Tổng quan Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa

18 August, 2022

TỔNG QUAN VỀ TRUNG TÂM

ĐIỀU DƯỠNG VÀ CAI NGHIỆN MA TÚY THANH ĐA

Trung tâm hoạt động từ năm 1999 do các Cựu chiến binh và một số nguyên là cán bộ lãnh đạo ngành Y tế - Giáo dục của TP. Hồ Chí Minh thành lập. Tính đến nay, Trung tâm đã cai nghiện hơn 15.000 lượt học viên.

Trung tâm Thanh Đa là đơn vị cai nghiện tự nguyện đầu tiên của cả nước được bộ lao động Thương binh và Xã hội cấp giấy phép số 01/BLĐTBXH-GPHDCNMT cho phép thực hiện toàn bộ quy trình cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy.

Cơ sở vật chất đầy đủ - Cán bộ điều trị, giáo dục được đào tạo chính quy trong và ngoài nước. Đã tham gia và báo cáo tại nhiều hội nghị trong nước và quốc tế

Chiến lược cai nghiện cụ thể - khoa học. Cán bộ điều trị có trình độ, nhiệt tình.Chương trình cai nghiện thực hiện đúng theo quy định của các ban ngành liên quan cũng như y văn thế giới.

Được các cơ quan truyền thông và các đoàn khách cao cấp trong nước và quốc tế đánh giá cao.


THÀNH CÔNG TỪ MỘT MÔ HÌNH ĐIỀU TRỊ TỔNG HỢP

Giữa tháng 5-2014, chúng tôi đến thăm Trung tâm Điều dưỡng và Cainghiện ma túy Thanh Đa. Khung cảnh của trung tâm thoáng đãng, nằm ven sông Sài Gòn thơ mộng. Thấp thoáng một số học viên cai nghiện mặc áo hồng đang lau dọn nền nhà, trong phòng học nghề một nhóm thanh niên khác đang chăm chú theo dõi hướng dẫn của các thầy dạy ngành phay - tiện. Anh Nguyễn Văn Đức, một học viên cai nghiện cho biết: “Các y bác sĩ và cán bộ, nhân viên ở trung tâm rất tận tình chăm sóc chúng em. Em vào đây như sống ở nhà vì cơ sở vật chất tại trung tâm rất đầy đủ, thầy cô tận tình giúp đỡ, coi em như người thân, em đã cai nghiện xong chuẩn bị về với gia đình, khi có dịp em sẽ về thăm lại thầy cô nơi đây. Em hứa cố gắng hòa nhập tốt cuộc sống và không sa vào ma túy nữa để không phụ lòng chăm sóc của thầy cô”.

Chúng tôi đến thăm phòng cắt cơn có đủ máy lạnh, phòng massage, phòng xông hơi. Học viên đang ngủ hoặc ngồi xem tivi, tôi lấy làm ngạc nhiên vì ở đây không có hình ảnh vật vã “xuyên tường, bắt bướm” của học viên đang cắt cơn mà tôi thường gặp ở các trung tâm cai nghiện khác. Bác sĩ Duy cho biết: “Nhờ liên tục cải tiến phương pháp cai nghiện hiện nay, thời gian học viên ở lại phòng lưu chưa đến 72 giờ”. Những học viên sau đó được đưa chuyển sang khoa Điều dưỡng phục hồi để nâng đỡ tổng trạng và phục hồi nhận thức – hành vi – nhân cách.

Trung tâm có phòng tập thể dục thể hình, sân bóng chuyền, hồ bơi, phòng karaoke, phòng video, game, bóng bàn, bi-da và cả phòng chiếu phim. Nhờ môi trường cai nghiện tốt và phương pháp cai nghiện khoa học giúp các học viên đến đây cai nghiện có tỷ lệ thành công rất cao. Học viên sau thời gian cai nghiện nội trú được chuyển sang cai nghiện ngoại trú, mỗi tuần học viên đến uống thuốc 3 lần. Em T. cho biết, em đã nghiện ma túy từ năm 12 tuổi. Trong suốt 11 năm nghiện ma túy em đã làm khổ gia đình rất nhiều. Em đang được điều trị ngoại trú bằng thuốc Naltrexone tại Khoa Chống tái nghiện Trung tâm và đã thấy có hiệu quả rõ rệt, không còn cảm giác thèm nhớ ma túy nữa.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy cho biết: “Thuốc Naltrexone đối kháng với heroin, uống thuốc này người nghiện sẽ không còn cảm giác thèm nhớ ma túy nữa, giả sử có dùng lại ma túy cũng không “phê” nhưng bác sĩ Duy cũng cảnh báo: ở những người không chịu cai nghiện mà nếu tiếp tục sử dụng heroin quá liều sẽ bị tình trạng ngộ độc heroin. Ma túy làm hệ thống não bộ của người nghiện bị tổn thương kết hợp với rối loạn và xuống cấp nhận thức, hành vi, nhân cách nên việc điều trị nghiện ma túy muốn thành công phải có một liệu pháp tổng hợp”.

Do đó ngoài việc cắt cơn, hỗ trợ chống tái nghiện bằng thuốc Naltrexone, Trung tâm còn kết hợp với nhiều biện pháp như: Tư vấn – Liệu pháp tâm lý - Liệu pháp giáo dục - Liệu pháp xã hội – Sinh hoạt cá nhân, nhóm, gia đình - điều trị kịp thời các bệnh cơ hội, bệnh tâm thần do sử dụng ma túy. Việc giúp người nghiện cai nghiện đã khó, song giúp họ tránh tái nghiện còn khó khăn hơn. Rất nhiều gia đình có con bị nghiện ma túy đau khổ tột cùng: gia đình tan nát, suy sụp về mọi mặt, do đó khi trung tâm giúp người thân họ cainghiện thành công, không ít gia đình xúc động cảm ơn và xem trung tâm là nơi tái sinh con họ lần thứ hai.

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH TRÊN MẶT TRẬN PHÒNG CHỐNG MA TÚY

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy cho biết: “Từ năm 1995 đến 2000, tôi là Hội thẩm Tòa án nhân dân TPHCM và đã tham gia nhiều vụ án xét xử liên quan đến ma túy. Tôi vô cùng đau xót khi  thấy người nghiện ma túy ngày càng đông – tuổi họ còn rất trẻ. Để có tiền chơi ma túy, người nghiện phải trộm cắp của gia đình hay cướp giật ngoài xã hội. Một số người nghiện không có tiền chơi ma túy phải bán ma túy để kiếm tiền mua ma túy. Lúc bấy giờ mỗi tép ma túy mua 40.000 đồng rồi đem bán lại 50.000 đồng; lời được 10.000 đồng. Do đó để có thể mua được 1 tép ma túy người nghiện phải bán được 4 tép. Cứ vậy, các đối tượng nghiện tìm cách để bán, lôi kéo nhiều thanh niên vào “cái chết trắng” - Tỷ lệ người nghiện ma túy gia tăng không phải theo cấp số cộng mà là theo cấp số nhân.

Nhiều nơi như vỉa hè, công viên, khu đất hoang trở thành nơi tiêm chích ma túy. Tệ nạn xã hội, trộm cắp, cướp giật gia tăng, trong đó đối tượng nghiện ma túy chiếm một tỷ lệ khá cao. Ma túy là hiểm họa, làm băng hoại các giá trị đạo đức, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, ma túy là một trong những nguyên nhân chính làm lây nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Ma túy và HIV/AIDS, đang nhấn chìm một bộ phận thế hệ trẻ và là thảm họa cho dân tộc. Ông suy tư nhiều đêm liền và luôn canh cánh trong lòng “phải làm cái gì đó để góp phần giải quyết vấn nạn này cho xã hội”.

Ngày 30-4-1999, trong buổi họp mặt truyền thống của bạn bè chiến đấu cũ tại Bến Nhà Rồng, ông Nguyễn Hữu Khánh Duy đã nói lên những suy nghĩ của mình và được các đồng đội nhiệt tình ủng hộ. Với chất lính trong người - nói là làm, các cựu chiến binh người góp vốn, người thế chấp nhà cửa để góp tiền thành lập Trung tâm cai nghiện ma túy. Góp gió thành bão, mỗi người một ít đến nay trung tâm đã được đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Trung tâm tọa lạc trên một địa thế rộng rãi và thoáng mát rộng hàng ngàn mét vuông nằm ven sông Sài Gòn tại  địa  chỉ số 1051 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 28, Q. Bình Thạnh, TPHCM.

Khi vào trung tâm, không ít người ngỡ là mình lạc vào khu andưỡng. Trung tâm Thanh Đa được các học viên đánh giá là “thiên đàng của cai nghiện” vì có không khí trong lành, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ, sạch đẹp. Trung tâm không có nạn đầu gấu, đại bàng, không để thẩm lậu ma túy,  không có bạo loạn, bạo hành và trên tất cả là được sự quan tâm của tập thể cán bộ nhân viên đối với học viên. Trung tâm có những tiêu chí cụ thể: Sạch đẹp như bệnh viện - Chuẩn mực như trường học - Sôi nổi như đoàn thể - Thân ái như gia đình – Chặt chẽ như công an - Kỷ luật như quân đội.

Những nhu cầu lành mạnh mà học viên cần, học viên thiếu thì ở đây gần như đáp ứng đầy đủ. Trung tâm Thanh Đa là đơn vị tư nhân đầu tiên trong nước được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép thực hiện toàn bộ quy trình cai nghiện ma túy.

Từng là một bác sĩ quân y, một sĩ quan an ninh trải nghiệm trên nhiều vị trí công tác khác nhau, nên với kiến thức sâu rộng, niềm đam mê đã giúp bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy tiến nhanh trong việc tìm mô hình điều trị thích hợp. Ông đã nghiên cứu phác đồ điều trị và đã soạn thảo hàng ngàn trang tài liệu về cai nghiện - phục hồi góp phần cùng trung ương và địa phương củng cố hệ thống lý luận cho công tác cai nghiện để làm thế nào mang lại kết quả điều trị tốt nhất. Dành hết tâm huyết cho công việc, Bs Nguyễn Hữu Khánh Duy đã tạo dựng cho Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Ma túy Thanh Đa ngày càng vững mạnh, một mái ấm thân thương với tất cả những ai lỡ sa ngã, lầm đường lạc lối.

Truyền thống này đang được phát huy. Năm nay đã bước sang tuổi 68, kiếm người kế thừa không được, nên vẫn biết rằng cai nghiện ma túy là một mặt trận có nhiều hiểm nguy cận kề, ông vẫn động viên con trai đang là kiến trúc sư – một nghề lúc bấy giờ đang dễ kiếm tiền về cùng ông để tiếp tục công việc mà ông đang theo đuổi. Con trai ông đã làm việc tại Trung tâm hơn 8 năm và để đáp ứng yêu cầu công tác, hiện anh đang theo học thêm Thạc sĩ ngành quản lý giáo dục.

Với những thành tích đã nêu trên, Công ty đã được Chính phủ, các Bộ - Ban – Ngành tặng thưởng nhiều Cúp vàng - Danh hiệu, Bằng khen cao quý.

Ngày 5-1-2012, Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP. HCM) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước,  Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND thành phố Hồ Chí Minh cho tập thể cán bộ công nhân viên trung tâm do đã có thành tích xuất sắc trong công tác điều dưỡng và cai nghiện ma túy.

Đến dự lễ trao Huân chương có các ông: Trần Quốc Hương (Mười Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Trần Lê Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tổ chức công vụ phụ trách thi đua khen thưởng Văn phòng Chính phủ; ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở Lao động – Thương bình & Xã hội TP. Hồ Chí Minh; ông Võ Minh Thắng, Phó trưởng ban Thi đua Khen thưởng TP. Hồ Chí Minh.

Đánh giá về sự thành công của trung tâm, Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy nói:

Sự thành công của Trung tâm Thanh Đa là biết kết hợp phương pháp Điều trị khoa học với các phương pháp Giáo dục – Tư vấn – Tâm lý và các Liệu pháp Xã hội.

Hiện nay, Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa đang áp dụng phương pháp Trị liệu Cộng đồng của tổ chức Daytop Quốc tế, kết hợp với chương trình giáo dục Giá trị sống (Living Value), Tư duy tích cực (Positive Thinking), Làm chủ bản thân (Self Management) … do các tổ chức UNICEF, UNESCO của Liên Hợp Quốc hỗ trợ.

Trung tâm Thanh Đa được đánh giá là đơn vị có dàn cán bộ giáo dục mạnh bao gồm: 2 Tiến sĩ, 3 Thạc sĩ tâm lý, 10 Cử nhân tâm lý và 3 Cử nhân Xã hội học. Trung tâm đã trang bị đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của công tác cai nghiện từ y tế, giáo dục, dạy nghề, quản lý học viên đến hoạt động vui chơi, giải trí, ăn ngủ, nghỉ ngơi của học viên.

Từ năm 2008, Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa đã triển khai thành công việc điều trị chống tái nghiện ma túy bằng thuốc Naltrexone kết hợp với Tư vấn tâm lý, Liệu pháp giáo dục, Liệu pháp xã hội … giúp người nghiện không còn thèm nhớ ma túy.

Khi tiễn chúng tôi ra cổng, ông Khánh Duy trăn trở: “Vật giá ngày càng leo thang, sắp tới đây tiền mặt bằng lại tăng lên, gánh nặng chi phí lại đè nặng lên gia đình học viên và trung tâm. Giá như Nhà nước hỗ trợ một phần tiền thuê mặt bằng, giúp đỡ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ các em sẽ bớt đi gánh nặng kinh tế, yên tâm cho con em mình điều trị sớm tái hòa nhập cộng đồng làm lại cuộc đời. Đó là điều trăn trở của ông và cũng là điều mong ước của những bậc phụ huynh khi có con em mình lỡ sa vào ma túy.

Nguyên Khánh