Methadone có giúp cai nghiện?

18 August, 2022

Methadone có giúp cai nghiện?


Khi Methadone được đưa vào thử nghiệm, nhiều người đã lầm tưởng rằng, đây là một loại thuốc cai nghiện. Song trên thực tế, đó chỉ là một loại thuốc dùng điều trị thay thế. Để hiểu rõ về loại thuốc này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa phóng viên VTV với ông Trần Xuân Sắc, Trưởng phòng 06, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội.

Ảnh:pharmascience.com


P.V: Xin ông cho biết sơ lược về Methadone?


Ông Trần Xuân Sắc: Trước hết tôi xin nhấn mạnh, Methadone là một loại ma tuý hợp pháp, công thức của nó giống các loại ma tuý thuộc nhóm opiat (heroin là một loại ma tuý thuộc nhóm này). Hợp pháp vì con người sản xuất ra để thay thế các loại ma tuý bất hợp pháp khác của nhóm opiat. Nhấn mạnh điều này vì, rất nhiều người nhầm đây là thuốc cai nghiện.


Là ma tuý, song Methadone có ưu điểm là không tăng liều. Thứ hai là, thuốc có thể dùng để duy trì cho người lệ thuộc vào ma tuý nhóm opiat sinh hoạt, làm việc bình thường. Ưu điểm thứ ba là, việc uống thuốc có thể giảm lây nhiễm HIV do tiêm chích gây ra, có tới 70-90% người nhiễm HIV là do chích ma tuý.


Ngoài ra, do người nghiện khi dùng Methadone vẫn có thể lao động bình thường, nên việc sử dụng này tạm thời có thể giảm được tội phạm "làm liều" do thiếu tiền mua thuốc.


Mặc dù vậy, do bản thân nó là ma tuý thì khi sử dụng liên tục, con người vẫn lệ thuộc vào nó, và lệ thuộc suốt đời.


P.V: Như vậy, Methadone không có tác dụng với những người nghiện loại ma tuý không thuộc nhóm opiat?


Ông Trần Xuân Sắc: Đúng là thuốc chỉ có tác dụng với những người nghiện ma tuý thuộc nhóm opiat mà thôi. Với loại ma tuý không thuộc nhóm này (ví dụ như thuốc lắc) không những Methadone không có tác dụng, mà còn có thể xảy ra trường hợp người được điều trị Methadone vẫn có thể dùng "đá" thêm ma tuý khác.


P.V: Nhấn mạnh Methadone là ma tuý hợp pháp, ông muốn nói tới điều gì?


Ông Trần Xuân Sắc: Tôi muốn nhấn mạnh đến hiện tượng do thiếu thông tin nên nhiều người có con em nghiện ma tuý và một số lãnh đạo địa phương nhầm đây là phương thức thuốc cai nghiện, thực ra đây chỉ là phương thức giảm tác hại, duy trì sức làm việc cho người nghiện. Một số nhà quản lý, một số gia đình đã nhầm lẫn khi cho con (bị nghiện) dùng Methadone để đỡ vật vã.


Tôi cũng muốn nhấn mạnh hiện tượng nếu ta không quản lý tốt, rất có thể sẽ hình thành thị trường ma tuý hợp pháp. Nếu không quản lý tốt, như ở nhiều nước, người nghiện có thể vờ uống rồi nhả thuốc ra, sau đó mang bán cho người khác.


Tôi cũng muốn lưu ý, khi điều trị phải chọn đối tượng cẩn thận. Nếu đối tượng nghiện nặng, lâu ngày và nhiễm HIV rồi thì nên sử dụng Methadone với sự chỉ dẫn của bác sĩ, thuốc sẽ có tác dụng tốt với nhóm người này. Trái lại, người mới nghiện lại dùng Methadone thì chẳng khác nào ta sẽ làm cho người đó phụ thuộc thuốc đến hết đời.


Về phương hướng, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ nên thí điểm tiếp hay mở rộng. Nhưng tôi muốn nói, nếu chỉ dùng Methadone mà không tạo việc làm cho người nghiệnm thì kết quả sẽ khó bền vững. Do chán nản, người nghiện có thể tái nghiện một loại ma tuý khác.


P.V: Nhiều gia đình có người nghiện khi nghe nói đến Methadone đã rất kỳ vọng, nhưng rồi lại thất vọng: Hoá ra thuốc không thần diệu như họ nghĩ. Ông suy nghĩ gì về điều này?


Ông Trần Xuân Sắc: Đúng là như vậy. Tôi nghĩ, các gia đình nên chú ý nhiều hơn để con em không nghiện. Trường hợp có con cái mắc nghiện, phải chú ý đến nguyên tắc rất quan trọng của cai nghiện là phải điều trị sớm, ngay khi người nghiện có dấu hiệu phụ thuộc thuốc. Điều nguy hiểm và đáng tiếc nhất là, một số gia đình vì sợ mang tiếng nên đã giấu giếm khi có con nghiện, đến khi nghiện nặng rồi thì cai rất khó. Khi điều trị cũng cần điều trị toàn diện, nghĩa là điều trị cả y tế cả mặt xã hội, tư vấn tâm lý giải toả streess và giáo dục tình yêu cuộc sống.


P.V: Xin cảm ơn ông!