TP.HCM: Kết quả một tháng đưa người nghiện đi cai
(CATP) Rảo quanh các địa điểm từng là nơi “đóng đô” của con nghiện làm người dân khiếp đảm, chúng tôi chứng kiến nhiều đổi thay sau kế hoạch đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc của UBND TP.Hồ Chí Minh.
NHIỀU “ĐIỂM ĐEN” BỊ XÓA BỎ
Cầu vượt ngã tư An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) từ lâu nổi tiếng là “chợ ma túy” hoạt động công khai, khiến người dân bất an, sợ hãi. Ngoài hai lớp cửa luôn khóa chặt, nhiều nhà gần khu vực này còn hàn thêm lớp inox bên cửa sổ, trần nhà, hiên nhà... cho đảm bảo.
Đầu tháng 12-2014, chúng tôi chạy quanh khu vực cầu vượt An Sương thấy nhiều ống bơm kim tiêm vương vãi khắp chân cầu. Đến nay, những hình ảnh này đã giảm hẳn.
Bà Nguyễn Thị D. (ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) cho biết: “Trước đây, có ngày tụi nó kéo đến cả trăm lượt chích ngang nhiên trước cửa nhà tôi, muốn ra khỏi nhà cũng ngại ngần. Bây giờ có ngày không thấy bóng dáng con nghiện nào nữa”.
Người dân thoải mái qua lại trên cầu bộ hành số 6 (đại lộ Võ Văn Kiệt)
Chân cầu Sài Gòn cũng từng là điểm chích ma túy. Một số kẻ bán ma túy còn mật phục canh chừng, không cho người khác lại gần khi con nghiện đang chích. Đầu tháng 12-2014, khi đưa máy ảnh lên định chụp hình, chúng tôi bị một thanh niên chừng 35 tuổi, mặc áo sơ mi không cài khuy, không đội mũ bảo hiểm chạy xe máy hiệu Nouvo đến chỉ tay hăm dọa. Để giữ an toàn, chúng tôi vội cài số, phóng xe đi. Sự ngang nhiên, phách lối của con nghiện khiến nhiều người khiếp đảm, không dám đối đầu. Những ngày gần đây, chúng tôi thường xuyên chạy ngang chân cầu Sài Gòn, không còn thấy những hình ảnh “nồng mùi bạo lực” như trước nữa.
Trên cầu bộ hành số 6 (đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 6) một ông cụ chừng 60 tuổi đang ngồi nghỉ ngơi, học sinh, người dân thoải mái dắt xe đạp ngang đường mà không phải cám cảnh từng nhóm người nghiện ve vãn hút chích, hù dọa. “Hơn tháng trước, ngày nào cũng có mấy đứa nghiện ngồi trên cầu chích ma túy, vứt kim tiêm ngổn ngang. Nhiều hôm, tối trời bọn chúng còn kéo đến để chích, phê “hàng” rồi nằm lăn ra ngủ đại. Nghe đâu, chính quyền đưa tụi nó đi cai nghiện hết rồi nên khu vực này không còn xì ke nữa”, chú Tám - chạy xe ôm trước Bệnh viện Ung Bướu (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) cho biết.
Dạo quanh công viên 23-9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) chiều 14-1-2015, chúng tôi thấy du khách nước ngoài thong dong tản bộ, nhiều người trung niên đến tập thể dục và một số bạn trẻ đang tụ tập tán gẫu. “Nhóm mình hay đến công viên này để họp nhóm, cùng nghiên cứu để làm bài tập về nhà. Khoảng hai, ba tháng trước, tụi mình đến đây ngồi chưa được nửa tiếng là thấy mấy người nghiện tụ tập chích ma túy. Sợ quá, tụi mình chuyển sang hình thức họp online luôn. Khi đọc báo, mình nghe nói có chủ trương đưa con nghiện đi cai nên vào đây họp nhóm lại!”, Lan Hương (sinh viên Khoa Báo chí - truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) hớn hở nói. Khoảng hơn hai tháng trước, công viên này từng là “đại bản doanh” của người nghiện.
Chúng tôi đến những “điểm đen” tại công viên Phú Lâm (quận 6), Gia Định (quận Gò Vấp), Âu Lạc (quận 5) cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Người dân đã an tâm tìm đến công viên tập thể dục, hóng gió mà không phải lo lắng con nghiện “làm phiền” nữa.
Hình ảnh trước và sau khi có kế hoạch đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc tại cầu vượt An Sương
CƠ HỘI LÀM LẠI CUỘC ĐỜI
Từ ngày 5-12-2014, TPHCM mở đợt cao điểm truy quét tệ nạn xã hội, đưa người nghiện vào trung tâm để cắt cơn giải độc. Trong vòng 15 - 20 ngày, tòa án sẽ thụ lý hồ sơ và ra phán quyết đưa người nghiện đi cai tại các trại cai nghiện trong thời gian 24 tháng. Trước khi tái hòa nhập cộng đồng, người nghiện còn được hướng dẫn lao động, được đào tạo nghề và hỗ trợ tránh tái nghiện khi về địa phương.
Các đối tượng nghi vấn sống lang thang trên địa bàn, không có nơi cư trú ổn định cũng được sàng lọc. Người nào nghiện thì đưa vào cơ sở hỗ trợ cắt cơn, chăm sóc sức khỏe trước khi đưa đi cai nghiện bắt buộc. Những đối tượng còn lại sẽ được chuyển sang trung tâm bảo trợ xã hội.
Đến nay, quận 8, quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn là những nơi phát hiện nhiều người nghiện nhất. Các phường, xã cũng tăng cường vận động trong nhân dân, tổ chức sinh hoạt và phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng khu phố, ấp không có tội phạm ẩn náu, không có tệ nạn ma túy, mại dâm trong cộng đồng dân cư.
Nhờ lập phương án kỹ lưỡng từ trước nên việc đón nhận số lượng lớn người nghiện đưa đi cắt cơn, giải độc, chăm sóc sức khỏe được tiến hành liên tục, đảm bảo ổn định. Ngày 16-12-2014, thành phố lập thêm Cơ sở Xã hội Thanh thiếu niên 2 (thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội), nâng sức chứa và cơ sở vật chất phục vụ việc cắt cơn, cai nghiện.
“Con tôi bị nghiện hơn mười năm nay, đã đi cai tự nguyện ba lần rồi, nhưng về khu vực ngã tư An Sương này sống, ma túy cứ bán đầy đường, nó lại nghiện tiếp. Tôi rất mừng khi lần này chính quyền có kế hoạch này. Tôi mong rằng, bên cạnh đưa người nghiện vào trung tâm thì việc xóa các tụ điểm mua bán ma túy cũng cần thực hiện quyết liệt, để khi ra cộng đồng, con tôi và những người khác không có cơ hội tái nghiện”, bà Nguyễn Thị D. bày tỏ.
KÉO GIẢM NHIỀU TỆ NẠN XÃ HỘI
Năm 2012, có 361 người đến Trung tâm chữa bệnh Thanh Đa đăng ký cai nghiện, chỉ 67 người có dấu hiệu tâm thần. Năm 2013 có 358 người đến cai nghiện thì 121 người có dấu hiệu tâm thần. “Sử dụng ma túy trong thời gian dài sẽ bị hủy hoại não, dẫn đến tâm thần. Khi này rất khó cai vì đầu óc họ không còn bình thường. Năm 2013 số người đến cai giảm so với năm trước, nhưng số người chuyển sang tâm thần cao gấp đôi. Điều đó đã nói lên thực trạng, nếu không bắt buộc cai thì khi bị nặng, gia đình mới đưa con nghiện đến trung tâm. Lúc đó đã muộn, rất khó cứu chữa”, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa
Khi sử dụng ma túy trong thời gian dài thì con nghiện sẽ không thể làm chủ được mình do não bị hủy hoại. Người nghiện thường trở nên trầm cảm, lầm lì, ít nói. Họ thường xuyên bị ảo giác, nghe, thấy những điều không có thật. Từ đó, người nghiện sẽ có hành vi tự hủy hoại bản thân hay gây hại đến người khác bằng hành vi bạo lực. Một người bình thường nếu sử dụng ma túy liên tục bốn tháng là có khả năng phạm tội.
Sau hơn một tháng triển khai đề án đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện, tình hình phạm pháp trên địa bàn TPHCM giảm đáng kể. Để lấy lại lòng tin của du khách, người dân trên địa bàn, lực lượng công an và dân phòng túc trực tại các “điểm đen” người nghiện hay lui đến. Chính vì vậy, số người nghiện tại phường Phạm Ngũ Lão giảm 90% so với trước.
Theo thống kê, năm 2014, Công an TPHCM khám phá gần 4.300 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá gần 880 băng nhóm, bắt hơn 2.100 nghi can. Trong đó, khám phá 1.662 vụ, bắt 3.350 nghi can liên quan đến hoạt động ma túy. Tang vật thu hơn 27kg heroin, gần 40kg ma túy tổng hợp, 23 súng quân dụng...
Theo thông tin từ Văn phòng Công an TPHCM, tính riêng trong ba tuần (từ 5-12 đến 28-12-2014) cơ quan chức năng đã kiểm tra hơn 4.600 người có dấu hiệu nghiện ma túy. Trong đó, ghi nhận hơn 2.500 người dương tính với ma túy, gần 1.500 người được đưa vào cơ sở xã hội. Tòa án có quyết định đưa 19 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhờ vậy, tình hình tội phạm hình sự trên địa bàn kéo giảm hơn 6% so với tháng trước, giảm 21% so với năm 2013. Số người chết, bị thương, an ninh trật tự trên địa bàn cũng giảm đáng kể. Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, đã có quyết định đưa hơn 300 người nghiện không có nơi cư trú ổn định đi cai, tòa án đang thụ lý 500 hồ sơ đề xuất đưa người nghiện đi cai.
TRUNG OANH - GIA MINH