Phát hiện 477 lái xe có sử dụng ma túy:
Tài xế nghiện ma túy khi lái xe thấy 'địa ngục'
Cần thường xuyên kiểm tra nước tiểu của lái xe để phát hiện ai nghiện ma túy -Ảnh minh họa
Qua khám 133.785 lái xe cho thấy có 1.521 lái xe không đảm bảo sức khỏe, trong đó phát hiện 477 lái xe có sử dụng ma túy.
“Ma túy tổng hợp có tác dụng kích động, gây khó ngủ. Thực tế hiện nay, nhiều xe chở quá tải, quá trọng, đường sá thì không tốt, tài xế cần phải tính táo, không để buồn ngủ nên sử dụng ma túy tổng hợp để không buồn ngủ, giúp cho việc chạy xe nhanh hơn, đến kịp giờ, có thưởng...”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, giám đốc Công ty TNHH Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, TP.HCM phân tích nguyên nhân khiến nhiều tài xế sử dụng ma túy tổng hợp.
Tài xế trốn kiểm tra nước tiểu
Cũng theo bác sĩ Duy, không chỉ có hàng trăm tài xế sử dụng ma túy như ngành giao thông vận tải vừa phát hiện mà con số này có thể "còn cao hơn nhiều".
Theo bác sĩ Duy, nhiều tài xế nghiện ma túy đã trốn tránh việc thử nước tiểu. Trong khi đó, một người sử dụng ma túy tổng hợp, nếu sau 2 ngày mới thử nước tiểu sẽ không phát hiện được dương tính với ma túy. Hiểu được điều này, nhiều tài xế nghiện ma túy cố tình lẫn tránh, đợi sau 2 ngày xét nghiệm nước tiểu thì sẽ không phát hiện.
“Mới đây một công ty vận tải nhờ tôi kiểm tra nước tiểu tài xế công ty, trong 18 tài xế của công ty này, có 14 tài xế vào kiểm tra nước tiểu âm tính với ma túy, nhưng 4 tài xế lại kiếm cớ đi vắng, kiểm tra lần 2 thì 4 tài xế này lại tiếp tục kiếm cớ đi vắng nữa. Rõ ràng 4 tài xế này có khả năng sử dụng ma túy, cần phải loại bỏ, không cho tiếp tục lái xe nữa”, bác sĩ Duy cho biết.
Bên cạnh đó, cũng theo bác sĩ Duy, số bệnh nhân nghiện ma túy tổng hợp đến điều trị cơ sở điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa từ năm 2005 đến 2011, mỗi năm đều tăng theo cấp số nhân, nhưng đến năm 2012 và 2013 thì con số đến cai nghiện không tăng.
Trong khi đó, số người nghiện ma túy tổng hợp nặng, phải đưa đến bệnh viện tâm thần điều trị trong năm 2013 lại tăng gấp đôi năm 2012. Nếu năm 2012 chỉ có 67 trường hợp nặng đưa đi điều trị tại bệnh việm tâm thần thì năm 2013 lại có đến 121 trường hợp.
Khi nghiện ma túy, nếu lái xe bị kích động, phóng xe rất nhanh, không làm chủ bản thân - (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
“Điều đó có nghĩa rằng, số người nghiện ma túy ở bên ngoài xã hội không được đưa vào cai nghiện là khá lớn để đến khi nặng, bệnh nhân quấy phá thì mới đưa vào cai nghiện.
Do đó, số lượng người nghiện ma túy tổng hợp đang nhởn nhơ và tham gia nhiều hoạt động bên ngoài xã hội có thể là rất cao, trong đó có nghề tài xế lái xe”, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy lý giải.
Nhiều tai hại trên cung đường
Theo các bác sĩ cai nghiện ma túy, người nghiện ma túy là một người rối loạn, xuống cấp một phần nhận thức, hành vi và nhân cách, chứ không phải toàn bộ, toàn diện nên vẫn còn một phần thức tỉnh trong con người.
Do đó, trong điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, những phần còn thức tỉnh đó vươn lên, khống chế lại những phần rối loạn thì họ vẫn bình thường; nhưng khi điều kiện này mất đi, những điều xấu vươn lên, lúc đó sẽ có những hành động bất thường.
Vì thế người nghiện ma túy vẫn có những lúc sáng suốt để xử lý tình huống trên đường, nhưng nếu điều kiện hoàn cảnh mất như: đường vắng, không có cảnh sát giao thông… thì những điều xấu sẽ vươn lên, khi đó sẽ rất nguy hiểm.
“Khi ma túy tổng hợp vào cơ thể khiến con người bị kích động dữ dội, mất sự làm chủ của chính mình, sự nhận thức, phân tích của bản thân không còn nữa, bị rối loạn, xuống cấp rất nhanh. Nếu sử dụng ma túy tổng hợp kép dài sẽ dẫn đến bị ảo thanh, ảo giác, hoang tưởng, tâm thần… Khi đó, nếu lái xe sẽ bị kích động, phóng xe rất nhanh, không làm chủ bản thân”, bác sĩ Duy cho biết.
Cũng theo bác sĩ Duy, hiện nay còn có một bộ phận tài xế tắc-xi sử dụng cần sa để giải sầu lúc chờ đợi khách. Khi sử dụng cần sa, người sử dụng có cảm giác khoan khoái, vui vẻ hòa nhã với mọi người.
Tuy nhiên, nếu như tài xế xe sử dụng ma túy tổng hợp bị kích động, không làm chủ mình, phóng nhanh, vượt ẩu thì người tài xế sử dụng cần sa sẽ không có sự chính xác trong lái xe do hoang tưởng, xuất hiện những cơn hoảng loạn, thấy thiên đường và địa ngục.
Phải kiểm tra nước tiểu thường xuyên
Để giải quyết vấn đề này, theo bác sĩ Duy không chỉ giáo dục đơn thuần mà phải thử nước tiểu một cách thường xuyên.
“Các đơn vị sử dụng tài xế phải kiểm, tra thử nước tiểu tài xế của mình, nếu không tài xế gây tai nạn phải bỏ tiền để đền; còn ngành giao thông vận tải phải kiểm tra đột xuất.
Riêng đối với lực lượng cảnh sát giao thông, tôi nghĩ không chỉ xử phạt những hành vi phạm lỗi đơn thuần của tài xế mà phải thực hiện kiểm tra nước tiểu để phát hiện tài xế có sử dụng ma túy hay không để có tình tiết xử lý nặng.
Nếu lực lượng cảnh sát giao thông không làm được thì có thể đưa tài xế đến các cơ sơ y tế để kiểm tra nước tiểu”, bác sĩ Duy kiến nghị.
Nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra-Ảnh minh họa
Với hành khách, để có thể phát hiện tài xế có nguy cơ sử dụng ma túy hay không nên để ý những tính cách của họ. Thường những tài xế sử dụng ma túy thường nói nhanh, nói nhiều, hay lăng xăng, nhưng đôi lúc lại nóng tính cau có, không thấy buồn ngủ...
Thế nhưng, nhiều hành khách lại nghĩ rằng, những tài xế lăng xăng, lít xít, nói nhiều là vui tính, dễ chịu…
Phát hiện 477 lái xe có sử dụng ma túy
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tính đến nay cả nước đã có 59 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Cục Y tế GTVT báo cáo kết quả thực hiện việc tăng cường công tác khám sức khỏe, quản lý sức khỏe đối với lái xe kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Qua đó, có 133.785 lái xe được khám, 1.521 lái xe không đảm bảo sức khỏe, trong đó phát hiện 477 lái xe có sử dụng ma túy. Riêng báo cáo của Cục Y tế GTVT, trong số 6.953 người được khám đã phát hiện 95 lái xe bị rối loạn sắc giác.
Hồ Quang