Thành phố Hồ Chí Minh: Khó khăn trong việc xử lý người nghiện có hộ khẩu
(CATP) Ngày 26-1, chúng tôi tới nhà Trần Thiên Thư (SN 1972, ngụ P.Phước Bình, quận 9) khi anh vừa được đưa lên Trung tâm cai nghiện Bình Triệu theo diện Nghị định 221 (NĐ 221 ban hành ngày 30-12-2013, quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc - PV). Tóc bạc như cước, bà Vũ Thị Nhâm (SN 1931) và chồng là ông Trần Văn Chế (SN 1932, quê quán Hà Nội) cho biết rất ủng hộ chủ trương đưa đối tượng nghiện đi cai, dù trong lòng ông bà rất thương con.
Vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1954, vợ chồng bà Nhâm có tất thảy mười người con. Thư là con trai út. Học đến lớp 11, bỏ ngoài tai bao lời khuyên của gia đình, Thư nghỉ học sống lêu lổng ngoài xã hội. Thỉnh thoảng, Thư mới mò về dù căn nhà này có ba thế hệ đang chung sống trong hạnh phúc.
Đến tháng 9-2014, Thư được đưa đi cai nghiện tại Trung tâm Bố Lá (Bình Dương). Mới đây, Thư được về nhà trong hạnh phúc của cả gia đình. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Thư có sinh hoạt không bình thường. Anh ta ngửa tay xin mẹ vài trăm nghìn đồng để “ra ngoài có tí việc cùng bạn bè”, thương con, người mẹ cho ít tiền. Khi trở về, Thư chui vào nhà vệ sinh rồi ngủ li bì. Sau đó, gia đình phát hiện kim tiêm trong thùng rác và hốt hoảng khi biết Thư nghiện lại. Bà Nhâm liền báo cho trung úy Trần Minh Hiếu - Cảnh sát khu vực lập hồ sơ đưa đi cai nghiện. Khi công an phường (CAP) đến, Thư trốn trong nhà. Trước sự động viên của người thân, Thư mới “khăn gói” ra đi lần nữa.
Mẹ anh Thư kể lại chuyện nghiện của con Mấy hôm nay, Thư gọi điện về xin lỗi gia đình. Anh ta không hiểu rằng, cai nghiện chưa bao giờ là muộn. Bà Nhâm động viên: “Con mới 42 - 43 tuổi, vẫn còn cơ hội làm người tốt và trở lại cuộc sống con à. Con cố gắng cai nghiện tốt. Má và các em sẽ vào thăm con!”. Ngày 29-1, tòa án ra quyết định đối với Thư tại Trung tâm Bình Triệu. Hy vọng Thư đọc được bài báo này. Anh còn có gia đình, có mẹ, các anh chị em đang đợi anh về... Không thuận lợi như trường hợp gia đình tự nguyện đưa anh Thư vào trung tâm cai nghiện, một số gia đình thiếu ý thức vẫn ra sức níu kéo con cái ở tại nhà. Hiện nhiều địa phương rất băn khoăn vì đang chờ hướng dẫn đưa người nghiện có nơi cư trú vào trung tâm. Thiếu tá Nguyễn Linh Đông - Trưởng CAP Phước Bình (quận 9) cho biết: thực hiện chỉ đạo của cấp trên, CAP đã kiểm tra 29 đối tượng, 11 người dương tính, xử lí theo các nghị định và chuyển đi địa bàn khác sáu trường hợp, chuyển đi theo diện lang thang năm người. Đối với đối tượng lang thang, khai có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, CAP phải xác minh qua điện thoại rồi chờ văn bản trả lời, nhưng thời gian rất chậm, nhất là các tỉnh phía Bắc. Đối với diện có hộ khẩu, đối tượng được tự cai tại nhà trong ba tháng đầu tiên. Sau ba tháng, họ sẽ được kiểm tra lại. Nếu tiếp tục dương tính thì mới đưa đi cai. Tuy nhiên, theo thiếu tá Đông, thời hạn này là quá nhiều, nên chăng thời gian thử thách tại địa phương rút ngắn còn một tháng vì đó là hiểm họa. Các đối tượng này sẽ lôi kéo các thành phần xung quanh xấu đi. Trung tá Nguyễn Văn Thủy - Trưởng Công an P9Q.Phú Nhuận chia sẻ, khi thực hiện theo Nghị định 221 còn rất nhiều vướng mắc, phải đợi hướng dẫn từ cấp trên. Trước đây, khi phát hiện đối tượng nghiện, thử dương tính với ma túy thì đưa ngay vào trung tâm cai nghiện. Hiện nay theo Nghị định 221, thời gian từ lúc cơ quan công an lập hồ sơ đến khi đưa vào trung tâm cai nghiện phải mất từ 30 đến 72 ngày, chưa kể một số trường hợp gặp trở ngại phải gửi hồ sơ ngược trở lại sẽ kéo dài hơn nữa. Trước đây, khi công an test dương tính với ma túy thì đưa vào trung tâm cai nghịên, nhưng Nghị định 221 lại quy định giao cho ngành y tế thẩm định.Dạy nghề cho học viên cai nghiện Aãnh: CTV Với đối tượng có nơi cư trú ổn định giao cho gia đình quản lý, trong thời gian các cơ quan chức năng lập hồ sơ, y tế xác định dương tính với ma túy, mời đối tượng và gia đình lên đọc lại hồ sơ và sau đó đến công đoạn tòa chuẩn bị xét xử. Tuy nhiên, khi tòa án đưa ra xét xử, đối tượng lại vắng mặt thì xử ai? Một cán bộ phụ trách khối lao động xã hội của UBND P.Nguyễn Cư Trinh (quận 1) cũng chung “tâm sự” như vậy khi giải quyết các tình trạng con nghiện có hộ khẩu tại địa phương. Bà Vũ Tố Quyên - Chủ tịch UBND P10Q3 cho biết: toàn phường có hơn 20 trường hợp không có nơi cư trú đã được đưa đi cai nghiện tập trung trong “chiến dịch” vừa qua, nhưng cũng thật khó để “chăm sóc” đối tượng nghiện có hộ khẩu tại địa phương. Số người nghiện tại TPHCM hiện nay là hơn 19.000, tăng hơn 7.000 so với cuối năm 2013. Trong đó, hơn 60% đến từ các địa phương khác và không có địa chỉ quản lý. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy không nơi cư trú vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong thời gian ngắn, cơ sở xã hội Bình Triệu và Nhị Xuân (TPHCM) đã tiếp nhận các đối tượng này để cắt cơn, tư vấn tâm lý, hỗ trợ, giúp đỡ họ tránh xa nguồn cung cấp ma túy lập tức. Tính đến tháng 8-2014, 185.000 người nghiện ma túy trên cả nước có hồ sơ quản lý; số người nghiện ma túy tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng chậm, trong đó số người nghiện heroin chiếm 74%. Gần 90% các quận, huyện của các tỉnh, thành phố và 60% số xã, phường, thị trấn đều đã có người nghiện ma túy. Hiện, cả nước có 142 trung tâm quản lý và cai nghiện cho 32.000 người. Hầu hết các học viên đều phải chấp hành cai nghiện đủ 24 tháng tại trung tâm. Dù Quốc hội đã thông qua cơ chế cho TP.Hồ Chí Minh “giải quyết” con nghiện vô gia cư, nhưng với đối tượng có hộ khẩu thì vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn. Đứng trước tình hình nan giải này, rất mong cơ quan chức năng sớm ban hành quy chế mới, thông thoáng hơn để đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện sớm ngày nào tốt ngày đó. |
||
AN HÒA |