Tự xây phòng “biệt giam” để rời xa ma túy

18 August, 2022

Tự xây phòng “biệt giam” để rời xa ma túy


Học hết cấp 3, Cường bỏ học, chơi bời lêu lổng rồi theo chúng bạn vào tận vùng rừng thiêng nước độc để đào vàng. Chỉ được vài tháng, anh bị ốm nặng và phải trở về khi đã trở thành một con nghiện nặng.


Khi biết mình nhiễm HIV, nhìn căn nhà trống huơ trống hoác vì mọi tài sản đều bay đi theo làn khói trắng, người mẹ già khóc cạn nước mắt, anh quyết tâm bằng giá nào trước khi chết cũng phải cai được ma tuý.


Vòng xoáy ma tuý

Cho đến nay, anh Nguyễn Xuân Cường (43 tuổi), trú tại phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên đã cai nghiện thành công gần 5 năm. Và cũng trong gần 5 năm ấy, nhóm "Vì ngày mai tươi sáng Thái Nguyên" do anh và những người bạn lập ra để giúp nhau tránh xa ma tuý đã hoạt động rất hiệu quả. Văn phòng nhóm lấy địa điểm chính là căn phòng "biệt giam" Cường đã tự nhốt mình để đoạn tuyệt với ma tuý. Bằng chính câu chuyện về cuộc đời mình, Cường và các bạn đã giúp đỡ tư vấn, hỗ trợ cho rất nhiều người cai nghiện thành công.


Sinh ra trong một gia đình có cha là liệt sĩ, trong khi các anh chị đều học giỏi và thành đạt, thì cậu con trai thứ 3 Nguyễn Xuân Cường lại là đứa trẻ nghịch ngợm, cá biệt. Không chịu chú tâm học hành, Cường suốt ngày bỏ học chơi bời, lêu lổng theo chúng bạn và khi vừa tốt nghiệp cấp 3, Cường bỏ nhà theo bạn đi đào vàng sa khoáng ở Bắc Kạn.


Hồi ấy, những Thần Sa, Na Rì, Tốc Lù… thâm sơn cùng cốc không đâu là không có dấu chân Cường. Ở cái vùng rừng thiêng nước độc cách đường lớn hàng chục km, phải đi bộ nửa ngày mới vào đến nơi, nếu không hút thuốc phiện thì chẳng biết làm gì. Trong bãi có đến mấy nghìn người. Đêm buồn và mệt mỏi, mấy anh em lại mua thuốc phiện về hút.


Phòng biệt giam ngày nào anh Cường dùng để cai nghiện.

Phòng "biệt giam" ngày nào anh Cường dùng để cai nghiện.


Mà ngày ấy, thuốc phiện ở bãi vàng dễ kiếm như mớ rau ngoài chợ. Và thế là Cường dính vào thuốc phiện như một sự tất yếu của dân đào vàng lúc bấy giờ. Đi bãi được 3 tháng, Cường bị một cơn sốt rét rừng hành hạ phải cuốn gói về quê. Vàng chẳng có tí nào mang về, nhưng từ đó Cường không thể sống thiếu ma túy.


Trong nhà có bao nhiêu của cải, Cường đều đem đi bán, từ những đồ giá trị cho đến những thứ lặt vặt trong nhà như tivi đen trắng, xoong nồi, lúa gạo… Đến lúc trong nhà chẳng còn gì để bán, Cường đi trộm cắp của hàng xóm láng giềng. Hàng xóm có gì hở ra là Cường lấy. Để có tiền hút, chích, không ít lần Cường cùng bạn bè lập mưu đâm đầu vào ôtô ăn vạ lấy tiền.


Người đi đường gặp Cường thời điểm đó đúng là gặp họa, "bồi thường" bao nhiêu Cường cũng nhận, miễn là có tiền để đi mua "hàng". Cứ như vậy, Cường trượt sâu vào vòng xoáy của ma tuý mà không dứt ra được. Gia đình coi như Cường đã chết rồi, hàng xóm láng giềng khinh rẻ, thấy mặt Cường ở đâu là tránh xa.


Anh Nguyễn Xuân Cường.

Anh Nguyễn Xuân Cường.


Mỗi lần tỉnh thuốc, Cường lại thấy ăn năn, day dứt, tự dằn vặt bản thân mình. "Có lần, vì xấu hổ nhục nhã, tôi đã định nhảy cầu tự tử, nhưng khi đứng trên thành cầu lại không có gan nhảy xuống. Lại trở về nhà tự hứa với bản thân sẽ quyết tâm cai nghiện. Nói thì dễ nhưng làm mới khó, dù mình có quyết tâm đến mấy, thì đến cơn "thèm" mọi sự cũng vứt bỏ hết. Trói buộc, đánh đập... cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cai xong về nhà, gặp bạn là lại tái nghiện như thường. Tôi đã có 40 lần "cai", rồi lại tái đấy, Cường tâm sự.


Tự làm buồng giam để cai nghiện

Với những người nghiện ma tuý, cai nghiện thành công đã khó, nhưng chống tái cai nghiện còn khó hơn gấp vạn lần, bởi dân nghiện bắt tín hiệu của nhau nhanh lắm. Cứ đi trại cai nghiện một thời gian trở về, Cường lại bị chúng bạn rủ rê, lôi kéo và lại tái nghiện. Cái vòng luẩn quẩn nghiện, cai rồi tái nghiện cứ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Và điều tất yếu cũng đã đến, Cường phát hiện mình bị nhiễm HIV.


Dù biết có ngày sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ ma tuý, nhưng khi biết mình nhiễm HIV, Cường thấy choáng váng, mọi thứ như sụp đổ. Những cơn ho kéo dài của bệnh lao phổi cùng sự suy nghĩ quá nhiều về bệnh tật khiến thân hình anh chỉ còn da bọc xương. "Tôi thấy cô độc ngay trong chính gia đình mình, khi bên giường bệnh chỉ còn người mẹ già còm cõi chăm con, không một đồng xu dính túi, nước mắt đã cạn khô. Lúc ấy tôi quyết tâm bằng mọi giá phải cai nghiện trước khi chết", Cường nhớ lại.


Không còn tiền để đi trại cai nghiện, Cường quyết tâm cai nghiện ở nhà với sự hỗ trợ của gia đình. Những lúc lên cơn nghiện vật vã, Cường tự nhốt mình trong "căn phòng biệt giam" kiên cố để mẹ khoá cửa bên ngoài. Khi hết cơn, Cường lại lao ra vườn nhà cày cuốc, làm việc quần quật cả ngày để quên đi sự ám ảnh về làn khói trắng. Hằng tháng trời, Cường không bước chân ra ngoài đường vì sợ bạn bè rủ rê, lôi kéo. Với việc sử dụng kiên trì thuốc chống tái nghiện, sự hỗ trợ của gia đình, lòng khao khát làm lại cuộc đời, không muốn mọi người xa lánh hắt hủi nên cuối cùng Cường đã đoạn tuyệt được với ma túy.


Bước ra khỏi bóng tối, Nguyễn Xuân Cường cùng một số bạn bè tự thành lập ra nhóm "Vì ngày mai tươi sáng Thái Nguyên" để giúp nhau tránh xa ma túy. Được sự giúp đỡ của các tổ chức, trưởng nhóm Nguyễn Xuân Cường đã cùng các thành viên thành lập văn phòng cai nghiện để tư vấn, hỗ trợ cho những người cai nghiện, xây dựng thành công một xưởng may gia công cho những người bị HIV.


Đặc biệt, Cường còn biến căn nhà của mình thành "trung tâm" cai nghiện cho tất cả những ai muốn được cai nghiện thành công như anh. Những ai đến đây sẽ phải trải qua những ngày tháng lao động cực nhọc tại chính mảnh vườn Cường đã vật vã cày cuốc để cai nghiện và phải sống trong chính căn "buồng giam" Cường đã giam mình để đoạn tuyệt với những cơn nghiện đau đớn.


Câu chuyện cuộc đời Cường và tấm gương tự cai nghiện thành công của chính anh đã thu rất nhiều con nghiện tìm đến. "Trước đây cứ thấy tôi là người ta "lủi" mất. Từ ngày thấy tôi tự cai được, tụi bạn cứ nhờ giúp. Rồi bà con cũng đến nhờ giúp cho con cái họ. Lâu dần anh em ở các tỉnh khác cũng về đây chui vào cái lồng này cắt cơn. Với con nghiện, lúc lên cơn mà không có thuốc thì không khác gì một con thú. Vật vã, gào khóc, thậm chí có thể dứt đứt dây thừng, đạp tung cửa sắt để thoát ra ngoài.


Xưởng may tại nhà là nguồn thu chính của gia đình anh Cường.

Xưởng may tại nhà là nguồn thu chính của gia đình anh Cường.


Chứng kiến những cảnh ấy mới thấy thương mẹ và các anh chị mình ngày xưa phải chịu đựng chăm sóc và giúp đứa con nghịch tử như mình cai nghiện làm lại cuộc đời. Và tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm ở bên cạnh động viên, giúp đỡ những người nghiện vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sau này, tự các bạn đến cai giúp nhau nên tôi cũng đỡ vất vả hơn nhiều", Cường kể lại. Toàn bộ chi phí ăn ở trong quá trình cai nghiện đều do gia đình người cai tự túc chứ Cường không thu thêm bất kỳ một chi phí nào.


Có một trường hợp đến bây giờ Cường vẫn không thể nào quên, đó là lần cai nghiện cho anh T. cũng ở trên địa bàn tỉnh. Trước đây, anh T. cũng đã cai ở nhiều nơi nhưng đều tái nghiện, khi tìm đến với phòng "biệt giam" của  Cường thì lại tỏ ra rất quyết tâm vì thấy cảnh các anh em tự cai cho nhau.


Cường vẫn ám ảnh mãi những lần anh T. vật thuốc, chửi bới và đập phá bên trong phòng một cách điên cuồng. Ở bên ngoài, Cường dùng những xô nước lạnh lớn tạt vào trong để anh T. tỉnh táo trở lại, tránh gây thương tích lên chính mình. Sau khi cai nghiện thành công, anh T. đã mời Cường đi chơi Nha Trang một chuyến.


Điều hạnh phúc hơn cả là chính trong những ngày tham giam hoạt động tư vấn cho người bị nhiễm HIV, Cường đã tìm được nửa kia của cuộc đời. Chồng cũ của chị cũng bị nghiện như anh rồi chết vì AIDS, nhưng không may căn bệnh HIV đã bị lây cho vợ. Tưởng bệnh tật và cái chết của chồng sẽ làm chị gục ngã, nhưng chị đã kiên cường đứng vững tiếp tục nuôi con khôn lớn và tham gia hoạt động trong câu lạc bộ "Hoa Hướng Dương" để tuyên truyền cho những ai bị bệnh như mình phòng tránh lây nhiễm cũng như tránh xa tác hại của ma tuý.


Anh chị tình cờ gặp nhau trong một lần đi tập huấn. Hai con người cùng cảnh ngộ, đã cảm thông cho hoàn cảnh của nhau mà quyết định đến với nhau. Mặc dù biết bố mẹ có HIV, con sinh ra vẫn khỏe mạnh bình thường trong điều kiện chăm sóc y tế hiện nay nhưng anh chị quyết định không sinh con. Cường một lòng chăm sóc cho con riêng của vợ và tập trung thời gian để làm việc xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình tránh xa con đường đầy cám dỗ của ma tuý.


Chúng tôi hỏi Cường có khi nào chính anh lại tái nghiện bởi hằng ngày tiếp xúc bạn nghiện không thì anh thẳng thắn trả lời, đã tự mình cai nghiện thành công nghĩa là đã hạ quyết tâm cao độ rồi thì không bao giờ có chuyện quay trở lại. Khi người ta lên cơn nghiện, người ta không biết hết các tác hại của ma tuý, nhưng khi hết nghiện mới thấy ma tuý đáng sợ ghê gớm.


Giờ đây, hai vợ chồng Cường cùng làm việc tại Phòng truyền thông của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên, "buồng biệt giam" để cai nghiện ngày nào đã được đập bỏ và thay vào đó những người đến với nhóm "Vì ngày mai tươi sáng" sẽ được hỗ trợ để cai nghiện tại trung tâm của tỉnh khang trang, sạch sẽ.


Theo Ngọc Trâm - Lê Phong

Cảnh sát toàn cầu