ một thủ đoạn nào, một mưu mô, phương kế hiểm độc nào để thực hiện những hành vi phạm tội và trốn tránh pháp luật.


Đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy ngày càng trở nên có quy mô, tổ chức lớn, phức tạp, từ những đường dây xuyên quốc gia, liên tỉnh cho tới mạng lưới bán lẻ với hàng vạn chiếc vòi nhỏ vươn tới từng ngõ hẻm, trường học, vườn hoa, nơi sinh hoạt công cộng… tại các đô thị, thành phố lớn đến tận những làng quê heo hút, nghèo nàn. Cuộc đấu tranh với tệ nạn ma túy trên các lĩnh vực giảm cung giảm cầu đòi hỏi lòng quyết tâm, sự dũng cảm, tính kiên trì và linh hoạt của những người làm công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, trước hết là những người hàng ngày đối mặt trực tiếp với tệ nạn này. Cuộc chiến với ma túy vẫn đang là một mặt trận nóng bỏng, đầy hiểm nguy và đổ máu, hy sinh.


4. MỐI QUAN HỆ CUNG CẦU:

Trong cuộc đấu tranh này, cung và cầu về ma túy có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Nguồn cung bị chặt mạnh sẽ làm có tác động làm giảm cầu và ngược lại, giảm mạnh cầu có hiệu quả góp phần hạn chế cung. Một số địa phương tuy nghèo nhưng vì là vùng giáp biên hoặc nằm trên trục đường buôn bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam nên có số người nghiện khá cao như Điện Biên, Sơn La, Lao Cai, Nghệ An…Mặt khác tại những thành phố lớn hoặc nơi tập trung dân cư, khu công nghiệp, du lịch v.v do các tệ nạn xã hội lây lan, phát triển mạnh đã kéo theo tệ buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy trên nhiều địa bàn, trong nhiều lứa tuổi, dẫn tới gia tăng tệ nghiện hút, chích ma túy, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Không ít gia đình vừa có người nghiện ma túy vừa có người tham gia các tội phạm về buôn bán hoặc tổ chức sử dụng ma túy. Thực tế trên đòi hỏi trong cuộc đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn ma túy, không thể thiên về mặt nào và cũng không thể chỉ một Bộ, ngành nào đảm nhiệm, mà phải là sự đồng tâm, hiệp lực của toàn dân, toàn xã hội trong cuộc đấu tranh đầy gian khó, phức tạp này. Nếu không, mọi sự nỗ lực, cố gắng của chúng ta sẽ chỉ là uổng công, vô nghĩa.