BÁC SĨ NGUYỄN HỮU KHÁNH DUY: NHÀ TÌNH BÁO VÀ CÁI NGHIỆP CHỐNG MA TÚY

9 August, 2022
http://bizlive.vn

BÁC SĨ NGUYỄN HỮU KHÁNH DUY: NHÀ TÌNH BÁO VÀ CÁI NGHIỆP CHỐNG MA TÚY

Mái tóc bạc trắng, nụ cười đôn hậu và giọng nói hiền từ, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy gần như dành cả tình thương yêu và trí tuệ của mình để theo đuổi sự nghiệp chống ma túy, giành giật từng mạng sống trước lưỡi hái của tử thần.

[BizSTORY] Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy: Nhà tình báo và cái nghiệp chống ma túy

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Công ty điều dưỡng & cai nghiện ma túy Thanh Đa.

Là đơn vị  cai nghiện tự nguyện đầu tiên của cả nước còn duy trì hoạt động đến nay, sau 17 năm hoạt động, công ty điều dưỡng  & cai nghiện ma túy Thanh Đa đã điều trị cho hơn 18.000 học viên, tỷ lệ nhập viện mỗi năm một tăng trong khi tỷ lệ tái nhập đều giảm.

Đằng sau con số đó là biết bao nhọc nhằn, cơ cực, dũng cảm vượt qua rào cản của cơ chế chính sách để tìm ra những phương pháp khoa học tiến bộ nhất, hàng ngày phải đối diện với những tình huống đầy cam go như trong cuộc chiến mà chỉ có tình yêu thương mới cảm hóa được tâm hồn, rồi phải cân đối giữa kinh doanh và tình người…

Nói về công việc đầy thử thách của mình, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy chia sẻ: “Đây là ngành kinh doanh hết sức đặc biệt, người ta tính lãi bằng đô la, chúng tôi tính lãi bằng con người”.

Ít ai biết ông chính là cụm phó Cụm điệp báo A 10 thuộc cơ quan an ninh T4, cụm điệp báo với những chiến công làm lũng đoạn chính trường VNCH, xoay chuyển dư luận báo chí quốc tế có lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thúc đẩy Dương Văn Minh đầu hàng và kêu gọi binh lính VNCH buông súng…tránh một cuộc đổ máu vô ích, bảo vệ Sài Gòn còn nguyên vẹn, và nhiều điệp vụ hoàn hảo khác được lịch sử ghi nhận

Trong lịch sử chiến tranh nhân loại, các trận đánh kết thúc cuộc chiến thường để lại cảnh hoang tàn, hủy diệt, nhất là khi diễn ra ở các thành phố lớn, nhưng công cuộc giải phóng Sài Gòn, kết thúc chiến tranh đã không diễn ra như vậy?

Nói về điều này, CIA cho rằng “trùm tình báo” Trần Quốc Hương, tức anh Mười Hương, người chỉ huy mạng lưới an ninh T4 đã tiên liệu và góp phần chuẩn bị “hậu sự” cho VNCH từ trước 1972, để khi giải phóng Sài Gòn không có đổ máu và thành phố còn nguyên vẹn.

Tháng 9/1972, anh Mười Hương đã tìm một số anh em trong nhóm phong trào ở miền Trung để đi vào nhóm Dương Văn Minh và triển khai các công tác vận động chính trị, hay nói cách khác là hoạt động tình báo chính trị. Hoạt động này nhằm tạo thế và lực lớn mạnh cho số đối lập chịu ảnh hưởng của cách mạng và khi có đủ điều kiện có thể thay thế được Nguyễn Văn Thiệu, tạo thuận lợi cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

Cụm A 10 đã xây dựng được các “lõm chính trị” trong thành phố, có hạt nhân lãnh đạo, có lực lượng quần chúng cảm tình với cách mạng và có thể lợi dụng được bộ máy hành chính của địch để phục vụ yêu cầu của ta. Ngoài ra, cụm còn có nhiệm vụ xây dựng cơ sở tấn công chính trị, phân hóa hàng ngũ địch, thu thập tin tức âm mưu, ý đồ, thủ đoạn của địch. Trong vai trò cụm phó Cụm điệp báo A 10, tôi đã tổ chức xây dựng được nhiều cơ sở nòng cốt như đồng chí Huỳnh Bá Thành( Ba Trung), lúc bấy giờ là Giám đốc kỹ thuật kiêm thư ký tòa soạn báo Điện Tín, cơ quan ngôn luận chính thức của nhóm Dương Văn Minh. Thông qua đồng chí Thành, cụm đã xây dựng được một mạng lưới ngoại vi làm nòng cốt cho hoạt động của cụm, tác động mạnh trực tiếp vào Dương Văn Minh.

Tôi đã chỉ đạo đồng chí Huỳnh Bá thành sử dụng báo Điện Tín hướng dẫn, vận động dư luận quần chúng theo ý đồ có lợi cho cách mạng. Phân hóa hàng ngũ địch, tổ chức lôi kéo các lực lượng tiến bộ, hòa bình, dân tộc, tập hợp thành lực lượng chống đối Nguyễn Văn Thiệu, lôi kéo các báo khác viết theo khuynh hướng của ta.

Một số dân biểu, nghị sĩ, nhân sĩ, ký giả được ta xây dựng như giáo sư Lý Chánh Trung, dân biểu Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận, ký giả Minh Đỗ, phóng viên nhóm Dương Văn Minh như Phan Xuân Huy, Nguyễn Văn Hồng( Cung Văn), Trương Lộc, Huỳnh Bá Tòng đã trở thành cơ sở ngoại vi của ta.

Ngoài ra, tôi đã tác động, gây áp lực buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Dương Văn Minh đầu hàng. Cụ thể, tháng 3 năm 1975, sau khi tờ Điện Tín bị Thiệu đóng cửa, lãnh đạo chỉ đạo tôi yêu cầu đồng chí Huỳnh Bá Thành tìm cách ở hẳn trong dinh Hoa Lan của tướng Dương Văn Minh.

Cụm A 10 phải bằng mọi cách tấn công chính trị, tác động để Dương Văn Minh thay Nguyễn Văn Thiệu rồi tìm cách giao chính quyền cho cách mạng để đỡ đổ máu.

Trong những ngày kế cận chiến thắng, đồng chí Huỳnh Bá Thành đã góp phần tác động trực tiếp đến Dương Văn Minh để ra tuyên bố án binh bất động trước khi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào trưa ngày 30/4/1975 lịch sử và chỉ đạo cơ sở Phan Xuân Huy( con rể Dương Văn Minh) ngăn chặn không phá cầu Sài Gòn

Với những thành tích, khen thưởng dày đặc, những tưởng ông sẽ hưởng an nhàn khi tuổi đã già, vì sao ông lại chọn con đường chông gai, khi đứng ra thành lập công ty điều dưỡng & cai nghiện ma túy Thanh Đa bằng đồng vốn và kiến thức của chính mình?

Sau giải phóng làm việc tại trại giam Chí Hòa, mỗi ngày bắt về cả trăm con người bị nghiện ma túy, mình phải cắt cơn, điều trị.

Khi nói chuyện tâm tình với các em bị nghiện, thấy người nào cũng có tâm tư đáng buồn, mình lại thấy thương.

Khi làm hội thẩm tại tòa án nhân dân TP HCM, tôi cũng tiếp xúc với rất nhiều đối tượng nghiện ma túy, chứng kiến sự tàn phá ghê gớm của ma túy đối với con người.

Ma túy tàn phá sức khỏe, băng hoại đạo đức, biến dạng nhân cách, để lại hậu quả vô cùng nặng nề không chỉ bản thân người nghiện mà con gia đình và xã hội.

Với kiến thức về ngành y, khi hiểu thêm chuyện lây lan của ma túy, những thủ đoạn của bọn buôn bán ma túy… tôi thấy mình cần  có trách nhiệm làm một việc gì đó để chống lại ma túy, cứu những con người đã lỡ sa chân vào con đường cùng này.

Khoa cắt cơn trong các bệnh viện chỉ cai được 10-15 ngày thì về, nên phần lớn là thất bại, làm thế nào ông có thể tìm ra các phương pháp khoa học để mang lại hiệu quả cao cho phác đồ điều trị cắt cơn?

Khi lập trung tâm này tôi cũng chỉ được học phác đồ cắt cơn cai nghiện đơn giản thôi. Những ngày đầu dùng phác đồ của Bộ Y tế không tác dụng, bệnh nhân về nhà và hầu hết đều tái nghiện. Không những thế còn rất nhiều phản ứng phụ, bệnh nhân thường bị “sảng thuốc”, “xuyên tường- bắt bướm” và dễ bị kích động, gây gổ đánh nhau. Nhiều anh em trong công ty chán nản, không muốn tiếp tục làm công việc này nữa

Tôi phải tự nghiên cứu, đọc sách báo nước ngoài để học hỏi, từ 2003 đến 2009 mới tìm ra phác đồ điều trị cắt cơn bằng Clonidine kết hợp thuốc giải lo âu, an thần và giảm đau vào điều trị. Liều lượng thuốc Clonidine sử dụng giảm chỉ còn 1/3 so với liều điều trị cho phép liều thuốc giảm lo âu, an thần. Giảm đau sử dụng chỉ bằng ½ so với liều cho phép nên sử dụng hết sức an toàn. Phác đồ này đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng, nhưng tại Việt Nam chưa có trung tâm nào điều trị theo phương pháp này.

Hơn 5 năm, mệt mỏi lắm mới ra được công thức cắt cơn, ai cũng thấy hay nhưng chúng tôi toàn phải… áp dụng “lậu” không à. Vất vả hơn nữa là làm thế nào để Bộ Y tế chấp nhận đưa vào quy chế.

May mắn là Phó Giáo sư TS Trần Viết Nghị, nguyên viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần trung ương, Chủ tịch hội Tâm thần học Việt Nam vào thăm Trung tâm Thanh Đa, quan sát 10 ngày thấy phác đồ điều trị cắt cơn bằng Clonidine có kết quả rất tốt, hội chứng cai nhẹ, số hội chứng cai ít, dùng nguyên liệu an toàn, sử dụng liều rất thấp…

Giáo sư Nghị đã mời tôi ra Hà Nội báo cáo trước hội đồng khoa học bệnh viện Bạch Mai và Cục khám chữa bệnh- Bộ Y Tế.

Tự bỏ tiền mua vé máy bay ra Hà Nội, sau buổi báo cáo của tôi, Bộ Y tế đã đồng ý cho Viện sức khỏe tâm thần thực hiện đề tài nghiên cứu “ Nghiên cứu áp dụng Clonidine trong điều trị cắt cơn nghiện các chất dạng thuốc phiện”.

Viện sức khỏe tâm thần sau đó đã mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác cai nghiện toàn quốc. Nhưng để Bộ Y tế ra một quyết định mới rất khó, mình không liều mạng thì không xong.

Đến bây giờ thì dường như họ quên rồi, nên chúng tôi vẫn phải … áp dụng lậu! Tai hại hơn là nhiều nơi vẫn cắt cơn tùm lum, rất ít nơi áp dụng theo phương pháp này

Người nghiện ma túy sợ nhất là… tái nghiện, trung tâm của ông có phương pháp nào hữu hiệu không?

Nhận thấy việc chống tái nghiện nhóm các chất dạng thuốc phiện bằng Naltrexone là phù hợp với điều kiện của học viên cai nghiện tại Thanh Đa nên chúng tôi triển khai khoa Chống tái nghiện.

Đưa 2 bác sĩ và 5 y sĩ tập huấn tại Hà Nội và Vũng Tàu, đầu tư hơn 300 triệu xây dựng khoa Chống tái nghiện, sau khi nghiên cứu, tôi nhận thấy dù sử dụng thuốc Methadone hoặc Naltrexone cũng chỉ là hỗ trợ chống tái nghiện, vấn đề chính là phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy, bắt nguồn từ tư tưởng, nhận thức mà ra. Giải quyết thế nào?

Không thể chỉ tập dưỡng sinh, cho đi lao động là xong, còn nhiều vấn đề khác. Nghiên cứu tài liệu trong ngoài nước, dịch sách báo, càng ngày tôi càng thấu ra cai nghiện là hậu quả từ nhận thức.

Phải tìm hiểu kỹ lý do đi vào ma túy của từng người là gì? Tâm trạng người bệnh ra sao? Nguy cơ, bảo vệ là gì? Khả năng họ yếu mặt gì?

Để từ đó gọt giũa, điều chỉnh, phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách, cũng như rèn luyện tư duy tích cực, kỹ năng sống, để khi gặp ma túy họ phải đối ứng ra sao…

Toàn bộ vấn đề này phải có thời gian lâu dài mới quen được, vì bệnh nhân tổn hại tế bào não, cần có thời gian để não bộ hồi phục dần.

Kết quả điều trị rất khích lệ, sau 8 năm triển khai khoa Chống tái nghiện, công ty đã điều trị cho hơn 1000 học viên, sau một năm điều trị, có hơn 75% số học viên chưa tái nghiện, không còn thèm nhớ và tìm kiếm heroin, 50% các cháu điều trị ngoại trú đã có việc làm.

Tiến sĩ Kenvin P. Muley, cố vấn điều trị nghiện thuộc chương trình hỗ trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đến thăm trung tâm và đưa nhiều đoàn khác đến nghiên cứu. Bà tiến sĩ Nora Doloses Volkow, Giám đốc Viện nghiên cứu ma túy quốc gia Hoa Kỳ cũng đến thăm và đánh giá cao hoạt động khoa Chống tái nghiện, và đã mời tôi qua Hoa Kỳ để báo cáo tham luận…

Theo tôi, cuối cùng giáo dục trị liệu vẫn là quan trọng nhất, kết hợp chặt chẽ các biện pháp tâm lý, xã hội quản lý trên nền tảng cộng đồng trị liệu, giữa trung tâm và học viên, gia đình… để điều trị

Ông có lời khuyên nào với các bậc cha mẹ, nhất là cha mẹ doanh nhân với con cái mình, để giúp con tránh xa cạm bẫy ma túy lúc nào cũng rình rập ngay trước cổng trường?

Đối tượng ma túy không chừa ai hết, người giàu cũng như người nghèo.

Theo tính toán của công an, để mua một tép ma túy 40 ngàn, các em phải bán cho 5 người khác. Con số nghiện ma túy tăng theo cấp số nhân.

Phụ huynh phải luôn theo sát con em mình, chú ý nhất ở các mối quan hệ. Nếu các cháu chơi với nhóm bạn không tốt thì rất dễ dẫn đến nguy cơ ma túy.

Theo sát kỹ sinh hoạt của con cái, nếu thấy rối loạn về sinh hoạt, ăn ngủ thất thường, chơi bời thất thường, bỏ học… phải đưa vào cai nghiện ngay. Đừng để kéo dài gây tổn thương não, điều trị rất mất thời gian.

Các em vào đây phần lớn là từ 18 tuổi đến 30 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người, thời gian chữa rất lâu.

Phải hiểu nghiện ma túy là bệnh mãn tính, khó chữa, cai nghiện phải nhiều lần, nên đừng hỏi tái nghiện bao nhiêu phần trăm.

Cai nghiện tạm gọi là thành công khi trở lại cộng đồng sau 5 năm, mới về làm sao nói tái nghiện.

Chữa cai nghiện rất khó khăn, vì nó nằm trong đầu người ta mà. Sự ham muốn của nó rất khủng khiếp, nên bắt người nghiện chống đối điều này rất khó khăn.

Nhận vào mình trọng trách xã hội nặng nề, nhưng mọi chi phí đều phải tính toán như một công ty tư nhân, khó khăn thách thức về kinh doanh, về sự an toàn có là một áp lực nặng nề với riêng ông?

Tất cả các khoản chi đều phải tính vào chi phí, nhất là lương của nhân viên. Lương phải cao thì anh em mới theo đuổi nghề này. Cán bộ tư vấn ở đây đều có trình độ đại học, nhiều nhất là các em ở đại học Khoa học xã hội & Nhân văn.

Cơ số học viên khoảng 100, học viên nghiện ma túy lại thêm bệnh tâm thần nên điều trị rất gay go, thường xuyên quậy phá làm hư hỏng đồ đạc.

Tôi đã từng bị các em đe dọa đánh nhiều lần, có em còn cầm nguyên cái giá đựng bình nước đập vào người…Có em còn cầm miểng chai đòi cứa cổ bảo vệ…

Lúc nào ở đây cũng trong tình trạng căng thẳng như trong chiến tranh vậy.

Điều gì khiến anh theo đuổi đến cùng công việc nặng nhọc này, dù tuổi đã già, sức đã yếu?

Cái nghiệp thôi, mình phải dính vào. Giúp đời thì có nhiều cách giúp, nhưng cái nghiệp nên mình cứ phải ôm riết.

Nhiều bạn bè nói tôi khối gì cách kinh doanh nhẹ nhàng hơn, là bác sĩ lâu năm trong nghề, có phòng mạch riêng cũng sống khỏe re, việc gì ông phải cực thế này?

Ngày xưa làm tình báo vì con người, bây giờ chống ma túy cũng là để cứu người. Tôi nhờ có tính thiền trong người nên mới làm được công việc nặng nhọc này, bởi đối xử với các em phải bằng tất cả tình yêu thương, không được nổi nóng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải ngoài mềm, trong cứng.

Các em tinh lắm, phải yêu thương thật lòng và dành hết thời gian cho các em, để các em cảm nhận được sự chăm sóc của mình, tâm phục khẩu phục,mới cảm hóa được con người.

Buổi sáng 6 giờ tôi tới trung tâm, 8 giờ tối mới về tới nhà. Mệt mỏi lắm, nhưng niềm vui của mình là sự trưởng thành của từng con người ở đây

Ông thấy mình được gì, mất gì?

Được hiểu biết thêm nhiều về xã hội, phương pháp điều trị, bản thân tôi đã nỗ lực nghiên cứu để xây dựng được Hệ thống lý luận cơ bản và chiến lược cai nghiện phục hồi, chống tái nghiện có hiệu quả, trong đó môi trường trị liệu kết hợp với cộng đồng trị liệu là mô hình riêng của công ty Thanh Đa.

Còn mất đi sự thanh thản, thoải mái. Đáng lý tuổi mình đến giờ là khỏe rồi, nhưng ngày nào vào đây cũng đối diện với những ca bệnh, luôn cảnh giác, đối phó, làm mình bận trí ghê lắm.

Nhưng điều tôi theo đuổi là nghĩ đến trách nhiệm xã hội, vì số người hiểu biết về ma túy rất ít, trong đó có mình..

Cuộc đời tôi tích lũy kinh nghiệm ma túy từ công tác an ninh, y tế, nghiên cứu … thời gian dài, chống ma túy là cái nghiệp rồi nên cứ thế mà đi.

KIM YẾN