'Hậu phương' vững chắc của cựu điệp viên tình báo A10
SKĐS - Để có thể tiếp tục cống hiến cho cộng đồng khi đã nghỉ hưu BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy - Nguyên Cụm phó Cụm điệp báo A10, Ban An ninh Sài Gòn Gia Định, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh) đã có một 'hậu phương' vững chắc.
BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy - nhân vật chính trong tác phẩm "Cựu điệp viên tình báo A10 về già không muốn thảnh thơi an nhàn", tác phẩm đạt Giải Nhì Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI do Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức.
Phóng viên: Thưa ông, để giúp ông có thể toàn tâm toàn ý cống hiến hết mình cho công việc mà ông thấy mình cần phải làm ở tuổi đã nghỉ hưu thì 'hậu phương' của ông (vợ, con, bạn bè, đồng nghiệp…) đã tạo điều kiện, hy sinh cho ông như thế nào?
BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy: Trước hết là nhờ người vợ đảm đang của tôi, bà lo hết mọi việc gia đình. Tôi đi làm từ sáng đến 8h tối mới về. Con cái vợ tôi đưa đón, dạy dỗ. Vợ tôi là một nhà giáo từ năm 1973, bà ấy từng hoạt động nội thành, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, 47 năm tuổi đảng. Vợ tôi là một người hiền lành, nghiêm túc, sống chuẩn mực, biết cái chung, cái riêng. Những năm tháng tôi làm công tác ở Trại giam Chí Hòa, 24/24h tôi ở trại giam, mọi việc giao hết cho vợ tôi đảm nhiệm. Bà ấy vừa làm công việc ở trường vừa chu toàn mọi việc gia đình.
Nhờ có người vợ đảm đang nên tôi không vướng bận gia đình, có thời gian toàn tâm cho công việc. Dĩ nhiên cũng có lúc gia đình tôi rất khó khăn về kinh tế, hai vợ chồng thức đến 1 - 2h sáng để nướng bánh, 3 - 4h sáng đi đưa bán để kiếm tiền nuôi con. Vợ chồng tôi cả đời trong sạch nên sống rất thoải mái, thanh thản trong lòng. Khó khăn chúng tôi cũng đã quen rồi nên không thấy gian khổ nữa.
Thứ hai là con cái. Cũng nhờ vợ lo lắng dạy dỗ kỹ nên các con tôi học hành tốt. Cả hai cháu đều là học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM. Cháu lớn là sinh viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất được học bổng của Trường đại học quốc gia Singapore NUS, cháu học về công nghệ thông tin. Cháu từng là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Việt Nam tại Singapore liên tục nhiều năm.
Cháu thứ hai học Đại học kiến trúc TPHCM, tốt nghiệp kiến trúc sư và làm thiết kế công trình trong một công ty xây dựng đa quốc gia.
Công tác điều trị, cai nghiện ma túy có rất nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí là nguy hiểm. Việc tìm người làm nối tiếp mình không đơn giản, đã có nhiều anh em bạn bè nhiệt tình giúp tôi nhưng chỉ được một thời gian là họ bỏ cuộc vì mệt mỏi và mất niềm tin trong công tác điều trị cho người nghiện ma túy. Tôi nghĩ đến việc nhờ hai con của mình. Cậu nhỏ học và làm kiến trúc sư 10 năm bỏ nghề về làm giúp bố. Tôi nói con làm cai nghiện ma túy học kiến trúc không giúp được gì mấy nên cháu đã đi học thạc sĩ quản lý giáo dục. Những gì căn bản cha con dễ nói chuyện. Đến nay cháu đã nắm tương đối chắc công tác quản lý, bảo vệ, tư vấn tâm lý… Tương lai tôi thấy tạm ổn vì đã có người thay thế. Tôi năm nay cũng 78 tuổi rồi.
Cháu đầu làm công nghệ thông tin tôi cũng nhờ cháu lắp đặt hệ thống hơn 350 camera với 7 hệ thống giám sát camera trong Trung tâm để kiểm soát các hoạt động của học viên 24/7. Có gì trục trặc cháu có thể giúp tôi sửa chữa ngay. Nhờ có hệ thống camera giúp chúng tôi quản lý được nhân viên, học viên của Trung tâm. Thậm chí nhờ hệ thống này đưa lên mạng nên tôi ra Hà Nội vẫn có thể theo dõi được tình hình hoạt động của Trung tâm, của nhân viên, học viên, giải quyết được ngay những khúc mắc về an ninh cho Trung tâm.
Ngoài hệ thống camera, hệ thống điện thoại di động, zalo, vi tính… đều được trang bị phục vụ công tác quản lý của Trung tâm. Làm công tác cai nghiện ma túy không đưa khoa học kỹ thuật vào rất khó làm.
Phóng viên: Xin ông cho biết trong số những người là 'hậu phương' vững chắc của ông người nào đã hy sinh nhiều nhất cho ông?
BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy: Tất nhiên là vợ tôi. Vợ tôi đã hy sinh nhiều, nhất là những lúc tôi phải trực gác liên tục, trăm sự đều nhờ bà ấy. Nhưng người làm cho tôi an tâm nhất chính là các con tôi. Các cháu học giỏi, có khả năng trình độ nên đã giúp tôi rất nhiều trong công tác quản lý của Trung tâm.Phóng viên: Để bù đắp những hy sinh của họ ông đã làm gì, thưa bác sĩ?
BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy: Tôi cố gắng làm tốt nhất có thể công việc mình làm. Vợ con tôi hãnh diện có người chồng, người cha như tôi. Có thể nói Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh) là một Trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện chuẩn mực nhất của cả nước. Trong ít nhất 5 năm gần đây Trung tâm không có bất kỳ một trường hợp trốn trại, không có bạo loạn, bảo vệ không sử dụng dùi cui, roi điện. Chúng tôi có cách quản lý người nghiện ma túy, dùng thuốc chỉ trong một số trường hợp có rối loạn tâm thần, cắt cơn, giải độc, còn dùng các biện pháp tổng hợp, trong đó dùng tình thương để cảm hóa là chính, đem khoa học kỹ thuật vào công tác cai nghiện ma túy, giáo dục điều chỉnh, phục hồi nhận thức, hành vi nhân cách cho người nghiện ma túy, trang bị bản lĩnh, kỹ năng sống, hình thành thói quen tốt, cai nghiện đúng thời gian để người nghiện phục hồi hệ thống não bộ và quên dần ma túy… Đội ngũ cán bộ nhân viên của Trung tâm Thanh Đa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về cai nghiện ma túy trong nước và quốc tế. Bản thân tôi cũng nghiên cứu nhiều công trình cắt cơn nghiện, điều trị cai nghiện ma túy bằng nhiều phương pháp mới…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Mai Hương (thực hiện)