Mở rộng điều trị cai nghiện bằng methadone: Thiếu đủ thứ
Để điều trị tận gốc cho người nghiện, trước hết cần có nhân sự y tế chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, cán bộ chuyên môn có thể nói là đang “quí hiếm” vô cùng.
Mục tiêu kéo giảm tệ nạn ma túy, tội phạm do ma túy được coi là một trong những nhiệm vụ nóng bỏng của TP Hồ Chí Minh vào năm 2015 với việc đưa 8.000 người nghiện vào chương trình uống methadone. Số người nghiện đã có hồ sơ quản lý là 19.213 người, so với con số thực tế ngoài cộng đồng khoảng 30.000 người nghiện với những rối loạn nhân cách, hành vi, thậm chí không kiểm soát được khi lên cực điểm của cơn nghiện thì đây quả thực là một nhiệm vụ rất nặng nề. Trong đó, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự y tế cùng sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành dựa trên cơ sở khoa học vững chắc là vô cùng quan trọng.
Lợi-hại của Methadone, và sự cẩn trọng khi dùng
Theo Sở LĐ-TB & XH TP HCM, hiện TP có 19.213 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, số cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 91 người, số cai nghiện tự nguyện năm 2014 là 579 người. Áp dụng Nghị định 94/2010 về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, đến nay, TP đã lập được 5 tổ tư vấn cai nghiện ma túy cộng đồng. Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của các tổ tư vấn này còn quá khiêm tốn, số người có quyết định thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 134 người (49 người tự nguyện cai tại gia đình, 39 người tự nguyện cai tại cộng đồng, 46 người cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng), và mới chỉ có 27 trường hợp cai nghiện thành công được địa phương cấp giấy chứng nhận hoàn thành đợt cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Người cai nghiện phải được sự giáo dục, quan tâm của xã hội, gia đình, điều trị bệnh... nhằm xây dựng lại nhân cách, từ bỏ ma túy.
Ngày 27/12, trao đổi với PV Báo CAND xung quanh việc dùng chất thay thế methadone cho cai nghiện, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, GĐ Công ty TNHH Điều dưỡng và cai nghiện ma tuý Thanh Đa, giải thích: “Methadone là một chất đồng vận với các chất dạng thuốc phiện như hêroin nhưng gây khoái cảm yếu, khác với thuốc Naltrexone, triệt tiêu cảm giác thèm nhớ hêrôin; Methadone là thuốc thay thế heroin nhằm làm người nghiện giảm dần liều dẫn tới từ bỏ hêroin. Nói cách khác, naltrexone là “kẻ thù”, còn methadone là một người bạn đồng hành với heroin”.
Theo BS Duy, khi uống methadone có tác động trong vòng 24 giờ, người nghiện có thể quên cảm giác thèm ma túy. Và giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, vi rut viêm gan siêu vi B,C (vì methadone được dùng đường uống), …nên có thể hòa nhập xã hội, đi làm, sinh hoạt bình thường.
Tư vấn trị liệu tâm lý cho bệnh nhân tại Công ty Điều dưỡng và cai nghiện Thanh Đa.
Nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy, naltrexone làm người nghiện sẽ mất cảm giác thèm hêroin, người cai được dùng trong 2 năm, kết thúc quá trình cai nghiện; còn methadone là một chất đồng vận với heroin, vì vậy cũng xuất hiện hội chứng cai khi ngưng dùng, khi muốn ngưng phương pháp methadone, có trường hợp phải thực hiện cắt cơn với methadone. Phải thận trọng lợi-hại của methadone. Đây cũng chính là khó khăn, thách thức cho biện pháp này.
Mục tiêu cuối cùng là trị được “tâm bệnh” cho người nghiện
Theo BS Duy, trên một người nghiện ma tuý có 4 vấn đề phải giải quyết: Lệ thuộc ma tuý; rối loạn nhân cách, hành vi; nội tâm mâu thuẫn, phức tạp; thiếu nội lực, thiếu ý chí không vượt được hấp lực của ma túy; Giúp người nghiện rời bỏ ma túy chính là xây dựng lại nhân cách, đạo đức. Chưa chuyển đổi được nhận thức, hành vi của người nghiện ma tuý thì người ta sẽ tiếp tục tìm tới hêroin sử dụng. Tức cái gốc là “tâm bệnh”phải được chữa trị, tránh việc tái nghiện trở lại.
Để đáp ứng yêu cầu trên, trước hết cần có nhân sự y tế chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, cán bộ chuyên môn có thể nói là đang “quí hiếm” vô cùng. Tại cơ sở Thanh Đa đang điều trị cho khoảng 200 học viên, riêng lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, thạc sĩ tâm lý khoảng 20 người.
Người nghiện phải được quản lý, uống methadone ngay tại cơ sở điều trị.
Với 8.000 người được uống methadone vào 2015, vậy sẽ cần cán bộ y tế , bác sĩ tâm lý, trị liệu là bao nhiêu? Một người uống methadone phải là hàng ngày, đúng giờ. Nếu có việc phải đi ra khỏi nơi cư trú vài ngày khi không có methadone sẽ giải quyết ra sao?.. quản lý thế nào? Hiện TP mới có hơn 100 cán bộ nhân viên y tế đáp ứng việc này được Bệnh viện Tâm thần TP HCM tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy.
Tới năm 2015, mỗi quận, huyện của thành phố sẽ phải hình thành một cơ sở cai nghiện bằng Methadone, nhằm thu dung từ 300 - 400 người nghiện/cơ sở. Hiện có 8 cơ sở điều trị Methadone được triển khai tại 7 Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện và 1 cơ sở tại Trung tâm tư vấn cai nghiện ma tuý, thuộc Sở LĐ-TB&XH mới thu dung, điề trị được 1.980 bệnh nhân đang tham gia điều trị bằng Methadone.
Ngành y tế hiện đã có kế hoạch vận hành thêm 17 cơ sở điều trị mới tại các quận huyện chưa triển khai chương trình Methadone, gồm: Quận 12, quận 10, quận 1 và huyện Bình Chánh. Tại các quận/ huyện (quận 2, 3, 5, 7, 9, 11, Phú Nhuận, Hóc Môn, Tân Phú, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ.
Huyền Nga