Cuộc chiến chống “cái chết trắng” của 1 cựu điệp báo viên

23 August, 2022

Cuộc chiến chống "cái chết trắng" của 1 cựu điệp báo viên

Cuộc chiến chống "cái chết trắng" của 1 cựu điệp báo viên

Bước qua tuổi 65, mái tóc trắng như cước, nụ cười hiền hậu, giọng nói trầm ấm, chẳng ai nghĩ ông già bình dị này lại đang điều hành một trung tâm cai nghiện tư nhân, mỗi năm điều trị cho cả 1.000 lượt người nghiện.


Hôm nay, ông tự tin nói rằng, điều trị nghiện heroin bây giờ có phác đồ điều trị rất hiệu quả. Nhưng với ma tuý tổng hợp thì việc cai nghiện vẫn còn để ngỏ.Những phận người bị đầy ải bởi ảo giác vẫn ngày một nhiều hơn, nếu không kịp thời giác ngộ và cứu vớt, họ sẽ bị chính những mộng mị, mơ ảo của loại ma tuý này đẩy ra khỏi xã hội.


Cựu chiến sỹ điệp báo Khánh Duy.


Người cán bộ Công an từng hoạt động trong lòng địch


Tôi có thiện cảm đặc biệt với ông ngay lần gặp gỡ đầu tiên. Cứ mỗi lần ông đi hội họp (mà các cuộc họp đều liên quan đến ma tuý, HIV/AIDS) ở Hà Nội, tôi lại được diện kiến ông. Câu chuyện của chúng tôi bao giờ cũng xoay quanh ma tuý, người nghiện và cai nghiện. Đây cũng là chủ đề mà ông nói một cách say mê, nói như rút ruột, rút gan. Thế mới biết, khi đặt chân vào lãnh địa này, ông lại trót thêm một lần đam mê.


Tôi đùa mà bảo ông rằng, chắc đây là đam mê cuối cùng của chú. Ông nghe vậy chỉ cười mủm mỉm bảo rằng, có thể như vậy. Thời gian đối với người đã bước qua tuổi 65 như ông đâu còn nhiều. Đi hết niềm đam mê cuối cùng, giải quyết được phần nào vấn nạn làm cả xã hội điên đầu, gầy dựng lại sự ấm êm của những gia đình đang bị phá nát bởi ma tuý, là thách thức nhưng cũng đầy vinh quang.


Bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Duy từng bước qua những thách thức mà nếu không can trường, ông đã gục ngã. Năm 1966, khi đang là sinh viên Y khoa ở Sài Gòn, ông tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên yêu nước. Năm  1971, ông tham gia An ninh vũ trang, rồi làm cụm phó cụm điệp báo A10 Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định. Theo lệnh tổ chức, ông gia nhập hàng ngũ địch, làm bác sỹ thuỷ quân lục chiến. Cái mác bác sỹ Thuỷ quân lục chiến mà ông mang lúc đó cũng oai, oách vô cùng. Với tài năng, sự khéo léo của mình, ông được địch phong quân hàm Đại uý, lại được gắn Anh dũng bội tinh và được ca ngợi là anh hùng quân y thủy quân lục chiến.


Mùa xuân năm 1975, khi đất nước được giải phóng, người ta lại thấy ông cùng sỹ quan ngụy đi cải tạo. Tại sao lại đi cải tạo? Hoạt động điệp báo khiến người chiến sỹ phải làm việc, cống hiến với vỏ bọc khác.


Hơn 6 tháng đi cải tạo, ông được bố trí về công tác ở bộ phận Bảo vệ chính trị thuộc Ban An ninh nội chính TP Hồ Chí Minh, sau đó ông chuyển về phụ trách y tế Trại giam Chí Hoà. Năm 1983 ông lại chuyển về Phòng An ninh - Văn hóa tư tưởng (PA25) phụ trách lĩnh vực y tế, xã hội, giáo dục, bảo vệ cơ quan Dân Chính Đảng.



Bước vào cuộc chiến mới


Những tưởng cuộc đời thăng trầm của một điệp báo sẽ khiến ông an hưởng tuổi già sau khi hết thời gian phục vụ cho lực lượng Công an, thế nhưng ông lại làm điều ngược lại. Ông đã cùng với cựu chiến binh từng là quân nhân, sỹ quan Công an - Bộ đội xây dựng trung tâm cai nghiện tư nhân.


Tôi hỏi ông, tại sao ông lại dấn thân vào công việc gai góc này thì ông cười. Ông bảo rằng, do công việc, ông thường xuyên tiếp xúc với phạm nhân mà trong số này có không ít người nghiện ma tuý. Nghiện ma tuý dẫn đến phạm tội và vào tù là ranh giới rất mong manh. Để không tái phạm, việc cai nghiện ma tuý là cần thiết. Những người cựu binh từng tham gia chiến trường, từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, họ sẽ có đủ can trường để tham gia vào lĩnh vực nhiều gai góc này. Và ông đã cùng họ dùng bìa đỏ thửa đất đang ở đem thế chấp ngân hàng để vay vốn, để lập dự án xây dựng Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma tuý Thanh Đa (gọi tắt là Trung tâm Thanh Đa). May mắn là thành phố đã chấp nhận cho các cựu chiến binh tham gia cuộc chiến chống cái chết trắng.


Những ngày đầu tiên, các ông đã gầy dựng để có một trung tâm cai nghiện ma tuý mà khi vào đây, người nghiện không có cảm giác bị thúc ép. Kiên trì theo đuổi mục tiêu, đến nay Trung tâm Thanh Đa như một khu nghỉ dưỡng sinh thái với cây xanh, hồ nước mát lành. Lạ hơn nữa là trong phác đồ cai nghiện còn có mục vui chơi, giải trí. Đơn cử như ở khoa Chống tái nghiện, ngoài văn phòng, phòng tư vấn, phòng tiếp nhận, xét nghiệm còn có câu lạc bộ nằm trong khuôn viên 350m2. Tại đây có phòng karaoke, máy chơi games, bóng bàn, bi-a, phòng chiếu phim... Giải trí là cách giúp người nghiện giải toả những cơn stress kéo dài, là cách phục hồi đời sống tinh thần vốn bị những cơn mê của ma tuý đánh mất.


Ông say sưa nói với tôi về liệu pháp đối kháng đang sử dụng trong cai nghiện ma tuý. Theo ông, đây là biện pháp ưu việt nhất hiện nay trong cai nghiện. Naltrexone được tác giả Martin (Mỹ) nghiên cứu thành công năm 1974. Cũng năm này, Martin công bố kết quả bước đầu của liệu pháp Naltrexone để loại trừ cảm giác thèm các loại thuốc phiện. Qua nhiều nghiên cứu, một số nước đã sử dụng liệu pháp Naltraxone. Tại nước ta từ tháng 2/2002, Viện Sức khoẻ tâm thần đã tiến hành nghiên cứu chống tái nghiện các dạng thuốc phiện đối với Naltraxone.


Theo nghiên cứu này, bệnh nhân uống thuốc 3 lần/tuần kết hợp tư vấn, can thiệp gia đình và liệu pháp nhận thức hành vi trong thời gian 6 tháng đối với 46 bệnh nhân nghiện các loại thuốc phiện đã cắt cơn. Kết quả cho thấy tỷ lệ bỏ điều trị sau 1 tháng là 8,16%, sau 3 tháng là 14,28%, sau 6 tháng là 36,7%. Các hành vi nguy cơ cao như tiêm chích các dạng thuốc phiện, quan hệ tình dục không an toàn ngừng hẳn trong suốt quá trình điều trị. Các tác dụng không mong muốn đều thấp.


Bản thân bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Duy cùng các cộng sự ở Trung tâm Thanh Đa đã triển khai điều trị bằng thuốc Naltrexone cho hơn 400 học viên từ tháng 7/2008. Tỷ lệ bỏ điều trị sau 18 tháng là 25,45%.


Theo bác sỹ Khánh Duy, Naltrexone là chất đối kháng với nhóm Opiats được sử dụng để loại trừ cảm giác thèm ma tuý ở nhóm các đối tượng đã cai nghiện ma tuý nhóm Opiats. Khi đang dùng Naltrexone, nếu người nghiện sử dụng lại các chất ma tuý thuộc nhóm Opiats sẽ có thể có nguy cơ ngộ độc do mất khẳng năng dung nạp. Chính vì thế, việc tuân thủ quy định trong khi sử dụng Naltrexone là tối quan trọng.


Hiện nay, việc điều trị cai nghiện bằng Naltrexone được Trung tâm Thanh Đa thực hiện theo nguyên tắc, điều trị nội trú một thời gian nhất định. Đây là thời gian bắt buộc để phục hồi thể chất, nhân cách. Khi trở về cộng đồng, để không tái sử dụng ma tuý, học viên được tiếp tục uống thuốc Naltrexone ít nhất một năm, kết hợp với các kỹ năng tư vấn, liệu pháp tâm lý, liệu pháp giáo dục và các liệu pháp xã hội khác. Cũng theo bác sỹ Khánh Duy, uống thuốc chỉ là biện pháp hỗ trợ, nếu không kết hợp với các liệu pháp khác thì hiệu quả chống tái nghiện sẽ không cao. Thế mới biết trong điều trị cai nghiện ma tuý, có thuốc điều trị không phải là tất cả. Người cai nghiện ma tuý cần được hỗ trợ các liệu pháp khác để điều chỉnh, phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách. Giải quyết những vướng mắc nội tâm, bối cảnh phức tạp, đa phương diện của cá nhân, gia đình, xã hội.


Điều gì báo hiệu nguy cơ tái nghiện? Theo bác sỹ Khánh Duy, dấu hiệu nhận biết dễ thấy là sự sa ngã. Một bệnh nhân ra khỏi trung tâm cai nghiện dễ bị sa ngã. Có thể, đó là do tính chất ngẫu hứng, muốn thử lại xem sao. Khi cảm giác thèm thuốc, những suy nghĩ đấu tranh nội tâm của bệnh nhân khởi phát. Nếu bệnh nhân đầu hàng, hành vi tái nghiện sẽ xảy ra. Thế nên, phải đặt ra việc phòng chống tái nghiện. Đây là vấn đề rất khó khăn, phức tạp dễ khiến người ta đầu hàng. Thế nhưng khi đã đặt ra mục đích rồi thì cứ đi theo hướng đã định, người nghiện sẽ thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn này.


Nói như bác sĩ Khánh Duy, cai nghiện đã khó, chống tái nghiện còn khó hơn, dù khó vẫn có thể làm được. Ông nêu vấn đề, sử dụng thuốc Naltrexone để bệnh nhân mất dần cảm giác thèm và nhớ ma tuý, song vẫn cần trang bị cho họ kỹ năng vượt qua cảm giác thèm thuốc, ví dụ bỏ qua không chú ý đến cảm giác bản thân, giữ tâm hồn vững vàng, luyện tập hô hấp hít thở sâu đều đặn bằng ý chí, các phương pháp thiền kết hợp với kỹ năng tư vấn, liệu pháp tâm lý, liệu pháp giáo dục. Tạo điều kiện cho người nghiện tham gia vui chơi, giải trí hoặc làm những công việc hữu ích như giúp đỡ bạn nghiện, sống cuộc sống điều độ. Chuẩn bị tinh thần đối phó với tình huống có thể bị sa ngã khi có thời gian đi nghỉ phép, thấy có ma tuý trong tầm tay...


Nghiện ma tuý là bệnh mạn tính có đặc điểm dễ tái nghiện sau khi cai nên điều trị phải là một quá trình dài, bao gồm những biện pháp đa dạng và sự nỗ lực tối đa, ngay cả khi bệnh nhân đã trở về tái hoà nhập cộng đồng, đây là những kinh nghiệm sau nhiều năm điều trị cho hàng nghìn lượt người nghiện của bác sĩ Khánh Duy. Nó cũng phản ảnh một thực tế, thành công của người nghiện phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Bằng tâm huyết của mình, bác sĩ Khánh Duy vẫn tiếp tục trên hành trình đầy chông gai với bản lĩnh của một chiến sỹ điệp báo không bao giờ chịu đầu hàng


Vĩnh Nghi