LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY

26 July, 2022

LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY

BS. Nguyễn Minh Tuấn (Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia - Đơn vị Nghiên cứu Điều trị Nghiện Ma túy)


Liệu pháp gia đình cũng như các liệu pháp nhận thức - tập tính, liệu pháp tâm lý nhóm là những lĩnh vực chuyên sâu cần được đào tạo lâu dài về lý thuyết và thực hành mới có thể đem lại kết quả tối đa. Trong hoàn cảnh nước ta, thầy thước chuyên sâu về liệu pháp tâm lý đang còn ít nên ở đây chỉ đề cập đến các nguyên tắc điều trị chuyên sâu và giới thiệu qua các liệu pháp thông thường và giản đơn cho các thầy thuốc không chuyên sâu. Trong liệu pháp gia đình cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Đối với nghiện ma túy, có 2 cách tiếp cận được quan tâm nhiều nhất:

  • - Tiếp cận theo mô hình gia đình hệ thống

  • - Tiếp cận theo mô hình gia đình bị bệnh


1. Cách tiếp cận theo mô hình gia đình hệ thống

  • - Gia đình xem như một hệ thống, mỗi thành viên trong gia đình tác động qua lại với nhau rất chặt chẽ theo quy luật của một hệ thống.

  • - Gia đình là một nhân tố thúc đầy quá trình nghiện ma túy. Nghiện ma túy thường xuất hiện vào những thời điểm gia đình có vấn đề gây stress (ly dị, ly thân, xung đột, kiện cáo, tai nạn v.v).

  • - Đối tượng nghiện ma túy tác động trở lại các thành viên trong gia đình, gây các rối loạn về chức năng, ranh giới, trật tự v.v... đặt việc làm mất cân bằng trong sự hằng định nội môi của gia đình.

  • - Như vậy liệu pháp gia đình nhằm điều trị gia đình như một hệ thống chứ không riêng thành viên nghiện ma túy, phải cùng các thành viên tìm các nhân tố chủ yếu gây mất cân bằng nội môi và tìm các biện pháp lập lại sự cân bằng này.


2. Cách tiếp cận theo mô hình gia đình bị bệnh

  • - Cách tiếp cận này xem nghiện ma túy là một bệnh và tác động qua lại lâu ngày giữa các thành viên nghiện và các thành viên khác sẽ gây ra nhiều biến đổi về tập tính, về thái độ ứng xử, về nhận thức v.v... mang tính chất bệnh lý (bệnh lý tâm thần là chủ yếu) cho những thành viên khác trong gia đình.

  • - Các hiện tượng có tính bệnh lý thường gặp:


  • + Hiện tượng từ chối: Các thành biên trong gia đình không thừa nhận tính chất tai hại của nghiện ma túy (vợ bảo vệ cho chồng, mẹ bảo vệ cho con).

  • + Hiện tượng dung túng: Các thành viên tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên nghiện tiếp tục sử dụng heroin (cho tiền, tránh kiểm tra những việc làm ngoài gia đình của đối tượng, xin cho đối tượng khỏi đến các trung tâm điều trị bắt buộc v.v). Dung túng và từ chối có liên quan chặt chẽ với nhau.

  • + Hiện tượng cùng lệ thuộc: Thường là vợ hay mẹ của đối tượng có hiện tượng này. Thành viên gai đình có hiện tượng cùng lệ thuộc chăm lo quá mức cho đối tượng nghiện, tổ chức cuộc sống của mình xoay quanh đối tượng, lơ là đối với thành viên khác và cả đối với bản thân.


Tất cả những hiện tượng nói trên là những trở ngại lớn cho quyết tâm từ bỏ heroin của thành viên nghiện.


3. Các nguyên tắc điều trị chuyên sâu

Liệu pháp gia đình là một loại liệu pháp tâm lý rất khó thực hiện vì phải tiếp xúc riêng với từng thành viên và họp chung với toàn gia đình, phải biết cách làm cho tất cả đều tự nguyện hợp tác, không bỏ cuộc. Do vậy, nhà điều trị tâm lý:

  • - Phải biết thu thập thông tin chi tiết từ bệnh nhân và các thành viên gia đình để cấu trúc lại một cách đầy đủ và chính xác trạng thái bệnh lý của bệnh nhân cũng như của các thành viên khác. Từ đó mới đề ra được chiến lược điều trị có hiệu quả.

  • - Phải phát hiện những nhân tố làm mất cân bằng nội môi xuất hiện trước và sau khi một thành viên bị nghiện.

  • - Phải khám phá các hiện tượng từ chối, dung túng hay cùng lệ thuộc của các thành viên và đề ra các biện pháp khắc phục (ví dụ: biện pháp tách rời ảnh hưởng giữa thành viên nghiện và thành viên cùng lệ thuộc).

  • - Phải dần dần đưa thành viên nghiện và các thành viên khác đến chỗ thống nhất thực hiện hợp đồng dài hạn "từ bỏ heroin và chống tái nghiện" với các biện pháp cụ thể và khả thi.


Muốn đạt được các nguyên tắc hay mục tiêu nêu ra ở trên nhà điều trị tâm lý phải sử dụng nhiều phương pháp và kỹ năng tâm lý (không có điều kiện mô tả ở đây).


4. Các biện pháp không chuyên sâu

Các biện pháp này không thực hiện riêng lẻ mà thường kết hợp với liệu pháp methadone hay naltrexone để đạt được kết quả cao. Có thể do thầy thuốc không chuyên khoa tâm thần thực hiện.


a. Trong điều trị ngoại trú tại cộng đồng, đối với mỗi bệnh nhân nghiện heroin, yêu cầu phải có một thành viên gia đình đi kèm. Thành viên này phải chọn trong những người mà bệnh nhân tôn trọng và tín nhiệm.


b. Thành viên gia đình đến mấy lần trong tuần và mỗi lần trong thời gian bao lâu sẽ được quy định thông qua bàn bạc giữa thầy thuốc và thành viên gia đình.


c. Trường hợp đặc biệt trong gia đình có thành viên xung đột sâu sắc với bệnh nhân gây trở ngại cho tiến trình điều trị thì thầy thuốc sẽ dành thì giờ gặp thêm thành viên này.


d. Bệnh nhân và thành viên gia đình phải được thầy thuốc giải thích đầy đủ về:

  • - Tác hại của nghiện heroin.

  • - Nhu cầu cấp thiết phải sớm được điều trị và điều trị lâu dài.

  • - Các điều kiện cần thiết để có thể bỏ hẳn heroin.

  • - Các bước trong kết hoạch điều trị.

  • - Những điều mà bệnh nhân và thành viên gia đình nhất thiết phải tuân thủ thực hiện.


đ. Sau kho được giả thích, bệnh nhân và thành viên gia đình phải có đơn tự nguyện xin điều trị và tự nuyện chấp hành nội quy điều trị của Trung tâm.


e. Thành viên gia đình và bệnh nhân được thông báo về các hình thức khen thưởng khi bệnh nhân thực hiện tốt nội quy điều trị và xử phạt khi không thực hiện. Gia đình có phần đóng góp trong các hình thức khen thưởng và xử phạt này.


g. Thành viên gia đình phải thường xuyên thông báo với thầy thuốc về các hành vi không bình thường của bệnh nhân tại gia đình và tại cộng đồng nhất là hành vi sử dụng lại heroin.


h. Thầy thuốc giải thích cho thành viên gia đình về hiện tượng "từ chối", "dung túng" , "cùng lệ thuộc" cũng như các rối loạn trong gia đình (mât tôn ti trật tự, thành viên không thực hiện những chức năng của mình, trở ngại và bế tắc trong tiếp xúc giữa các thành vien v.v) và yêu cầu phát hiện và thông báo đầy đủ các hiện tượng và rối loạn trên.


i. Thầy thuốc cùng thành viên gia đình bàn bạc về kế hoạch giải quyết dần dần từng bước các hiện tượng và rối loạn trên bằng những biện pháp phù hợp với các điều kiện cụ thể của gia đình.