LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH

26 July, 2022

tamlythuchanh.com

LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH

1. Quan niệm gia đình như một hệ thống:

Trong lý thuyết tổng quát của những hệ thống thì hệ thống gồm một cấu trúc với yếu tố tạo thành một hệ thống. Những yếu tố được vận hành theo một quy tắc nhất định. Hệ thống này lại được mở ra, trao đổi với môi trường là hệ thống rộng lớn hơn theo một quy tắc nhất định.

Ở liệu pháp gia đình: gia đình là một hệ thống với mỗi thành viên trong gia đình là các yếu tố cấu thành hệ thống và tác động lẫn nhau.

Khi một yếu tố của hệ thống thay đổi thì tất cả thay đổi. Đó là do tất cả những yếu tố của hệ thống gia đình đều liên hệ mật thiết với nhau. Trong một gia đình, khi một biến cố bề ngoài chỉ ảnh hưởng đến một phần tử, nhưng chính nó lại rung động trên những phần tử khác của gia đình đó.

Một hệ thống không phải đơn giản là tổng số yếu tố kết thành hệ thống đó. Thêm vào mỗi đặc tính cá biệt của mỗi người là quy củ của một gia đình, là những mối quan hệ giữa các phần tử khác nhau trong gia đình và với những người xung quanh.

Trong một hệ thống cởi mở, những quan hệ được giao tiếp theo vòng tròn, không phải theo đường thẳng.

 

Mỗi phần tử của gia đình vừa bị tác động, vừa chủ động trong mối quan hệ hợp nhất họ với những người khác.

Hoàn cảnh hiện tại của một hệ thống (gia đình) có thể xuất phát từ vô số những phản ứng qua lại.

Thí dụ:

Sự việc một phần tử gia đình có những rối loạn mang hình thái phân liệt, không thể chỉ liên quan đến một nguyên nhân duy nhất. Điều này phụ thuộc vào gia đình, vào tổ chức của gia đình, vào lịch sử của gia đình và cùng một bệnh lý có thể do nhiều nguyên nhân.

Khi người ta thử biến đổi một hệ thống (gia đình) thì hệ thống ấy nảy sinh những tác động phản hồi để chống lại sự thay đổi. Đây là khuynh hướng đạt đến cân bằng nội tại của gia đình.

Một hệ thống cởi mở bị phụ thuộc vào những ảnh hưởng của môi trường trong đó hệ thống đang tồn tại. Hệ thống có thể duy trì bằng cách thích nghi với những thay đổi bên ngoài. Một gia đình không đủ khả năng thích nghi với những thay đổi của xã hội, sẽ không còn lối thoát, bế tắc.

Vậy có thể nói: khả năng sinh tồn của một gia đình phụ thuộc vào khả năng đạt đến cân bằng trong nội bộ và năng lực thích nghi với môi trường.

2. Khái niệm bệnh nhân được chỉ định:

Trong liệu pháp gia đình hệ thống, người ta coi như không có cá nhân thành viên bệnh hoạn, mà đúng ra là một phần tử của gia đình được chỉ định để phơi bày ra những triệu chứng được coi là một tổng hợp của một sự trục trặc trong gia đình.

3. Tìm kiếm cơ sở nội tại gia đình của triệu chứng :

Trong trị liệu gia đình, nhà trị liệu cần tìm hiểu:

Cái gì đã cho phép triệu chứng xuất hiện ở thân chủ?

Cái gì đã cho phép một ứng xử mà cả một gia đình phàn nàn vẫn tồn tại?

Đó là triệu chứng có cơ sở của một nội tại của gia đình. Làm sáng tỏ điều đó là điều cần thiết giúp nhà điều trị hiểu được sự vận hành của gia đình, trước khi can thiệp.

Do vậy phương pháp điều trị là điều trị toàn bộ gia đình thay vì chỉ điều trị người bệnh được chỉ định. Mục đích của liệu pháp gia đình hướng tới việc làm thay đổi các mối quan hệ giữa các nhân cách trong gia đình để giúp loại trừ các triệu chứng bệnh lý, cũng  như để đạt tới sự thích nghi xã hội hơn.

Kỹ thuật tiến hành là thông qua tiếp xúc tâm lý với các thành viên trong gia đình. Thông qua tọa đàm tâm lý chung, thầy thuốc phát hiện ra các stress, các rối loạn mối tương quan cảm xúc giữa các thành viên trong gia đình. Từ đó thiết lập lại sự cân bằng bên trong gia đình

 

        Gia đình mất hài hòa                                             Gia đình mất cân bằng  

4. Một số quy trình kỹ thuật.

4.1.Quy trình liệu pháp gia đình

4.1.1.Mục tiêu.

- Phát hiện và huy động các nguồn lực và tiềm năng của sự thay đổi và tiến hoá của gia đình.

- Hỗ trợ sự phát triển và tạo sự thoải mái nhất cho mỗi cá nhân bằng cách tạo mối quan hệ tốt nhất với các thành viên.

 4.1.2.Nguyên lý.

Cơ sở lý thuyết của trị liệu gia đình là thuyết hệ thống và thuyết về giao tiếp. Do vậy có thể coi trị liệu gia đình là trị liệu hệ thống, là một dạng đặc biệt của trị liệu nhóm. Các nhà hệ thống quan niệm người bệnh chỉ là biểu hiện các triệu chứng của toàn bộ hệ thống, vấn đề cốt lõi là cần tác động vào cả hệ thống, tái cấu trúc lại các rối loạn của hệ thống, qua đó hệ thống có tác dụng điều chỉnh tình trạng bệnh lý của người bệnh.

Trong suốt quá trình trị liệu, nhà trị liệu hệ thống luôn quan tâm các khía cạnh cần khai thác :

- Tìm hiểu các sự kiện;

- Nội tâm cá nhân;

- Khuôn mẫu về hành vi giao tiếp;

- Đạo lý về mối quan hệ.

4.1.3.Chỉ định, chống chỉ định

- Chỉ định rộng rãi với tất cả các bệnh lý tâm thần.

4.1.4.Kỹ thuật trị liệu

Về quy trình của một phiên trị liệu hệ thống thường có 4 giai đoạn cơ bản.

Giai đoạn tìm hiểu, thâm nhập vào gia đình :

 Mục tiêu:

- Nhằm phát hiện các yếu tố duy trì trạng thái rối nhiễu tâm lý của người bệnh do các quan hệ giao tiếp không thuận lợi trong gia đình gây ra.

Ở bước này nhà trị liệu cần chẩn đoán tâm lý gia đình ở hai mức độ:

- Chẩn đoán hiện trạng nhằm xác định trạng thái hiện tại của các mối quan hệ gia đình, là những biểu hiện bệnh lý hiện tại ở người bệnh và trong các mối quan hệ gia đình có liên quan tới người bệnh.

- Chẩn đoán bệnh sinh và những nguyên nhân dẫn tới bệnh . Các cứ liệu cần thiết có thể được thu thập qua những buổi phỏng vấn, trò chuyện với từng thành viên gia đình.

 Kỹ thuật :

Trong gia đoạn này nhà trị liệu có thể sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để khai thác tình trạng bệnh lý của người bệnh và những vấn đề của hệ thống :

- Trò chuyện, quan sát;

- Kỹ thuật xây dựng cây phả hệ, khai thác ranh giới, mối quan hệ giữa các thành viên;

- Thực hiện các test tâm lý, đặc biệt test vẽ gia đình;

- Quan sát tại nhà…

Giai đoạn xác định chiến lược trị liệu:

Mục tiêu :

- Tìm hiểu sâu thêm về các vấn đề của hệ thống, các thành viên trong hệ thống. Qua đó xây dựng chiến lược trị liệu cho cả tiến trình và các kỹ thuật cho từng thành viên. Đây là giai đoạn xây dựng chiến lược trị liệu.

- Thiết lập khung trị liệu, hợp đồng trị liệu với gia đình.

Kỹ thuật :

Giai đoạn này nhà trị liệu cần tái cấu trúc lại hệ thống, qua đó đề ra giả thuyết cho tiến trình trị liệu.

Các kỹ thuật sử dụng trong giai đoạn này: Kỹ thuật giải thích hợp lý, các kỹ thuật tham vấn, thảo luận giữa nhà trị liệu và gia đình bệnh nhân, thảo luận giữa các nhà trị liệu thực hiện trong suốt quá trình.

Đây có thể coi là bước chuyển tiếp quan trọng giúp ekip trị liệu xác định đúng hướng trị liệu. Muốn thực hiện tốt điều đó, ekip trị liệu cần thực hiện một số yêu cầu kỹ thuật sau:

- Đưa ra được giả thuyết về hệ thống;

- Thiết lập được khung trị liệu và xác định các kỹ thuật trị liệu cho từng thành viên và cả hệ thống trong từng giai đoạn;

- Hợp đồng điều trị.

Giai đoạn tiến hành tổng thể các liệu pháp :

Mục tiêu :

Ở giai đoạn này, nhà trị liệu cần phải đáp ứng được tiến trình trị liệu với các kỹ thuật liệu pháp đáp ứng được khung trị liệu đã xây dựng ở giai đoạn hai, đồng thời xử lý phù hợp các yếu tố phát sinh.

Kỹ thuật :

Giai đoạn này nhà trị liệu nên tiến hành đồng thời các kỹ thuật liệu pháp đã được xác định với từng thành viên gia đình.

- Kỹ thuật thảo luận gia đình;

- Trị liệu nhận thức hành vi;

- Kỹ thuật video mini trong trị liệu hệ thống;

- Kỹ thuật cái ghế trống;

- Kỹ thuật tâm kịch;

- Trị liệu trò chơi, hình vẽ;….

Giai đoạn kết thúc trị liệu:

Mục đích :

Hoàn tất đợt điều trị theo đúng hợp đồng

Cùng gia đình xây dựng chiến lược ứng phó với các tình huống có thể dẫn tới rối loạn hệ thống.

Kỹ thuật :

- Tổng kết và cấu trúc lại hệ thống bị rối loạn

- Hợp đồng chăm sóc gia đình thường xuyên.

4.2.Kỹ thuật xây dựng cây phả hệ

 Mục tiêu.

- Khai tác các sự kiện, thông tin của hệ thống gia đình thân chủ một cách có chiều sâu và rõ ràng, từ đó có tác dụng như một kỹ thuật giúp chẩn đoán tình trạng của gia đình.

- Giúp thân chủ và các thành viên có nhận thức đúng về cấu trúc gia đình, các mối quan hệ gia đình từ đó thay đổi nhận thức. Bên cạnh đó, khi khai thác sơ đồ phả hệ có tác dụng như một kỹ thuật nhằm bộc lộ những vấn đề nội tâm của gia đình.

- Qua làm việc trên sơ đồ phả hệ giúp nhà trị liệu và thân chủ tạo mối quan hệ tốt đẹp, cảm thông. Qua đó, giúp nhà trị liệu đi sâu vào gia đình của thân chủ, đây là kỹ thuật trong bước 1.

Chất liệu cho việc xây dựng sơ đồ phả hệ.

+ Các thông tin gia đình, thành viên trong gia đình, các mối quan hệ,…

+  Các ký hiệu:

Chú ý :

- Ghi chú chết do nguyên nhân nào ( bệnh, tự tử,…)

- Ghi kết hôn năm nào.

- Sống tại địa điểm do di cư ( kinh tế, đi học,…)

- Gia đình nhỏ chịu tác động bối cảnh của gia đình lớn và xã hội.

- Bí mật liên quan đến chính trị, con ngoài giá thú, trong nhà có người tự tử….

+ Xác định ranh giới của tiểu hệ thống :

- Ranh giới cứng ngắc : ...............Kiểu hệ thống khép kín không giao tiếp bên ngoài.

- Ranh giới không rõ ràng : ...............Kiểu hệ thống chia sẻ hết tất cả.

- Ranh giới rõ ràng : ................. Kiểu hệ thống tuỳ lúc có chia sẻ, có sự tôn trọng lẫn nhau.

- Các ranh giới này  tuỳ thuộc vào sự tiến triển gia đình, tuỳ theo thời gian, theo sự việc

+ Mối quan hệ trong gia đình.

- Liên minh =========   Liên kết này có tính chất cực kỳ khắng khít.

+ Hợp nhất   =========   Liên kết gắn chặt

+ Đồng minh  =========  Liên kết này có tính tiêu cực, phe phái và chống đối người khác.

+ Trong gia đình có vai trò đối xứng và bổ sung.

  • Vai trò đối xứng : Cả hai đều có quyền lực bằng nhau.
  • Vai trò bổ xung : Một người có nhiều quyền lực hơn

 Quy trình.

Việc xây dựng sơ đồ phả hệ cho hệ thống gia đình là một việc rất quan trọng trong cách tiếp cận trị liệu hệ thống. Đòi hỏi nhà trị liệu phải khai thác thông tin một cách chính xác, có chất liệu phong phú và kỹ thuật khai thác mở rộng tốt. Thường sơ đồ phả hệ được xây dựng lại theo từng buổi trị liệu ( ngoài ra còn có sơ đồ phả hệ tưởng tượng).

 Thâm nhập và khai thác thông tin.

Mục tiêu: Xây dựng mối quan hệ với thân chủ và các thành viên trong hệ thống, qua đó thâm nhập vào hệ thống.

Kỹ thuật : Gợi mở, lắng nghe, đồng cảm,…

Gặp gỡ tất cả thành viên của hệ thống, khai thác các thông tin, hoàn toàn không đưa ra lời nhận xét nào cả.

 Xây dựng sơ đồ phả hệ.

Mục tiêu: Xây dựng sơ đồ cấu trúc của hệ thống, xác định các mục tiêu cần thay đồi hoặc các mục tiêu cần tác động.

Kỹ thuật : Cùng với thân chủ hoặc các thành viên xây dựng các chi tiết của sơ đồ phả hệ. Sử dụng các ký hiệu.

Giải mã sơ đồ phả hệ.

Mục tiêu : Nhà trị liệu phải giải mã các chi tiết có trong sơ đồ, qua đó xác định lại các mục tiêu.

Kỹ thuật: Đòi hỏi nhà trị liệu có hiểu biết về các ký hiệu của sơ đồ phả hệ. Bên cạnh đó, cấu trúc lại các thông tin khai thác từ thân chủ.

Tái cấu trúc hệ thống.

Ở bước này, nhà trị liệu cùng thân chủ thảo luận những vấn đề đã xây dựng từ sơ đồ phả hệ, qua đó thân chủ hiểu sâu sắc hơn về hệ thống cấu trúc của bản thân.

Cùng thảo luận với thân chủ, các thành viên về các vấn đề có thể thay đổi trong phả hệ, qua đó giúp thân chủ bộc lộ những suy nghĩ của cá nhân và tự hình dung con đường thay đổi bản thân cho phù hợp với cấu trúc hệ thống.

4.3.Kỹ thuật Video Mi Ni

 Mục tiêu.

Tiếp cận trị liệu gia đình theo hướng hệ thống xác định rõ, thân chủ cần điều trị chỉ là triệu chứng của cả hệ thống gia đình bệnh lý. Chính vì vậy, vấn đề ở trong trị liêu là phải giúp đỡ và cải thiện tất cả các thành viên trong hệ thống nhận thức rõ vai trò của mình và các lỗi hệ thống nhằm tái cấu trúc lại.

Kỹ thuật Video nhằm giúp các thành viên trong gia đình tiếp cận các vấn đề của chính mình một cách tường minh, khách quan và rõ ràng hơn.

 Quy trình kỹ thuật.

 Thiết lập khung trị liệu.

Trị liệu theo kỹ thuật này cần có các phương tiện: Một máy quay camera tự động, phòng có gương một chiều với đầy đủ phương tiện trị liệu như máy chiếu video,…

Phòng trị liệu yên tĩnh, không gian vừa rộng, ấm cúng phù hợp cho tiến trình trị liệu gia đình.

Kỹ thuật trị liệu này cũng có thể tiến hành tại gia đình thân chủ.

Quy trình trị liệu.

Bước 1: Xác định mục tiêu cần thay đổi.

Mục tiêu:

Ở bước này, nhà trị liệu sau khi lắng nghe các vấn đề của hệ thống, cần xác định mục tiêu quan trọng cần thay đổi, đặc biệt các vấn đề nhận thức và hành vi của  một thành viên trong hệ thống làm ảnh hưởng đến thân chủ hoặc các thành viên khác của hệ thống. Qua đó, xác định được hành vi hoặc vấn đề nhận thức cần thay đổi.

Kỹ thuật :

Mời các thành viên trong hệ thống cùng thảo luận về vấn đề mà thân chủ đang gặp phải. Qua đó nhận biết vấn đề cần thay đổi.

Ví dụ : Vấn đề sợ đi học của trẻ là do trẻ chưa chuẩn bị kỹ tâm lý trước khi đi học hoặc trẻ quá bám mẹ nên chuyện đi học là khó khăn.

Trẻ không chịu ăn là do cách chuẩn bị bữa ăn cho trẻ của gia đình, món ăn chưa ngon, chưa phù hợp.

Bước 2: Chuẩn bị nội dung Video.

Ở bước này có hai phương pháp để chuẩn bị nội dung đoạn Video.

+ Phương pháp 1: Đề nghị những người thân trong gia đình thân chủ quay một đoạn Video mini về cảnh sinh hoạt tại gia đình hoặc một hoàn cảnh nào đó giữa thân chủ và người thân trong gia đình, những cảnh quay này phải phù hợp với nội dung vấn đề cần thay đổi ở thân chủ hoặc các thành viên trong gia đình.

Ví dụ : Yêu cầu quay cảnh cha mẹ chuẩn bị đưa trẻ đi học với đứa trẻ sợ đến trường.

Quay cảnh mẹ chuẩn bị và cho trẻ ăn khi đứa trẻ lười ăn,….

+ Phương pháp 2: Đề nghị thân chủ cùng người thân trong gia đình tham gia vào các hoạt động tại phòng điều trị và máy quay tự động không để cho những người tham gia biết.

Đoạn Video phải đạt yêu cầu là rất ngắn ( thường khoảng không quá 2 phút) nhưng chứa đựng được nội dung thảo luận.

Bước 3: Thảo luận vấn đề.

Mục tiêu: Mục tiêu cơ bản ở bước này là giúp các thành viên tham gia các hoạt động thay đổi có cách nhìn rõ ràng hơn về bản thân. Từ đó có nhận thức đúng đắn về các mối quan hệ và sự lỏng lẻo của cấu trúc. Qua đó có hướng thay đổi bản thân, thay đổi sự việc cho phù hợp với điều kiện của cấu trúc.

Kỹ thuật:

+ Chiếu đoạn Video mini mới quay được cho thân chủ hoặc các thành viên cùng xem với nhà trị liệu.

+ Cùng thảo luận với thân chủ hoặc các thành viên về nội dung đoạn Video, cho thân chủ hoặc các thành viên xem nhiều lần. Nhà trị liệu không nói gì đến các yếu tố gây rối loạn cấu trúc mà chỉ thảo luận xung quanh các ý tưởng của đoạn Video.

Bước 4. Kết thúc phiên trị liệu.

Ở bước này sau khi nhà trị liệu và thân chủ đã thảo luận với nhau về các vấn đề, ý tưởng, nội dung của đoạn Video. Nhà trị liệu giúp thân chủ nhận thấy vấn đề cần thay đổi để phù hợp với cấu trúc của gia đình. Xây dựng lại hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh và điều chỉnh nhận thức của các thành viên.

4.4.Kỹ thuật phép ẩn dụ

Trong trị liệu gia đình nói riêng và trị liệu tâm lý nói chung, làm việc trên hình ảnh hoặc cấu chuyện ẩn dụ là cách làm việc với thân chủ một cách gián tiếp, không nêu đích danh vấn đề thực tại mà thân chủ đang trải qua, chỉ dùng những hình ảnh, đồ vật, hoặc câu truyện như một phương tiện ẩn dụ chuyển tải thông tin sự kiện của thân chủ. Kỹ thuật này nhằm tránh cho thân chủ những nỗi sợ hãi, khó khăn tâm lý, sự kích động thực sự mà thân chủ đang phải trải qua một cách khó khăn.

Việc thực hiện gồm 3 bước:

Bước 1: Xây dựng hình ảnh ẩn dụ.

Sau khi lắng nghe vấn đề của thân chủ, nhà trị liệu hoặc là tìm một hình ảnh, hoặc một câu chuyện ẩn dụ. Hoặc là cùng với thân chủ thảo luận vấn đề của họ để cùng đưa ra ý tưởng hình ảnh ẩn dụ. Hình ảnh ẩn dụ này phải chứa đựng nội dung có ý nghĩa về một người hay sự việc có liên quan đến thân chủ và các vấn đề của thân chủ hoặc vấn đề của hệ thống.

Tuy nhiên, thường là ở bước này nhà trị liệu để thân chủ hoặc gia đình tự xây dựng câu chuyện và hình ảnh ẩn dụ cho mình.

Bước 2: Thảo luận.

Nhà trị liệu thảo luận về hình ảnh hay câu chuyện ẩn dụ với thân chủ. Các câu thảo luận, hoặc câu hỏi là những câu hỏi và vấn đề mở, hoàn toàn không được thảo luận các vấn đề thật của thân chủ và gia đình họ đang trải qua, chỉ thảo luận về những hình ảnh, câu chuyện ẩn dụ.

Bước 3 : Diễn giải.

Cùng thân chủ diễn giải các vấn đề đã đặt ra ở bước 2.

Các vấn đề diễn giải hoàn toàn không định hướng và không được đánh giá hay phê phán vấn đề của thân chủ hoặc gia đình. Nhà trị liệu tôn trọng ý kiến của thân chủ, để các hình ảnh ẩn dụ bay bổng với các ý kiến diễn giải của cả thân chủ, gia đình và nhà trị liệu.

Tuyệt đối theo nguyên tắc : Chỉ diễn giải các vấn đề của hình ảnh hay câu chuyện ẩn dụ, không diễn giải các vấn đề của thân chủ và gia đình.

 Nguyên tắc :

- Cần hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình về hình ảnh hay câu chuyện ẩn dụ.

- Ở thế giới ẩn dụ, càng nhiều thì tác động càng tốt. Nhà trị liệu vừa cảm nhận, vừa phân tích , lý giải. Đối với gia đình chỉ yêu cầu cảm nhận chứ không lý giải .

- Phép ẩn dụ có thể liên quan đến nhiều chiều kích khác nhau trong trị liệu: một hình ảnh ẩn dụ có thể liên quan đến những sự kiện trong thực tế khách quan, các diễn biến trong nội tâm, hoặc cũng có thể sử dụng hình ảnh ẩn dụ để liên hệ đến các tương tác và các mối quan hệ giữa người với người.

4.5.Kỹ thuật tâm kịch

 Mục đích.

- Giúp thân chủ bộc lộ những cảm xúc và những trải nghiệm vô thức, từ đó có tác dụng như một kỹ thuật động lực tâm thần.

- Qua vở kịch, những ý tưởng và hành vi của kịch cảnh giúp thân chủ có nhận thức đúng đắn và thay đổi những hành vi không phù hợp.

 Nguyên lý.

Cơ sở tác động điều trị của liệu pháp này là giải toả các xung đột dồn nén , làm sảng khoái tinh thần, tạo tâm trạng thư thái vì nó tháo gỡ những vướng mắc về xúc cảm tình cảm , tư tưởng, nhận thức và cả cơ thể …. Nguồn gốc của giải toả , theo Morenon là tính tự phát được hiểu là khả năng thân chủ phản ứng phù hợp với những tình huống, hoàn cảnh xuất hiện đột ngột. Thường thường, những người bị các rối nhiễu tâm lý hay rối loạn tâm thần có những thiếu hụt nào đó về kỹ năng giao tiếp, ít có khả năng ứng phó kịp thời phù hợp với hoàn cảnh . Hơn nữa , họ còn bị rối loạn cân bằng giữa thế giới thực và thế giới tưởng tượng.

Chỉ định và chông chỉ định.

Chỉ định:

- Các rối loạn tâm căn : lo âu, trầm cảm, …

-Các rối loạn hành vi, cảm xúc ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

- Tâm thần phân liệt ổn định….

Chống chỉ định:

Các trường hợp loạn thần cấp, chậm phát triển tâm thần nặng.

Kỹ thuật.

Thiết lập khung trị liệu:

- Về không gian : Trị liệu tâm kịch phải được thiết kế bởi một phòng rộng vừa đủ cho khoảng 10 người trong phiên trị liệu. Phòng phải đủ thoáng , mát và không ồn ào, cách xa sự chú ý của những người xung quanh cũng nhưng không thể làm những người tham gia trị liệu phân tâm, luôn tạo sự tin tưởng trong phiên trị liệu.

- Trong một phiên trị liệu ít nhất có sự tham gia của từ 2 nhà trị liệu trở lên. Một người đóng vai trò như người dẫn chương trình còn người kia nhưng một người ghi chép khách quan, sau đó lý giải những tình huống đã xảy ra.

- Thời gian cho một buổi trị liệu thường kéo dài đến 1 giờ. Thời gian cho một tiến trình trị liệu không giới hạn, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, đánh giá của nhà trị liệu,…

- Nguyên tắc quan trọng nhất trong trị liệu tâm kịch là sự bảo mật thông tin. Nguyên tắc này phải được thiết lập ngay từ đầu, các thành viên trong phiên trị liệu thống nhất và tôn trọng thông tin cá nhân của từng thành viên , không được lấy thông tin đó phát tán ra ngoài, hay dùng nó như một cách để vì mục đích cá nhân. Tốt nhất phải có hợp đồng rõ ràng trước khi bắt tay vào trị liệu.

- Trước phiên trị liệu, nhà trị liệu phải tiên lượng được những tình huống có thể xảy ra trong quá trình điều trị. Muốn vậy nhà trị liệu cần phải tìm hiểu thân chủ của mình thật kỹ trước khi bắt đầu trị liệu. Có kế hoạch từng giai đoạn trị liệu rõ ràng và thường chủ động trong phiên trị liệu.

 Quy trình một buổi trị liệu tâm kịch.

( Một phiên trị liệu tâm kịch thường trải qua 4 gia đoạn )

Bước 1 : Xây dựng chủ đề của buổi trị liệu.

Trong bước này, mọi người ngồi trên ghế thành vòng tròn, tất cả mọi người tham dự được yêu cầu tìm một chủ đề để tạo ra một kịch cảnh. Mỗi người kể điều mà họ nghĩ  hay tưởng tượng ra trong tuần lễ trước, chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ hay họ mơ tưởng chuyện gì. Một cuộc trao đổi quanh câu chuyện kể sẽ dần dần hình thành và từ đó thoát ra chủ đề yêu thích hay chủ đề cả nhóm cùng quan tâm. Nếu ai đó nói điều gì có vẻ kích thích sự xúc động hay trí tưởng tượng của những người khác , điều anh ta nói sẽ được dùng làm khởi điểm cho kịch cảnh.

Trong giai đoạn này, nhà trị liệu là người khơi gợi và hướng dẫn thân chủ kể về câu chuyện của họ. Sau đó cùng thống nhất với nhóm về chủ đề sẽ trở thành kịch cảnh trong quá trình trị liệu.

Giai đoạn này thường kéo dài  5 – 10 phút của một phiên trị liệu.

Bước 2: Chuẩn bị cho vở kịch.

Ở bước này, nhà trị liệu và nhóm xây dựng vở kịch từ chủ đề đã chọn, một kịch cảnh tưởng tượng được hình thành với những nhân vật như ông bố, bà mẹ, gia đình hay các đồng nghiệp,… Bên cạnh đó, những người tham gia cũng có thể thủ vai các con vật hay đồ đạc quen thuộc trong cuộc sống và là chứng nhân của cuộc sống đã được gợi ra. Một khi kịch cảnh đã được xây dựng , các vai diễn lộ ra và người thủ vai được chọn, thường là các thành viên tự chọn vai mình thích hoặc tâm đắc. Sau đó, việc chọn vai được cả nhóm bàn bạc và cuối cùng , khi các bước chuẩn bị đã xong, vở diễn có thể bắt đầu.

Giai đoạn này thường kéo dài 5 – 10 phút.

Bước 3: Diễn tiến của vở diễn.

Khi đã chuẩn bị xong về kịch cảnh và công việc phân vai đã xong, vở diễn sẽ bắt đầu với những tình tiết đã được xác định từ bước đầu. Tuy nhiên, vở diễn thường có những tình huống bất ngờ đối với diễn viên. Những ý tưởng ban đầu chỉ là những nét sơ thảo của vở diễn. Mỗi diễn viên có thể có khả năng thêm vào vai diễn của mình những tình tiết cá nhân của cuộc đời mình, cuộc đời này cũng được đưa vào vở diễn và chủ đề của tâm kịch, cho dù là người khác khởi xướng, cũng được dùng để đưa vào vở diễn một cái gì đó của cuộc đời cá nhân. Qua đó bộc lộ những cảm xúc và những ám ảnh bị dồn nén. Nó sẽ kích thích những biểu diễn và làm nảy sinh những hồi tưởng, những sống thực, những sống thực này có thể được nói ở buổi trị liệu sau, trước mỗi buổi trị liệu.

Giai đoạn này, nhà trị liệu như người hướng dẫn, không được can thiệp quá sâu vào cảm xúc thân chủ, tạo cho thân chủ cảm giác có thể bộc lộ những yếu tố  bản thân. Nhà trị liệu thứ 2 là người ghi chép trung thành.

Giai đoạn này thường kéo dài 20 – 30 phút.

Bước 4: Kết thúc buổi trị liệu.

Sau một thời gian diễn kịch, nhà trị liệu vẫn ngồi và quyết định sẽ ngưng diễn hay không, xem như đã có đủ những sự việc được tỏ bày để hình thành một ý tưởng, một giả thiết. Mọi người sẽ ngồi lại lên ghế của mình và chia sẻ những cảm tưởng, những suy nghĩ  đã được kịch cảnh gợi ra, những kỷ niệm có thể đã đến với tâm trí mình…, đây chính là dịp để nhà trị liệu tham gia trò chơi và nhà trị liệu vai trò quan sát đưa ra những lý giải , nhưng điều này không nhất thiết phải có vì thường cuối cùng thì thân chủ cũng tỏ ra có khả năng về việc này.

Kết thúc buổi trị liệu, nhà trị liệu cần nhắc lại quy ước từ đầu buổi trị liệu. Yêu cầu nhóm làm một số kỹ thuật thư giãn và tuyên bố kết thúc buổi trị liệu.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ