Nghiên cứu thực trạng tái nghiện rượu giai đoạn 2006 – 2010

18 April, 2019

NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG TÁI NGHIỆN RƯỢU

TRÊN NHỮNG BỆNH NHÂN NGHIỆN RƯỢU

ĐÃ ĐIỀU TRỊ TẠI VIỆN SỨC KHỎE TÂM THẦN

GIAI ĐOẠN 2006 - 2010


Tóm tắt:

Mục tiêu: Mô tả thực trạng tái nghiện rượu trên những bệnh nhân nghiện rượu đã điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần (VSKTT) giai đoạn 2006 - 2010 và phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến việc tái nghiện rượu ở những bệnh nhân trên.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả các bệnh nhân nghiện rượu đã điều trị tại VSKTT - giai đoạn 2006 - 2010, ra viện cách thời điểm nghiên cứu ít nhất 1 năm, hiện cư trú tại các quận nội thành Hà Nội. Thời gian nghiên cứu: 04 - 08/2011.

Kết quả và kết luận: 62,8% đối tượng nghiên cứu đã tái nghiện rượu trong thời gian 12 tháng sau điều trị tại VSKTT, tỷ lệ tái nghiện cao nhất trong 3 tháng đầu sau điều trị (42,9 %). Trong nhóm đối tượng tái nghiện rượu, phần lớn có số lần cai nghiện từ 4 lần trở lên (51,9%); lượng rượu uống trung bình trong ngày, tính theo đơn vị rượu chuẩn: 15,01±13,54; rượu trắng 30-400 là loại rượu sử dụng phổ biến nhất. Lý do tái nghiện rượu chủ yếu là thèm nhớ (61,9%). 74,1% đối tượng tái nghiện rượu hút thuốc lá thường xuyên. Rối loạn trầm cảm làm tăng tỷ lệ tái nghiện rượu. Việc điều trị chống tái nghiện rượu chưa được hướng dẫn và chưa có hệ thống , hiệu quả điều trị chống tái nghiện chưa cao.


I. Đặt vấn đề


Lạm dụng và nghiện rượu làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, tai nạn thương tích và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội. Theo Tổ chức Y tế Thế giới năm ( 2005) lạm dụng rượu chiếm 4% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Chi phí để giải quyết các hậu quả do rượu gây ra  ở Anh và Nhật Bản chiếm khoảng 6 tỷ USD/năm, ở Mỹ con số này là 190 tỷ USD/năm. Ở Việt Nam chi phí cho rượu hàng năm vào khoảng 6.000 tỷ đồng .

Mặc dù trong những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã có các chương trình tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng rượu cũng như áp dụng nhiều biện pháp điều trị cai nghiện và chống tái nghiện nhưng tỉ lệ lạm dụng và nghiện rượu vẫn tiếp tục gia tăng . Một phần do số người mới nghiện  tăng lên nhưng mặt khác do số người sau khi đã cai rượu, vì lí do nào đó quay trở lại sử dụng ở nhiều mức độ khác nhau. Một số nghiên cứu trên thế giới đã đề cập đến vấn đề tái nghiện rượu sau cai và đều thấy rằng phần lớn những người nghiện rượu tái nghiện trong vòng sáu tháng. Việc tái nghiện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nhưng các tác giả thường đề cập đến bốn nhóm  chính: yếu tố sinh học, các đặc điểm tâm lý cá nhân, ảnh hưởng của gia đình, xã hội và vấn đề điều trị dự phòng chống tái nghiện rượu.

Ở Việt Nam đến nay chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu sâu về vấn đề tái nghiện rượu ở những người đã được cai nghiện tại cơ sở y tế. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mô tả thực trạng tái nghiện trên những bệnh nhân nghiện rượu đã điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần giai đoạn 2006 - 2010 và phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến việc tái nghiện rượu ở những bệnh nhân trên.


II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu


Đối tượng nghiên cứu: Các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu, thỏa mãn tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện rượu theo ICD-10F, đã được điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2006 - 2010, ra viện cách thời điểm nghiên cứu ít nhất 1 năm, hiện cư trú tại các quận nội thành Hà Nội. Thời gian nghiên cứu: 04 - 08/2011.

- Phương pháp nghiên cứu:

+ Nghiên cứu mô tả những bệnh nhân nghiện rượu đã điều trị tại Viện SKTT.

+ Phương pháp thu thập số liệu: Nghiên cứu bệnh án các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu đã được điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần từ năm 2006 đến 2010 lưu tại phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai, lựa chọn những bệnh nhân thỏa mãn tiêu chuẩn lựa chọn, từ địa chỉ và số điện thoại ghi trong hồ sơ bệnh án liên hệ trước với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để hẹn phỏng vấn trực tiếp. Hướng dẫn bệnh nhân làm trắc nghiệm tâm lý: test Beck, test Zung.

+ Số liệu thu thập được phân tích và xử bằng phần mềm SPSS 16.0.


III. Kết quả


Trong giai đoạn 2006 - 2010, Viện Sức khỏe Tâm thần có 95 bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu, thỏa mãn tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện rượu theo ICD-10F, ra viện cách thời điểm nghiên cứu ít nhất 1 năm, hiện cư trú tại các quận nội thành Hà Nội. Sau khi tiến hành thu thập số liệu, chúng tôi thấy có 32 bệnh nhân không liên lạc được (do địa chỉ và số điện thoại lưu trong hồ sơ bệnh án không chính xác), 5 bệnh nhân hiện không ở Hà Nội, 6 bệnh nhân không hợp tác, 2 bệnh nhân đang đi trại cai nghiện Heroin, 7 bệnh nhân đã mất và chỉ có 43 bệnh nhân được lấy vào mẫu nghiên cứu.


1. Thực trạng tái nghiện rượu

Tỉ lệ tái  nghiện rượu: Số đối tượng tái nghiện rượu là 27/43, chiếm tỷ lệ cao 62,8%.

Loại rượu thường sử dụng và lượng rượu uống trung bình/ngày ở nhóm tái nghiện

Bảng 1: Loại rượu bia thường sử dụng và lượng rượu uống trung bình/ngày

Loại rượu bia thường sử dụng

Tái nghiện

 
 

Số lượng

Tỉ lệ %

Rượu 40 độ

13

48,2

Rượu 30 độ

12

44,4

Rượu vang, sâm banh 20 độ

1

3,7

Rượu vang, sâm banh 13 độ

5

18,5

Bia lon 4 - 5 độ

0

0

Bia hơi dưới 3 độ

9

33,3

Khác

1

3,7

Lượng rượu trung bình/ngày (đơn vị rượu chuẩn) *±SD: 15,01 ± 13,54  

- Loại rượu các đối tượng tái nghiện thường sử dụng nhất là rượu trắng 30-400

- Lượng rượu uống trung bình trong ngày rất cao: 15,01 ± 13,54

Sử dụng chất gây nghiện kết hợp

Bảng 2. Sử dụng chất gây nghiện kết hợp

Chất gây nghiện

Tái nghiện

 
 

Số lượng

Tỉ lệ %

Thuốc lá

20

74,1

Chất khác

0

0

Không sử dụng

7

25,9

Tổng

27

100

- Chất gây nghiện duy nhất được sử dụng kết hợp ở những đối tượng nghiên cứu tái nghiện rượu là thuốc lá, chiếm 74,1%.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến tái  nghiện rượu

Bảng 3.  Mối liên quan giữa số lần cai nghiện rượu và tái nghiện rượu

Số lần cai

nghiện rượu

Tái nghiện

Chưa tái nghiện

p

   
 

n

%

n

%

 

1 lần

8

29,6

11

68,8

< 0,05

2 lần

3

11,1

3

18,8

 

3 lần

2

7,4

1

6,2

 

≥ 4 lần

14

51,9

1

6,2

 

- Nhóm tái nghiện có số lần cai nghiện rượu từ 4 lần trở lên cao hơn đáng kể so với nhóm chưa tái nghiện, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, với p < 0,05.

Bảng 4.  Mối liên quan giữa sang chấn tâm lý, cảm giác thèm nhớ và tái nghiện rượu

Biến số

Tái nghiện

Chưa tái nghiện

p

     
 

n

%

n

%

   

SCTL

10

37

1

6,3

< 0,05

 

Không

17

63

15

93,7

 

Cảm giác thèm nhớ

20

74,1

6

37,5

< 0,05

 

Không

7

25,9

10

62,5

 

- Tỷ lệ gặp sang chấn tâm lý ở nhóm tái nghiện cao hơn rõ rệt so với nhóm chưa tái nghiện, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

- Tỷ lệ xuất hiện cảm giác thèm nhớ ở nhóm đối tượng tái nghiện rượu cao hơn rõ rệt so với nhóm đối tượng chưa tái nghiện, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Bảng 5.  Mối liên quan giữa rối loạn tâm thần phối hợp và tái nghiện rượu

Rối loạn tâm thần

Tái nghiện

Chưa tái nghiện

p

     
 

n

%

n

%

   

Rối loạn trầm cảm

Không

16

59,3

15

93,8

< 0,05

 

Nhẹ

5

18,5

1

6,2

 
 

Vừa

6

22,2

0

0

 
 

Nặng

0

0

0

0

 

 - Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về rối loạn trầm cảm giữa nhóm tái nghiện và nhóm chưa tái nghiện rượu, với p < 0,05. Tỷ lệ rối loạn trầm cảm mức độ nhẹ và vừa gặp nhiều hơn rõ rệt ở nhóm đối tượng đã tái nghiện so với nhóm chưa tái nghiện.

Bảng 6 .  Mối liên quan giữa điều trị dự phòng chống tái nghiện và tái nghiện rượu

Biến số

Tái nghiện

Chưa tái nghiện

p

   
 

n

%

n

%

 

Có điều trị

13

48,2

2

12,5

< 0,05

Không điều trị

14

51,8

14

87,5

 

- Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về việc điều trị chống tái nghiện rượu giữa hai nhóm đối tượng, p < 0,05. Tỷ lệ có điều trị ở nhóm tái nghiện cao hơn nhóm chưa tái nghiện.


IV. Bàn luận


1. Thực trạng tái nghiện rượu

- Khi đánh giá tình hình tái nghiện rượu ở 43 đối tượng nghiên cứu trong thời gian 12 tháng sau khi điều trị tại VSKTT gần thời điểm nghiên cứu nhất, có 62,8% đối tượng tái nghiện rượu. Kết quả này tương tự một số nghiên cứu trên thế giới như Miller và cộng sự (2001), Bradizza và cộng sự (2006), Walitzer và Dearing (2006) [3], [10]. Như vậy, tỷ lệ tái nghiện rượu nhìn chung vẫn ở mức tương đối cao, điều này chứng tỏ vấn đề duy trì, kéo dài khoảng thời gian không sử dụng rượu sau khi đã cai nghiện vẫn là mục tiêu hết sức khó khăn trong kế hoạch điều trị chống tái nghiện rượu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tỷ lệ tái nghiện rượu cao nhất trong khoảng dưới 3 tháng đầu sau khi cai nghiện rượu, chiếm khoảng 41,9%, sau đó giảm dần theo thời gian. Kết quả của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của Domingos Neto và cộng sự (2008) [6]. Điều này đòi hỏi cần có các biện pháp điều trị dự phòng tái nghiện tích cực cho các đối tượng nghiện rượu ngay sau khi cai nghiện.

- Số lần cai nghiện rượu ở nhóm đối tượng tái nghiện rượu: 51,9% đối tượng đã cai nghiện rượu từ 4 lần trở lên, chiếm tỷ lệ cao nhất. Như vậy, nhiều đối tượng nghiện rượu đã cai nghiện và sau đó lại tái sử dụng rượu nhiều lần, chứng tỏ rượu là một chất gây nghiện rất khó từ bỏ, dễ gây tái nghiện trở lại.

Lượng rượu uống trung bình trong ngày của các đối tượng nghiên cứu tái nghiện rượu, tính theo đơn vị rượu chuẩn là 15,01±13,54. Đây là một vấn đề đáng báo động đối với việc nghiện rượu và tái nghiện rượu ở nước ta hiện nay do mức độ tiêu thụ rượu của các đối tượng là rất cao, vượt quá nhiều so với mức sử dụng rượu an toàn đối với sức khỏe, do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là không quá 3 đơn vị rượu chuẩn/ngày đối với nam và không quá 2 đơn vị rượu chuẩn/ngày đối với nữ.

- Loại rượu bia các đối tượng tái nghiện thường sử dụng không thay đổi trước và sau khi tái nghiện, phổ biến nhất vẫn là rượu trắng 30-400. Kết quả này không khác biệt so với nhiều nghiên cứu khác ở trong nước như nghiên cứu của Hoàng Thị Phượng (2009) [1]. Trên thị trường Việt Nam hiện nay, rượu trắng bao gồm rượu do tư nhân tự nấu và do nhà máy sản xuất, trong đó chủ yếu là loại rượu tự nấu với giá thành rẻ, sẵn có ở mọi nơi, mọi lúc, nên người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn. Tuy nhiên, rượu trắng tự cất thường không đảm bảo các yêu cầu an toàn thực phẩm, có hàm lượng aldehyde cao, hầu hết đều dựa vào kinh nghiệm cá nhân của người chủ sản xuất. Hơn nữa, việc thiếu kiến thức và ý thức chấp hành luật pháp, vì lợi nhuận mà sản xuất rượu giả, rượu không bảo đảm chất lượng, đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân và sức khoẻ cộng đồng.

- Chúng tôi nhận thấy rằng có rất nhiều lý do mà những người tái nghiện rượu đưa ra để giải thích cho việc tái sử dụng rượu thường xuyên của mình, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là do thèm nhớ (61,9%). Cũng vì lý do này mà trên thế giới đã có nhiều phương pháp điều trị duy trì, chống tái nghiện rượu bằng cách tác động làm mất cảm giác thèm nhớ, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

- Chất gây nghiện duy nhất được sử dụng kết hợp ở những người hiện đã tái nghiện rượu trong nghiên cứu của chúng tôi là thuốc lá. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đồng với nhiều nghiên cứu khác trên thế giới, nó phản ánh tính chất đa nghiện ở những đối tượng nghiện rượu.


2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tái nghiện rượu

- Những đối tượng tái nghiện có số lần cai nghiện rượu càng nhiều thì khả năng tái nghiện càng cao. Thực tế nhiều đối tượng nghiện rượu ngoài những lần nhập viện điều trị các rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng rượu đồng thời cai nghiện rượu, họ cũng có nhiều lần tự cai nghiện tại nhà. Tuy nhiên, phần lớn sẽ quay trở lại sử dụng rượu trong thời gian ngắn, chứng tỏ họ chưa tiếp cận được với những phương pháp điều trị chống tái nghiện hiệu quả.

- Tỷ lệ gặp sang chấn tâm lý ở nhóm tái nghiện cao hơn nhóm chưa tái nghiện. Điều này chứng tỏ các sang chấn tâm lý có ảnh hưởng đến việc tái nghiện rượu. Kết quả trên cũng phù hợp với nghiên cứu của Brown, S. A và cộng sự (1995) [4]. Phần lớn những người nghiện rượu sau khi cai nghiện, trở về với gia đình và cộng đồng gặp rất nhiều áp lực tâm lý xã hội. Những lúc đó một số người vẫn xem rượu như cách để giải quyết hay đối phó với các vấn đề khó khăn trong cuộc sống và dễ dàng sử dụng trở lại.

- Tỷ lệ xuất hiện cảm giác thèm nhớ ở nhóm đối tượng tái nghiện rượu cao hơn rõ rệt so với nhóm đối tượng chưa tái nghiện. Việc thèm nhớ rượu mạnh mẽ được nhiều tác giả nghiên cứu xem như một trong những yếu tố tiên lượng tái nghiện rượu [2], [8].

- Tỷ lệ rối loạn trầm cảm mức độ nhẹ và vừa gặp nhiều hơn rõ rệt ở nhóm đối tượng đã tái nghiện so với nhóm chưa tái nghiện, khi đánh giá các đối tượng ở thời điểm nghiên cứu, dựa trên thang điểm đánh giá trầm cảm của Beck. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Conor K. Farren và Sharon Mc Elroy (2010), Gamble và cộng sự (2010), Hasin và cộng sự (2002) [5], [7], [9]. Chính vì vậy, việc phát hiện, điều trị sớm và đồng thời trầm cảm ở những bệnh nhân nghiện rượu sẽ góp phần làm giảm nguy cơ tái nghiện.

- Trong nghiên cứu của chúng tôi, phương pháp điều trị chống tái nghiện mà một số đối tượng nghiện rượu  áp dụng chỉ là liệu pháp hoá dược không hệ thống .Tỷ lệ có điều trị ở nhóm tái nghiện lại cao hơn nhóm chưa tái nghiện, chứng tỏ hiệu quả điều trị chống tái nghiện chưa cao. Điều này có thể được giải thích là do nhiều bệnh nhân sau khi ra viện chỉ theo đuổi điều trị chống tái nghiện trong một thời gian ngắn hoặc điều trị không thường xuyên, phần lớn không nhớ rõ tên thuốc, không theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc hoặc nhận được phương pháp điều trị chưa phù hợp, trong khi những bệnh nhân chưa tái nghiện có thể do tác động của những yếu tố bảo vệ khác.


V. Kết luận


- 62,8% đối tượng tham gia nghiên cứu đã tái nghiện rượu trong thời gian 12 tháng sau khi điều trị tại VSKTT, tỷ lệ tái nghiện cao nhất trong 3 tháng đầu sau khi điều trị (42,9 %).

- Trong nhóm đối tượng tái nghiện rượu, phần lớn có số lần cai nghiện từ 4 lần trở lên (51,9%); lượng rượu uống trung bình trong ngày, tính theo đơn vị rượu chuẩn: 15,01±13,54; rượu trắng 30-400 là loại rượu sử dụng phổ biến nhất.

- Lý do tái nghiện rượu chủ yếu là thèm nhớ (61,9%).

- Thuốc lá là chất gây nghiện sử dụng kết hợp với rượu duy nhất ở những đối tượng nghiên cứu, trong đó 74,1% đối tượng tái nghiện rượu hút thuốc lá thường xuyên.

- Số lần cai nghiện rượu càng nhiều, các sang chấn tâm lý, cảm giác thèm nhớ rượu và sự xuất hiện đồng thời rối loạn trầm cảm làm tăng tỷ lệ tái nghiện rượu.

- Có mối liên quan giữa vấn đề điều trị chống tái nghiện rượu và việc tái nghiện. Tuy nhiên điều trị chống tái nghiện rượu chưa được hướng dẫn và chưa có hệ thống , hiệu quả điều trị chống tái nghiện chưa cao.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.  Hoàng Thị Phượng (2009), Thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng và tác hại của lạm dụng rượu bia ở một số vùng sinh thái của Việt Nam, Luận án tiến sỹ y tế công cộng, Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, Hà Nội, tr. 29, 31, 59-81.

2. Bottlender Miriam and Soyka Michael (2004), "Impact of craving on alcohol relapse during and 12 months following, outpatient treatment", Alcohol and Alcoholism, Oxford University Press, 39(4), pp. 357-361.

3. Bradizza C. M.; Stasiewicz P. R. and Paas N. D. (2006), "Relapse to alcohol and drug use among individuals diagnosed with co-occurring mental health and substance use disorders: a review", American Clinical Psychology Review, 26, pp. 162-178.

4. Conor K. F. and Sharon Mc. (2010), " Predictive factors for relapse after an integrated inpatient treatment programme for unipolar depressed and bipolar alcoholics", Alcohol and Alcoholism, Oxford University Press, 45(6), pp. 527-533.

5. Domingos Neto; Rita Lambaz et al (2008), "Effectiveness of sequential combined treatment in comparison with treatment as usual in preventing relapse in alcohol dependence", Alcohol and Alcoholism, Oxford University Press, 43(6), pp. 661-668.

6. Gamble S. A.; Conner K. R. et al (2010), "Effects of pretreatment and posttreatment depressive symptoms on alcohol consumption following treatment in project Match", Am J Study Alcohol Drugs, 71, pp. 71-77.

7. Gordon S.M.; Sterling R. et al (2006), "Inpatient desire to drink as a predictor to alcohol use following treatment", Am J Addict, 15, pp. 242-245.

8. Hasin D. S.; Liu X et al (2002), "Effect of major depression on remission and relapse of substance dependence", Arch Gen Psychiatry, 59, pp. 375-380.

9.  Kimberly S. Walitzer; Ronda L. Dearing (2006), "Gender differences in alcohol and substance use relapse", Clinical psychology review 26, pp. 128-148. Research Institute on Addictions/University at Buffalo, 1021 Main St., Buffalo, NY 14203, United States.